Sau Tết Nguyên Ðán là mùa làm ăn của hát bội

Nữ tướng trong một tuồng hát bội. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Nữ tướng trong một tuồng hát bội. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Hôm nay mùng 8 Tháng Giêng Âm lịch, tức ngày Tết đã trôi qua gần cả tuần và thiên hạ trở lại cuộc sống bình thường, có nghĩa là phải lo làm ăn chớ không lẽ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” như câu nói đã có từ lâu đời trong dân gian, trong sử sách xưa để lại.
Thế nhưng, nếu như suy xét cho tận cùng về đời sống văn hóa của người dân nông thôn Nam Việt thì Tháng Giêng, Tháng Hai Âm lịch vẫn còn là thời gian ăn chơi, nhưng có giới hạn với thời gian nào đó. Bởi tuy lo làm ăn đó, nhưng cũng dành ít nhiều thời giờ và tâm trí tính đến chuyện cúng kiếng lễ Kỳ Yên hằng năm ở đình làng. Ðồng thời cũng bàn tính đến vấn đề hát bội, vì đó là một sinh hoạt đặc thù không thể thiếu được ở các lễ Kỳ Yên, nếu như theo đúng truyền thống.

Thời gian này các viên chức làng xã và các bô lão bàn luận mỗi ngày, và người dân thì nghe ngóng theo dõi, nói chung là mọi người đều quan tâm đến các cuộc vui chơi trong lễ Kỳ Yên làng mình và của các làng xã lân cận.

Riêng về các đoàn nghệ thuật hát bội được mời biểu diễn khắp nơi, tùy theo khả năng và yêu cầu của từng địa phương. Có thể nói đây là mùa “làm ăn” rôm rả nhứt trong năm của làng hát bội, do đó mà nhiều đoàn hát bội đã được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Có như thế mới đáp ứng đủ các lịch mời biểu diễn khắp nơi. Cái khổ tâm của nghề hát bội là chỉ làm ăn tốt đẹp, hết lễ cúng Kỳ Yên thì nghỉ chờ năm sau.

Nghệ thuật hát bội đã hiện diện ở miền Nam Việt Nam từ thời xa xưa, và rất thịnh hành thời thập niên 1920-30-40 bởi hát bội gắn liền với lễ cúng Kỳ Yên ở các đình làng. Nói rõ hơn thời bấy giờ hễ nói tới cúng Kỳ Yên thì thiên hạ nghĩ ngay đến hát bội, hoặc nhớ tới hát bội thì người ta lại không quên cúng Kỳ Yên.

Có đi sâu vào hoạt động bộ môn nghệ thuật hát bội mới thấy rằng muốn thành nghề này, ngoài năng khiếu ra, người ta còn phải chịu đựng khó nhọc, lắm công phu mới có thể trở thành nghệ nhân hát bội.

Xem xong một vở hát bội, nhiều khán giả đã bước vội vào buồng hát, chen lấn với trẻ con, để được nhìn thấy những nhân vật, mới vừa đây là những anh hùng dũng tướng, những ông hoàng bà chúa, giờ đang hấp tấp cởi bỏ lớp xiêm y, trang phục, tẩy xóa những lớp son phấn, để trở lại con người thực của họ.

Nhìn những bộ áo lót ướt đẫm như vừa nhúng nước, những con người hốc hác mệt nhọc, với mớ tóc rối bù, với nụ cười héo hắt. Khán giả, nhứt là đám trẻ con, xác định họ, ai là Cao Hoài Ðức, ai là Cao Quân Bảo, ai là Lưu Kim Ðính, Triệu Hoàng Cơ, v.v... Người ta rất thán phục khi nghĩ đến chính những diễn viên này đã tạo nên những hình tượng oai hùng trên sân khấu, mang đầy đủ tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố.

Hát bội là bộ môn sân khấu độc đáo và hấp dẫn nhất đối với quần chúng, thời ấy từ thành thị đến thôn quê, rạp hát, võ ca ở đình miếu, nhà dài chợ, mặt bằng trống trải, là những nơi biểu diễn của hát bội, lúc nào cũng đông người xem. Già, trẻ, bé, lớn, ai cũng mê hát bội. Người cao tuổi mê tuồng tích gay cấn, đượm nhuần đạo lý dân tộc, có dịp suy gẫm cái trật tự kỷ cương của thời nho giáo cực thịnh, thanh niên nam nữ thì xem kép trẻ đào xinh, để thấm thía với những mối tình nên thơ của người đi trước. Ðám trẻ con thì bị lôi cuối bởi màu sắc phục trang lộng lẫy, những cuộc chiến tưng bừng, nhứt là những lớp hề giễu pha trò cười nôn ruột. Khán giả được một lúc quên đi cuộc sống thực tại, hòa mình vào những diễn tiến của sân khấu, để nỗi vui, buồn, mừng, giận, thương, ghét gắn liền vào tình cảm, tâm trạng của nhân vật.

Không ai chối cãi là sân khấu hát bội rất lôi cuốn và hấp dẫn. Người ta ngồi xem mê mẩn từ đầu hôm đến khuya có khi đến sáng mà không hay, rồi đi xem từ đêm này đến đêm khác. Gánh hát diễn ở địa phương bao lâu thì có người đi xem đến gánh dọn đi mới thôi. Có lúc, khán giả bị lôi cuốn vào câu chuyện tuồng, quên mình là người ngoài cuộc. Và câu chuyện có thật sau đây đã chứng minh điều đó.

Trên một sân khấu nọ, tuồng đang diễn là “Thất Nam Dương Thành.” Lớp gay cấn nhứt, tướng Thượng Sư Ðồ đem binh bao vây thành Nam Dương. Tướng thủ thành là Ngũ Vân Thiệu cùng vợ là Giả Thị mở đường máu mong thoát khỏi vòng vây. Trong trận chiến, hai vợ chồng thất lạc với nhau, Giả Thị bị trúng tên, rồi chuyển bụng sanh con. Cảnh diễn trên sân khấu thật là sôi động: Giả Thị vừa rên xiết khi chuyển bụng, té lên té xuống, chạy tìm sinh lộ... Tiếp theo sau là Thượng Sư Ðồ giục ngựa đuổi theo, khí thế vô cùng sôi nổi với bài hát khách tẩu mã. Người thiếu phụ vô phúc ấy lại chạy ra, tay bồng đứa hài nhi, hát mấy câu nam ai bi thiết, mong tìm gặp chồng để giao con trước giờ nhắm mắt. Thượng Sư Ðồ lại hăm hở đuổi theo bằng câu hát khách. Trong không khí căng thẳng ấy, bỗng nhiên người ta thấy ông chấp sự (đang ngồi cầm chầu) tự nhiên đứng dậy, móc túi lấy ra một tờ giấy bạc, tay ngoắt anh kép hát:

“Thượng Sư Ðồ! Qua cho em năm đồng. Mầy rượt vừa vừa thôi, tội nghiệp cho Giả Thị, đàn bà mang mền lại bị nạn, nhơn nhơn tay cho người ta nhờ.” Anh kép hát thò tay nhận tiền, xá một cái cám ơn, rồi hươi khí giới, rượt tiếp...

Ngành Mai

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: NVO