Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Trăn trở trước nghệ thuật cải lương đang ngắc ngoải tìm khán giả

Thứ tư - 23/04/2014 22:34

Trăn trở trước nghệ thuật cải lương đang ngắc ngoải tìm khán giả


Trăn trở về đờn ca tài tử
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, soạn giả Yên Lang đã có hơn 100 bản vọng cổ, tân cổ giao duyên và hơn 30 tác phẩm cải lương nổi tiếng. Nhưng giờ đây ông rất trăn trở trước nghệ thuật cải lương nói riêng và đờn ca tài tử (ĐCTT) đang bị phôi pha phần nào.
.

 

Image
Cây đàn kìm cách điệu được công nhận kỷ lục Việt Nam


Gia tài đồ sộ của soạn giả Yên Lang

Soạn giả Yên Lang có tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, chào đời năm 1940, là con một trong một gia đình nghèo tại Giòng Me - Cầu Kè, một vùng quê ở ngoại thành Bạc Liêu (cũng là "chiếc nôi” của sân khấu cải lương và ĐCTT Nam Bộ). Năm 17 tuổi, cha mẹ cho ông lên Sài Gòn học tú tài. Ông từng làm thơ, viết văn cho tuần báo Tầm Nguyên, làm thơ đăng báo Nhân Loại để kiếm tiền thêm. Khi đó ông lấy bút danh là Huyền Thanh Huyền. Huyền còn có nghĩa là dây đàn, bởi ông vốn rất mê tiếng đàn nắn nót cung tơ của nghệ thuật ĐCTT.

Đến năm 1960, ông chuyển hướng sang viết kịch bản sân khấu cải lương, lấy bút danh Yên Lang. Do chưa rành rẽ về bài bản cải lương, nên ông thường viết chung với Nguyễn Liêu. Vở đầu tay "Nắng chiều lên cổ tháp” sau đó được đoàn Song Kiều dàn dựng, vở thứ hai là "Bếp lửa chiều ly biệt” cũng viết chung với Nguyễn Liêu do đoàn Bạch Vân dàn dựng. Tác phẩm thứ ba, ông quyết định tự đứng tên riêng một mình, lấy cảm hứng từ nỗi hoài nhớ quê ngoại ở Thông Lưu (thuộc thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay), mang tên "Đường về quê ngoại” do đoàn Song Kiều biểu diễn, gây được tiếng vang lớn. Sau này khi ông được mời về làm soạn giả thường trực của đoàn cải lương Kim Chung, ông sửa lại là "Manh áo quê nghèo”. Cũng nhờ thời gian làm soạn giả tại đoàn Song Kiều, ông đã lọt vào mắt xanh của cô đào chính Kiều Oanh đồng thời là con gái của ông bầu đoàn cải lương Song Kiều. Cả hai ông bà đã kết hôn với nhau, là điểm tựa thủy chung cho nhau từ thuở tóc còn xanh cho đến tận ngày nay.

Với những khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương trước 1975 trên sân khấu đoàn cải lương Kim Chung, có lẽ khó ai quên được vở cải lương mang màu sắc hương xa, chuyện tình đầy ngang trái của nàng quận chúa Mông Cổ Hồ Bảo Xuyên (nghệ sĩ Lệ Thủy đóng) dẫn quân xâm lược Trung Nguyên, vô tình vướng vào tình yêu với một chàng người Hán Tần Lĩnh Sơn (cố nghệ sĩ Minh Phụng), đau khổ giữa nợ nước và tình riêng trong vở cải lương "Đêm lạnh chùa hoang”. Giọng ca trong trẻo, ngọt ngào của Lệ Thủy và cố nghệ sĩ Minh Phụng cùng chất trữ tình của ngôn từ mà soạn giả viết ra trong kịch bản đã khiến người nghe rung động, thấm thía.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, soạn giả Yên Lang đã có hơn 100 bản vọng cổ, tân cổ giao duyên và hơn 30 tác phẩm cải lương nổi tiếng, như "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”, "Tâm sự loài chim biển” (Yên Lang viết chung với Nguyên Thảo), "Người đẹp Tây Thi”, "Bão biển”, "Đường về quê ngoại” (Manh áo quê nghèo), "Nắng thu về ngõ trúc”, "Người phu khiêng kiệu cưới”, "Băng tuyền nữ chúa”, "Pháo hồng tiễn bước em đi” (Máu nhuộm sân chùa), "Quán khuya sầu viễn khách” (viết chung với Hồng Điệp)... Sau năm 1975 có các vở: "Khi rừng thu thay lá”, "Một chuyện tình buồn”, "Kỷ niệm thời con gái”… Ông từng là soạn giả của những đoàn cải lương như Song Kiều, Bạch Vân, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Việt Nam Minh Vương... nhưng thời gian gắn bó với đoàn Kim Chung là dài nhất. Năm 1995 ông cùng gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ.

 

Image
Soạn giả Yên Lang (người bên trái)


Vẻ đẹp của đờn ca tài tử

"Ở đây mùa thu có buồn lắm không? Mà sao gió heo may mưa sầu như giục giã. Tiếng chuông chiều văng vẳng vọng canh phu, như tâm tư nức nở của người con gái nhỏ” (Trích "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn” của soạn giả Yên Lang). Xem ra ngòi bút trữ tình sâu lắng, nên thơ của soạn giả Yên Lang đã đưa người nghe lênh đênh trên đường "về Bạch Mã chập chùng mưa bay”. "Bàng bạc mùa thu trơ trọi lá và buồn hắt hiu”… Ông được xem là một bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản cải lương kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao. Yên Lang cho biết: Sở dĩ hầu hết các tác phẩm của ông đều mang màu sắc hương xa, vì thời gian dài là soạn giả thường trực của đoàn Kim Chung, ông phải theo đường lối của đoàn Kim Chung, sáng tác những vở cải lương thể loại hương xa. Hơn nữa ông vốn rất mê các tác phẩm của nhà văn kiếm hiệp Trung Quốc Kim Dung, nên phần nào cũng có ảnh hưởng. Những anh hùng trong kịch bản của Yên Lang đều có chất lãng tử, lang bạt kỳ hồ, nghĩa khí, ngay thẳng, bộc trực và những câu chuyện tình trong những kịch bản ấy cũng đắm say và nồng đượm vô ngần.

Trăn trở trước nghệ thuật cải lương đang ngắc ngoải tìm khán giả, soạn giả Yên Lang nói: "Bộ môn cải lương nói riêng và ĐCTT sở dĩ bị phôi pha phần nào, vì tác động thời cuộc, vì tác động hoàn cảnh, bởi nó không đáp ứng được tiến triển của khoa học. Phim ảnh ngày nay đã dùng đến kỹ thuật 3 D, còn cải lương của chúng ta vẫn rất xưa cũ. Đau khổ của cải lương là vừa là nghệ thuật tổng hợp vừa là nghệ thuật trình diễn trực tiếp. Khán giả ngồi xem trực tiếp, nên những người diễn trên sân khấu phải toàn bích, toàn diện, toàn mỹ, không có quyền đổ thừa tôi lỡ hát trật, kéo màn xin lỗi hát lại. Mà điều kiện toàn bích đó, riêng tại hải ngoại đòi hỏi các nghệ sĩ rất khó khăn. Tôi đã sống nhiều năm hải ngoại và nhận thấy rằng ở đây không hề có đoàn cải lương chuyên nghiệp, không có sân khấu chuyên nghiệp, các nghệ sĩ thường ráp lại với nhau để thực hiện một vở hay một trích đoạn, lại không được diễn đều đặn hằng đêm để nên tay nghề. Những khó khăn từ khách quan có, chủ quan cũng có. Nhưng dù sao cải lương nói riêng và nghệ thuật ĐCTT nói chung cũng là nét văn hóa đẹp, những người Việt Nam, thương yêu dân tộc, nhớ quê hương, hãy góp tay bảo vệ được phút nào hay phút đó, nhất là những anh em nghệ sĩ, phải đoàn kết lại, để đào luyện cho nghề được hay hơn, nếu không khéo sẽ càng mai một sớm…”.

Bạc Liêu rộn ràng trước thềm Festival ĐCTT

Nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình ĐCTT - đặc sản nghệ thuật của Nam Bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, festival ĐCTT lần thứ nhất với chủ đề "ĐCTT, Tình người - Tình đất phương Nam” khai mạc vào 20h ngày 25-4 tại TP Bạc Liêu tới đây sẽ diễn ra hơn 20 hoạt động, sự kiện nghệ thuật. Bao gồm: chương trình khai mạc Festival và lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO; Liên hoan ĐCTT toàn quốc; khánh thành Khu lưu niệm ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; chương trình tôn vinh 2 soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang; hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ…

 

Cao Thăng - Quốc Khánh



 

NGUYỄN SINH

Tác giả bài viết: meoxu & tcgd

Nguồn tin: ĐĐK - NV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN