“Quan bộ”, “quan sở” dễ dàng được nghệ sĩ nhân dân

“Quan bộ”, “quan sở” dễ dàng được nghệ sĩ nhân dân
Câu chuyện phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) râm ran suốt hơn nửa tháng qua vẫn chưa hạ nhiệt. Và nhiều người dự đoán sẽ khó có thể hạ nhiệt khi những khúc mắc của việc xét tặng danh hiệu còn chưa được làm rõ.

Theo Nghị định 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND phải có các tiêu chuẩn như trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT. Tuy nhiên, trên một tờ báo ngày 14-7, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng hội đồng duyệt nắm quyền quyết định hoàn toàn trong việc xét duyệt danh hiệu. Nếu nghệ sĩ có số huy chương theo đúng tiêu chí nhưng lại không đủ sức lan tỏa thì có thể bị đánh trượt, hoặc thiếu huy chương nhưng đủ sức lan tỏa thì cũng có thể được duyệt. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu khẳng định: “Tất cả là do hội đồng đánh giá”.

 

Nghệ sĩ Quốc Chiêm trong vở nàng Si-ta Ảnh: BÁ LỤC
Nghệ sĩ Quốc Chiêm trong vở nàng Si-ta Ảnh: BÁ LỤC

 

Chính vì việc hội đồng duyệt có quyền quyết định hoàn toàn như lời ông Thọ nên nhiều nghệ sĩ, mà theo số đông công chúng, hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu NSND vì những cống hiến rất lớn cho nghệ thuật của họ, như Chí Trung, Minh Hằng, Thanh Ngoan, Xuân Hinh, Minh Thu..., không có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND của hội đồng xét tặng cấp nhà nước lần này, gây bức xúc trong xã hội.

Minh chứng cho quyền lực của Hội đồng xét duyệt, NSND Lê Tiến Thọ dẫn chứng trường hợp nghệ sĩ Chí Trung bị đánh trượt là do chỉ có 10/14 phiếu đồng ý của hội đồng (yêu cầu xét duyệt là phải đủ 90% số phiếu của hội đồng tán thành).

Trong khi đó, không ít nghệ sĩ là quan chức của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), sở VH-TT-DL, như ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; ông Ngô Hoàng Quân, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT-DL; ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội…, lại có tên trong danh sách được xét tặng danh hiệu NSND lần này, dù từ lúc làm quản lý, khán giả không mấy khi thấy họ xuất hiện trên sân khấu.

Trong bảng tóm tắt thành tích, ông Trần Quốc Chiêm được xét tặng danh hiệu NSƯT từ năm 1997, từ đó đến nay, ông đã có thêm một giải bạc vai thừa tướng Bố Thị Phương trong vở “Trương Biên”, Liên hoan Sân khấu chèo truyền thống 2001; giải vàng vai Pơ Liêm trong vở “Nàng Si-ta” ở Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ 2013 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Quy đổi giải vàng này, ông Chiêm chỉ có 2/3 huy chương vàng quốc gia, tức là so với tiêu chuẩn số huy chương cần thiết thì còn thiếu 1 + 1/3 huy chương vàng nữa mới đủ. Lý giải cho việc tại sao ông Chiêm vẫn được 100% số phiếu của các thành viên hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước, một thành viên của hội đồng này cho biết trong hồ sơ bổ sung sau đó, ông Chiêm đứng tên chỉ đạo 6 đoàn nghệ thuật của Hà Nội, đoàn nào được huy chương vàng là ông được nhận 1/3 huy chương. Chính vì thế mà ông Chiêm đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND với chức danh chỉ đạo nghệ thuật.

Rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng về những bất cập trong xét tặng danh hiệu. Những yêu cầu cứng nhắc về số huy chương đã biến những hội diễn là nơi chạy đua giành huy chương để xét danh hiệu. Thêm vào đó, quyền quyết định “tối cao” đôi khi lại rất cảm tính của các hội đồng xét tặng đã khiến nhiều nghệ sĩ của nhân dân mãi mãi xa vời với phần thưởng của nhà nước đáng ra phải dành cho họ.

 

Hoàng Lan Anh
 

Tiếc gì danh hiệu NSND?





NSƯT Minh Vương buồn bã nói: “Có thể chờ một vé vớt, đó là đến khi lìa đời như một vài đồng nghiệp. Lúc đó, các văn nghệ sĩ là bạn bè có mặt ở đám tang cùng ký tên vào đơn kiến nghị nhà nước truy tặng danh hiệu NSND cho tôi”

 

Sau đám tang GS-TS Trần Văn Khê, NSND Kim Cương tiếp tục gõ cửa các cơ quan chức năng để đặt vấn đề vì sao đợt xét duyệt danh hiệu NSND lần này lại không thể đặc cách cho 2 trường hợp mà theo bà là vô cùng xứng đáng, gồm: NSƯT Út Bạch Lan và NSƯT Minh Vương.

Quá thiệt thòi!

“Về công lao đóng góp của 2 nghệ sĩ sân khấu cải lương này thì báo chí đã giới thiệu, phân tích rất sâu và kỹ. Họ là 2 ngôi sao lớn của sân khấu cải lương mà tên tuổi được đồng nghiệp kính trọng, công chúng trong và ngoài nước đều yêu mến. Tại sao những người được ngồi trong hội đồng xét duyệt lại không xem xét đề nghị đặc cách để trao tặng phần thưởng xứng đáng của nhà nước cho 2 nghệ sĩ này?” - NSND Kim Cương đặt câu hỏi.

 

 

 

NSƯT Minh Vương và NSƯT Út Bạch Lan

NSƯT Minh Vương và NSƯT Út Bạch Lan

 

Khi các nghệ sĩ cùng trang lứa với nhau, cùng là ngôi sao một thời và cùng có vị trí trong lòng công chúng như nhau: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... đều đã được xét đặc cách trao tặng danh hiệu NSND, NSND Kim Cương thấy 2 đồng nghiệp còn lại của bà quá thiệt thòi nên đã gõ cửa nhiều nơi để “hỏi cho ra lẽ”.

Bà đã từng đặt ra vấn đề này trực tiếp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi ông đến thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ NSND Bảy Nam trong ngày 28 Tết Ất Mùi.

Là thành viên trong hội đồng xét duyệt danh hiệu NSND - NSƯT vào ngày 9-7, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nói: “Hội đồng chỉ xét duyệt trên cơ sở danh sách từ địa phương chuyển lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nếu từ địa phương không có đề xuất đặc cách như đợt xét duyệt trước thì hội đồng cấp bộ không thể tự đặc cách”.

Buồn thay, trong danh sách mà hội đồng xét đề nghị nhà nước trao tặng NSND, NSƯT của TP HCM gửi lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không có nghệ sĩ được đề nghị đặc cách như những năm trước. NSƯT Minh Vương buồn bã nói: “Có thể chờ một vé vớt, đó là đến khi lìa đời như một vài đồng nghiệp. Lúc đó, các văn nghệ sĩ là bạn bè có mặt ở đám tang cùng ký tên vào đơn kiến nghị nhà nước truy tặng danh hiệu NSND cho tôi”. Riêng NSƯT Út Bạch Lan không bình luận mà chỉ cười và bày tỏ lòng biết ơn đối với NSND Kim Cương khi đã liên tục kiến nghị đặc cách cho bà và người đã đoạt giải Khôi nguyên Vọng cổ 1964 là NSƯT Minh Vương.

Phải xét cho thấu tình, đạt lý

Theo NSND Kim Cương, sân khấu phía Nam nhiều năm qua là điểm sáng của cả nước nhờ phát triển mô hình sân khấu xã hội hóa. Nghệ sĩ bỏ tiền làm sàn diễn, tụ họp đồng nghiệp dựng vở biểu diễn phục vụ công chúng. Vì vậy, họ không có cơ hội hay nói đúng hơn là không có điều kiện để đến với các liên hoan, hội diễn vì chẳng ai cấp kinh phí như các đoàn nhà nước. Tháng ngày bám sàn diễn để cống hiến cho sân khấu, mỗi tấm vé khán giả ủng hộ cho mỗi suất diễn vừa giúp họ mưu sinh chân chính và tái tạo sức sáng tạo bằng tài năng của mình. “Cá nhân mỗi nghệ sĩ lấy đâu ra điều kiện để dựng vở dự liên hoan, để cơm ghe bè bạn ra tận các tỉnh - thành xa xôi như các nghệ sĩ biên chế trong các đoàn của nhà nước. Họ không dự liên hoan đồng nghĩa không có huy chương vàng (HCV), huy chương bạc (HCB) để đủ tiêu chí xét duyệt. Điều này bất hợp lý mà vẫn cứ tồn tại, để sau mỗi đợt xét duyệt lại dấy lên trong lòng nghệ sĩ nỗi buồn” - NSND Kim Cương phân tích.

Theo bà, chẳng thà đừng xét tặng còn hơn, nếu xét thì phải xét cho thấu tình, đạt lý bởi sân khấu mang tính đặc thù, là công trình tập thể thì cơ chế xét duyệt cũng cần xem xét tính đặc thù đó. Việc đặc cách đợt trước rất được dư luận văn nghệ sĩ cả nước đồng tình, đợt này tại sao lại ngừng?

NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng (Nhà hát Tuổi trẻ) bị loại khỏi danh sách xét phong danh hiệu NSND vì lý do chưa đủ số huy chương tham gia liên hoan sân khấu. NSƯT Xuân Hinh, Minh Vượng, Minh Thu cũng đồng số phận. Ví von trường hợp của mình, hề chèo trứ danh Xuân Hinh nói: “20 năm trước, tôi đã bị đánh trượt; năm nay, tôi lại tiếp tục bị trượt. Tôi đồng tình với phát biểu của NSND Kim Cương khi cho rằng sân khấu phía Nam được đánh giá cao là nhờ có mô hình sân khấu xã hội hóa nhưng họ thiệt thòi vì không có sân chơi đúng nghĩa để các sân khấu thi thố với nhau thì đào đâu ra HCV để đủ chuẩn. Còn sân khấu phía Bắc, phải nói thẳng rằng các vở dự liên hoan, khán giả đi xem bằng vé mời vỗ tay ầm ầm rồi tiễn vở diễn vào kho. Danh hiệu được trao cho những nghệ sĩ hội đủ HCV, HCB từ hội diễn phải được gọi là “nghệ sĩ không dân” vì vai diễn của họ có được đến với nhân dân đâu”.

Sau gần 30 năm gắn bó với sàn diễn, NSƯT Chí Trung cho biết anh sở hữu được 6 HCV và 8 HCB qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Kể từ sau khi được xét tặng danh hiệu NSƯT năm 1997 tới nay, anh lại có thêm 2 HCV, 2 HCB, 21 lần đạt danh hiệu Nghệ sĩ thi đua cấp nhà hát, 3 lần cấp bộ, được Thủ tướng Chính phủ khen tặng. Năm 2013, anh đoạt HCV tại Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ. Thế mà vẫn trượt?

Trong bức tâm thư gửi các nghệ sĩ đồng cảnh ngộ, NSƯT Minh Thu (Nhà hát Chèo Việt Nam) viết: “40 năm sống với nghệ thuật chèo trên sân khấu, tôi đã gặt hái được 7 huy chương (5 vàng, 2 bạc) và hàng chục giải thưởng khác nữa. Trong đó có cả giải quốc tế cho thành tích đã dàn dựng chương trình nghệ thuật cho đoàn dân gian UNESCO Việt Nam đi tham dự Liên hoan Văn hóa tại Hàn Quốc, được đánh giá là chương trình đặc sắc nhất trong số 72 nước tham dự. Ấy vậy mà họ cũng bảo là giải này không được tính!”. NSƯT Minh Thu cho rằng theo đúng quy định, 2 HCV là được NSƯT và sau 5 năm đạt 2 HCV nữa sẽ được phong tặng NSND. Có nghĩa là 4 HCV thì đủ tiêu chuẩn NSND. Vậy thì, với số lượng 7 HCV, HCB và chưa kể những giải thưởng khác là quá thừa so với tiêu chuẩn quy định.

 

4 tiêu chí xét tặng

Ngày 9-7, kỳ họp thứ 3 với 25 thành viên của Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 - dự kiến trao vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9.

Có 4 tiêu chí xét tặng: Trung thành với đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, có đủ huy chương, được bạn nghề tôn trọng và khán giả mến mộ. Có 4 hội đồng xét duyệt, từ cơ sở cho tới cấp quốc gia.

 

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nghệ sĩ Anh Dũng được đề nghị truy tặng NSND

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 26-5 đã chính thức đăng tải danh sách các hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 năm 2015 trước khi trình Hội đồng cấp nhà nước theo quy định.

 

Nghệ sĩ Anh Dũng và vợ - nghệ sĩ Phương Thanh - đều được truy tặng NSND Ảnh TƯ LIỆU

Nghệ sĩ Anh Dũng và vợ - nghệ sĩ Phương Thanh - đều được truy tặng NSND Ảnh TƯ LIỆU
Theo đó, có 39 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 119 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT ở cả 4 lĩnh vực: sân khấu, múa, âm nhạc, điện ảnh.

Cụ thể, ở lĩnh vực âm nhạc có 11 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND; 30 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT với những gương mặt quen thuộc như Bùi Công Duy, Hồ Hoài Anh... Lĩnh vực điện ảnh có 10 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, nổi bật là nhà quay phim Lý Thái Dũng, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn Lê Hồng Chương, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, diễn viên Minh Châu; 12 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT; lĩnh vực múa có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND; 21 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Trong 17 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lĩnh vực sân khấu có Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên, cố NSƯT Anh Dũng (nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, vừa qua đời vào tháng 4-2015) được đề nghị truy tặng, 56 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT...

Trong đợt xét tặng này, Bộ VH-TT-DL nhận được 57 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 145 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT của 26 hội đồng cấp cơ sở thuộc bộ này.

 

H.L.Anh

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ