Những vấn nạn “muôn năm cũ”

Những vấn nạn “muôn năm cũ”
Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013 đã khai mạc tối 18/5 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Diễn ra trong chín ngày, cuộc thi năm nay có sự tham gia của 11 đơn vị nghệ thuật với 15 vở diễn (chín vở tuồng, sáu vở dân ca kịch

Các vở tuồng đều thuộc thể loại lịch sử, ca ngợi những nhân vật lịch sử nổi tiếng Việt Nam: Hoàng Diệu (Hoàng Diệu - Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Quang Trung Nguyễn Huệ (Đêm sáng phương Nam - Nhà hát tuồng Đào Tấn), Trần Bình Trọng (Máu lửa ngập Thiên Trường - Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế)… Theo đánh giá chung của giới chuyên môn, những vở tuồng tham gia cuộc thi không chỉ gần gũi với khán giả nhờ những nhân vật lịch sử vốn đã rất quen thuộc, mà còn hấp dẫn bởi thủ pháp dàn dựng và cách làm mới của các ê-kíp thực hiện. Trong số chín vở tuồng dự thi, Hai người mẹ (Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa) là một trong những vở nhận được khá nhiều sự quan tâm do tác giả là một tên tuổi còn mới trong lĩnh vực tuồng - NSƯT Ngọc Quyền. Là vở hiếm hoi thuộc mảng đề tài hiện đại, Hai người mẹ được viết dựa trên câu chuyện có thật về những bà mẹ Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1968-1970. Hai người mẹ đã có nhiều suất diễn tại một số địa phương.


Hoàng Diệu (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) - một trong những vở tuồng được đầu tư khá quy mô

Loại hình dân ca kịch còn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thú vị khi đa số các vở dân ca kịch dự thi đã mạnh dạn chạm đến những vấn đề nóng của cuộc sống đương đại. Từ mảng đề tài tâm lý xã hội, đề cập đến số phận con người (Mùa yêu đương - Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế), đến những mưu mô, thủ đoạn nhằm tranh giành quyền lợi cá nhân (Chuyện lạ giữa trần gian - Nhà hát truyền thống Khánh Hòa) hay vấn nạn mua quan bán chức (Biển và bờ - Đoàn ca kịch Quảng Nam; Đường đua trong bóng tối - Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ)...

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, cuộc thi cũng bộc lộ một số chuyện “muôn năm cũ” của nghệ thuật truyền thống. Thực trạng khủng hoảng đạo diễn, biên kịch dù không mới nhưng đã đến mức báo động. Giám đốc của một nhà hát cho biết: “Kịch bản luôn là vấn đề nan giải nhất. Chúng tôi gần như không có sự lựa chọn”. Dân ca kịch thì hoàn toàn vắng những tên tuổi mới. Năm trong số sáu vở dân ca kịch dự thi là được chuyển thể từ kịch bản văn học. Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam - ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: “Cả nước giờ chỉ còn vài tên tuổi tác giả kịch bản tuồng. Lớp tác giả trẻ đủ sức chuyển thể tuồng từ những kịch bản văn học tìm đã khó, nói gì đến sáng tác”. Tình trạng đội ngũ đạo diễn cũng không mấy khả quan. “Niềm tin” của các đơn vị nghệ thuật vẫn đặt vào một vài tên tuổi: NSND Hoàng Khiềm, NSND Trần Ngọc Giàu, ĐD Đặng Bá Tài... Riêng NSND Trần Ngọc Giàu và ĐD Đặng Bá Tài mỗi người dựng đến ba vở.

Bên cạnh đó, việc “trẻ hóa” đội ngũ diễn viên ở nghệ thuật tuồng cũng là vấn đề nan giải. Một số đơn vị đã mạnh dạn đưa lớp diễn viên trẻ vào đảm nhận những vai diễn quan trọng nhưng dù được gọi là trẻ, độ tuổi lớp diễn viên này cũng dao động từ 33-36 tuổi, cá biệt có những người đã xấp xỉ 40.

Thảo Vân

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: PNO