Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Chân Dung Nghệ Sĩ

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NS Bảo Anh: Một phong cách ca diễn sang trọng

Thứ bảy - 07/10/2017 09:07

BA

Nghệ sĩ Bảo Anh là một trong những kép đẹp, và anh cũng khá đa năng ở cả ba lĩnh vực: Cải lương, Kịch nói, Điện ảnh. Riêng về lĩnh vực Cải lương thì anh là một trong những anh kép có phong cách ca diễn sang trọng, với nhiều loại vai: mùi, độc mùi, lẳng, điểu... (trừ loại kép nịnh). Bởi anh nhờ có vóc dáng cao đẹp, làn hơi chất giọng phong phú về âm lực và tự rèn luyện kỹ thuật ca diễn cho riêng mình.

ĐƯỜNG VÀO NGHỆ THUẬT

            NS Bảo Anh tên thật là Lý Trọng Nghĩa. Anh sinh ra và lớn lên ở U Minh - Cà Mau trong thời đất nước ly loạn, và thời niên thiếu của Nghĩa dường như chỉ gắn với đồng ruộng cũng như bao bạn bè trang lứa. Đặc thù nghệ thuật của vùng này thời đó chỉ mỗi loại hình Đờn ca Tài tử - Cải lương, nên hầu hết người dân bản xứ ít nhiều đều biết ca ngâm về loại hình này; trong đó, có anh Nghĩa.

            Nghĩa có làn hơi chất giọng khác bạn bè, nên mặc dù ca nghêu ngao nhưng vẫn có sự thu hút bạn đồng thuyền - đồng điệu; thậm chí có lúc ra đồng vừa phát cỏ, anh vừa ca theo yêu cầu của các bạn ngoài đồng. Từ đây, Nghĩa nẩy sinh ý tưởng là mình được bạn bè mến mộ nên phải làm sao ca cho hay cho điệu nghệ hơn, nhưng không có thầy để học thêm. Vậy là anh phải học gián tiếp bằng cách nghe đài, anh sắm cái radio nhỏ (một băng) ra đồng anh cũng mang theo; nghe nghệ sĩ ca trong đài rồi anh ca nhép theo, lâu ngày dài tháng như thấm dần trong máu thịt anh rồi trở thành ca quen theo nhịp nhàng, hơi điệu. Những ngày đầu ấy, Nghĩa chỉ học theo kĩ thuật ca ngâm thôi, làn hơi chất giọng "trời cho" sao để vậy, ca tự nhiên thuần chất mà không học theo chất giọng làn hơi nào của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhiều người lúc đó ở quê của anh nói vui, "Mầy lúc này ca khá rồi, mai mốt theo Cải lương đi, tướng tá mày cũng dễ thành kép chánh lắm đó!...". Không biết câu nói đó của ai mà như lời "tiên tri" sau này và cũng là liều thuốc kích thích cho Nghĩa sau đó theo nghiệp ca cầm?

            Có lẽ những dịp tình cờ nhưng mang tính cơ duyên mà Trọng Nghĩa phải gặp, là lúc tình cờ có một cán bộ Văn hoá thông tin tuyên truyền ở xã đi ngang qua, nghe Nghĩa ca, ông ấy cũng dừng lại nghe rồi vỗ tay khen ngợi và mời anh cùng tham gia Đoàn Văn nghệ xã nhà (1970). Hai năm sau, Nghĩa cũng gặp một dịp tình cờ nữa, là một hôm anh diễn văn nghệ phục vụ xã nhà, lại gặp một cán bộ Văn hoá thông tin ở huyện xuống dự, ông cán bộ nọ chú ý ngay giọng ca của Nghĩa và gợi ý rút anh về Đoàn Văn công của huyện (1972). Cũng giống như hai dịp tình cờ trước, đó là lúc một cán bộ của Đoàn Văn công tỉnh Cà Mau xuống huyện, phát hiện thanh sắc của Nghĩa rồi rút về Đoàn Văn công tỉnh (1974). Lúc đó, Nghĩa về Đoàn Văn công tỉnh hoạt động chung với NSƯT Minh Đương, soạn giả Huỳnh Khánh… ngày nay. Từ đó, Nghĩa chính thức là diễn viên Cải lương của Sân khấu Cách mạng với nghệ danh Trọng Nghĩa, và những bài Vọng cổ mà khán giả quen thuộc giọng ca của anh lúc đó, như: Người con gái Kh.mer, Chiến công Võ Thị Thắng, Anh hùng Nguyễn Văn Trổi… và nhiều chập Cải lương khác.

KÉP CHÁNH TRÊN BA LĨNH VỰC

            Sau Giải phóng, Trọng Nghĩa được đơn vị cử đi bổ túc nghiệp vụ diễn viên Cải lương tại Trường NTSK II (1977 - 1978). Khi Trọng Nghĩa từ Trường NTSK II về là nhận ngay vai chánh để thử sức, cũng là vai diễn đầu tiên trên sân khấu Cải lương chuyên nghiệp, Tuấn trong “Tìm lại đứa con” (TG: Huỳnh Minh Nhị, ĐD: NSƯT Văn Thành). Là vai diễn đánh dấu bước đầu vào chuyên nghiệp, vì trước đây chỉ ca lẻ và hát chập nên chưa có một vai hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó là nền tảng cho anh vào vai thứ hai để tiếp tục ghi thêm dấu ấn của mình với nghề và với khán giả, Đại uý Huy Bình trong “Tìm lại cuộc đời” (TG: Huy Lam - Điêu Huyền - Hoàng Khâm, ĐD: Huỳnh Hảnh). Một vai diễn đầy tính cách của một sĩ quan chế độ Sài Gòn, tâm lí luôn diễn biến phức tạp từ lí tưởng hảo huyền bị sụp đổ, trở về với hiện thực và nhận ra đâu là chính nghĩa…

Sau đó, Trọng Nghĩa lên thành phố, vào Đoàn Văn công TP. HCM (1981), nhận vai chánh Nguyễn Huệ trong “Tâm sự Ngọc Hân” (TG: Lê Duy Hạnh). Tuy vậy, ở sân khấu này tài năng của anh chưa thật sự toả sáng, có lẽ vì ở môi trường mới đầy "sao" và "Vạn sự khởi đầu nan" cũng là lẽ tất nhiên. Cũng là lúc Trọng Nghĩa không khỏi trăn trở về khả năng của mình là một kép ở tỉnh hội nhập vào "rừng sao" của thành phố. Anh tự đặt ra cho mình, là phải tự hoàn thiện hơn nữa để có đủ điều kiện hội nhập sau một năm trời thử thách. Kế đó, Trọng Nghĩa về Đoàn CL Sài Gòn II hát chánh với NS Ngọc Bích, vai Khiu Chăm trong “Nắng lên chùa Tháp” (TG: Điều Huyền, ĐD: Bá Huỳnh), nhưng đối với khán giả Thành phố thì anh cũng chỉ là một ngôi sao nhỏ mới xuất hiện, có thể xem đây là tiền đề của Trọng Nghĩa để hội nhập vào “rừng sao” của thành phố. Tại đây, Trọng Nghĩa được NSND Diệp Lang đặt lại nghệ danh là “Bảo Anh”.

            Khi NS Bảo Anh về Đoàn II - Nhà hát Trần Hữu Trang (1983) anh mới được khán giả biết đến và mến mộ nhiều qua vai chánh hoàng tử Lý trong “Chuyện cổ bát tràng” (TG: Hà Triều, ĐD: NSƯT Công Thành). Vở này ăn khách rất lâu suốt mấy năm, cả hàng trăm suất diễn từ TP. HCM đến khắp các tỉnh - thành trong cả nước.

            Năm 1986, NS Bảo Anh về Đoàn CL Phước Chung, với hai vai nổi tiếng:Trường (một Việt kiều) trong “Chắp cánh uyên ương” (TG: Phi Hùng, ĐD: NSND.TS Bạch Tuyết) và đúp vai Thượng tướng Nguyên Bá và Thái tử Ngũ Châutrong “Đường gươm Nguyên Bá”…

            Đang lúc Cải lương hưng thịnh, nhưng NS Bảo Anh muốn thử sức mình ở lĩnh vực Kịch nói, nên về cộng tác với Đoàn Kịch Kim Cương. NS Bảo Anh về đây đóng chánh  một số vai chính với NSND Kim Cương (lúc đó Kim Cương là NSƯT), anh đã tạo dấu ấn riêng qua từng vai: Vua Tô Chiêm nghiêm khắc đầy quyết đoán trong “Nai đen rừng Đế Thích” (TG: Nguyễn Đình Thi, ĐD: Đoàn Bá), Hiếu - một số phận nghiệt ngã trong “Bông hồng cài áo” (TG: Hoàng Khâm, ĐD: Minh Nguyệt), Tuấn với một chuyện tình đầy trớ trêu trong “Trà Hoa Nữ” (TG: Phóng tác Hoàng Dũng, ĐD: Kim Cương), đặc biệt là một vai trong “Huyền thoại mẹ" (TG & ĐD: Hoàng Dũng), vai này đã đưa NS Bảo Anh đăng quang Huy chương vàng tại Hội diễn SKCNTQ - 1990…

            Nhưng sau đó anh lại trở về với Cải lương, anh cùng với NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ và NS Linh Trung thành lập CLB CL Ba Thế Hệ (1995), một mô hình sân khấu xã hội hoá Cải lương đầu tiên ở TP HCM. NS Bảo Anh tái ngộ với khán giả thành phố sau năm năm vắng bóng anh. NS Bảo Anh cũng tham gia được khoảng chục vở diễn và đáng ghi nhận nhất là vai Đại uý Hoàng Bạchtrong “Vượt qua đêm tối” (TG: Lê Quý Hiền, ĐD: Hoa Hạ), vai này BS Bảo Anh tiếp tục giành Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc - 1996.

            Thế rồi, NS Bảo Anh lại tiếp tục thử sức mình ở lĩnh vực nghệ thuật Điện ảnh. Từ lúc SN Bảo Anh bước sang Điện ảnh cho đến nay, anh đã tham gia hơn 20 phim truyện với các loại vai như ông chủ, giám đốc, cán bộ… Nếu những thuận lợi về ngoại hình, âm giọng khẩu khí của một kép đẹp ở Cải lương và Kịch nói thì ở Điện ảnh anh lại có dịp phát huy những sở trường đó để có những vai đầy phong độ và sang trọng. Có thể thấy sự thành công đó qua các vai: Chú Tám (cán bộ) trong “Như là huyền thoại”, nhạc sĩLâm Thôngtrong “Linh lang trắng”, Giám đốc Yên trong “Hoàng hôn ấm áp”, Tổng Giám đốc Huân trong “Gío nghịch mùa”, giáo sư Thanhtrong “Tội phạm”, Tổng Giám đốc Nguyễn Bátrong “Người đẹp Bình Dương”...

VÀI NÉT VỀ PHONG CÁCH CA DIỄN

Trước tiên, NS Bảo anh có được phong cách ca diễn sang trọng là nhờ những tố chất vốn có hay còn gọi là “thiên phú” về vóc dáng cao to, nhưng khi vào vai diễn thì tạo hình thể gọn nhẹ (to mà không chậm chạp). Anh có gương mặt sáng sủa, điển trai, cùng với chất giọng “Đồng pha Thổ”, làn hơi khỏe mạnh đầy âm lực và trường độ… Kế đến, anh đã được qua trường lớp, học hỏi gián tiếp những nghệ sĩ đi trước, cùng với kinh nghiệm thực tiễn và nhất là tự rèn luyện kỹ thuật ca diễn riêng mình. Tất cả yếu tố đó đã hình thành trong Bảo Anh một phong cách ca diễn sang trọng.

Biết rằng mỗi nghệ sĩ biểu diễn có phong cách riêng, nét sang trọng cũng có dáng vẻ riêng; nhưng ở NS Bảo Anh đã biết biến những thuận lợi về cơ thể sinh học, và cộng thêm sự trui rèn nghệ thuật thành mối quan hệ tổng hòa trong ca diễn của mình. Nói khác đi, anh vận dụng những thuận lợi của bản thân và kiến thức nghề nghiệp vào từng vai diễn một cách thích nghi, mà người trong nghề gọi là tài nghề hóa thân vào nhân vật. Nếu anh không có những tố chất về vóc dáng thì khó mà tạo được hình thể nghệ thuật trên sân khấu bằng những vai diễn sang trọng, đó là những ông chủ, giám đốc, cán bộ hay những vai tính cách, hùng, mùi, độc mùi… Chỉ nói ở lĩnh vực Cải lương, những vai: Đại úy Huy Bình, Đại úy Hoàng Bạch, Hoàng tử Lý, Thượng tướng Nguyên Bá, Thái tử Ngũ Châu… là những vai hùng và đầy tính cách (kép mùi hoặc độc mùi). Anh vào vai trầm tĩnh cho dù nhân vật có tính cách hung nộ, anh mô tả tính cách và tâm lý nhân vật không quá ồn ào, sôi động nhưng vẫn oai phong, do sự biểu đạt bằng hình thể và ngữ điệu phát ngôn nên bộc lộ được chiều sâu tâm lý nhân vật. Nét oai phong được điểm xuyết ở tài năng diễn xuất, cộng với phục trang nhân vật làm tăng phong độ vai diễn, và nét sang trọng của Bảo Anh là ở chỗ đó.

Nhờ cơ thể khỏe nên làn hơi mạnh, chất giọng trầm ấm có độ vang trung bình, với một số họa âm của độ trầm từ chất thổ và có độ vang khi ca ngân, rung giọng tạo âm sắc trầm ấm. Độ trầm của giọng Bảo Anh không nghe độ rền, mà lại nghe hùng, có một chút âm vang nên chỉ nói lối thôi, nghe cũng rõ nét sang trọng. Khi anh ca những thể điệu Bắc, cũng như đối thoại với nhân vật, khẩu ngữ của anh tỏ ra cứng rắn, hùng hồn. Điều này có thể thấy NS Bảo Anh ca diễn vai Đại úy Huy Bình trong “Tìm lại cuộc đời” ở lớp đối thoại với Oanh (em gái) và Lan (người yêu) thể điệu Kim tiền bản: “Oanh! Đã mấy lần qua, anh hết lời căn dặn, đừng chơi với đám sinh viên mà làm náo động ở thủ đô…”, hay là lớp đối thoại với Đại úy Giang Thành Giảo trong thể điệu Khổng Minh tọa lầu: “Giảo, mầy hãy rút súng ra đi, tao đếm một hai ba ra tay...”. Trong tình huống tự sự, trữ tình thì với trạng thái bình thản hơn, ca với ngữ điệu trầm ấm, tiết chế chất “Đồng” chỉ ngân - rung giọng cho âm sắc tươi mượt, nhất là ca Vọng cổ với kỹ thuật phát âm, nhả chữ chuẩn xác các ca từ chính nhịp hay trọng âm khi cần nhấn mạnh để biểu đạt nội dung ca từ; hạ giọng trầm ở dấu huyền và cấn lên ở dấu sắc: “Lan ơi, anh sẽ cất nón chào vĩnh biệt con tàu tàn bạo đã đưa em và Oanh với bao người vô tội vùichôn nơi Côn Đảo muôn… trùng. Vóc liễu hình mai chôn vào ngục tối lạnh lùng…”. Hay là Thái tử Ngũ Châu trong “Đường gươm Nguyên Bá”, với giọng trầm hùng khi thoại, rồi buông hơi nhả chữ chậm rãi, cùng với kỹ thuật ngân nhẹ những ca từ nhịp chính: “… Học đạo à? phụ vương ta đâu có tụng một thời kinh nào đâu mà cũng trị vì thiên hạ…”anh gằn giọng, nhấn từng trọng âm một cách dứt khoát nghe hùng hồn. Hay là lớp mà Thái tử Ngũ Châu thú nhận với Thuỷ Cúc, anh lên câu Vọng cổ mùi mẫn ngọt ngào, “Ta đãbỏ lại vườn Thuỷ Cúc trong một đêm tâm cuồng trí loạn;phụ vương ơi, con biết mình kém tài hơn thượng tướng nên thừa lúc nửa đêm toan ám hại cho thoả mãn sự ghen… hờn, nhưng con đã thất bại trước đường gươm bạt tuỵ siêu quần…”...

Mỗi nghệ sĩ có một thời rực rỡ và không ai có thể ngự trị mãi trên đỉnh vinh quang, đó là qui luật tiến hóa tất yếu; nhưng điều còn đọng lại với thời gian là công chúng còn nhớ đến tên tuổi mình, và ít nhiều NS Bảo Anh đã lưu lại được điều đó.

Đỗ Dũng

Nguồn tin: tcgd theo BSK

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nghệ sĩ, lĩnh vực, kịch nói, phong cách, sang trọng, nhờ có, vóc dáng, phong phú, rèn luyện, kỹ thuật

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN