Nghệ sỹ Tuồng Hán Văn Tình: “Nghệ thuật truyền thống sẽ không bao giờ mất”

Nghệ sỹ Tuồng Hán Văn Tình: “Nghệ thuật truyền thống sẽ không bao giờ mất”



Gần trọn cuộc đời đắm đuối với Tuồng, nghệ sỹ Hán Văn Tình ví mình như "con sáo đã chót ăn mặn” nên tình yêu dành cho tuồng đã trở thành máu thịt, không thể dễ dàng mất đi.


.



Image


- Đã trở thành vấn đề xưa cũ, nhưng phải nhìn nhận là sức sống của tuồng vẫn rất "èo uột”. Là người nghệ sỹ đã gần trọn cuộc đời gắn bó với tuồng, anh nghĩ gì về điều này?

- Nói về "èo uột” thì đâu chỉ riêng với tuồng, mà tất cả các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, ca trù... đều chung một số phận. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tuồng có những khó khăn hơn, vì ngôn ngữ của tuồng mang tính ước lệ nhiều, nên để xem được tuồng đã khó chứ đừng nói đến thấu hiểu nó.
Bạn cứ thử hình dung, nếu như chèo có thể diễn ở những sân khấu nhỏ như sân đình làng, cải lương có thể đem đến phòng trà...thì việc này lại trở nên khó khăn với tuồng. Hơn nữa, ngôn ngữ chuyển tải của tuồng có vẻ hàn lâm, khó hiểu, nếu không tìm hiểu kỹ từ các câu thoại đến cách trang điểm về hình tượng nhân vật thì cũng khó mà hiểu một cách thấu đáo. Trong khi, khoa học công nghệ phát triển, nhạc số rầm rầm cả ra đó, Tuồng cứ dền dứ mãi cũng khó hội nhập được.


- Biết được những cái khó như vậy thì chắc hẳn phải "ló” một chút khôn để cải biến tình trạng này đúng không, thưa nghệ sỹ?

- Tất nhiên, đã có rất nhiều những biện pháp được vạch ra. Và chúng tôi nhận thấy rằng, những khán giả trẻ là một trong những đối tượng cần được hướng tới. Một trong những dấu hiệu đáng mừng là chúng tôi vừa hoàn thành xong chương trình "Sân khấu học đường”. Tức là đưa bộ môn nghệ thuật tuồng đến với các trường THPT- ĐH trong địa bàn Hà Nội, để giới trẻ được tiếp cận trực tiếp với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Điều đáng ngạc nhiên là các bạn nhỏ tỏ ra khá thích thú. Có bạn trước đây không hề biết tuồng là gì, nhưng khi xem các cô chú diễn xong thì nằng nặc đòi được diễn thử. Chính vì vậy, ngoài việc diễn tuồng cho các bạn ấy xem, chúng tôi còn dạy những động tác dễ cho các cháu tập và nắm được cái thần thái của Tuồng.
Sau những chương trình này, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng địa bàn của "Sân khấu học đường” ra các tỉnh lẻ và chịu khó đi diễn ở vùng sâu, vùng xa.


- Vậy còn ở sân khấu lớn thì sao?

- Chúng tôi vẫn thực hiện phương pháp "mưa dầm thấm lâu” cho sân khấu của mình. Hiện nay, rạp Hồng Hà đang sửa chữa nên tạm dừng một thời gian. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì lịch biểu diễn phục vụ khách du lịch vào thứ 5 và thứ 6 hàng tuần. Nếu có công diễn những vở mới thì chúng tôi còn diễn cả thứ 7, chủ nhật. Có điều phải công nhận rằng, diễn cho khách du lịch thì khách ta ít hơn khách tây. Có buổi diễn, với hơn 800 xuất ghế của rạp Hồng Hà nhưng khán giả chỉ khoảng hơn 200 người nhưng chúng tôi vẫn diễn. Việc tích góp những khán giả như vậy cũng mong sẽ thành đại, bởi nghệ thuật truyền thống thì không nên "ăn xổi”, việc có người "chiêm ngưỡng” mình diễn là nghệ sỹ chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

- Thế thì người nghệ sỹ chắc hẳn không sống được bằng nghề rồi?

- Người nghệ sỹ thì nên "đa giê năng” một chút, cũng như tôi ngoài diễn tuồng thì có thể diễn hài, đóng phim...và nhiều nghề tay trái mà, lấy ngắn nuôi dài vậy.
Nói đến, việc sống bằng nghề thì nghệ sỹ của nghệ thuật truyền thống như chúng tôi cũng hơi "tủi”. Bởi nghệ thuật truyền thống đòi hỏi sự khổ luyện, để đứng được trên sân khấu là cả một quá trình lâu dài. Vậy nhưng chế độ đãi ngộ vẫn chưa được thỏa đáng, mà nói thật, nhiều khi diễn xong chưa ráo mồ hôi thì đã tiêu hết tiền.
Mà nghệ sỹ đoàn trung ương như chúng tôi còn có thể chạy "sô” được, chứ anh em tỉnh lẻ họ còn vất vả hơn nhiều. Vì thế, nhiều khi tôi tự an ủi, anh em địa phương họ còn sống được, huống hồ là mình.


- Với tình trạng này, e rằng chả bao lâu nữa sẽ không còn lưu giữ được sân khấu tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung?

- Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật truyền thống sẽ không thể mất đi. Bởi vẫn còn đó rất nhiều những người yêu nghề và mong giữ gìn được bộ môn nghệ thuật dân tộc.

Tú Anh

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: Tú Anh - Đại Đoàn Kết