Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đó Đây Gần Xa

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

VỞ KỊCH “SÀI GÒN” ĐƯỢC TRÌNH DIỄN TẠI LIÊN HOAN SÂN KHẤU QUỐC TẾ AVIGNON ( PHÁP)

Thứ tư - 30/08/2017 16:07

CN

Liên hoan Sân khấu quốc tế Avignon (Pháp) hè 2017 có một sự kiện đáng lưu ý : Lần đầu tiên có tác phẩm liên quan đến Việt Nam được trình diễn tại liên hoan sân khấu danh giá nhất châu Âu.

Vở kịch mang tên Sài gòn của nữ tác giả Pháp Caroline Guiela Nguyễn được diễn sáu buổi trong chương trình chính thức của Festival d’Avignon vào các ngày 8, 9, 10, 12, 13 và 14 tháng 7.

Để chuẩn bị cho dự án này, Caroline đã đến Sài Gòn vào năm ngoái, trong khuôn khổ chương trình “Nghệ sỹ lưu trú” của Viện Pháp tại Việt Nam và cô cũng đã hợp tác với Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM.

Vở kịch dài hơn ba tiếng, có sự tham gia của 11 diễn viên gồm 5 người Pháp, 3 Việt kiều và 3 diễn viên Trường ĐH Sân khấu – điện ảnh TP.HCM.

Vở diễn “Sài Gòn” tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Avignon. Hình : Christophe RAYNAUD DE LAGE.

Những sáng tạo độc đáo và mạnh mẽ

Caroline Guiela Nguyen là trung tâm của dự án này. Là nghệ sĩ thuộc nhà hát Odéon-Theatre de l’Europe, đây lần đầu tiên cô có mặt tại Liên hoan Sân khấu Avignon, với vở kịch mà cô đã ấp ủ từ lâu.

Nghệ sĩ Caroline Guiela Nguyen.

Trong Sài Gòn, được giới thiệu lần đầu tiên tại Liên hoan Avignon vào hôm thứ Bảy 8/7 vừa rồi, Caroline Guiela Nguyen kể về những câu chuyện đời trải dài trong suốt 40 năm của những Việt kiều tại Pháp, như gia đình cô.

“Có hai mốc thời gian trong vở kịch, 1956 và 1996”, cô giải thích. “1956, 2 năm sau thất bại của Pháp tại trận Điện Biên Phủ, là thời điểm những người Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam : thực dân, quân lính, và cả những người Việt mang quốc tịch Pháp, những người được gọi là Việt kiều”. Mốc thứ hai là năm 1996, đánh dấu sự chấm dứt lệnh cấm vận, là thời điểm mà các Việt kiều có thể trở lại đất nước.

Caroline Guiela Nguyen lần đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh với mẹ cô năm 16 tuổi. Năm nay, cô 34 tuổi. Cô không nói tiếng Việt, như tất cả 17 anh chị em họ của mình. “Cha mẹ chúng tôi bị ám ảnh bởi sự bắt buộc phải hòa nhập đến mức đối với họ không dạy chúng tôi ngôn ngữ của họ, bởi họ cho rằng, dạy cho con cái tiếng Việt là ngăn cản việc học tiếng Pháp”, cô nhớ lại những cuộc tranh luận gia đình vào năm 1996. “Chúng ta có về nước hay không? Tôi có những người chú, người thím, họ chưa bao giờ muốn trở về. Một số thì nói rằng họ sẽ về để chết trên quê hương, một số khác thì chỉ coi đấy là nơi để du lịch”.

Tất cả các câu chuyện đều diễn ra trong một nhà hàng Việt Nam, ở Sài Gòn, tức là TP. Hồ Chí Minh, hay ở Paris, trong quận 12, nơi những người Việt Nam đến Pháp vào năm 1956, khá lâu trước khi những người Việt Nam di cư sau năm 1975.

Một quán ăn như hàng trăm quán ăn ở Pháp, với những bông hoa sặc sỡ, nội thất hào nhoáng và có karaoké. Vở kịch kể lại những câu chuyện sâu kín : chuyện của một cậu con trai với mẹ mình, chuyện những người yêu nhau buộc phải chia ly, chuyện một anh lính Pháp phải lòng một cô gái Việt Nam và đưa cô ấy sang Pháp…

Từ bức ảnh một buổi dạ hội ở khách sạn Majestic…

Để viết vở kịch, Caroline Guiela Nguyen nhiều lần đi về Việt Nam trong hai năm, gặp gỡ những nhân chứng ở cả Việt Nam và Pháp. “Chúng tôi đã thu được những câu chuyện, và cả những âm thanh, hình ảnh, không khí và từ tất cả những thứ đó, câu chuyện của chúng tôi ra đời”. Chẳng hạn như cô tìm thấy trên trang bán hàng trực tuyến e-bay những bức ảnh cũ về một buổi vũ hội ở Sài Gòn năm 1955, trong một khách sạn lớn, “có lẽ là Majestic hay Continental, một trong những địa điểm mà các sĩ quan và binh lính Pháp hay lui tới, trong bức ảnh, người ta thấy những phụ nữ lai và rất nhiều người da trắng, câu chuyện được bắt nguồn từ đó.”. Với bức ảnh này trong tay, những thành viên trong nhóm đã thu thập những kỷ niệm của người Việt Nam.

… đến những mối duyên kỳ ngộ

 “Sài Gòn” là cơ hội để Caroline tiến xa hơn trong sự nghiệp sân khấu đầy đam mê của cô. Cô làm việc trong sự sáng tạo tập thể, với những diễn viên-người sáng tạo thực thụ, cả chuyên nghiệp và không chuyên, họ kể lại một giai đoạn thông qua những câu chuyện riêng tư, thầm kín.

“Về mặt sân khấu mà nói, tôi tìm cách làm cho mọi người gặp gỡ nhau. Cái chung sẽ tự nó xuất hiện trong quá trình sáng tạo”.

Diễn viên Nguyễn Phú Hậu và Adeline Guillot tại buổi diễn tập.
Hình : Anne Christine Poujoulat AFP.

Nữ đạo diễn sân khấu dẫn dắt các diễn viên của mình với sự trợ giúp của một phiên dịch trẻ người Việt Nam. Nguyễn Đức Duy, một người gần như vô danh, dường như đã trở thành một phiên bản nữa của chính cô, lăn lộn tại hiện trường cùng một nhịp điệu như cô, và cũng hiểu tinh thần của dự án một cách sâu sắc.

“Tháng Ba năm 2016, tất cả chúng tôi đã sang Việt Nam, cả diễn viên, người làm bối cảnh, người làm trang phục… và làm việc một tháng tại Đại học Sân khấu Điện Ảnh TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã làm việc cùng những diễn viên trẻ mà chúng tôi chọn ra từ những buổi diễn tập. Tất nhiên là chúng tôi chẳng hiểu gì về nhau cả. Nhưng may thay, sân khấu còn là ngôn ngữ của cơ thể…”- các cộng sự của Caroline Guiela Nguyen trong đoàn kịch Les hommes appromatif chia sẻ. Họ đã gặp Nguyễn Phú Hậu, Huỳnh Thị Trúc Lý và Lê Hoàng Sơn, 3 diễn viên trẻ người Việt, và hai phiên dịch, Nguyễn Đức Duy và Tô Thị Thanh Thư, một phụ nữ trẻ cũng đóng vai trong vở kịch.

Đức Duy nhớ lại : “Lúc đầu, khi Caroline kể với tôi rằng dự án kịch của cô ấy sẽ nói về cả nước Pháp và Việt Nam, tôi thấy nó thật mông lung, không thể tưởng tượng nổi. Nhưng chúng tôi đã làm tất cả cùng nhau, và đó là một cuộc du hành đối với tôi, một cách để gặp gỡ thành phố mà chúng tôi đang sống, nhưng lại chưa mấy hiểu về nó. Chúng tôi đã khám phá những địa danh, những quán café, karaoke, vũ hội ngoài trời… những bài hát, những câu chuyện, và những truyền thống”.

Diễn viên Adeline Guillot và Lê Hoàng Sơn tại buổi diễn tập. Hình :  Anne Christine Poujoulat AFP.

Với những diễn viên trẻ, cách làm việc của Caroline Guiela Nguyen hoàn toàn mới lạ.

Khi tuyển diễn viên cho Sài gòn, Caroline Guiela Nguyen đã nhanh chóng gặp được đôi vợ chồng bà Anh và ông Trần Nghĩa Hiệp, những người đã đến sống tại Pháp từ năm 1964 và 1968. Tình cờ là họ cũng có một tiệm ăn mang tên “Escale à Saigon”. Và cả hai, nhất là ông Hiệp, đều đã xuất hiện trong những bộ phim Pháp như Đông Dương hay Điện Biên Phủ, và trên sân khấu kịch nghiệp dư dành cho cộng đồng người Việt.

Thế là, ngay lập tức họ đồng ý. Bà Anh đã mang đến những cái chảo của bà ấy, sắp xếp lại cái bếp của quán ăn, và quyết định sẽ trực tiếp nấu những món ăn nho nhỏ trong các buổi diễn. Trong suốt quá trình tập, bà ấy tỏ ra là một diễn viên kịch đáng kinh ngạc, đến nỗi gần như phải phanh lại khi bà nhiệt tình quá đà.

Ông Trần Nghĩa Hiệp, chồng bà Anh, chia sẻ : « Từ lâu tôi vẫn ao ước và vẫn nhớ mãi cái tên Sài Gòn trong tim. Trong vở kịch này cô Caroline Nguyen muốn dựng lại một câu chuyện, câu chuyện của những người xa quê hương và của những người trẻ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Chúng tôi muốn mang về những gì chúng tôi biết từ xưa (về thành phố Sài Gòn ) cho những người trẻ ở Việt Nam. Đó là điều chúng tôi vẫn nghĩ đến và chúng tôi rất hãnh diện được tham gia vào một chương trình văn hóa Pháp-Việt này. Đây là một vở kịch tựa là « Sài Gòn », nên sẽ có những người lớn tuổi sống xa quê hương gặp gỡ với những người trẻ lớn lên ở Việt Nam và gặp gỡ những người Pháp về viếng thăm Sài Gòn. Người Pháp vẫn muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trước đây và hiện nay có khác biệt như thế nào”.

Nếu như vở kịch được xây dựng từ những ứng tác tập thể thì mạch của câu chuyện lại mang đậm dấu ấn của Caroline Guiela Nguyen, người mang trên vai tầm nhìn của toàn bộ dự án, và chú ý tới từng khoảnh khắc trong suốt nhiều giờ tập luyện.

Trước khi diễn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon, Sài Gòn đã ra mắt công chúng vào tháng 6 tại thành phố Valence (miền Nam nước Pháp). Sau Avignon, vở kịch sẽ được biểu diễn từ ngày 7 – 11 tháng 11 tại nhà hát MC2 Grenoble, từ ngày 6 – 7 tháng 12 tại Comédie de Reims và từ 12 tháng 1 đến 10 tháng hai 2018 tại nhà hát Odéon-Théâtre de l’Europe.

Theo Le Monde và Le Point

Caroline Guiela Nguyen cùng các nghệ sỹ của đoàn kịch Hommes Approximatifs đã tham gia chương trình « Nghệ sỹ lưu trú » của Viện Pháp tại Việt Nam vào năm 2016. Chương trình này nhằm tạo điều kiện làm việc cho những nghệ sỹ và nhà văn Pháp cũng như góp phần vào hoạt động giao lưu giữa hai dân tộc và hai nền văn hóa Pháp-Việt.

Ngoài Caroline Guiela Nguyen, trong khuôn khổ chương trình « Nghệ sỹ lưu trú », Viện Pháp tại Việt Nam cũng đã đón tiếp và hỗ trợ các nghệ sỹ và đoàn nghệ thuật : Transitscape (múa và nghệ thuật thị giác) ; Kerman / Sébastien Ly (múa) ; Uzumaki / Valentine Nagata-Ramos (múa) ; KillAson (âm nhạc) ; An Ton That (âm nhạc).

“Ký ức và bản sắc” và “Sống trong thành phố” là 2 chủ đề của chương trình « Nghệ sỹ lưu trú » 2018. Đây là những đề tài đều được các nghệ sỹ Pháp và Việt Nam quan tâm nên sẽ rất thuận lợi để nghệ sỹ của cả hai nước cùng sáng tác các dự án nghệ thuật đương đại. Các nghệ sỹ có thể lưu trú từ 1 tuần đến 3 tháng.


Nguồn tin: Hanh 31 st

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:liên hoan, sân khấu, quốc tế, avignon pháp, hè 2017, có một, sự kiện, đáng lưu, lần đầu, tiên có, tác phẩm, liên quan, đến việt, nam được, trình diễn, tại danh, giá nhất, châu âu

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN