Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Cô đào Thanh Vân đóng vai ma lại... sợ ma!

Thứ bảy - 07/03/2015 16:08




Xưa nay sân khấu kịch, cải lương hay phim ảnh, tuồng ma thường là ăn khách, kịch bản ma thời nào cũng thu hút khán giả, mà lại không lỗi thời. Do vậy mà trong lịch sử cải lương, đã có những “con ma nữ” gây ấn tượng cho người xem, kể cả chỉ nghe trong dĩa hát thôi mà người ta cũng hình dung được để rồi... sợ.

Còn riêng các cô đào thì sau khi đóng vai ma rồi thì lại sợ ma nhiều hơn, như trường hợp cô đào Thanh Vân đóng vai người vợ ma, trong vở kịch cũng mang tên “Người Vợ Ma” của sân khấu Phú Nhuận. Nhờ vở kịch hay và diễn xuất cũng hay, nên cô đào trẻ Thanh Vân đã làm người vợ ma hơn 300 suất hát.


Cô đào Thanh Vân “ma nữ” trong vở kịch “Người Vợ Ma.” (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Thời đầu thập niên 1960 chỉ có đoàn Thủ Ðô của ông bầu Ba Bản cho đào Ngọc Hương bước xuống sân khấu, đi ngang qua khán giả ngồi ở hàng ghế đầu, chớ chưa có đoàn hát nào cho đào kép bước xuống khán giả.

Nhưng bây giờ thời đại canh tân, diễn viên đôi khi đi xuống “giao lưu” với khán giả, và lại cũng có lúc diễn viên từ ngoài cửa đi vào, dọc theo hai bên dãy ghế, tức từ sau lưng khán giả đi tới bước lên sân khấu. Trong vở kịch “Người Vợ Ma” đào Thanh Vân trang phục hóa trang “con ma nữ” xuất hiện bất ngờ, từ sau hàng ghế khán giả, nên làm họ giựt mình hoảng sợ. Và theo phản xạ tự nhiên nên họ đã xô đẩy hoặc co chân đạp cô nàng. Có một số khán giả bị vở diễn lôi cuốn, nhập tâm đến độ nhầm lẫn giữa nhân vật và diễn viên nên đã “dị ứng” và rất sợ người con gái “ma.”

Nhớ đóng vai ma, Thanh Vân trở nên sáng giá, cô luôn bận rộn với các sô diễn. Nhà báo muốn gặp phỏng vấn cũng khó, và phải canh giờ mới gặp được “ma” trên mạng.

Tiếp xúc với nhà báo, Thanh Vân dùng từ ngữ rặt “Nam Kỳ,” chữ “tui” được cô sử dụng liên tục. Nghe mà có cảm tưởng như đang đọc tiểu thuyết “Chú Tư Cầu” hay “Rặng Trâm Bầu” của nhà văn Lê Xuyên vậy!

Nhà báo hỏi:

“Thanh Vân có sợ ma không?”

“Úi! Không thể nói là sợ, mà phải nói là tui ‘cực kỳ’ sợ ma.”

“Vậy mà nhận lời đóng ‘ma’?”

“Có thể nói vở diễn ‘Người Vợ Ma’ là một cơ hội tốt hiếm có đối với diễn viên trẻ như tui, và nó có ảnh hưởng rất lớn đối với tui từ quan niệm cuộc sống cho đến nghề nghiệp.”

Thanh Vân nói tiếp:

“Nhà tui ở có rất nhiều gương, cầu thang nhà bằng gỗ, cánh cửa thì mỗi khi đóng mở, lại có tiếng kêu y hệt như tiếng cánh cửa trong vở kịch... Do đó nhiều khi đi diễn về cả nhà đã ngủ hết, hễ liên tưởng đến tình tiết trong vở kịch vừa diễn là tui thiếu điều vừa đi vừa chạy và không dám nhìn vô gương.”

“Bây giờ tui cũng vẫn còn sợ ma nhưng đỡ hơn hồi xưa rất nhiều, vì sau khi đóng ‘Người Vợ Ma’ tui ngộ ra rằng: Thế giới tâm linh có thể là có tồn tại, song phần ma quỷ trong con người còn đáng sợ hơn nhiều! Vở diễn ăn khách nên tui được khán giả biết đến nhiều hơn, ‘đánh’ nhiều hơn và thậm chí có nhiều người còn rất ‘sợ’ tui!”

“Riêng tui thì có thêm cái tật... trợn mắt mỗi khi muốn vòi vĩnh gia đình và người thân chiều theo ý mình; một phần là nhớ lại cảnh khán giả rất sợ mỗi khi tui diễn như vậy, phần khác là tui muốn đùa cho vui.”

Thanh Vân rất thích “Người Vợ Ma” diễn tại Ðà Lạt, không khí se se lạnh, gió thổi vi vu với rừng thông bạt ngàn âm u trong bóng tối, nhìn khung cảnh thôi là đã sợ ma rồi, huống chi là xem và diễn kịch ma!

Có một dạo khoảng giữa thập niên 1960 bỗng nhiên sân khấu cải lương đã đồng loạt diễn tuồng ma, các rạp Sài Gòn đêm nào cũng có ma hiện lên gây kinh sợ cho khán giả yếu bóng vía. Các rạp ở tỉnh cũng hằng đêm có ma, và ngay cả các gánh hát bầu tèo ở nông thôn cũng đưa ma lên sân khấu, tóm lại khán giả cải lương thời ấy đi đâu cũng gặp ma.

Thời ấy có người hỏi cô đào đóng vai ma rằng cô có sợ ma không vậy?

Cô đào trả lời ngay:

“Em sợ ma hơn ai hết!”

“Có bao giờ cô đi đêm gặp ma không?”

“Chưa có! Rủi nửa đêm gặp ma chắc em chết mất!”

“Thế tại sao cô lại đóng vai ma làm cho các cô gái sợ, trẻ nít sợ?”

“Nếu không chịu làm ma, thì sẽ có cô đào khác đóng vai, mình thất nghiệp, đi hát mà không được phân vai thì khổ lắm.”

Thì ra thì do nghề nghiệp mà các cô đào phải nhận vai trò, nhưng cũng có sự đền bù thỏa đáng, như trường hợp cô đào Thanh Vân nhờ đóng vai ma trong vở “Người Vợ Ma” mà cô nổi tiếng luôn.

Trong nhân gian thiên hạ thường hay nói người nữ sợ ma nhiều hơn nam giới. Các ông bà già xưa cũng nói, nếu như ban đêm có việc gì cần phải ra khỏi nhà thì sai bảo người con trai, chớ con gái thì hiếm khi, chỉ trừ trường hợp đặc biệt lắm, mà không có người nam thì mới đến các cô. Một phần cũng để bảo vệ các cô, sợ rằng có chuyện không may xảy ra.

Thế nhưng, đối với các soạn giả cải lương thì lại khác, khi đặt bút viết tuồng “ma,” thì các ông nghĩ ngay đến một con ma nữ nào đó, và khi vở hát hoàn thành thì con ma nữ đã có chỗ đứng trong kịch bản, mà phần lớn là vai chánh xuất hiện nhiều. Chớ như mấy chàng kép thì không thể cho làm ma được, do vậy mà khán giả cải lương chỉ thấy toàn là ma nữ.

Cũng không ít người hỏi thẳng soạn giả viết tuồng ma, rằng tại sao giới nữ sợ ma mà lại cho làm ma, trong khi đó nam giới gan dạ hơn lại không cho vai trò ấy.

Các ông chỉ cười “bí mật” chứ đâu trả lời làm chi cho mất công giải thích, mà đôi khi người ta cũng không đồng ý với sự giải thích đó. Nhưng cũng có soạn giả nói trắng ra luôn, rằng ma nữ thì mới bán vé được, chớ nếu cho kép làm ma thì khi mở màn, rạp hát trống trơn, ai trả tiền bản quyền cho soạn giả chứ!

Do các soạn giả cùng một nhận xét nên hầu hết ma cải lương là ma nữ.

Ngành Mai

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: NV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN