Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Nghệ Sĩ Tâm Sự

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Bạch Tuyết: 'Cải lương hôm nay không hề èo uột'

Thứ tư - 15/07/2015 20:01

Bạch Tuyết: 'Cải lương hôm nay không hề èo uột'

NSƯT Bạch Tuyết cho rằng, năm qua là một năm hoạt động sôi nổi của bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Chị chia sẻ rằng chưa bao giờ mất niềm tin vào thế hệ kế thừa môn nghệ thuật truyền thống.

 Năm qua, chị thường xuyên đứng lớp ở các khóa cải lương dành cho các bạn trẻ. Với chị, công việc này mang ý nghĩa thế nào?

- Ngày trước, khi má Bảy Phùng Há ( NSND Phùng Há) dạy cải lương cho thế hệ chúng tôi, bà thường nói: "Con đừng nghĩ rằng khi má dạy con thì chỉ có má là thầy con mà đó cũng là lúc má học lại từ con".

Mỗi thời có hơi thở tuổi trẻ, sức sống riêng. Vì thế, mỗi ngày mỗi giờ tôi đứng lớp, tôi không chỉ muốn truyền nghề mà cố gắng nói về những giá trị tốt đẹp nhất của nghệ thuật cải lương. Qua trao đổi, các bạn trẻ sẽ rèn lửa nghề của bản thân.

NSƯT Bạch Tuyết là người ăn chay. Dù vậy, chị vẫn giữ được sức khỏe tốt và vẻ tươi tắn.

NSƯT Bạch Tuyết là người ăn chay. Chị luôn giữ được sức khỏe tốt và vẻ tươi tắn.

- Tiếp xúc nhiều với người trẻ, chị nhận thấy giữa môi trường phát triển của thế hệ chị và của họ có khoảng cách gì?

- Thời tôi, bầu gánh đi săn tìm người trẻ có năng khiếu để ký hợp đồng. Khi về đoàn, ông bầu mời các nghệ sĩ bậc thầy đến để truyền nghề cũng như vạch ra một quy trình để xây dựng tên tuổi. Bên cạnh học nghề từ căn bản đến nâng cao, các nghệ sĩ được ông bầu mời các soạn giả viết tuồng, đo ni nhân vật cho từng người, mỗi buổi tập tuồng là một buổi học nghề - dạy nghề - làm nghề. Thầy tuồng là linh hồn của sàn tập. Với môi trường đào tạo, đầu tư và phát triển như vậy, khoảng 4-5 năm sau, nhiều người trong số các diễn viên trẻ ấy đã được khán giả thừa nhận và tôn vinh.

Trong khi đó, các bạn trẻ ngày nay, dù vẫn được tuyển sinh, đào tạo, tốt nghiệp, làm nghề nhưng tính chuyên nghiệp và độ khắc nghiệt của nghề không nhiều. Từ kỹ năng đến khả năng, hay kỹ thuật sân khấu, kỷ luật sàn diễn… chưa được nhìn nhận và nhận thức một cách rốt ráo. Đôi khi, trong môi trường tưởng chừng có tính tập thể và mô phạm ấy, các bạn lại phải tự thân vận động một cách khá đơn độc. Các bạn "chiến đấu" cam go hơn chúng tôi là vì thế!

- Khoảng cách ấy khiến sự phát triển của nghệ thuật cải lương hôm nay khác biệt gì với trước đây?

- Điều đó dẫn đến hiện trạng, đất sống của cải lương hiện nay quá lớn so với ngày xưa nhưng lại quá ít tính chuyên nghiệp. Việc không chăm chút tuồng tích, đặt để bài bản dễ dãi, đơn điệu, lạc điệu khiến tính ca - kịch bị mài mòn. Dàn dựng thì nặng tính lắp ráp hơn là thống nhất đường dây - chỉnh thể, kết cấu, nhịp độ rời rạc, chậm chạp… Tất cả khiến cho nhiều vở cải lương xa rời nhịp điệu cuộc sống.

Năm qua, Bạch Tuyết chuyên tâm rèn nghề cho các học trò đến với bộ môn nghệ thuật cổ truyền.

Năm qua, "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết (phải) chuyên tâm rèn nghề cho các học trò đến với bộ môn nghệ thuật cổ truyền.

- Chị đánh giá sao về tình hình cải lương trong năm qua?

- Vẫn hoạt động một cách bình thường và… bất thường. Nghệ sĩ cải lương vẫn dập dìu chạy sô, nhạc sĩ cho đến nhạc công vẫn dày lịch làm việc. Nhưng sân khấu vẫn cứ vắng những vở diễn, vai diễn mới, hay, chất lượng, chỉ dày đặc những chương trình trích đoạn, bài ca lẻ…

Nhưng, năm 2011 cải lương vẫn sôi động với sự lên ngôi của Chuông vàng vọng cổ và sự khởi động trở lại giải Trần Hữu Trang. Đó không đơn thuần là hai cuộc thi, nó làm sống dậy và sống khỏe một không khí cải lương với người trong nghề lẫn công chúng. Tôi vui cùng cải lương trong năm qua.

- Nhưng thực tế cải lương đang co cụm và thoi thóp, chị thấy sao?

- Bạn thử so sánh tần suất sáng đèn của Nhà hát Hòa Bình hay Sân khấu Lan Anh với rạp Thủ Đô sẽ thấy loại hình nào đang sống khỏe hơn loại hình nào. Cũng như tần suất của cải lương, đờn ca tài tử trên sóng HTV hay nhiều đài truyền hình - phát thanh tỉnh, thành thì bạn sẽ thấy cải lương chưa bao giờ "hấp hối".

- Trước những tình trạng như diễn viên cải lương hát nhép, không thuộc lời hát phải trông vào người nhắc tuồng..., theo chị, đâu là cách giải quyết?

- Ngày xưa người nghệ sĩ cải lương có nhà hát đúng nghĩa để hoạt động nghệ thuật. Hiện nay, các vở diễn hầu như được hát trong các hội trường chứ không có một nhà hát chính quy. Ngay cả Nhà hát TP HCM cũng bị biến thành hội trường vì nó không có hệ thống âm thanh micro live.

Tôi tin bất cứ nghệ sĩ cải lương chân chính nào cũng muốn tiếng hát của mình đến với khán giả một cách tốt nhất. Vì thế, không có một nhà hát hỗ trợ thì đôi lúc họ phải nhờ đến những phương tiện khác.

Còn với tình trạng chung như hiện nay là nghệ sĩ phải tập tuồng ở một nơi mà chuột nhởn nhơ rồi sau đó mới ra hát ở một nơi đàng hoàng thì không thể nào tránh khỏi trục trặc. Ngày trước, nghệ sĩ bỏ cả tháng trời tập tuồng, còn bây giờ đa số không có thời gian và điều kiện đủ để làm được điều đó. Đôi lúc chúng ta nghe khán giả buồn phiền, đang muốn thả hồn xem nghệ sĩ hát trên sân khấu bỗng ngỡ ngàng khi nghe tiếng nhắc tuồng lồng lộng song song với tiếng ca, lời thoại. Đây là một điểm yếu mà nghệ sĩ cải lương hiện nay nên cố gắng khắc phục.

- Lời dạy nào từ các người thầy khiến chị nhớ nhất?

- "Trước khi là một người nghệ sĩ con hãy là một công dân tử tế", ba Năm Châu và má Bảy Phùng Há đã dạy tôi như thế.

Tôi nhớ hoài một câu của thái hậu Dương Vân Nga trong vở Dương Vân Nga của Trúc Đường - Hoa Phượng, khi bà thuyết phục Lê Hoàn để trao long bào: "Nếu như khanh đường hoàng ngự trên chín bệ thì ta cùng với ấu quân sẽ trở về sống cuộc đời của một thứ dân. Ta sẽ dạy con ta rằng, giang sơn là của chung trăm họ! Người anh hùng hào kiệt không thể dùng ánh mắt riêng tư để nhìn chuyện của muôn nhà".

Tôi nghĩ, những câu thoại mang đầy tính quy luật như trên, cho dẫu làm người, làm quan, làm chúa hay làm tôi đều cần phải học. Dù chúng ta có giỏi như thế nào đi nữa thì cũng đừng quên hãy sống tử tế như những người bình thường.

NSƯT Bạch Tuyết là Tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam.

NSƯT Bạch Tuyết là Tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam.

- Điều gì khiến chị hạnh phúc trong năm qua?

- Lần đầu tiên tôi nhận lời đứng lớp và chính thức làm thầy. Học trò của tôi và của nhiều thầy cô trong khóa giảng này đã được truyền thụ những kiến thức nghề, đạo đức nghề tinh túy và tâm huyết nhất. Tất cả đều chung một đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm. Những cái tên Nguyễn Văn Mẹo, Phùng Ngọc Bảy, Diễm Kiều, Hoàng Hải, Khang Hữu Điền… đã được "ấn chứng" tại Chuông vàng vọng cổ, giải Trần Hữu Trang…

Hạnh phúc nữa là khóa học này nhận được sự chỉ đạo và bảo trợ của Thành ủy, UBND TP HCM. Điều đó chứng tỏ rằng, bên cạnh sự tập trung sức lực để phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo thành phố đã không quên đến việc chăm lo phát triển văn hóa, trong đó có bộ môn cải lương. Cái tâm và cái tầm của những người có trách nhiệm đã tạo được sự cân bằng cho diện mạo văn hóa thành phố.

- Những việc gì chị đang ấp ủ cho cải lương?

- Tôi đã thực hiện DVD cải lương "Phật giáo trong lòng dân tộc" của sư ông Thích Thanh Từ. Cùng với việc thực hiện các trường ca cải lương như:Trường ca Pháp cú, Trường ca kinh Kim Cương, Trường ca về Phật hoàng Trần Nhân Tông..., tôi cũng vừa chuyển thể xong tác phẩm Trên đỉnh tuyết sơn của một thiền sư Tây Tạng sang trường ca.

Tôi còn thực hiện hai CD cùng với học trò là ca sĩ Phương Trần và nghệ sĩ trẻ Khang Hữu Điền, gồm: "Cải lương thính phòng 1, Trịnh Công Sơn - Bạch Tuyết", "Cải lương thính phòng 2, Gợi giấc mơ xưa". Đây là món quà dành tặng những khán giả tri âm tri kỷ của cải lương, chứ tôi không bán.

- Chị hy vọng điều gì cho năm mới?

- Tôi vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn thưởng thức những giá trị cuộc đời đang hiện diện. Tôi không chờ đợi, không thất vọng nên gần như cũng chẳng kỳ vọng gì, bởi đằng sau những cụm từ xúc cảm nói trên, mọi thứ hãy còn mơ hồ, mông lung.

Tôi thích sự rõ ràng, đơn giản. Nhưng thú thật, tôi lại tin vào một năm con Rồng sáng sủa hơn cho đất nước. Hình như, trong khó khăn, trong thử thách, cái chữ S này lại dẻo dai hơn, uyển chuyển hơn, ứng biến hơn…

Thoại Hà thực hiện

 

NSƯT Bạch Tuyết và kỷ niệm về Thanh Nga


Ba người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất trong đời là mẹ, má Bảy Phùng Há và chị Thanh Nga. Đã hai người bỏ tôi ra đi, mẹ mất khi tôi tròn 8 tuổi còn chị Thanh Nga đã bỏ tôi đúng lúc tôi đang học hỏi ở chị rất nhiều.


Giấc mơ về chị vẫn luôn có trong tôi, từ ngày còn là một khán giả nhỏ. Năm 14 tuổi, tôi vẫn còn là cô học trò rất ngây thơ học ở trường Đức Trí đã len lỏi trước bao khán giả để xin một tấm hình có chữ ký Thanh Nga. Không biết có phải hữu duyên hay không mà tôi được chị Nga chú ý, chị nâng cằm tôi và hỏi: "Cưng có biết hát cải lương không?" Tôi sung sướng trả lời: "Thưa chị, em biết hát tân nhạc chút chút". Thế là chị bảo: "Em đi học cải lương đi, gương mặt này đi hát nổi tiếng lắm đó".

Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với người nghệ sĩ mà mình yêu mến. Thật tuyệt vời, cả đêm tôi mất ngủ, cứ mơ màng nhìn thấy chị. Thời điểm đó, chị nổi tiếng lừng lẫy với các vở Người vợ không bao giờ cưới, Hoàng hậu mã nhi nương bửu... Lời khuyên của chị ngày nào đối với tôi như một định mệnh. Tôi bước vào nghệ thuật và trở thành nghệ sĩ. Năm 1963, tôi đoạt HC vàng giải Thanh Tâm cùng nghệ sĩ Ngọc Giàu, Trương Ánh Loan, Diệp Lang, Thanh Tú, Tấn Tài. Thật bất ngờ, sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga đã quyết định dàn dựng vởKhói sóng Tiêu Tương của tác giả Hà Triều Hoa Phượng, tập hợp toàn các nghệ sĩ vừa đoạt giải nhập vai. Chị Thanh Nga vào vai tiểu thư Bàng Lộng Ngọc còn tôi đóng vai ca kỹ Thuý Mai. Ngày tập tuồng, tôi chủ động gặp chị và nhắc lại lời khuyên của chị ngày nào, đồng thời đưa ra tấm hình mà tôi gìn giữ như một báu vật. Chị ngạc nhiên và cảm động lắm rồi vuốt tóc tôi bảo: "Phải ráng lên em, phải yêu nghề, sống chết với nghề thì mới thành công, phải luôn ơn nhớ tổ nghiệp". Ngày ấy, tôi vô cùng tự hào và hãnh diện vì được diễn chung với chị, mỗi lần diễn xong tôi lại chạy vào cánh gà quan sát từng động tác, cử chỉ của Thanh Nga.

Cả trong đời thường, tôi vẫn len lén mải mê quan sát chị. Thanh Nga là người chẳng bao giờ phải ồn ào, không phải hoạt náo để bày tỏ vị trí ngôi sao lớn, chị cũng không sa vào chuyện hậu trường của bất kỳ ai nhưng đầy đủ ân cần với cả đồng nghiệp và khán giả.

Có những khoảnh khắc "thoát ly" nhân vật, tôi ngắm nhìn chị ngay trên sàn diễn, ánh mắt vời vợi, thăm thẳm như vừa mất hút lại vừa chói rực sau vừng sáng của đèn, của âm thanh... Đã mấy mươi năm rồi, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn ánh mắt ấy.

Cái đêm chị ngã xuống và nằm lại bên chồng, để lại đứa con trai duy nhất, tôi bần thần siết chặt con vào lòng văng vẳng bên tai lời của chị: "Cưng biết hát không?... Khuôn mặt này đi hát là nổi tiếng lắm đó!".

Tự đáy lòng, tôi muốn hỏi đất, hỏi trời đã có bao giờ dự đoán về sự ra đi quá đau đớn và đột ngột này hay không? Có hay không thì chị, tài năng tạo thành biểu tượng của cái đẹp đôi khi quá mong manh rồi vỡ vụn với chính trị để hóa thành vĩnh cửu với tha nhân... Mất hoá ra còn.

Bạch Tuyết

(Theo Thế Giới Nghệ Sỹ)





 

Nguồn tin: tcgd theo VNE

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Bạch Tuyết: 'Cải lương hôm nay không hề èo uột'

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN