Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Giọng Ca Vàng

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NSƯT NGỌC HƯƠNG: GIỌNG CA VÀNG TRẦM CẢM

Thứ hai - 21/01/2013 18:23

NSƯT NGỌC HƯƠNG: GIỌNG CA VÀNG TRẦM CẢM

NHIỀU NGHỆ SĨ CẢI LƯƠNG TÀI DANH THƯỜNG NỔI TIẾNG VỀ CA QUA BÀI VỌNG CỔ NÀO ĐÓ, VỀ DIỄN THÌ QUA MỘT VAI NÀO ĐÓ TRONG VỞ DIỄN. RIÊNG NSƯT NGỌC HƯƠNG THÌ NỔI TIẾNG VỀ CẢ CA VÀ DIỄN QUA NHỮNG VAI CỦA NHIỀU VỞ. KHI NÓI ĐẾN BÀ, AI CŨNG BIẾT ĐÓ LÀ MỘT NỮ NGHỆ SĨ CẢI LƯƠNG TÀI DANH CÓ GIỌNG CA VÀNG CÓ MỘT KHÔNG HAI CỦA ĐẠI BANG CẢI LƯƠNG “HƯƠNG MÙA THU” LỪNG DANH VÀO THẬP NIÊN 60-70 CỦA THẾ KỶ TRƯỚC. NAY NSƯT NGỌC HƯƠNG ĐÃ VÀO HÀNG “THẤT THẬP CỔ LAI HY”, NHƯNG CÓ DỊP CA LẠI THÌ GIỌNG CA CỦA BÀ VẪN CÒN PHONG ĐỘ…
XUẤT THÂN TỪ NHÀ NÒI

NSƯT Ngọc Hương sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật Tuồng cổ ở Bến Tre (1942). Ông bà nội của NSƯT Ngọc Hương là hai nghệ sĩ nổi danh của gánh hát bội Kiến Lương – Bến Tre vào thập niên 20-30 của TK XX. Cha của bà là ông Nguyễn Văn Hay tức nghệ nhân Hai Nhỏ, vừa là kép chính vừa là thầy tuồng của gánh hát bội Kiến Lương. Anh trai là nhạc sĩ Hoàng On, chị là nghệ sĩ Kim Giác (vợ của NSƯT Hoàng Giang), em là nghệ sĩ Ngọc Lan đào lẳng của Đoàn Hương Mùa Thu trước đây… Thời thơ ấu Ngọc Hương đã được anh mình (Hoàng On) dạy ca nhiều thể điệu, nhịp nhàng rất vững chắc. Tuy được sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ Hát bội nhưng cha của bà đã biết nghệ thuật Hát bội từ từ không thu hút khán giả, hoàn cảnh gia đình thì khó khăn, Hát bội thì biểu diễn theo mùa vụ (khi cúng kỳ yên đình, miếu)… nên ông phải chuyển hướng cho Ngọc Hương.

Từ thập niên 20-30 của thế kỷ XX, sau khi ra đời Cải lương nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, nhiều nghệ sĩ Cải lương mau nổi tiếng và giàu có… Bởi tính chất ca kịch mới của Cải lương về ca ngâm trữ tình, mượt mà, nội dung tuồng tích, nhất là đề tài tâm lí xã hội gần gủi với cuộc sống hơn… nên Cải lương có nhiều lợi thế. Sự ra đời của loại hình ca kịch Cải lương đã không chỉ thu hút khán giả, mà còn thu hút nhiều nghệ nhân Hát bội lúc bấy giờ, trong đó có gia đình của Ngọc Hương, và bà được cha định hướng không cho theo Hát bội mà vào Cải lương (1959). Ban đầu bà trãi qua vài gánh trung ban để thực tập, đầu thập niên 60 thì bà lên Sài Gòn và hát đào thương cho những đại ban lớn, và nhanh chóng trở thành cô đào chánh sáng giá.

Trong cuộc đời làm nghề của NSƯT Ngọc Hương, bà là một trong những cô đào thương có nhiều thuận lợi để sớm có nhiều vai diễn thành công và nổi tiếng. Một cô đào tài sắc vẹn toàn với những tố chất từ dòng huyết thống của gia đình. Nghĩa là NSƯT Ngọc Hương đã may mắn thừa hưởng những gì mà ông bà cha mẹ đã cho như sắc vóc đẹp, giọng nói sang trọng, thêm vào đó là được cha, anh truyền nghề ca diễn… Bà được thụ đắc hơi – giọng ca ngâm từ người anh, phong cách biểu diễn về vũ đạo ít nhiều được cha truyền từ nghệ thuật Hát bội, vốn bản thân bà thông minh nên việc tiếp thu nghệ thuật ca diễn nhanh để hình thành phong cách riêng mình.
Dù mỗi nghệ sĩ trên bước đường thành danh không khỏi gặp những thăng trầm trong nghệ thuật, nhưng với Ngọc Hương có nhiều cơ hội thăng hơn là trầm. Từ khi bà vào gánh Thủ Đô, bà có dịp tiếp cận những bậc thầy như cố NSND Ba Vân, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Hoàng Giang (anh rể) là những thuận lợi để nâng cao nghề; rồi về gánh Kim Chưởng lại được cô Bảy (NSƯT Kim Chưởng) tận tình truyền dạy kinh nghiệm ca diễn trên sân khấu… Đặc biệt, Ngọc Hương có một thời gian dài lâu nhất ở Đoàn Hương Mùa Thu đã tạo dấu son trong tiểu sử của mình. Đó là đại ban Cải lương tên tuổi lẫy lừng của Sài Gòn trước 1975 và sau 1975 của thời Cải lương hoàng kim. Bởi bà từ đào nhì, là học trò của soạn giả Thu An, rồi trở thành người bạn đời của Thu An và cùng ông chăm sóc thương hiệu “Hương Mùa Thu suốt một chặng đường chói sáng trong lịch sử Cải lương
Nam bộ.

MỘT DẤU SON CỦA “HƯƠNG MÙA THU”

Có lẽ, NSƯT Ngọc Hương với Đoàn CL Hương Mùa Thu là một dấu ấn sâu sắc nhất trong đời của bà. Không những tên tuổi của bà một thời sáng chói ở đại bang này, mà bà còn là bệ phóng cho nhiều anh kép khác trở thành tài danh. Bởi bà gặp được soạn giả Thu An – một soạn giả lớn tài hoa, ông không chỉ là thầy tuồng giỏi, mà còn là một ông bầu đầy trí tuệ, sáng tạo một phong cách của Hương Mùa Thu rất riêng, chính ông đã sáng tác hàng loạt vở diễn ăn khách và “đo ni đóng giày” cho NSƯT Ngọc Hương cùng nhiều anh kép với những vai diễn để đời.

Có thể thấy những vở diễn một thời vang bóng của Hương Mùa Thu, Ngọc Hương cùng với NS Thanh Hải, NS Út Hiền, NS Tấn Tài, NSƯT Thanh Tuấn, sau này có NS Hoài Thanh, NS Bảo Linh… đã làm nức lòng khán giả mộ điệu. Đó là những vở “Tiếng trống sang canh”, “Chiếc là mùa thu”, “Trăng lên ngoài cửa ngục”, “Sầu quan ải”, “Hai chiều ly biệt”, “Người câu bóng trăng”, “Cô gái sông Đà”, “Thuyền ra cửa biển”, “Nắng chiều trên sông Dịch”, “Con cò trắng”, “Nữa bản tình ca”,…; sau 1975 có “Gánh cỏ sông Hàn”. Từng vở diễn, NSƯT Ngọc Hương vào vai diễn tạo một nét riêng, vì mỗi nhân vật đều có một số phận và đời sống riêng, nên khó mà so sánh vai nào hơn vai nào, chỉ cảm nhận một điều là bà đã biểu đạt ca diễn tài tình trong mỗi vai diễn của mình. Ngay từ đầu thập niên 60, bà đã thành công những vai đầu đời, và đoạt Huy chương vàng Giải Thanh Tâm – 1962 (một lượt với NSƯT Ánh Hồng).

NSƯT Ngọc Hương có một phong cách diễn trầm tĩnh nhưng khá “bốc”, với những vai trong vở màu sắc hoặc dã sử thì phong cách bà càng sang trọng hơn, bởi ngoài vóc dáng đẹp, cao khỏe; gương mặt sáng sủa với nụ cười duyên dáng, nhưng khi vào những vai gặp tình huống nghịch thì nụ cười của bà gắn vào nhân vật không còn nét duyên dáng thường ngày, mà thay vào nụ cười sâu cay, sắc sảo, thâm hiểm đến lạnh lùng… tạo cho nhân vật có sức sống và tâm lý rất thực. Giọng nói của bà thường ngày luôn ôn tồn trong veo, ngữ điệu truyền cảm, âm giọng trở nên sang trọng, nhưng khi vào nhân vật ngữ điệu trở nên khác nhiều, lúc thì hùng mạnh, lúc nói giọng trầm buồn não nuột, lúc thì nói như than âm giọng đượm chất bi như khóc… Nhờ sự phong phú về trạng thái mà bà hóa thân vào nhân vật lúc vui buồn, oán hận, đau thương, hỉ nộ… đều có khẩu khí thuyết phục cả khán giả và bạn diễn của mình. NSƯT Ngọc Hương khá nhạy cảm với nhân vật, từng loại nhân vật đều nhập vai, nếu không muốn nói là bà có thể sống với nhiều tâm trạng của nhân vật trong vai diễn. Do vậy, NSƯT Ngọc Hương diễn với nhiều anh kép đều thích hợp để gây hưng phấn cho bạn diễn và ngược lại. Ngọc Hương diễn với NS Thanh Hải thì có vẻ ăn ý về phong cách trữ tình nổi lên, nhất là khi ca ngâm: NS Thanh Hải thì “Tao đàn”, Ngọc Hương thì pha chất ngâm “Sa mạc”. Ngọc Hương với Út Hiền thì lối ca diễn tự sự đằm thắm hơn, tiêu biểu ở tình huống mang chất bi ai ở những trạng thái yêu thương, chia ly, ngang trái của hai nhân vật. Tấn Tài và Ngọc Hương trong những vở diễn cũng như trong những bài ca Vọng cổ nổi lên là phong cách ca ngâm, một giọng “Đồng lai” có chút trung tính với một giọng “kim rặt” hòa nhau thành một âm sắc vang vang bay bổng, lúc trầm thì âm sắc buồn man mác làm xôn xao lòng người…

NHỮNG DẤU SON TRONG CA NGÂM

Trong giời nghệ sĩ Cải lương nhiều người có giọng “Kim” rặt hoặc lai hay pha, khi ca ngâm thì mỗi người một vẻ, nhưng có giọng “Kim” có người có thể nhái theo được, như giọng của NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Minh Vương; riêng giọng “Kim” của NSƯT Ngọc Hương chưa thấy ai nhái được, đó là một dấu son riêng. Biết rằng cơ thể sinh học, cấu âm của mỗi người có những đặc tính khác nhau, nên kết quả phát âm cũng khác nhau. Điều này, chúng tôi muốn nói đến nét riêng về cách phát âm trong ca ngâm của NSƯT Ngọc Hương, hay nói khác đi là bà có cách xử lý kỹ thuật thanh đới trong ca ngâm với nét riêng.

Thông thường các giọng kim có đặc tính chung về âm vực rộng và cao vút, âm điệu trữ tình bay bổng, khi ngân – rung giọng âm sắc vang vang ở độ rất cao; gọi nôm na là trong veo và thánh thoát. Khi ca thì âm sắc thanh thanh, trữ tình, luyến láy càng duyên dáng bởi độ trong veo, cao vút… như NSƯT Thanh Kim Huệ chẳng hạn. Còn với NSƯT Ngọc Hương cũng có những tố chất và đặc tính của một giọng “Kim” rặt nhưng bà có cách xử lý riêng, cũng có thể nói đó là vốn bẩm sinh về hơi – giọng của bà. Bà ca ngâm ít khi sử dụng kỹ thuật luyến láy, lạng lách theo kiểu trữ tình, trẻ trung, mà bà xử lý nhấn các trọng âm là chính cũng với kỹ thuật ngân – rung vừa phải, nên âm giọng “Kim” của bà không “bốc” mà có chiều sâu về tâm trạng, trầm cảm hơn. Có thể so sánh, giọng Kim của Thanh Kim Huệ mạnh về tính chất trữ tình, trẻ trung; còn giọng Kim của Ngọc Hương là nghiêng về sự trầm cảm, dày dặn về mặt tâm trạng (nội tâm). Nên cái dụng ngôn của trạng thái nội tâm là sâu lắng không lả lướt, vút cao như giọng Kim trữ tình.

Giọng Kim trầm cảm được hiểu cũng là một giọng vàng có đặc tính như bao giọng Kim của nhiều nghệ sĩ khác. Đặc trưng tiêu biểu của giọng Kim là trữ tình, ít khi có tính chất trầm cảm, trừ Kim pha Thổ hoặc Thổ lai Đồng chẳng hạn. Vì sự trầm cảm chỉ là một khái niệm tương đối, cần phân biệt sự trầm cảm của con người và sự trầm cảm của chất giọng Kim. Sự trầm cảm của con người là cách sống nội tâm, tức ít nói lên cảm nghĩ riêng mình mà chỉ ẩn chứa trong tâm, chỉ muốn một mình hiểu là đủ rồi, cứ để lặng lẽ trong thế giới tâm hồn họ. Còn sự trầm cảm của giọng Kim là âm sắc hòa quyện hai yếu tố: trầm hóa và cảm xúc; trầm hóa là những âm có độ trầm, thấp và rền, cảm xúc là sự rung động trong lòng người khi tiếp nhận một việc gì đó về tâm lý, tình cảm. Như vậy, giọng Kim trầm cảm là giọng Kim mang âm sắc có độ trầm hóa ít nhiều, tính chất trong thanh nhưng có một chút trầm hóa của “Thổ” hoặc “Đồng”, tạo nên âm hưởng trầm ấm và sâu lắng dễ gây xúc cảm cho người tiếp nhận. Chính những yếu tố này mà NSƯT Ngọc Hương khi hát với NS Thanh Hải , hai người hòa quyện lối Tao đàn và Sa mạc vào ca ngâm ngữ điệu thêm dìu dặt, chất thi phú càng dào dạt trong âm sắc biểu hiện mà nhiều giọng Kim khác khó có được.

NSƯT Ngọc Hương có làn hơi rất khỏe, khi xuân thời bà chuyên hát dây “xề đào” tức cao hơn dây “đào chính” là một bậc, mà bà ca như những cách ca chân phương khác. Bà ca bình thường không luyến láy, mà chỉ nhấn mạnh (gằn giọng) với những ca từ có trọng âm; đặc biệt là bà xử lý hơi – giọng ở những âm tiết mang dấu huyền rất lạ, nhấn giọng thành trọng âm nhưng hạ hơi xuống thấp. Cách nhấn dấu huyền này khiến âm sắc của âm tiết đó không chỉ trầm hóa mà âm điệu của nó mang đầy chất bi ai, não nuột. Cụ thể qua nhiều vai diễn mà bà ca Vọng cổ, chúng tôi xin trích và nhắc lại câu 6 của bài Vọng cổ “Vườn cau quê ngoại” (Ngọc Hương ca với Tấn Tài): “Quê xưa ơi, kẻ ra đi bỏ làng xa xứ, phút nào quên rồi cũng nhớ cũng thương, lòng của ai chẳng có một quê hương, một ngoại lưng còng tóc bạc. Tiếng cười vang trong hố sâu trụy lạc, thua câu hò ấm áp của quê hương. Tiệc tùng ngon đầy mỹ vị cao lương, cũng không bằng tình ngoại tôi son sắc với cau trầu. Ai dầu xa xứ bao lâu, đừng quên bóng ngoại trồng trầu, ươm cau. Con cò cất cánh bay mau, nhìn theo mà nhớ đường vào quê hương” (những chữ in đậm là dầu nhấn trọng âm của dấu huyền)

Sau khi Đoàn CL Hương Mùa Thu ngưng hoạt động, NSƯT Ngọc Hương chỉ thỉnh thoảng cộng tác cho Đài HTV và một số tỉnh, và có dịp là phục vụ những chương trình biểu diễn từ thiện… Mặc dù rời sàn diễn khá lâu nhưng có dịp bà vẫn ca diễn bằng giọng ca vàng trầm cảm phong độ như ngày nào, tốc độ thời gian tuy có bào mòn đôi chút sự trẻ trung, nhưng chất trầm cảm trong ca ngâm của NSƯT Ngọc Hương vẫn còn đó một sắc hương…, mà cho đến bây giờ vẫn chưa có cô đào trẻ nào có thể kế thưa bà. Thật đáng tiếc!...


Nguồn tin: tanconhac theo BSK

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nghệ sĩ, nổi tiếng, thế kỷ, trước nay

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN