Vở kịch '2 - 4 - 6': Khán giả vừa cười vừa sợ

 Vở kịch '2 - 4 - 6': Khán giả vừa cười vừa sợ
Vở kịch 2 - 4 - 6 (KB-ĐD: Lê Quốc Nam) vừa có suất diễn thứ hai vào chiều 5/8 tại Kịch Super Bowl (TP.HCM) chật cứng khán giả. Vở này dựa vào câu chuyện có thật về vị thẩm phán hiếp dâm rồi giết chết người giúp việc rất ầm ĩ hồi trước năm 1975. Sự tài tình ở đây là cách kết hợp hiệu quả giữa tính hài hước, yếu tố hình sự và chất ma quái.
Có chứng kiến trực tiếp mới thấy khán giả của vở này thuộc tuýp nhiệt tình cao độ, họ đã cười vô tư với những cảnh hài và la hét đến thất thanh, thậm chí nhảy lên ghế, bỏ chạy ra khỏi khán phòng khi diễn ra cảnh ma quái. Điều này làm chúng ta gợi nhớ đến nhiều “fan cuồng” của vở Người vợ ma, khi có người đã xem đến lần thứ 30 mà mỗi lần đều phấn khích như mới xem. Đây cũng là cơ may của các sân khấu hướng đến sự chuyên nghiệp, bởi suy cho cùng, họ chính là những khán giả “thứ thiệt”, chỉ muốn xem nghệ thuật biểu diễn, chẳng quan tâm đến nội dung vở diễn.

Image
Cảnh trong vở 2 - 4 - 6

“Ma” kiểu mới

Không biết sự kết hợp giữa bà bầu Hồng Vân và danh hài Lê Quốc Nam theo hướng nào, nhưng hiệu quả của vở 2 - 4 - 6 đã cho thấy đây là một cách làm khác. Bởi hệ thống vở diễn của Kịch Hồng Vân đang “tràn ngập ma”, với vài vở ăn khách dai dẳng; trong bối cảnh như vậy, làm một vở ma mới không phải chuyện dễ dàng.

Tại địa bàn TP.HCM, nhóm hài Lê Quốc Nam thuộc nhóm chuyên nghiệp và ăn khách, với nhiều tiểu phẩm được đầu tư bài bản. Chính kinh nghiệm hài hước này đã giúp Lê Quốc Nam rất nhiều trong việc lấy tiếng cười của khán giả, khi mà kịch bản vốn chỉ “một màu” đau buồn, rùng rợn.

Tiếng cười đầu tiên đến từ lối diễn kết hợp giữa cái tưng tửng, vui nhộn của danh hài Minh Nhí (vai Cẩu) với sự duyên dáng ngầm của NSND Hồng Vân (vai bà Sáu). Tại gia đình ông Phán (Lê Quốc Nam), nơi bóng dáng chủ nhà khá mờ nhạt, nên toàn bộ “gia cảnh” được bàn giao cho mẹ con “ở đợ chúa” và các người hầu, họ tha hồ tung tẩy, biến hóa. Chính sự làm chủ sân khấu một cách bản lĩnh này đã giúp cho vở diễn không “trật đường ray” và có duyên, bởi vở này rất dễ bị quy vào cái tội cười trên nỗi đau người khác.

Đường dây chính của vở là chuyện cô hầu gái (Minh Phương) bị hiếp dâm và bị treo cổ một cách bí ẩn. Mọi tiếng cười, nếu không đúng lúc, có thể làm cho chất hình sự và căng thẳng của vở bị phá hỏng hoàn toàn, thậm chí phản cảm. Rất may, 2 - 4 - 6 đã vượt qua được điều này, nên khán giả mới được một phen cảm phục, họ vừa cười nghiêng ngả, vừa ú tim theo các tình tiết ma quái.

So với các vở diễn có tính chất ma quái, kinh dị của Kịch Hồng Vân và một hai sân khấu khác tại TP.HCM, 2 - 4 - 6 là tác phẩm đầu tiên pha trộn được hai yếu tố hài hước và rùng rợn một cách nhuần nhuyễn. Các vở ma khác vẫn có yếu tố hài, thậm chí đặc sắc, nhưng nó khá độc lập trong từng lớp diễn.

“Bệnh” nghề nghiệp

Cũng xin được nhắc lại, Lê Quốc Nam tốt nghiệp khoa diễn viên và đạo diễn từ năm 1992, cùng thế hệ với NSƯT Thành Hội, Khánh Hoàng, Hữu Nghĩa, Phước Sang, Ngọc Trinh… nhưng nhiều năm qua anh dành nhiều tâm sức cho tấu hài. Ưu điểm của tấu hài là nhanh chóng đưa khán giả vào các tình huống cao trào, nhằm tạo sự bất ngờ và lấy tiếng cười. Thế mạnh này đã được nhìn thấy khá rõ trong vở 2 - 4 - 6, khi mà ở mỗi lớp diễn, anh đã khá dứt khoát trong việc tạo ra tình huống thu hút. Thế nhưng, nó cũng có nhược điểm cố hữu, đó là ở cái kết - tấu hài thường chọn lối kết luận đề, theo kiểu “rút ra bài học”, nên 2 - 4 - 6, có thể nói, dở nhất là ở điểm này.

Suốt 80% thời lượng của vở diễn, khán giả đã “buông lỏng” cảm xúc để chạy theo các tình huống khá dồn dập và cuốn hút, để cuối cùng “ngồi ì” ở phiên tòa khô khan, đơn điệu và sơ sài. Thật ra, với 2 - 4 - 6, nếu đạo diễn chọn cái kết mở hoặc kết bằng tình huống mở nút để khán giả tự hiểu, hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Phải chứng kiến cảnh ông Phán đầu thú trước tòa bằng lời nói - điều mà khá lâu rồi kịch miền Nam không còn làm - mới thấy sức ảnh hưởng của tấu hài lên Lê Quốc Nam thật mạnh mẽ. Trong một tiểu phẩm ngắn, chừng 15 phút, cái kết rõ ràng giúp khán giả rất nhiều trong việc định thần ý tứ kịch bản, nhưng với kịch dài, nơi câu chuyện đủ thời lượng để kể, kết như vậy có thể nói là “bệnh” nghề nghiệp, là dư thừa.
Dù cái kết như vậy, nhưng nhìn tổng thể, 2 - 4 - 6 vẫn đủ sức để làm nên một tác phẩm giải trí, cuốn hút. Và đương nhiên, đây cũng là con đường mà Lê Quốc Nam nên hướng đến, bởi tấu hài đang mất khách và chắc cũng khó để trở thành việc của một đạo diễn thực thụ. Vở diễn còn có sự tham gia của các diễn trẻ như Quách Cung Phong, Tiến Thành, Kiến Minh, Lê Khâm, Quang Lộc, Hoàng Long, Mạnh Phúc…

Tác giả bài viết: tuyetmai

Nguồn tin: Văn Bảy - TTVH