Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Chân Dung Nghệ Sĩ

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Tác Giả Trẻ PHẠM VĂN ĐẰNG

Thứ bảy - 19/10/2013 08:01

Tác Giả Trẻ PHẠM VĂN ĐẰNG




CLVNCOM - Tác giả Phạm Văn Ðằng bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ rất sớm, từ khi còn là một sinh viên của lớp trung cấp diễn viên cải lương khoá 25- trường CÐSK-ÐA Tp. HCM, đến nay, anh đã có trong tay một số lượng tác phẩm khá lớn. Tất cả những sáng tác của anh đều đến được với người mộ điệu qua các chương trình ca cổ của các đài truyền hình. Mỗi tác phẩm của anh đều có dấu ấn riêng và đã để lại trong lòng người nghe những ấn tượng rất sâu sắc.


LỜI GIỚI THIỆU

Tác giả Phạm Văn Ðằng bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ rất sớm, từ khi còn là một sinh viên của lớp trung cấp diễn viên cải lương khoá 25- trường CÐSK-ÐA Tp. HCM, đến nay, anh đã có trong tay một số lượng tác phẩm khá lớn. Tất cả những sáng tác của anh đều đến được với người mộ điệu qua các chương trình ca cổ của các đài truyền hình. Mỗi tác phẩm của anh đều có dấu ấn riêng và đã để lại trong lòng người nghe những ấn tượng rất sâu sắc. Sân khấu cải lương, trong tình hình hiện nay, dù chưa có dấu hiệu lạc quan báo hiệu cho sự hồi sinh mạnh mẽ, nhưng tác giả này vẫn sáng tác rất đều tay và ngày càng trở nên chắc tay hơn. Anh là một tác giả có khả năng viết được nhiều thể loại: Ca cổ, tân cổ giao duyên, kịch bản cải lương, thậm chí cả những tiểu phẩm hài. Nhưng, dù ở bất cứ thể loại nào, ta đều có thể dễ dàng bắt gặp trong những sáng tác của anh là một tâm hồn trong sáng của một con người giàu tình yêu đối với mẹ cha, với Ðất nước, quê hương, với những con người xung quanh. Và cao hơn hết là một tình yêu sâu nặng đối với sân khấu cải lương- một bộ môn nghệ thuật mang nét đặc trưng của dân tộc. Vâng, nhân vật mà chúng tôi vừa nhắc đến chính là tác giả Phạm Văn Ðằng.


Image


TIỂU SỬ TÁC GIẢ

- Tên thật: Phạm Văn Ðằng.
- Ngày sinh: 03/ 05/ 1981.
- Quê quán: Ấp Mỹ Tân- xã Hoả Lựu- huyện Vị Thanh- tỉnh Cần Thơ. (Nay là khu vực 3- phường 7- thành phố Vị Thanh- Tỉnh Hậu Giang)
Ðược sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên tĩnh thuộc tỉnh Hậu Giang, nơi ấy có những dòng sông trong mát, có những cánh đồng bát ngát mênh mông. Ngay từ nhỏ, anh đã được làm quen với âm nhạc ngũ cung, với những câu vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng được phát ra từ chiếc máy cassete cũ kỷ mà ba anh dùng nó như một phương tiện giải trí sau những giờ làm việc vất vả ngoài đồng ruộng. Càng nghe càng yêu thích, càng nghe thì cải lương càng thấm sâu hơn trong tim mạch của anh. Và cũng từ đó, trong anh luôn cháy bỏng ước mơ muốn được trở thành nghệ sỹ.
Bao nhiêu năm sống với ước mơ, bao nhiêu năm sống trong chờ đợi, cuối cùng, anh cũng có thể thực hiện được mơ ước của mình. Ðó là, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh đã nộp hồ sơ dự thi vào trường CÐSK-ÐA TP.HCM chuyên nghành cải lương và trường ÐH KHXH&NV, chuyên nghành tiếng Anh.
Nhưng rất không may là anh không đậu vào trường sân khấu trong lần tuyển sinh ấy mà chỉ đậu vào trường ÐHKHXH &NV mà thôi. Mơ ước đã không trở thành hiện thực, anh rất buồn. Nhưng được sự động viên từ phía gia đình và bè bạn, anh tạm quên đi nỗi buồn ấy và chuyên tâm học chuyên nghành tiếng Anh. Cải lương có sức hút rất mãnh liệt và sự lôi cuốn rất kỳ diệu, hễ ai trót yêu thích nó rồi thìcả đời không quên được. Tác giả Phạm Văn Ðằng cũng vậy, dù học tiếng anh nhưng mơ ước được trở thành nghệ sỹ không bao giờ lịm tắt trong anh. Ðể rồi, sau hai năm theo học văn hoá, anh lại một lần nữa nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường Sân Khấu. Và, một lần nữa anh lại thất bại. Không học được ngành mình yêu thích, anh không cam lòng. Như vậy là, anh quyết định đăng ký học dự thính lớp TCDVCL khoá 25. Từ đây, anh bắt đầu làm quen với những bài bản cải lương, làm quen với nhịp, với hò- xự- xang- xê- cống. Sau một năm tiếp xúc với nghệ thuật cải lương, anh bắt đầu tập tành sáng tác. Lúc đầu là viết những bài bản nhỏ cho các tiểu phẩm, sau đó là những bài vọng cổ mang tính tự sự, dần dần là những bài tân cổ giao duyên mà các anh chị trong khoa cải lương nhờ viết để đi hát show, để thi tốt nghiệp kết thúc khoá học. Những sáng tác đầu tay của anh đều được các thầy cô và các anh chị đánh giá cao và họ đều khuyên anh nên cố gắng phát huy khả năng ấy. Nhận được những lời động viên quý báu đó, anh bắt đầu sáng tác
nhiều hơn. Thế nhưng, những sáng tác lúc bấy giờ chưa đến được với người mộ điệu vì thật ra, anh không tự tin để gởi bài mình đến các đài hoặc các hãng phim.

Mãi cho đến khi anh rời trường sân khấu (Vì lý do đặc biệt) thì những sáng tác của anh mới được công chúng biết đến. (Xin nói thêm là anh học ở trường chỉ được 03 năm thay vì những sinh viên chính quy phải học 04 năm mới được tốt nghiệp.) Rời trường sân khấu, trong tay không có bằng cấp hay bất cứ một tờ giấy chứng nhận nào khác, anh không đủ tự tin để hoạt động nghệ thuật. Như một chiếc lá vừa xa cành, đang chơi vơi giữa cuộc đời, anh không biết mình phải làm gì nữa. Không thể trở về quê khi chưa có sự nghiệp trong tay. Thế là anh quyết định đi ôn thi đại học.
Phải làm lại từ đầu. Và như vậy, anh đã đăng ký ôn thi đại học. Ðể có tiền trang trải cho cuộc sống, anh phải vừa đi làm vừa đi học. Một năm vất vả trôi qua, anh đã rất vui mừng khi biết mình thi đỗ vào trường Ðại Học Hồng Bàng, chuyên ngành tiếng Nhật và Trường Ðại Học Khoa Học xã Hội& Nhân Văn- Chuyên ngành tiếng Anh (Hệ tại chức) Từ đây, cuộc đời anh đã sang một trang mới: Tươi sáng hơn và nhiều hy vọng hơn. Cũng từ đây, những tác phẩm của anh ra đời nhiều hơn và bắ đầu đến được với công chúng.

TÁC PHẨM

Phạm Văn Đằng đã có trong tay khoảng trên dưới 10 vở cải lương trong số đó các tuồng dưới đây đều do hãng phim Bình Minh thực hiện và sản xuất năm 2007 với thành phần nghệ sĩ gồm Vũ Linh, Trọng Phúc, Trọng Nghĩa, Quốc Kiệt, Thoại Mỹ, Thanh Ngân, Phượng Loan, Lê Hồng Thắm :
- GIỌT MÁU CHUNG TÌNH vở đầu tay là một kịch bản màu sắc Ân Độ
- LỬA HẬN THÂM CUNG là tuồng kiếm hiêp
- TRỌN MỘT LỜI NGUYỀN là một vở liêu trai
- CHUYỆN TÌNH CHƯA ĐOẠN KẾT là môt vở xã hội
Còn những vở tuồng dưới đây do hãng phim Tây Đô thực hiện và sản xuất các năm 2009 và 2010
- MỐI DUYÊN QUÊ : tuồng xã hội với diễn xuất của Hồng Nga, Tấn Giao, Nhơn Hậu, Quốc Kiệt, Hồng Tơ…
- CHUYỆN TÌNH CÔ GÁI TUỔI DẦN với sự tham gia của Lê Tứ. Như Huỳnh, Ánh Hồng, Ngọc Trắng…
- SUỐI NGUỒN mới thực hiện tháng 11 nvưa qua với thành phần nghệ sĩ : Lam Tuyền, Ngân Huệ, Quốc Kiệt, Nhật Thanh….
Còn về bài ca cổ và tân cổ giao duyên Phạm văn Đằng cũng đã sáng tác không ít , khoảng trên dưới 300 bài.

Hiện tại, anh đang theo học học kỳ cuối chuyên ngành tiếng Nhật. Dù bận rộn cho việc chuẫn bị tốt nghiệp là thế, nhưng anh vẫn viết rất đều và rất nhiều theo yêu cầu đặt hàng của các đài truyền hình, các cô, chú, anh, chị nghệ sỹ. Khi được hỏi “ Vì sao anh không từ bỏ công việc sáng tác để chuyên tâm theo học chuyên ngành tiếng Nhật?” thì anh mỉm cười và nói rằng: “ Công việc sáng tác, đối với tôi, không chỉ là một phương thức để kiếm sống mà vượt lên trên hết những toan tính vật chất đời thường ấy là niềm đam mê rất mãnh liệt. Viết không chỉ để mưu sinh mà viết để bày tỏ những trăn trở của mình đối với cuộc sống, để chia sẻ với mọi người những đau buồn, bất hạnh giúp cho cuộc sống này trở nên vui hơn, hạnh phúc hơn. Ðó là một việc làm có ích. Tôi rất vui vì làm được những việc có ích ấy và không bao giờ tôi từ bỏ nó.”

nguyenkhoiktc - CLVN

Tác giả bài viết: tanconhac

Nguồn tin: cailuongvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN