Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Gìn Vàng Giữ Ngọc

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng

Thứ ba - 10/10/2017 20:18

GT

'Giỗ tổ ngành sân khấu vui như ngày tết của nghệ sĩ chúng tôi' - NSƯT Trịnh Kim Chi, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, hồ hởi chia sẻ.
 
Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 1.

NSƯT Trịnh Kim Chi thắp nhang làm lễ cúng tổ tại sân khấu Trịnh Kim Chi sáng 1-10

Sáng 1-10 (ngày 12-8 âm lịch) nhiều sân khấu lớn nhỏ ở TP.HCM tổ chức cúng tổ, vui hát hưởng lộc tổ sân khấu. 

Lúc 9h30 êkip diễn viên của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi (Q.6) đã làm lễ rước bàn thờ tổ, thắp nhang cúng lễ vật, trống lân rộn ràng. 

Khán giả, diễn viên đến sân khấu hết thảy đều chắp tay thành kính rước tổ. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi việc chuẩn bị lễ tổ đã được chị lên kế hoạch một tháng trước. 

Đây là năm thứ ba chúng tôi được làm lễ tạ ơn tổ nên mọi khâu đều phải làm thật chỉn chu từ trang phục áo mão đến thiết kế sân khấu, lễ vật. Nhờ ơn tổ mà sân khấu Trịnh Kim Chi từ một sân khấu kịch sinh viên phát triển thành sân khấu chuyên nghiệp hơn...

NSƯT Trịnh Kim Chi tâm sự

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 3.

Các nghệ sĩ thành kính trước nghi thức rước bàn thờ tổ tại sân khấu Trịnh Kim Chi

Trong cùng một không khí tưng bừng ngày tổ, ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh nghệ sĩ Ái Như trong trang phục sắc đỏ tươi thắm không ngơi tay chỉnh trang liễn thờ, nhánh hoa, sắp lại lễ vật cúng tổ. 

 

Còn phía dưới khán đài NSƯT Thành Hội rôm rả ôn lại chuyện xưa cùng bậc tiền bối ngành sân khấu. 

Dăm ba phút lại có tốp nghệ sĩ trẻ đến thắp nhang, trò chuyện, chụp hình lưu niệm chia vui cùng sân khấu. 

Đã năm thứ chín được làm giỗ tổ mà y như rằng giây phút khấn bái tôi không kiềm được xúc động. Lễ vật bánh trái có thể không thay đổi nhưng lòng thành gửi tổ mỗi năm nhiều lên, cũng kèm theo đó là trăn trở hoạt động của sân khấu mong sao tổ thương tổ ban lộc nghề cho anh em nghệ sĩ...

 Nghệ sĩ Ái Như bộc bạch

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Ái Như sắp xếp lễ vật cúng tổ tại sân khấu Hoàng Thái Thanh

Đến với sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần là cảm nhận không khí giỗ tổ ấm áp như một gia đình, bởi nhiều lớp nghệ sĩ gạo cội xa quê hương nay trở về chung vui với các nghệ. 

Sân khấu 5B còn đón cả lãnh đạo sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM đến thăm. 

Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần đã không sáng đèn hai năm nay, ấy vậy anh chị nghệ sĩ còn nhớ, còn thương mà ghé đến sân khấu ngày trọng đại này quả thật tôi rất vui. Trong thâm tâm tôi luôn mong ngày nào đó sân khấu sẽ sáng đèn lại, khán giả mua vé đến xem kịch, nghệ sĩ chúng tôi được diễn trên sân khấu của 5B.

Bà bầu Mỹ Uyên xúc động trong ngày giỗ tổ

Xem một số hình ảnh lễ giỗ tổ sân khấu TP.HCM: 

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 7.

Các nghệ sĩ thành kính trước nghi thức rước bàn thờ tổ tại sân khấu Trịnh Kim Chi

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 8.

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam thắp nhang bàn thờ tổ tại sân khấu Hoàng Thái Thanh

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 9.

Nghệ sĩ Hạnh Thúy thành kính cúng bái tổ nghề tại sân khấu Hoàng Thái Thanh

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 10.

Diễn viên Quyền Linh cũng đến chia vui cùng đồng nghiệp trong ngày trọng đại này tại sân khấu 5B Võ Văn Tần

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 11.

Đạo diễn Đức Thịnh cúng tổ tại sân khấu 5B Võ Văn Tần

Sài Gòn cúng tổ sân khấu, lân trống rộn ràng - Ảnh 12.

Nhiều nghệ sĩ tranh thủ chụp hình lưu giữ kỷ niệm ngày trọng đại của nghề

Bài và ảnh: ĐỖ TRƯỜNG
 
k

Chuyện sân khấu giỗ tổ

Giới sân khấu phía Nam thường hay dùng từ "tổ độ" mỗi khi làm được việc hay gặt hái thành công trong nghề.

c9Y7tx6G.jpgPhóng toc9Y7tx6G.jpg
Nghi lễ đánh trống trong lễ giỗ tổ sân khấu - Ảnh: H.Duẩn

Tổ của nghề hát tuồng được thờ là hai vị hoàng tử, không rõ đời nào. Chỉ biết theo truyền thuyết thì hai vị con vua này vì quá mê tuồng mà trốn vua đi xem hát, không ngờ bị nạn mà chết. Những người theo nghề hát vì cảm mến hai vị hoàng tử nên thờ cúng họ thành tổ nghề mình.

NSND Ðinh Bằng Phi lý giải chuyện này ba phần thực bảy phần hư. Bởi lẽ nghề hát rất trọng thầy, không ai chịu tôn thầy người khác lên làm tổ. Cho nên mới có chuyện tôn hai vị hoàng tử nào đó lên làm tổ để trăm người đều phục, không ai so đo ý kiến gì. Trong những gánh hát xưa, hai vị tổ được tạc bằng gỗ vông nên con hát cấm đi guốc bằng gỗ vông. Người ta cũng kỵ tạc tổ bằng gỗ thị, hoặc ai đó đem trái thị đi qua bàn thờ tổ. Người gánh hát tin rằng hai vị tổ còn thiếu niên, nghe trái thị thơm sẽ bỏ gánh mà ra ngoài chơi. Lúc đó gánh hát sẽ bị tai nạn, nội bộ lục đục, đêm diễn không ưng ý...

Từ hát bội cho đến cải lương, kịch nói, rối, xiếc... sau này đều thờ tổ. NSƯT Hữu Châu cho biết có những người theo nghề hát cả đời cũng có thể rước tổ về nhà thờ, nhưng thông thường những người làm bầu mới được thờ tổ ở nhà. Tổ của hát bội là tượng hai vị hoàng tử bằng gỗ, còn tổ của cải lương là chiếc khánh cũng bằng gỗ. Nếu vì lâu ngày mà tượng tổ hay khánh tổ bị hư mục thì người giữ sẽ đưa tổ vào đình hoặc chùa xin gửi ở đó, tuyệt nhiên không xử lý khác.

Tín ngưỡng tổ nghề của những người làm nghề biểu diễn rất mạnh. Những người làm nghề lâu năm thường truyền nhau câu chuyện về những người vì phản tổ, hỗn với tổ... mà bị tổ hành, tổ đày đọa cuộc đời thành kẻ ăn mày. Một sân khấu ở TP.HCM từng xảy ra một chuyện rất ầm ĩ chỉ vì cô đào trẻ mới về cậy thế thân đạo diễn mà quên ý tứ, ăn mặc hở hang đi qua đi lại trước bàn thờ tổ. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm những người trong nhà hát xốn mắt, lên án cô đào, hậu quả là cô đào hớ hênh này không còn đất diễn ở sân khấu đó nữa.

 

Tín ngưỡng tổ của sân khấu còn đi vào văn học với truyện ngắn Bàn thờ tổ của một cô đào của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, sau đó được chuyển thể thành kịch bản cải lương. Chuyện kể về một anh hậu đài giúp cô đào đu bay phi thân hằng đêm, nhưng một khoảnh khắc quên mình vì tiết mục đó mà anh bị tai nạn qua đời. Từ đó bên bàn thờ tổ của cô đào chánh luôn thờ cúng anh hậu đài kia. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể: "Chuyện này là chuyện có thật ở một gánh hát trước đây. Nghệ sĩ Ba Xây là người kể cho tôi nghe câu chuyện này. Lúc đầu nghe kể như một câu chuyện chơi chơi thôi, không có ý định viết lách gì. Nhưng về sau tôi nghiệm nhiều chuyện nữa mới thấy là có người ngã xuống thì mới có người bay lên của ngày hôm nay, thế nên tôi viết ra".

"Nghề này lạ lắm! Một vai diễn thành công trên sân khấu chưa hẳn do người diễn hay hoặc tài năng vượt trội gì. Có khi do tổ cả!", suy nghĩ đó của diễn viên Quang Thảo cũng là niềm tin của nhiều người nghệ sĩ. Niềm tin vào tổ nghề của người làm sân khấu không phải sùng bái dị đoan mà là một tín ngưỡng tâm linh. Nó giúp những nghệ sĩ từ trẻ tới già vẫn giữ gìn và điều chỉnh đạo đức làm nghề của họ.

Hôm nay, ngày 26-9 (nhằm 11-8 âm lịch), sân khấu bắt đầu giỗ tổ!

Giỗ tổ sân khấu trong ba ngày

Sân khấu TP.HCM tổ chức giỗ tổ trong ba ngày 26, 27 và 28-9 (nhằm 11, 12 và 13-8 âm lịch).

Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM, Ðoàn nghệ thuật Múa rối TP.HCM và Ðoàn Xiếc TP.HCM cúng tổ từ ngày 26-9. Riêng Ðoàn 3 của Nhà hát Trần Hữu Trang (tức nhóm Thắp sáng niềm tin trước đây) tổ chức họp mặt giao lưu mang tên Tri ân khán giả vào tối 26-9 tại rạp Thủ Ðô và cúng tổ vào sáng 27-9. Ðúng ngày 27-9, nhóm Ðồng ấu Bạch Long và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM cũng lần lượt tổ chức cúng tổ. Trong khi đó, nhóm hát của nghệ sĩ Vũ Luân phối hợp với báo Sân Khấu tổ chức cúng tổ trong ba ngày 26, 27 và 28-9 tại trụ sở của báo.

Trong hai ngày 26 và 27-9, lễ cúng giỗ tổ cũng được tổ chức ở các sân khấu: Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Nụ Cười Mới, Nhà hát Kịch thành phố, IDECAF, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ. Trong lễ giỗ tổ năm nay, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ cũng sẽ ra mắt câu lạc bộ diễn viên trẻ mà nhà hát vừa thành lập.

L.ÐOAN - Q.THI



Tưng bừng giỗ tổ ngành sân khấu

Sáng 11-9, ban giám đốc và các nghệ sĩ hát bội nhiều thế hệ của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM đã hội tụ đông đủ làm lễ cúng tổ nhân ngày giỗ tổ truyền thống ngành sân khấu (12-8 âm lịch).

qfh3E5S7.jpgPhóng toqfh3E5S7.jpg

Chương trình lễ đại bội tại Nhà hát nghệ thuật hát bội sáng 11-9 - Ảnh: Linh Đoan

TTO - Sáng 11-9, ban giám đốc và các nghệ sĩ hát bội nhiều thế hệ của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM đã hội tụ đông đủ làm lễ cúng tổ nhân ngày giỗ tổ truyền thống ngành sân khấu (12-8 âm lịch).

Điều đặc biệt của chương trình là nghi thức cúng bái được thực hiện rất bài bản và đầy đủ với phần nghi lễ kéo dài khoảng 1 giờ, gồm đầy đủ các bước đánh trống khai lễ, cúng khai lễ, lễ đại bội với sáu phần lễ nhỏ…

Năm nay, Nhà hát Trần Hữu Trang đã dành hẳn một đêm diễn đặc biệt vào tối 10-9 tại rạp Hưng Đạo để mừng giỗ tổ. Đêm diễn quy tụ khá đông đảo các ngôi sao cải lương tên tuổi như: Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Vũ Linh, Châu Thanh, Phượng Hằng, Vũ Luân, Trinh Trinh, Tú Sương… Chương trình kéo dài đến khuya, sau đó các nghệ sĩ đã tổ chức cúng tổ vào rạng sáng ngày 11-9 và trưa 11-9.

Trong đêm diễn tối 10-9, các nghệ sĩ đã tự nguyện diễn không lấy catsê, toàn bộ doanh thu sẽ được dùng cho hoạt động từ thiện. BTC cũng trích riêng 2 triệu đồng để giúp các nghệ sĩ trong Viện Dưỡng lão nghệ thành phố có kinh phí tổ chức giỗ tổ.

Trong ngày hôm nay, hầu hết sân khấu lớn nhỏ ở TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động này.

LINH ĐOAN
 
Tiết mục hát bội diễn ra sau lễ giỗ tổ ngành sân khấu tại Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM sáng 12-9 - Ảnh: LÂM MINH TRUNG



 
Chiếc kiệu làm lễ giỗ tổ ngành sân khấu tại nhà thờ tổ của Hoài Linh sáng 12-9 - Ảnh: LÂM MINH TRUNG

Hai danh hài Chí Tài, Việt Hương giao lưu cùng khán giả tại nhà thờ tổ của Hoài Linh sáng 12-9 - Ảnh: LÂM MINH TRUNG
C.TH
 

Nguồn tin: tcgd theo TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:sân khấu, ngày tết, nghệ sĩ, hồ hởi

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN