Cố NSUT Thanh Nga: Nữ Hoàng Bạc Mệnh

CHO ĐẾN BÂY GIỜ, NHỮNG KHÁN GIẢ LỚN TUỔI CŨNG NHƯ THẾ HỆ ĐƯỢC XEM LẠI BĂNG ĐĨA CẢI LƯƠNG CỦA CỐ NSUT THANH NGA CA DIỄN, KHÔNG AI KHÔNG KHỎI MỀM LÒNG CẢM ĐỘNG, TIẾC THƯƠNG MỘT NGHỆ SĨ TÀI HOA BẠC MỆNH. MỘT NỮ NGHỆ SĨ CẢI LƯƠNG TÀI SẮC VẸN TOÀN, ĐƯỢC CÔNG LUẬN TÔN TẶNG LÀ "NỮ HOÀNG SÂN KHẤU", "CÀNH VÀNG LÁ NGỌC VIỆT NAM", "CÔ ĐÀO THƯƠNG QUÝ PHÁI"... DÙ BÀ ĐÃ VỀ VỚI TỔ NGHIỆP ĐÃ HƠN 30 NĂM, NHƯNG CHÚNG TÔI MUỐN GHI LẠI NHỮNG TINH HOA NGHỆ THUẬT, NHÂN SẮP KỶ NIỆM 34 NĂM NGÀY MẤT CỦA BÀ (26.11.1978 - 26.11.2012).
TÀI NĂNG TUỔI MỚI MƯỜI HAI

Cố NSUT Thanh Nga gốc ở Tây Ninh, nhưng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn (1942), trong một gia đình có truyền thống ca kịch Cải lương. Thân mẫu của Thanh Nga là bà bầu Thơ nổi tiếng trong "Tứ đại bà bầu Cải lương", kế phụ của bà là nghệ sĩ tiền phong - danh ca Năm Nghĩa, em trai cùng mẹ là NSUT Bảo Quốc, cháu là NS Hữu Châu, con trai là diễn viên hài Hà Linh. Cố NSUT Thanh Nga là một trong những cô đào thương của Cải lương sớm thành đạt nhất, mới 16 tuổi, bà đã đoạt HCV duy nhất giải Thanh Tâm đầu tiên (1958). Năm 12 tuổi bà bắt đầu hát đào chánh và nổi ngay với vai diễn đầu tiên Sơn nữ Phà Ca trong vở: "Người vợ không bao giờ cưới" của soạn giả Kiên Giang; lúc đó, vai này ăn khách lắm và đã đưa Thanh Nga lên đài danh vọng HCV - Thanh Tâm.

Cố NSUT Thanh Nga đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả mộ điệu Cải lương bằng nhiều vai diễn. Cuộc đời nghệ thuật của bà từ lúc chạm đến sự thành công thì liên tục phát triển nghề nghiệp, tích tựu những tinh hoa cho đến ngày về với Tổ nghiệp. Sân khấu cải lương Thanh Minh - Thanh Nga trước năm 1975, NS Thanh Nga đã có nhiều vai chánh nổi tiếng, trong đó có những vai trở thành dấu son của gánh và tên tuổi của bà như: Trinh trong "Con gái chi Hằng", Điêu Thuyền trong "Phụng Nghi Đình", Thanh trong "Tấm lòng của biển", Hương trong "Nửa đời hương phấn", Thảo trong "Bông hồng cài áo", Kim Anh trong "Đời cô Lựu"... Sau năm 1975, trên sân khấu Đoàn Thanh Nga, bà đã để lại nhiều vai không kém trước, đặc biệt các nhân vật do bà thủ diễn sâu sắc hơn về số phận, tâm lý tình cảm và cả bản ngã cuộc sống... như những vai Vân trong "Ánh sáng và bóng tối", Quỳnh Nga trong "Bên cầu dệt lụa", Trưng Trắc trong "Tiếng trống Mê Linh", Dương Vân Nga trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga". Dương Vân Nga là vai sau cùng của bà (1978), nếu không thì chắc chắn bà sẽ còn nhiều vai để đời trong lịch sử Cải lương.
Cố NSUT Thanh Nga là một cô đào thương Cải lương có sắc vóc đẹp toàn diện, nét quý phái sang trọng, có gương mặt thanh tân khả ái không kém phần phúc hậu, thu hút mọi đối phương khi kiến diện; nhất là đôi mắt mờ huyền, nụ cười duyên dáng một cách tự nhiên không cần làm kiểu, đối má lại lúng đồng tiền...; nói gọn là bà có khuôn mặt kiều diễm, quyến rũ... Nhiều người trước đây từng nói: "mua vé vào rạp chỉ xem sắc vóc Thanh Nga cũng đã đủ tiền vé rồi, còn xem bà ca diễn là phần lãi". Thêm vào đó, giọng nói êm êm, đằm thắm, âm điệu buồn như đôi mắt bà lúc nhìn xa xăm; âm giọng tự nhiên vốn đã có tâm trạng dường như luôn chất chứa một nỗi niềm gì đó... tất cả những tố chất ấy khi bà vào vai diễn khiến khán giả phải vui buồn, cười khóc theo bà.
Những nhân vật mà NS Thanh Nga diễn chánh trước năm 1975 hầu hết có số phận nghiệt ngã, đắng cay; bà ca diễn bằng tâm tư nỗi niềm trắc ẩn của nhân vật nên đã chiếm cảm xúc khán giả thật sự; khi nhân vật mỹ mãn, hạnh phúc là khán giả vui cười, khi nhân vật đau khổ là khán giả xót thương và không biết bao người đã rơi lệ khi xem vai diễn của Thanh Nga. Có lẽ vai Hương trong "Nửa đời hương phấn" đã trở thành vai gây ấn tượng sâu và lâu nhất mà Tùng (NS Thành Được), Hương và Diệu gặp nhau, lúc Diệu cho Hương hay ngày cưới của Tùng, mà Tùng là người yêu cũ của Hương... Ba người cùng đối đáp nhau trong 12 câu Phụng Hoàng lớp đầu, và thể điệu này được lưu truyền đến nay qua bao thế hệ, hầu như giới Tài tử - Cải lương và ngoài dân gian rất nhiều người thuộc lòng, và thường ca ngâm mọi lúc mọi nơi: "Chị Hai, dù sao đi nữa thì chị cũng về với hai em, cho vui lòng ba với má, để mừng ngày em vu quy xuất giá. Chị đây cũng đẹp mặt nờ mày với lối xóm bà con. Còn dượng Ba đây, là một thanh niên có học thức lại đàng hoàng. Chị vô cùng sung sướng, khi thấy em mình có tấm chồng như lòng chị ước mong..." ... Nghệ thuật biểi diễn của NSUT Thanh Nga song hành với giọng ca, mỗi lời ca có ánh mắt của bà dõi theo để biểu đạt cảm xúc. Lúc nào bà cũng đặt trạng thái của nhân vật thành tâm trạng của mình. Trong lớp Phụng Hoàng, Thanh Nga ca diễn với hai tính cách: một là chị Hai của Diệu, nhìn Diệu và ca những lời rất mừng là thấy em mình hạnh phúc, đã chọn đúng người chồng lý tưởng, mặc dù mình trong ruột héo sầu, cõi lòng tan nát... Cái nhìn của Hương trìu mến với em mình (Diệu) khi ca câu: "... Chị đây vô cùng sung sướng khi thấy em mình có một người chồng như lòng chị ước mong...". Với Tùng (người yêu cũ) bà đối diện một cách bình tĩnh, nét mặt vô tư để Diệu không nhận ra Hương đang bối rối, để Tùng không băng khoăn là về cảnh tình ngang trái; đôi lúc Hương nghiệm nghị để ngầm cho Tùng biết là mình đã vì tình yêu của em gái mình, đôi mắt và giọng nói bà trở nên cứng cỏi như một lời ngầm thầm gởi trách nhiệm Tùng phải chăm lo hạnh phúc cho Diệu...; "... Nếu có thương người xin đừng có nói ra mà làm khổ em của người ta, thà đau khổ một mình chứ đừng để sầu cho ai... Sự thật đây là... Chị Hai đây chính là chị ruột của hai em."...
Những vai diễn mùi, bi thương của NS Thanh Nga thời ấy đã làm rung động biết bao trái tim mến mộ bà. Một nét riêng của bà đã cuốn hút khán giả dù là vai diễn - nhân vật đau khổ, số phận nghèo nàn thế nào đi nữa thì người ta vẫn thấy bóng dáng của Thanh Nga ẩn hiện bên cạnh nhân vật một vẻ nhân hậu bao dung, từ vai Trinh, vai Hương, vai Thảo đều là phog cách ấy; nét kiềm diễm lẫn chứa trong nỗi đau thương, nghiệt ngã của nhân vật; một Thanh Nga duyên dáng đằm thắm gắn với nhân vật, khiến hình tượng nhân vật càng thắm sâu vào ký ức người xem hơn. Vì vậy, báo chí kịch trường và công luận tôn tặng NS Thanh Nga là "Cành vàng lá ngọc Việt Nam", "Nữ hoàng sân khấu", "Cô đào thương quý phái"... 

THỜI VÀNG SON NGẮN NGỦI

Sau giải phóng 15 năm (1975 - 1990), Sân khấu Cải lương hưng thịnh nhất trong lịch sử của nó tính cho đến nay, những năm đầu giai đoạn này, với những vở diễn nổi tiếng của Sân khấu Cải lương nói chung và Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga nói riêng, có sự góp mặt rất đáng kể của cố NSUT Thanh Nga. Đó là những vai Vân trong "Bóng tối và ánh sáng", tiểu thư Quỳnh Nga trong "Bên cầu dệt lụa", Trưng Trắc trong "Tiếng trống Mê Linh", và vai sau cùng của bà là Dương Vân Nga trong "Thái hậu Dương Vân Nga". Về hơi - giọng không thể không nhắc đến bài Vọng cổ nổi tiếng bà ca trên Đài TNND - TP HCM là bài "Bông sen" của cố tác giả Trần Nam Dân.
Cố NSUT Thanh Nga có làn hơi, chất giọng "nữ trung". Loại giọng này có thể lên cao hơi âm cơ bản từ nửa đến một cung và khi hạ xuống độ trầm có thể từ một đến ba cung. Nét riêng về cấu âm của cố NSUT Thanh Nga, tuy là giọng nữ trung nhưng vốn hơi giọng "Thổ lai", âm giọng không khàn khàn, không ù rè nhưng lúc nào cũng lai một chút âm sắc đục, khi nói cũng như ca nghe buồn rười rượi. Kỹ thuật ca ngâm của bà là nhấn trọng âm ở những ca từ mang nội dung gợi cảm, hoặc nội dung trọng yếu trong một câu. Khi nhấn trọng âm như thế, bà phát âm bằng cách dồn hơi gằn giọng nhấn âm tiết trọng điểm, rồi thả nhẹ hơi trở lại ngân - rung thanh quản một chút, khiến âm giọng mùi và buồn não nuột: "Bông sen trắng nhụy vàng xa xa lấp lánh, lá xanh xanh như bàn tay chị tay em vương lên nâng bổng ánh sao...trời. Đẹp lắm sen ơi, hương vị tuyệt vời. Thế mà trâm hoa thì thầm bảo sen như là hoa cúc, hoa lan..." (Vọng cổ "Bông sen" của cố tác giả Trần Nam Dân). Khác với nhiều nghệ sĩ khác, thông thường người ta nhấn hay luyến theo thanh điệu của ca từ (ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) ở âm tiết chính nhịp, nhưng NSUT Thanh Nga không nhấn như vậy, mà bà nhấn trọng âm theo nội dung ngữ nghĩa của ca từ (những chữ in đậm). Trong vai diễn, NSUT Thanh Nga khi ca thì vừa gằn giọng nhấn trọng âm ca từ, vừa gằn giọng kết hợp với cái liếc mắt biểu đạt tính cách nhân vật; nếu giận dữ thì gằn giọng mạnh hơn và liếc mắt lạnh lùng, khi trữ tình thì bà nhấn trọng âm nhẹ hơn, buông hơi dài và kèm theo cái liếc mắt dịu dàng, đôi môi khép lại để lộ hai đồng tiền trên má rất duyên dáng và phúc hậu... Có lẽ một trong những vai diễn sau năm 1975 của cố NSUT Thanh Nga là Quỳnh Nga trong "Bên cầu dệt lụa" của cố soạn giả Thế Châu, bà biểu đạt theo phong cách vừa nêu. Lúc đưa tiễn Trần Minh (NSUT Thanh Sang) đi thi, lúc đấu lý với công chúa Bích Vântại quán gấm đầu cầu cũng theo hai cách biểu diễn và ca ngâm đặc trưng này.
Ca diễn đằm thắm, trữ tình là lớp mà Quỳnh Nga tiễn Trần Minh lên đường ứng thí, NSUT Thanh Nga ca nắn nót từng lời như lời tâm sự của lòng mình đã thay cho nhân vật: " Em không dám học đòi với những trang nghĩa phụ ngày xưa, đã cắt tóc bán lấy tiền cho chồng đi ứng thí lai kinh. Đây một hành trang chan chứa một tâm tình và số bạc mọn chắc chiu trong những ngày nắng sương tần tảo. Em xin trân trọng trao tay, ân cần đưa tiễn kẻ đăng... trình. Gởi gắm vào tay tâm sự của riêng mình. Em đã dám vượt khuê môn, bên cầu dựng quán, vì nặng nghĩa ân tình nên vượt dòng lễ giáo thị phi. Ngày bản hổ danh đề làm rạng danh tông tổ, em không mong được cùng ai vui đạo phu thê, nếu chàng nghĩ suy chút nghĩa tương tri, xin với cha em mà nhẹ điều ân oán" (Vọng cổ câu 1). Cũng với kỹ thuật nhấn trọng âm những ca từ có nội dung trọng tâm, bà không hề luyến láy hay ca cấn cao để phô diễn làn hơi chất giọng. Do vậy, âm sắc của NSUT có sức truyền cảm, âm điệu buồn buồn như ru ngủ, và khi nhấn trọng âm tạo thẩm âm sâu lắng hơn (những chữ in đậm).
Khác với kỹ thuật ca diễn trữ tình, lớp Quỳnh Nga và công chúa Bích Vân đối đáp tại quán gấm đầu cầu, ánh mắt sắc sảo, đang thép và âm giọng của NSUT Thanh Nga trong hội thoại trầm hùng: "Dạ kính chào tiểu thơ... Dạ, buôn bán cũng có hàng trăm ngàn mặt khách, nhưng cũng tuỳ theo cách ăn nết ở của khách mà chìu; cũng như nước ở biển khơi, sông lớn thì rộng, mà vào rạch vào mương thì hẹp chứ...". Rồi bà thay đổi ngữ điệu ca nửa cuối câu 3 Vọng cổ bằng thái độ an ủi, âm giọng nhẹ nhàng cùng với đôi mắt buồn như chia sẻ tâm trạng ngổn ngang của công chúa Bích Vân từ kinh thành lặn lội đến đây và bị thất bại trước trận tình: "Xin đừng buồn chi nữa hỡi công nương, tình yêu vốn có nhiều lạ lùng kỳ dị, không thể mua bằng trân châu ngọc bích, cũng không hề chuộc bởi kim ngân; xin hãy về với điện ngọc với cung son mà ôm ấp tình yêu ru cho ngọt giấc. Được yêu chưa hẳn là hạnh phúc, kẻ đang yêu chưa hẳn đã đau sầu"...
Có thể thấy lối ca tự sự của NSUT Thanh Nga về kỹ thuật buông hơi nhả chữ có phần giống nét của NSUT Út Bạch Lan và NSUT Ngọc Hương, nhưng nét riêng là âm giọng buồn và mùi khác nhau. Âm sắc của Thanh Nga trầm buồn hơn, tiết tấu phát âm có phần chậm hơn, và chính chỗ này là đặc điểm hơi - giọng của Thanh Nga có sức lắng đọng và truyền cảm. Lối diễn đằm thắm là đặc điểm nổi bật của bà, dù ở những tình huống, hoàn cảnh kịch sôi động, cao trào, nhưng bằng một ngữ điệu và thái độ bình thản không quá ồn ào hay tỏ ra giận dữ như hò hét..., kể cả ha ivai có tính cách bộc trật mạnh mẽ hơn như: Trưng Trắc trong "Tiếng trống Mê Linh" và Dương Vân Nga trong vở cùng tên.
Mặc dù mỗi nghệ sĩ có phong cách ca diễn riêng, có nét đặc thù riêng và để lại dấu ấn riêng cho khán giả nhớ đến; nhưng từ sau năm 1975 đến nay chưa thấy cô đào nào có nét giống cố NSUT Thanh Nga về ca diễn. Nét đằm thắm trong ca diễn ít cô đào nào có được, đó là tính trầm lắng được thể hiện ở nội tâm, nhưng sức mạnh của nó không thua gì một đội quân kỵ mã, cũng chẳng kém mạch sóng ngầm trong bão tố. Một Thanh Nga tài hoa bạc mệnh không có người kế thừa về tài nghề ca diễn, không có những cô đào ca diễn đằm thắm mà có sức chinh phục khán giả mạnh hơn những ngọn sóng thần; một "nữ hoàng bạc phận" đã sớm "băng hà"... Ôi, thật là đáng tiếc!

Tác giả bài viết: tanconhac