Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tìm Hiểu Nghệ Thuật

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Hát bội ngày xuân

Thứ hai - 30/01/2017 22:56

HB

Hát bội là một môn nghệ thuật quần chúng hát theo tuồng tích dân gian còn gọi là hát tuồng mà người quê tôi gọi theo cách nôm na là hát bội. Đây là bộ môn nghệ thuật diễn xuất kèm theo điệu bộ mà người lớn lẫn trẻ con quê tôi ai cũng thích.
 
  •  
  •  
  •  
  •  
Hát bội ngày xuân
Cứ sau tết vài ngày, thường có đám gánh hát bội xuôi về  miền quê biểu diễn. Những ngày ấy là những ngày lũ trẻ chúng tôi rất vui mừng và thích thú. Không như ở thành phố bây giờ, người ta dùng xe ô tô có loa phóng thanh chạy quanh các phố chính thông báo và phát tờ rơi. Còn ở quê, quảng cáo cho đêm hát bội ngày ấy, người ta dùng xe đạp chạy quanh các đường làng mang theo chiếc trống nhỏ bịt bằng da trâu giục trống từng hồi cùng với chiếc loa thiếc rao lên. 
Lũ trẻ chúng tôi, kéo nhau hàng đoàn chạy theo reo hò ầm ĩ. Sân khấu dành cho đêm hát bội là khu vực đất rộng của làng. Những vở hát bội ngày ấy là những tuồng tích ngày xưa như : Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn… Những gánh hát bội ấy thường đi bằng ghe bầu đến bến sông, thỉnh thoảng có đoàn đi bằng xe riêng của mình.
Vào những đêm có hát bội, người ta thường ăn cơm sớm. Các cụ bà thi chuẩn bị một túi trầu cau cùng với cái quạt mo, người lớn thì dắt theo con ra sân làng để xem hát. Lũ trẻ chúng tôi và vội vài chén cơm rạo rực chờ người lớn dẫn đi xem. Hối ấy đâu có tiền nhiều, cha mẹ dẫn đi xem một vài đên đầu, những đêm sau vì thèm xem nên chúng tôi rủ nhau “ coi cọp”. Cái cảnh “coi cọp” gian nan đáo để. 
Muốn được coi, chúng tôi bàn nhau nghiên cứu hàng rào của sân khấu, và sau đó tìm cơ hội lẻn vào núp dưới gầm sân khấu trước giờ biểu diễn, mặc cho kiến cắn, muỗi đốt. Khi buổi hát mở đầu được một lúc chúng tôi mới chui ra ngồi bệch xuống đất mà xem. Có nhiều lần bị người trong đoàn hát bắt được chúng tôi bị véo tai, đá đít nhưng vì quá ghiền xem hát chúng tôi vẫn cứ liều mình “coi cọp”. 
Không chỉ xem hát, chúng tôi còn bắt chước họ sang bên chợ, đến hàng may, nhặt những mãnh vải màu đủ kiểu về cột quanh trán, thắt ngang lưng, cột vào các thanh kiếm gỗ tự chế ra ruộng múa may hát theo câu đực câu cái của các đào kép và cùng vỗ tay thích chí. Những cú bay trên sân khấu ngoạn mục của các đào kép cũng được chúng tôi học tập bằng cách lấy dây dừa cột ngang lưng những đứa nhỏ và vắt qua nhánh cây thù đâu (sầu đông) còn những đứa lớn thì kéo lên, đứa nhỏ đu đưa lộn đầu xuống đất rồi cười vang khắp xóm.

Đón xuân này nhớ xuân xưa, mùa xuân cùng với những đêm hát bội. Theo thời gian và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân chuyển dần theo nhịp sống hiện đại, nói theo các nhà lý luận: những gánh hát bội mất dần vai trò lịch sử trong đời sống cộng đồng. Nhưng với chúng tôi, lũ trẻ ngày xưa, mỗi lần xuân về lòng cũng còn thấy nhớ nhớ những đêm hát bội ngày xuân nơi chốn quê nhà

Nguyễn Văn Học


Nhớ gánh hát bội ngày xuân

“Tai nghe trống chiến trống chầu/ Xếp ba hột đậu phụng lộn đầu lộn đuôi”

Mỗi độ tết đến xuân về, khi nắng hanh vàng trên những đọt non, lộc biếc, trong lòng những “ người xưa kẻ cũ ấy” lại nghe như trống vẳng trong lòng cứ như là thúc giục, là mời gọi, là ru, là say, là quay ngược thời gian kéo hồn người về nơi cố xứ, về với gánh hát bội ngày xuân xưa mà da diết nhớ.

Những độ trăng lên “Xuân kỳ  thu tế”, làng làng lại vào mùa hát bội. Người ta hạ cây, dựng rạp với màng thùng, với nghi môn và hương án ngay trên nền Văn Thánh (Văn Miếu) cũ, cạnh hai con kỳ lân cao to sừng sững. Điện thắp sáng choang, các tấm bảng vẽ quảng cáo nhiều vở tuồng đầy màu sắc, chân dung của nam nữ diễn viên được phóng lớn treo dọc vách tường trước cửa, tiếng trống xen lẫn tiếng máy phóng thanh mời gọi mọi người dồn dập...

 

 
 
Gánh hát bội ngày xuân xưa

Khi đoàn hát dựng rạp xong, mặt trời vừa xuống núi, bò chưa về kịp đến chuồng, dải ruộng cấy chưa hết luống đã nghe thùng! thùng!… tiếng trống chầu, trống chiến. “Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy. Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruột…” Ai nấy vội vội vàng vàng bữa cơm chiều với cá chiên, mắm ruốt. Từ trẻ già trai gái, ai cũng hối hả đến  sân hát tìm một chỗ thật tiện lợi để vừa nhận rõ mặt diễn viên, vừa nghe được lời hát. Đám trẻ con chúng tôi thì chen chúc sau rạp để coi cho được kép hát hoá trang, chuẩn bị đêm diễn. Ông Quan Công mặt đỏ râu dài, cầm thanh đao chống cao tới mũ, Trương Phi thì mặt rằn râu xoắn bước đi rung reng tiếng lục lạc, mắt quẩn quanh liên láo hét lên một tiếng là cả bọn chết điếng, dạt ra ngoài.

 
 Trần Tường nguyên trong vai Tạ Ôn Hầu trong vở San Hậu

Dứt hồi trống khai trường là tiếng kèn tiếng nhị rộ lên, đám trẻ con chui qua chân người lớn chen cho được đến trước sân khấu, cạnh người cầm chầu rồi ngồi ngay ngắn xem hát. Những vở dài như: Tam Hạ Nam Đường, Sơn Hậu, hay Quan Công hồi cổ Thành… diễn 3-4 đêm liền từ 8-9 giờ đêm cho tới sáng mà khán giả vẫn kín chật trước sân không muốn về nếu kép hát không ngút hơi nghỉ sức. Đám trẻ con thì mơ mơ tỉnh tỉnh, có đứa nằm lăn dưới cỏ cạnh người cầm chầu đánh một giấc dài rồi bừng thức dậy khi nghe tiếng Trương Phi thúc lính hạ thành.

 

 Các diễn viên nhí trong một tiểu phẩm 

Trước khi gánh hát lục đục dọn đến cả tuần lễ, người ta đã biết rõ tin tức, loan báo cho nhau nhiều chi tiết hấp dẫn: Gánh hát sẽ tăng cường thêm diễn viên nào diễn viên nào, sẽ hát tuồng gì tuồng gì, tại sao bà Mộng Thu sẽ đóng vai Tiết Nhơn Quý thay Văn Chinh trong tuồng "Tiết Nhơn Quý Chinh Đông"... Tóm lại, mỗi ngày, mỗi người, không biết đã đào ở đâu ra những điều mới lạ quanh gánh hát chưa kịp dọn đến rạp để mà bàn chuyện. Kép thì có Văn Chinh, Long Trọng, Tư Cá, Nguyên Lai. Đào thì có Mộng Thu, Ngọc Cầm, Thu An, Bích Thủy. Hề thì ngoài Hề Công, còn có thêm Tư Lé, Minh Hiện... Cái không khí mùa xuân, ngày Tết cũng vì thế thêm gần, thêm rõ, thúc giục mọi người...

Đi coi hát bộ mỗi khi ra giêng là một điều hết sức tuyệt vời mà bất cứ đứa trẻ nhà quê nào. Cũng chẳng phải vì say coi hát bội, hay bất cứ điều gì khác mà tới để mua bong bóng bay, kẹo ú... bên ngoài, dể tò mò coi đào kép hoá trang phía sau tấm màn bên cánh gà. Tới để... lạc nhau và dớn dác kiếm tìm nhau trong dòng người đông đúc. Tới để được chóa mắt bởi ánh đèn sáng trưng rọi trên sân khấu, bởi các thứ binh khí xiêm y mũ mão rực rỡ... Khác với người lớn, thường lũ trẻ chỉ chú ý đến các vai hề. Chúng cũng tụ nhau nhắc kể lại các pha chọc cười của các vai hề của mỗi gánh hát đã được xem. Bọn chúng tôi đều chịu nhất là Hề Công- ông ta gây cười rất duyên dáng, và cũng rất sâu độc. Giống như cuộc đời mà không có những "tay hề" nhũng nhiễu múa may thì cũng buồn...

 

 Tác phẩm Đổng mẫu di chí

Đám hát bội ngày xuân ngoài tiếng trống chầu ra còn có những câu đối đỏ dán trên cột rạp. Thời ấy một đám hát bội mà không có câu đối dán như thế, xem ra có vẽ mộc mạc khô cằn rạp hát, các câu đối tựa như những cành hoa cài lên các trụ cột. Thêm một điểm nữa nếu thiếu các câu đối đỏ, khách quan đến coi hát có thể hiểu rằng làng xã này dốt chữ.

Như vậy câu đối còn thể hiện lên sự học chữ nghĩa văn vẻ của làng. “Năm bảy bước tới lui, ngâm Tông thất ngâm Đường ban, thành thị chiến trường coi cũng dễ /Chín mười người qua lại,nọ công hầu nọ mỹ nữ, quan binh tướng sĩ thấy còn dư.”

Hay: “Ngàn dặm quan san, tốc lực lại qua năm bảy bước/ Trăm năm sự nghiệp, thành công thâu lại một hai giờ.”

Hoặc nhìn cảnh đào kép dốt nát đóng vai sắm tuồng xưng ông nghè này quan trạng nọ, gặp gỡ thoáng qua thắp lại thì đã nên đạo vợ chồng, các cụ ngày xưa còn làm câu đối dán lên cột, trong đó ẩm hiện nét hóm hỉnh:

Lục lễ vị giai, bán khắc kết thành phu phụ đạo.

Ngũ kinh bất đọc, phiến thời thí trúng trạng nguyên khoa.

Dịch là:

Sáu lễ chưa trình, nửa phút vợ chồng duyên kết hợp

Năm kinh chẳng học tức thời thi đậu bản trạng nguyên.

Hoặc để nói lên cái hay của nghệ thuật diễn tuồng hát bội, qua cách thể hiện của giới đào kép cũng có câu:

Tướng hữu dũng tướng hữu tài, vạn cổ binh qua can bất chiết

Hề hà trung hề hà hiếu, nhất trường oanh liệt mã vô đề.

Dịch là:

Tướng đủ mạnh tướng đủ tài, vạn cổ chiến tranh gươm chẳng gãy.

Nọ là trung nọ là hiếu, một trường oanh liệt ngựa không chân.

Để điểm xuyết thêm còn có tiếng trống chầu, làm cho hương sắc xuân tưng bừng trổi dậy cả đất trời. Thuở ấy gần như mọi làng xã đều có tiếng trống hát bội hoặc tiếng trống hô bài chòi, nhìn nơi nào cũng thấy xuân,sắc xuân trên ngàn cây nội cỏ, trên gương mặt e ấp tươi rói của các cô thô nữ, trên áng mây trôi lờ lững trong ánh ban mai.

Vị được dân làng đề cử cầm roi chầu khai lễ hát bội phải thiện thủ ngón chầu, thông tuồng tích hiểu từng câu hát. Biết khen thưởng đúng tài năng của đào kép đang diễn xuất, tiếng trống biến tấu theo câu hát bi thương hay hùng tráng, kèm theo trống chầu đó là thẻ thưởng tiền. Người giỏi đánh chầu sẽ làm cho người sành điệu nghe chầu dù ngồi ở nhà gần đó, vẫn biết là tuồng hát đang diễn xuất đoạn nào, nam ai hay nam xuân hoặc tẩu mã…

Hát bội ngày xưa là vậy. Còn bây giờ, người ở gần thì nôn nao, kẻ ở xa thì vương vấn mỗi lúc nghe tiếng trống chầu dẫu chỉ trên màn ảnh nhỏ. Mùa xuân, mùa hát bội đã lại về!

 
Sưu tầm : Minh Nguyễn

Nguồn tin: tcgd theo PLO - ĐM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nghệ thuật, quần chúng, gọi là, trẻ con

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN