Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đó Đây Gần Xa

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Nghệ thuật xiếc trong vòng xoáy thị trường

Thứ tư - 02/12/2015 07:31

Nghệ thuật xiếc trong vòng xoáy thị trường

Xiếc là nghệ thuật của lòng dũng cảm, thu hút người xem bởi sự mạo hiểm, khéo léo về kỹ năng, kỹ xảo trình diễn và vẻ đẹp tạo hình sân khấu. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của thị trường nghệ thuật giải trí và từ cả những bất cập trong cơ chế, chính sách.
Tồn tại hay không tồn tại

Vụ việc 12 nghệ sĩ chủ chốt biểu diễn chương trình xiếc Làng tôi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam xin nghỉ việc đầu tháng 11 vừa qua chỉ là “giọt nước tràn ly”, cho thấy phần nào khó khăn của những người theo đuổi nghề xiếc và sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay của thị trường nghệ thuật, giải trí. Một lý do chung mà nhiều người trong nhóm nghệ sĩ đưa ra về sự ra đi của mình và cũng là nguyên nhân sự chia tay của không ít nghệ sĩ, diễn viên xiếc trong những năm gần đây là “kinh tế khó khăn, lương không đủ sống”.

Khi ánh đèn sân khấu vừa tắt là các nghệ sĩ, diễn viên xiếc lại đối mặt với nỗi lo mưu sinh của cuộc sống đời thường, với những bấp bênh của thu nhập và cả sự ám ảnh về một tương lai không mấy sáng sủa của nghề. Đây là một trong mười nghề được thế giới đánh giá là nguy hiểm nhất, nguy cơ tai nạn, chấn thương luôn rình rập trong khi tập luyện thì gian khổ. Một diễn viên xiếc bắt đầu được đào tạo trong các trường chính quy từ khoảng 10 tuổi và phải học tập liên tục trong năm năm. Sau đó ra trường cũng phải tập luyện với thời gian tương ứng mới được đứng riêng một tiết mục và thường giữ tiết mục đó cho đến khi kết thúc sự nghiệp biểu diễn. NSƯT Phạm Văn Xuyên, nguyên Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Vất vả học hành, tập luyện với thời gian dài như vậy, nhưng mỗi diễn viên có tiết mục cũng chỉ được biểu diễn chưa đầy mười phút trong chương trình chung, không thể hơn được”. Trong khi đó, tuổi nghề cống hiến của nghệ sĩ xiếc lại khá ngắn ngủi, thông thường ở nữ không quá 35 tuổi và nam tối đa khoảng 40 tuổi.

Trong thị trường nghệ thuật biểu diễn ở nước ta hiện nay, không gian dành cho xiếc đang dần thu hẹp trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình nghệ thuật, giải trí khác cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, nghe nhìn. Cuộc sống khó khăn, nhiều nghệ sĩ, diễn viên xiếc đã phải chia tay với nghề chỉ vì đồng lương không đủ trang trải cho cuộc sống và gia đình. Theo Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Ngô Hoàng Quân: “Có một thực tế đáng buồn là một số nhà hát, trong đó có các đơn vị nghệ thuật xiếc chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cho các nghệ sĩ để họ có thể yên tâm với nghề”. Mức độ bồi dưỡng cao cho một đêm diễn của nghệ sĩ xiếc theo quy định của Nhà nước chưa đầy 100 nghìn đồng, tập luyện mỗi buổi được từ 20 đến 30 nghìn đồng! Mặc dù đã rất cố gắng tìm kiếm các nguồn bổ sung, tăng thưởng, nhưng lương tháng của các nghệ sĩ dạng cứng như ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện cũng chỉ khoảng bốn triệu đồng, còn với diễn viên trẻ thì thu nhập còn ít hơn nữa, trên dưới hai triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền phụ cấp, bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn, rất bất xứng với công sức của họ trên sân khấu. Một nghệ sĩ lâu năm trong nghề cho biết: “Nghề này khắc nghiệt lắm, cứ mải mê theo đuổi nó cả thời tuổi trẻ đẹp nhất, đến khi phải nghỉ chế độ sớm mới thấy mình gần như trắng tay, kinh tế eo hẹp, không có nghề khác để làm”.
Ngoài nguyên nhân khách quan đến từ cơ chế thị trường thì vẫn còn những nguyên nhân chủ quan đến từ chính nghệ thuật xiếc ở nước ta. Tuy đã có những cố gắng đầu tư, nhưng với khả năng hạn chế, nhìn chung các chương trình xiếc hiện khá đơn điệu, lặp lại, không có nhiều sự đổi mới thường xuyên và chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem. Có tiết mục diễn đi, diễn lại nhiều năm trời, thậm chí nếu tinh ý sẽ thấy có chương trình tuy tên gọi khác đi, song trong đó vẫn là những tiết mục cũ. Một số chương trình xiếc đương đại được dàn dựng thời gian qua như Làng tôi, À Ố Show tuy được đánh giá cao ở nước ngoài nhưng với khán giả trong nước lại “lạ lẫm” vì họ chỉ quen những chương trình tập hợp của các tiết mục đơn lẻ. Có vẻ như xiếc đang ngày càng mất đi sức hấp dẫn và thưa vắng người xem so với trước. Nhiều buổi biểu diễn vào giờ vàng cuối tuần, cả Rạp xiếc Trung ương rộng lớn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam giữa Hà Nội mà chỉ có lèo tèo vài chục khán giả, tiền bán vé chưa chắc đã đủ cho tiền điện và công phục vụ, nói gì đến tăng bồi dưỡng cho diễn viên.

Bên cạnh đó xiếc còn gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ những nhà tổ chức biểu diễn tư nhân. Độ chênh lệch giữa mức thù lao và cát-xê mà các đơn vị tư nhân trả cho nghệ sĩ ở một buổi biểu diễn nhiều khi bằng cả tháng lương của họ ở các đơn vị nhà nước. NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bức xúc: “Có thể nói đó là tình trạng “chảy máu chất xám” trong nghệ thuật. Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền của đào tạo diễn viên ở trường xiếc trong một thời gian dài, rồi khi về Liên đoàn, chúng tôi lại tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ, diễn viên được làm nghề và trưởng thành. Thế nhưng khi họ đạt tới độ chín và thời gian cống hiến chưa được bao nhiêu thì các đơn vị tổ chức nghệ thuật tư nhân lại nẫng tay trên, lôi kéo họ về, không phải đầu tư gì mà nghiễm nhiên hưởng thụ thành quả đầu tư của Nhà nước và của chúng tôi”.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành xiếc, nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành cho rằng, đó là thực tế của cơ chế thị trường, khi ở đâu thu nhập cao hơn và nghệ sĩ có đất diễn thì họ sẽ đầu quân. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các nghệ sĩ, diễn viên rời bỏ biên chế của Nhà nước sẽ phải chấp nhận một thực tế bấp bênh “vắt chanh bỏ vỏ” của các nhà tổ chức biểu diễn tư nhân khi họ nhận thấy sự “bão hòa” của tiết mục và phong độ không còn bảo đảm của người biểu diễn.

Nghề đặc thù cần “cơ chế đặc biệt”?

Những khó khăn nêu trên cho thấy, ngành xiếc Việt Nam mà ở đây là Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải năng động tìm hướng đi phù hợp cho mình từ lợi thế đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất tập luyện, biểu diễn cho đến đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên hàng đầu. Theo NSND Nguyễn Thị Tâm Chính, Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam, ngay từ nhiều năm trước, khi còn là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam và đến bây giờ tham gia dàn dựng những chương trình xiếc cho các đơn vị, bà luôn luôn quan tâm triển khai song song đổi mới hình thức và nội dung, nâng cao chất lượng biểu diễn các chương trình, tiết mục hướng đến công chúng nhỏ tuổi. Bên cạnh đó là quảng bá, tiếp thị để đưa xiếc đến với các em thông qua việc liên kết với các đơn vị, trường học cùng với việc tìm kiếm đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và “mạnh thường quân”. Nhờ những nguồn lực này, các vở kịch xiếc đã ra đời cùng không ít sự kiện về xiếc được tổ chức sôi nổi thời gian đó.
Có tiết mục và được tạo cơ hội biểu diễn thường xuyên trên sân khấu sẽ là động lực khuyến khích các nghệ sĩ, diễn viên theo đuổi và nâng cao trình độ nghề nghiệp, tăng thu nhập cho họ. Có thể vẫn chỉ là những kỹ thuật và tiết mục đó, nhưng hình thức thể hiện phải khác để tạo nên những cảm nhận mới lạ, không lặp lại, thu hút các em nhỏ, đối tượng phục vụ đông đảo mà xiếc hướng tới. Cũng vì thế, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chủ trương khuyến khích các nhóm nghệ sĩ tìm kiếm những nguồn hỗ trợ xây dựng chương trình và chủ động tìm đầu ra cho tiết mục. Những nhóm xiếc gọn nhẹ, linh hoạt, dễ hoạt động với kinh phí ít là một trong những hướng đi, không nên ham các chương trình lớn khiến giá vé đội lên quá đắt, biết tiết chế về thời gian và sự đan xen giữa các tiết mục để khán giả không cảm thấy nhàm chán, đồng thời rút ngắn thời gian luân chuyển hằng tháng của mỗi chương trình, tiết mục biểu diễn.

Về chế độ lương bổng của nghệ sĩ, NSƯT Tạ Duy Ánh cho rằng: Là một nghề đặc thù, các cơ quan quản lý nhà nước nên nhanh chóng có một “cơ chế, chính sách đặc biệt”; nghiên cứu đánh giá lại ngạch, bậc nghệ sĩ, diễn viên xiếc kèm theo sự cải thiện lương bổng cho họ để thể hiện chính sách đãi ngộ thật sự. Trong đó có tăng chế độ lương, thưởng, phụ cấp bồi dưỡng và cả ưu đãi về việc làm cho những nghệ sĩ, diễn viên xiếc hết tuổi nghề để họ yên tâm theo nghề và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Đối với những tài năng, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt, không nhất thiết cứng nhắc theo quy định về bậc lương khởi đầu ít ỏi và cách nâng bậc lương hai năm một lần như hiện tại bởi như vậy các nghệ sĩ, diễn viên xiếc sẽ không có động lực phấn đấu. Khắc phục được chính sách lương bất hợp lý và phi thực tế đối với các nghệ sĩ, diễn viên xiếc sẽ phần nào tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” của các đơn vị xiếc nhà nước. Tất nhiên cùng với cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cũng cần có những quy định pháp lý ràng buộc chặt chẽ về thời gian cống hiến của nghệ sĩ, thể hiện trách nhiệm của họ với những đầu tư và ưu đãi của Nhà nước và các đơn vị.
Trong vòng xoáy thị trường, các đơn vị nghệ thuật và những nghệ sĩ, diễn viên xiếc đang cần lắm những hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước, nhưng trong khi chờ đợi, họ vẫn phải loay hoay đủ cách để duy trì và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề.

NGUYỄN TIẾN CƯỜNG


Nguồn tin: tcgd theo NDO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nghệ thuật, dũng cảm, thu hút, mạo hiểm, khéo léo, kỹ năng, kỹ xảo, trình diễn, tạo hình, sân khấu, tuy nhiên, loại hình, khó khăn, cạnh tranh, thị trường, giải trí

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN