MỘT BÀI NHẠC – MỘT BÀI THƠ QUA HAI THỜI KỲ

ảnh minh họa

ảnh minh họa

CLVNCOM - Kính gởi: Ban Quản trị Cải lương Việt Nam.com Qua trang nhà, tôi được biết tin hhạc sĩ Anh Bằng tạ thế. Tôi xin được gởi đến quí trang nhà bài viết có liên quan đến bài Tân nhạc "Chuyện giàn Thiên Lý" của cố nhạc sĩ Anh Bằng thay cho lời phân ưu đến gia đình cùng tang quyến. Trọng kính. A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
MT BÀI NHC  MT BÀI THƠ QUA HAI THI K


(Bài viết được đăng trên Văn Nghệ Châu Đốc)

Tối thứ hai 18.12.2006, trên làn sóng của đài Tiêng nói Việt Nam có thực hiện cuộc gặp nhà thơ Yên Thao –tác giả bài thơ “Nhà tôi”. Qua lời tâm tình của ông, bài thơ này ông viết thay cho nỗi niềm của một người đồng chí, lúc đó ông vào khoảng 18, 19 tuổi, chưa biết yêu và chưa có gia đình.
Nghe qua câu chuyện “làm thơ dùm” cho người khác làm cho tôi càng chú tâm theo dõi. Mặc dù vào thời điểm này, tôi hoàn toàn chưa biết về nội dung bài thơ “Nhà tôi” nó hay, dở ra sao? Mãi cho đến khi ông đọc lại nguyên văn bài thơ, tôi không khỏi buộc miệng “à” lên một tiếng, liền vội ấn nút máy cassette thu lại bài thơ trên. Cũng có thể vì nghe không được rõ có thể bị sai một vài chữ, mong quí vị thông cảm.
NHÀ TÔI
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng
Làng tôi đây thảm đêm màu tuyết đọng
Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không?
Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay rầu vui lại thuở bình mong
Vì đất nước nhớ ơi ngày tất thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai không xót chút màu xưa?
Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi, cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn, thơm thơm mùi lúa chín
Ai đã đi mà chẳng từng bịn rịn
Rời thương đau nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngã màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tan trong
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon

………………………………….
Vì không chuẩn bị trước, tới đây hết băng. Nhưng với hai câu cuối của bài thơ, tôi tin chắc rằng ai cũng thuộc.
Nhà tôi ở cuối chân đồi
Có giàn thiên lý có người tôi thương


Bài thơ “Nhà tôi” tác giả Yên Thao viết trong thời kỳ chống Pháp. Thế mà không hiểu sao… mãi cho tới thời kỳ sau này, thuở đất nước còn chia cắt, bài thơ trên lại lọt vào “tầm ngắm” của nhạc sĩ Anh Bằng sông ở miền Nam dưới thời của cố Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu. Có lẽ, thấy “cái hồn” của bài thơ quá hay, nên nhạc sĩ Anh Bằng mới phổ thành bài nhạc mang tên “Chuyện giàn Thiên Lý” mà không hề biết tác giả của bài thơ là ai? Vì vậy cho nên, nhạc sĩ Anh Bằng cũng không thể nào xin phép tác giả bài thơ. Xin được trích nguyên văn bài nhạc “Chuyện giàn Thiên Lý” của nhạc sĩ Anh Bằng (xin phép mở ngoặc, nhạc sĩ Anh Bằng hiện đang định cư ở Mỹ)

Bài nhạc: CHUYỆN GIÀN THIÊN LÝ
Thơ: Yên Thao
Nhạc: Anh Bằng


Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói. Làng tôi đây bao năm dài chinh chiến, từng lũy tre muộn phiền. Tôi có người vợ ngoan đẹp như trăng mười sáu, cưới rồi đành xa nhau. Nhớ đôi nàng hiền, xinh xinh màu nắng, má nàng hồng thơm mùi thơm lúa non.
Ai ra đi mà không từng bịn rịn. Xa người yêu mà dễ mấy ai vui. Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi. Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
Này anh lính chiến, người bạn pháo binh. Mẹ tôi tóc sương, từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn. Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi. Nhà tôi ở cuối chân đồi. Có giàn thiên lý, có người tôi thương.


Phải thành tâm mà nhận định, bài thơ “Nhà tôi” của tác giả Yên Thao vốn đã hay, đọc qua đã thấy cảm động. Thế nhưng, qua sự phổ nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng, bài nhạc “Chuyện giàn Thiên Lý” đã chắp cánh cho hồn thơ bay bổng!

Một điều, cần nên hết sức cảm thông cho nhạc sĩ Anh Bằng. Hồi ấy, khâu kiểm duyệt khá gắt gao, nên nhạc sĩ Anh Bằng không thể nào để nguyên văn của bài thơ, đành phải “né” từ “giặc đóng” thành là “lửa khói”. Và, phần cuối bài thơ với những câu: 

Này đồng chí, người bạn pháo binh. 
Mẹ tôi tóc sương, từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn. 
Anh bắn cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi.
Nhà tôi ở cuốn chân đồi. 
Có giàn thiên lý, có người tôi thương

Nhạc sĩ Anh Bằng phải “sửa” lại thành “Này anh lính chiến” Đây cũng là điều dễ hiểu mà thôi!

Lại còn một điều không thể không nói. Đó là từ bấy lâu nay, người ta “ngộ nhận” bài nhạc “Chuyện giàn thiên lý” viết về thời Cộng Hòa. Nhưng nay thì hiện thực đã rõ mười mươi, hoàn toàn không phải thế!

Và, còn một điều lý thú khác, sau ngày hai nước Việt –Mỹ bình thường hóa qua hệ, khi lần ra địa chỉ của nhà thơ Yên Thao –tác giả bài thơ “Nhà tôi”. Nhạc sĩ Anh Bằng điện mời nhà thơ Yên Thao sang… Mỹ chơi, nhạc sĩ Anh Bằng đài thọ tất cả mọi chi phí đi và về, với không ngoài mục đích là để biết mặt nhà thơ Yên Thao, nhân tiện ông nói lên lời xin lỗi nhà thơ Yên Thao về sự “tự ý” phổ nhạc của mình. Vì sự tự trọng, nhà thơ Yên Thao từ chối. Và rồi… vào một mùa xuân nọ, nhạc sĩ Anh Bằng gởi một ít tiền đến nhà thơ Yên Thao gọi là… “một chút quà xuân mừng cho các cháu”, chớ không nói là trả tiền tác quyền bài thơ mà nhạc sĩ Anh Bằng đã tự ý phổ nhạc. Thiết nghĩ, đây cũng là một nghĩa cử đáng trân trọng lắm thay!

Cuộc “kỳ duyên” giữa bài thơ và bài nhạc qua hai thời kỳ, rất đáng để dành cho những ai yêu nhạc yêu thơ suy gẫm. Phải chăng, cái “hiện tượng” khá đặc biệt này, chỉ có mỗi trên đất nước thân yêu của chúng ta.

A LÝ PHƯỢNG TUYỀN



Tác giả ca khúc "Anh còn nợ em" qua đời

 Nhạc sĩ Anh Bằng, nổi tiếng với những ca khúc: "Anh còn nợ em" (nhạc: Anh Bằng. Thơ: Phan Thành Tài); "Chuyện tình Lan và Điệp"; " Khúc thụy du", "Nếu vắng anh", "Hoa học trò”... đã qua đời tại Mỹ sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 89 tuổi.

 

Ca sĩ Kim Tuyến cho biết nhạc sĩ Anh Bằng qua đời lúc 21 giờ ngày 12-11 (giờ địa phương) tại bệnh viện ở miền Nam California – Mỹ.

 

Nhạc sĩ Anh Bằng đã qua đời
Nhạc sĩ Anh Bằng đã qua đời

 

Trước đó, trưa ngày 10-11, người nhà của nhạc sĩ Anh Bằng đưa ông đi cấp cứu do căn bệnh gan biến chứng, theo lời ca sĩ Kim Tuyến.

Nhạc sĩ Anh Bằng bị bệnh gan 8 năm qua, ông vẫn điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa tại Mỹ. Nhiều tháng qua ông liên tục vào ra bệnh viện và đến nay thì bị biến chứng nặng và không thể cứu vãn. Ông tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại thị tứ Điền Hộ, nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Năm 1935, ông xa gia đình theo học Tiểu chủng viện Ba Làng tại huyện Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau đó tiếp tục theo học trung học ở Hà Nội.

 

Ông và ca sĩ Kim Tuyến khi nhạc sĩ này khỏe mạnh
Ông và ca sĩ Kim Tuyến khi nhạc sĩ này khỏe mạnh

 

Nhạc sĩ Anh Bằng rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm sáng tác và phổ thơ, như: "Nếu vắng anh" (phổ từ bài thơ "Cần thiết" của nhà thơ Nguyên Sa), "Hoa học trò” (Bây giờ còn nhớ hay không), "Người thợ săn và đàn chim nhỏ"... đã được các ca sĩ Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Khánh Ly thể hiện rất thành công.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã hợp tác cùng các nghệ sĩ: Minh Kỳ, Lê Dinh lập thành nhóm Lê Minh Bằng quản lý nhà xuất bản và hãng đĩa Sóng Nhạc. Quán cà phê Làng Văn nổi tiếng một thời ở Sài Gòn cũng do ông đứng tên kinh doanh. Năm 1975, Anh Bằng cùng gia đình sang Mỹ định cư. Ông vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc Dạ Lan (1981 - 1990). Thời gian sau này ông có một số ca khúc được khán giả mến mộ như: "Anh còn nợ em", "Căn gác lưu đày", "Chuyện giàn thiên lý", "Khúc thụy du", "Kỳ diệu"…

 

T.Hiệp. Ảnh: ca sĩ Kim Tuyến cung cấp - NLĐ

Nguồn tin: A LÝ PHƯỢNG TUYỀN - CLVNCOM