Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Vở Diễn Hay

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Vở tuồng cuối cùng của Năm Châu

Thứ sáu - 05/10/2012 03:47

Vở tuồng cuối cùng của Năm Châu





Nghệ sĩ tiền phong Năm Châu từ lúc mới bước vào con đường nghệ thuật sân khấu, kịch, cải lương là bắt đầu soạn tuồng, và đã cho ra đời nhiều vở hát có giá trị.




Image
Ðào Nguyệt Thu, ái nữ của nghệ sĩ tiền phong Năm Châu. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Thế nhưng, có một khoảng thời gian suốt 10 năm ông không viết một tuồng nào cả, đó là thời gian Ban Việt Kịch Năm Châu rã gánh, ông hợp tác với hãng phim Mỹ Vân, viết kịch bản để hãng này quay các cuốn phim Quan Âm Thị Kính, Người Ðẹp Bình Dương, v.v... Và đồng thời Ban Năm Châu cũng lãnh chuyển âm tiếng Việt cho các phim Ấn Ðộ, Nhựt, Philippines, v.v...

Ðến khoảng 1966, Năm Châu lập gánh hát trở lại lấy bảng hiệu “Ánh Chiêu Dương,” khai trương ở rạp Thống Nhứt. Sau vở hát khai trương “Nước Biển Mưa Nguồn” thành công, ông viết tiếp vở “Khi Ðào Hát Trả Ơn,” phóng tác theo danh phẩm Angelo của đại văn hào Victor Hugo, với sự có mặt của Ba Vân, nghệ sĩ lão thành già dặn nghệ thuật. Vở hát này người con gái của ông là đào trẻ Nguyệt Thu đóng vai Cách Lan.

Lần đầu tiên bước ra sân khấu trong một vai quan trọng, đào Nguyệt Thu đã tỏ ra khá vững. Cô ca diễn chững chạc, tạo đúng nét thuần hậu nhưng bi thương sầu hận của vai Cách Lan, một người đàn bà sống trong cung vàng mà như sống giữa địa ngục, bởi nàng đã bị trước đoạt tình yêu, bị giam hãm trái tim trong đôi tay tàn bạo của Ân Giã Lộ Vương (Angelo).

Nguyệt Thu đã làm tròn vai trò đáng khen như những nghệ sĩ quen nghề. Ðiều ấy cũng không lạ, vì cô đã có được sự rèn luyện của thân phụ Năm Châu, thân mẫu Kim Cúc, và dì ba Kim Lan. Bên cạnh còn có nghệ sĩ lão thành Ba Vân chỉ dẫn nữa, làm gì Nguyệt Thu chẳng mau tiến bộ.

Trong đêm khai trương tuồng “Khi Ðào Hát Trả Ơn” trên sân khấu Ánh Chiêu Dương năm 1966, Nguyệt Thu đã đọc một bài “diễn văn” ngắn, nhưng ý nghĩa và cảm động, ý nói vì cha mẹ làm nghề nên cô thấy mến yêu nghề.

Sau đây là sơ lược cốt truyện:

Trong buổi dạ hội tổ chức long trọng tại thị sảnh thành Ba Ðộ, cô đào hát Dương Thiểu Ý đã làm cho Dạ Vương Ân Giã Lộ say mê và hết sức chiều chuộng.

Thuở bé, Thiểu Ý là con một người đàn bà ăn mày. Một hôm mẹ nàng bị bắt sắp đem đi xử giảo, nhờ một cô bé gái cứu thoát. Ðể đền ơn cứu tử, mẹ nàng có tặng cô bé gái ấy một cây thánh giá có khắc tên nàng.

Mười năm trôi qua, Thiểu Ý đã trở nên một danh kỹ được các bực vương hầu yêu quí. Nàng đến Ba Ðộ Thành với một thanh niên tên Ðức Thủy, người yêu duy nhứt của nàng. Tình cờ Thiểu Ý biết được bảy năm trước Ðức Thủy có yêu một người đàn bà và vẫn còn yêu đến ngày nay. Máu ghen sôi lên, nàng nhứt định giết cho được người đàn bà ấy.

Theo lời chỉ dẫn của một thám tử, Thiểu Ý phải chui qua nhiều địa đạo bí mật để đến gian phòng tuy tráng lệ nhưng sầu muộn của người đàn bà ấy. Mà, khốn nạn thay, người đàn bà ấy là vợ của Ân Giã Lộ! Nhiều chứng tích tố cáo sự có mặt của Ðức Thủy trong phòng. Thiểu ý giận run lên, gào thét ầm ĩ.

Nhưng, nhìn lên tường, nàng thấy cây thánh giá của mẹ nàng. Vợ Ân Giã Lộ là cô bé đã cứu mạng mẹ nàng ngày trước. Lửa thù hận bỗng tắt nguội đi để nhường chỗ cho sự biết ơn nồng hậu. Nàng liền lập kế cứu ân nhân thoát khỏi vút sắt của Giã Lộ Vương rồi hy sinh đời mình cho người yêu được hưởng hạnh phúc.

Ðây là vở hát mà nghe nói là vở cuối cùng trong đời viết tuồng của Năm Châu, bởi sau đó chẳng bao lâu thì đoàn Ánh Chiêu Dương rã gánh, mà không thấy thành lập gánh hát trở lại. Riêng đào Nguyệt Thu thì người ta cũng không thấy hát ở đoàn nào.

Tác giả bài viết: tuyetmai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN