VỞ CẢI LƯƠNG "TIẾNG GỌI NON SÔNG" SÁNG NGỜI ĐẠO NGHĨA

TGNS

TGNS

Cuối tuần qua, VTV9 phát sóng vở cải lương "Tiếng gọi non sông" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ sản xuất, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người mộ điệu. Bằng những câu chuyện, thủ pháp sân khấu giàu kịch tính, tấm gương đạo nghĩa và lòng yêu nước sáng ngời của nhà thơ yêu nước, Cử nhân Phan Văn Trị được tái hiện sống động.

Bối cảnh của vở cải lương là thời điểm Pháp nổ súng xâm lược nước ta ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sĩ phu yêu nước quặn thắt trước cảnh nước mất nhà tan. Trong mái lá đơn sơ ở rạch Trà Niềng (nay thuộc thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), thầy trò cụ Cử Trị cũng đứng ngồi không yên trước cơn ly loạn. Đỉnh điểm của vở diễn là khi Tư Thành- học trò của cụ Cử bái biệt thầy qua Gò Công đầu quân cho tướng Trương Định rồi bị thương, cố tìm về Trà Niềng gặp thầy lần cuối; và việc Cai tổng Định Bảo nhiều lần mời cụ Cử cộng tác cho người Pháp. Chẳng những cụ Cử từ chối mà còn dùng tài văn thơ của mình mà châm biếm những kẻ "cõng rắn cắn gà nhà". Vở cải lương khép lại bằng hình ảnh ngôi nhà Cai tổng vang rền tiếng súng, ngọn lửa dữ dội, tạo nên cái kết mở đầy hy vọng…

 

 Một cảnh trong vở “Tiếng gọi non sông”.

Có thể nói, việc viết và dàn dựng một vở cải lương về nhân vật lịch sử sao cho thu hút người xem là điều không phải dễ nhưng tác giả Tuyết Hoa và ê kíp thực hiện đã chinh phục được khán giả. Cách dàn dựng sân khấu truyền hình, cấu tứ vở diễn được sắp xếp bài bản, hấp dẫn. Đặc biệt, việc lồng ghép những giai thoại, sự kiện có thật của cụ Cử vào trong tác phẩm đã thu hút người xem. Đó là cuộc bút chiến giữa cụ Cử và tên bán nước Tôn Thọ Tường; việc Cai tổng Định Bảo tò dè chiêu dụ cụ làm tay sai cho người Pháp…

 

 

Nhà thơ Phan Văn Trị sinh năm 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Năm 1868, cụ về sống ở làng Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ, và sống tại đây đến khi qua đời vào ngày 22 tháng 6 năm 1910. Khu mộ của cụ Cử và vợ nay thuộc địa phận ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, được công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp Quốc gia năm 1991.

Năm nay, lễ giỗ lần thứ 106 của cụ Cử sẽ được tổ chức tại khu mộ vào ngày 22-6.

Thành công của vở diễn còn là cách xây dựng nhiều tuyến nhân vật với những sắc thái khác nhau. Nếu như cụ Cử, bà Cử, Tư Thành… đại diện cho những người dân yêu nước, thương nhà, cang trực thì Cai tổng, tên Mỏ lại thể hiện sự gian xảo, tư lợi, bợ đỡ. NSND Ngân Vương và NSƯT Nhơn Hậu trong vai ông, bà Cử Trị đã thành công từ sắc diện, tướng mạo và giọng hát. Đặc biệt, vai Mỏ, một tên thuộc hạ của Cai tổng Định Bảo, do Nghệ nhân Ưu tú Trường Út thể hiện hài hước, có duyên khiến khán giả giận nhưng không thể nhịn cười với những màn bợ đỡ kiểu "vạch áo cho người xem lưng".

 

"Tiếng gọi non sông" một lần nữa giúp người xem hiểu hơn về cụ Cử Trị, nhà thơ không màng danh lợi, trọng đạo nghĩa, ghét thói gian manh, cường quyền như lời thơ khí khái của cụ: "Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá, há lung lay?".

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nguồn tin: tcgd theo BCT