Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Giọng Ca Vàng

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NSUT Thanh Kim Huệ - giọng ca vàng thánh thoát

Thứ ba - 21/08/2012 09:08

NSUT Thanh Kim Huệ - giọng ca vàng thánh thoát





NSUT Thanh Kim Huệ là một trong những cô đào trẻ nhất của SKCL trước năm 1975 ở lò Kim Chung; và nói cách nào đó, dường như cha mẹ sinh ra chị và thiên phú cho chị làn hơi chất giọng là để ca ngâm thì phải. thêm vào đó là hơi giọng sẳn có, chị lại còn tạo cho mình phong cách ca ngâm riêng, mà không bị ảnh hưởng bất cứa nghệ sĩ tài danh nào trước đó.

Hồi còn ở sân khấu Kim Chung, ngay từ lúc đầu NSUT Thanh Kim Huệ đã gây chú ý với nhiều nghệ sĩ đi trước, và họ đã có những nhận định về chị: " Hơi - giọng cô này lạ và hay quá, sau này dễ thành danh lắm!".

Quả thật như vậy, sau đó không lâu, NSUT Thanh Kim Huệ đã nổi tiếng với khá nhiều bài Vọng cổ và Tân cổ giao duyên trên Đài phát thanh Sài Gòn và hãng băng cassette. Bài Tân cổ giao duyên mở đầu cho hơi - giọng lạ của Thanh Kim Huệ vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước là bài Yêu lầm, kế đó là Chuyện tình Lan và Điệp, chị ca với NS Chí Tâm. Hai bài này đã đưa NSUT Thanh Kim Huệ lên hàng ngôi sao trẻ của thời đó. Bên cạnh đó, chị cũng có những vai diễn cũng nổi bật nhờ giọng ca như Thủy Cúc trong Đường gươm Nguyên Bá, Lan trong Lan và Điệp...

Trong giai đoạn này, hơi - giọng của NSUT Thanh Kim Huệ đã trở thành một điểm sáng trên SKCL; một hơi - giọng Kim mới lạ, cùng với kỹ thuật xử lý thanh đới có sắc thái riêng. NSUT Thanh Kim Huệ, khi cất giọng ca là người ta có thể nhận ra ngay, dù không nhìn thấy mặt chị. Hơi - giọng trong trẻo, âm lực đầy đặn là tố chất sẳn có của cơ thể sinh học. Trên cơ sở sẳn có đó, nhờ rèn luyện, chăm chút câu ca, khuôn nhịp, xửa lý hơi - giọng đúng chỗ (ngân nga, nhấn nhá, luyến láy, lạng lách...) để tạo thành nét riêng; là phong cách ca ngâm của NSUT Thanh Kim Huệ.

Chị vốn có giọng Kim tự nhiên đã hay rồi, lại thêm xử lý kỹ thuật buông hơi, phát âm chuẩn xác nên tiếng ca trở nên bay bổng hơn. Có thể thấy nét chấm phá đó, là chị xử lý thanh điệu các dấu, đặc biệt sở trường sắc và hỏi ở bài Vọng cổ càng tuyệt vời: dấu sắc thì chị ém hơi bụng (phổi) nhần âm tiết trong ca từ có dấu sắc rồi buông hơi sâu để ngân hoặc luyến lên; và trong lúc luyến chị buông hơi hai, ba lượt để ngân tưởng chừng như lạng qua, lách lại, vừa duyên dáng vừa mượt mà trữ tình... Còn dấu hỏi thì chị khép môi, ngân trong cổ khi nhấn âm tiết dấu hỏi, rồi thả âm lực sau từ từ, thấp đến cao, rồi lại ngậm miệng ngân hơi cổ nữa nên âm thanh cao vút lên, thánh thoát nghe như tiếng gió... Còn khi dứt câu 2 (thanh ngang) thì chị ngân ngang nhịp đầu sau đó cất lên như ca cấn rất ấn tượng.

Trong bài " Cây sáo trúc" thời đó, chị đã in sâu vào lòng khán - thính giả mộ điệu: "...Chị hai em là gái chính chuyên, nghe tiếng sáo của anh mà hồng ửng đỏ...". Hai dấu hỏi kề bên nhau trong "ửng, đỏ" nhưng kỹ thuật chị nhấn nhá khác nhau: "ửng" chị buông hơi nhẹ hạ giọng thấp và luyến hơi lên; "đỏ" thì nhấn mạnh trong âm lực rồi rồi chất giọng như lạng qua "đỏ...ỏ...ơ...". Còn trong "Cô gái tưới đậu"thì chị sử dụng phong cách tự sự ca nói nhiều hơn, nhưng đến những ca từ trữ tình thì chị biểu đạt rất tinh tế, và hầu như thanh điệu nào chị cũng có thể xử lí kỹ thuật luyến láy: ". vàng mơ ruộng lúa hoa màu vượt lên, mầm hạnh phúc mọc ở quê em, thay trời đổi đất cho trọn niềm ước mơ.". Bài "Chợ Mới", NSUT Thanh Kim Huệ có vẻ hưng phấn hơn, chất giọng giàn trãi dịu êm, ngọt ngào, luyến các dấu sắc bay bổng lên: "Mấy hôm sao mới hay tin anh đi bộ đội, em chạy xuống Long Xuyên rồi lên Châu Đốc. Nhìn những chỗ tuyển quân xác pháo còn rải rácbóngngười thương chẳng biết đâu tìm".

 Kỹ thuật luyến láy của chị cũng theo cao độ của tiết tấu từ thấp dần lên cao: "Đốc" khởi đầu thấp, luyến nhẹ, đến "xác pháo" ém một chút hơi cổ rồi ngân lên đến chữ "rác" và chữ "bóng" nhấn mạnh tạo âm nghe lảnh lót, rồi chữ "biết" ngân giọng gió xuống "hò" rất điệu nghệ...

 Kỹ thuật ca Vọng cổ của NSUT Thanh Kim Huệ mấy mươi năm qua đã có ảnh hưởng không ít đến nhiều cô đào trẻ, kể cả giới Đờn Ca Tài tử. Tuy nhiên, mỗi người có thành công riêng, nhưng mỗi người chỉ đạt ở một trong 4 kỹ năng nói trên và tỉ lệ đạt cũng ở mức độ nhất định. Đến nay, có thể quả quyết rằng giọng ca "vàng" của NSUT Thanh Kim Huệ là đại biểu nữ xuất sắc nhất về kỷ thuật xử lý hơi - giọng Kim mà lực lượng kế thừa chưa theo kịp.

Đỗ Dũng

Tác giả bài viết: TCGD

Nguồn tin: Đỗ Dũng - BSKTP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN