Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Giọng Ca Vàng

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Ðào Thanh Hoàng với 3 đời theo nghiệp cải lương

Chủ nhật - 25/05/2014 09:23

Ðào Thanh Hoàng trong vở hát “Tiếng Súng 1 Giờ Khuya” trên sân khấu Hương Mùa Thu. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)




Ðào cải lương Thanh Hoàng lúc mới 14, 15 tuổi đã bắt đầu đi hát, với cái tên Bo Bo Hoàng, được ông Ba Bản bầu gánh Thủ Ðô thâu nhận vào vai trò “Bo Bo” cạnh người khổng lồ trong vở Tiếng Trống Sang Canh của soạn giả Thu An, tức vở tuồng khai trương bảng hiệu đoàn Thủ Ðô.

Là nghệ sĩ từng đoạt giải Thanh Tâm 1965 cùng một năm với đào Thanh Nguyệt, Thanh Hoàng là con nhà nòi, thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghiệp cải lương. Hai đời trước là Bầu Lư (ông nội) và song thân là kép hát Lê Thành Cát-đào Ngọc Tính.

 

 



Ðào Thanh Hoàng trong vở hát “Tiếng Súng 1 Giờ Khuya” trên sân khấu Hương Mùa Thu. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

 

Thời kỳ 20 tỉnh Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, ông Bầu Lư là bầu cải lương rất nổi tiếng, và người ta không biết ông đã có công trạng gì với chính quyền Pháp mà được ân thưởng cho sợi dây Tam Tài, tức dây đeo huy chương có màu cờ tam sắc, xanh trắng đỏ (cờ Pháp). Bầu Lư nhờ có dây Tam Tài này mà ghe hát của ông đi tới đâu cũng được làng xã địa phương tận tình giúp đỡ.

Gánh hát Bầu Lư chẳng cần có tiền đạo, hay quản lý để chuyên trách việc xin phép, thuê rạp trước khi cho gánh dọn đến. Nhiều khi ghe di chuyển đến một nơi xa lạ mà tất cả người trên ghe, kể cả Bầu Lư cũng chẳng hề biết ở đó là đâu, là làng xã nào, chỉ đoán chừng mà ghé vào thôi. Bởi vậy khi ghe hát rời bến này để đi đến bến khác, nghệ sĩ và công nhân sân khấu cũng chưa biết rằng mình sẽ đi đâu. Có nhiều khi địa điểm sắp đến xa đến 2, 3 chục cây số, các tay chèo quá mỏi mệt rồi mới lên tiếng hỏi ông bầu, rằng gánh mình sẽ tới hát ở đâu, thì Bầu Lư mới chợt nhớ ra mà rằng: “Ờ, ờ... thì tụi bây cứ thấy ở đâu có cây dương là ghé vào hát vậy, ở đó thiên hạ đang chờ ghe hát mình đến để coi hát.”

Sở dĩ bầu Lư nói như vậy, bởi vì xưa kia ở đất Nam Kỳ Lục Tỉnh nơi nào có đình, miễu là nơi đó có trồng cây dương chung quanh, hoặc nhiều hoặc ít. Tức nhiên ghé nơi có cây dương là ghé chỗ có đình, có miễu rồi, không thể nào hiểu khác hơn được.

Rồi thì khi nghe hát cập bến, Bầu Lư mặc áo dài, chít khăn đống, mang dây Tam Tài trước ngực, đến thẳng nhà làng kêu Ban Hội Tề phải gọi dân làng mượn ngựa, mượn ván kê sân khấu cho gánh của ông hát. Và lạ thay Ban Hội Tề tuân lời ông răm rắp. Có lẽ là họ thấy dây Tam Tài đeo trước ngực của ông, mà nghĩ rằng ông có uy thế với nhà nước Pháp. Và cứ như vậy, bầu Lư đi hát tới đâu cũng chẳng thèm xin phép tắc của ai cả.

Khi hát quanh các tỉnh trong vùng đất Nam Kỳ rồi, Bầu Lư đưa gánh hát của ông lên Cao Miên, lần mò lên tới Biển Hồ mà hát. Ở đây thì đâu có rạp, có đình gì để hát. Nhưng gánh của ông vẫn trình diễn được khi nghĩ ra cách kết năm ba chiếc ghe lại lót ván làm sân khấu quay mặt ra biển. Khán giả phải dùng xuồng ghe bơi chèo tới ngồi trên đó mà coi, hoặc xăn quần đứng dưới nước mà thưởng thức. Ban đầu còn dùng tới đèn măng xông để làm ánh sáng sân khấu, thét rồi đèn măng xông hư, Bầu Lư dùng tới đèn chai năm ba cây đốt lên mà hát cũng xong. Thế nhưng, gánh hát của Bầu Lư không chú trọng tới phần hát xướng cho mấy, mà chỉ lo diễn thuyết nhiều hơn nên khán giả càng lúc càng thưa thớt.

Và đào kép được phát lương đêm cũng lần lượt bỏ gánh mà đi rất nhiều. Có bữa muốn hát vở “Ngũ Nương Tiên Xuất Thế” mà thiếu đào, Bầu Lư phải thuê chị em giang hồ đưa lên sân khấu lép nhép miệng để có người đứng bên trong sân khấu ca hát giùm, khiến cho khán giả biết ra bất bình quá xá. Trong số khán giả đó phải nói là có người Miên đông đảo, họ phẫn nộ và cho là bị gánh hát gạt nên họ rủ nhau chờ khi gánh hát dọn đi là đón đường “cáp duồn” cho lợi gan. Bầu Lư nghe là họ toan tính như vậy và tin rằng họ sẽ làm thiệt, nên bữa chót dọn đi, bầu ta mới nghĩ ra cách bắt năm ba anh em công nhân sân khấu khỏe mạnh giả mặc đồ lính cầm súng mút (mousqueton) giả đeo quanh chiếc xe chở đồ đạc, rồ máy chạy đi vào giữa đêm.

Quả như đã dự đoán, một toán người Miên liều lĩnh nhảy ra dùng gậy gộc chận đường đồng thanh hô cáp duồn! Bầu Lư ngồi trong xe thét lớn: “Cáp duồn hả? Soldats, armes à mains.” Anh em cầm súng tức khắc chĩa súng về đám người quá khích. Vì rằng là ban đêm, chẳng phân biệt được súng giả thiệt như thế nào, lại nghe có người ra lịnh bằng tiếng Pháp, nên bỏ chạy tán loạn tưởng rằng gánh hát của Bầu Lư được lính hộ tống.

Ðó là thế hệ thứ nhứt, ông nội của Thanh Hoàng quá nổi tiếng. Thế hệ thứ 2 là Lê Thành Các và đào Ngọc Tính là thân phụ, thân mẫu của 
Thanh Hoàng cũng tiếng tăm lừng lẫy. Lê Thành Các là tay đua xe đạp nổi tiếng khắp Ðông Dương, từng được mệnh danh “Con phượng hoàng Lê Thành Các.” Và đi hát thì nhiều năm làm kép đóng vai chánh vai mùi. Ðào Ngọc Tính thì hát ở đoàn Khánh Hồng. Ðến năm 1965 thì cha con đầu quân gánh Hương Mùa Thu, Lê Thành Các làm tiền đạo, và Thanh Hoàng làm diễn viên đào nhì.

Khoảng 1970, tự nhiên rộ lên phong trào nuôi cút, khiến cho hằng bao nhiêu người tiêu tan tài sản, mang nợ cũng vì nuôi cút. Lúc ấy Lê Thành Các thấy thiên hạ chạy theo phong trào nuôi cút, nên đã gom góp vốn liếng và vay thêm nợ để nuôi rất nhiều cút, với hy vọng làm giàu nhanh chóng. Thế nhưng, khi cút đẻ trứng thì chẳng có ma nào mua, dù rằng hạ giá gấp chục lần. Vợ chồng Lê Thành Các vớt vát bằng cách ra Vũng Tàu thuê căn nhà gần rạp Duy Tân mở quán hủ tiếu trứng cút.

Các gánh cải lương ra diễn ở Vũng Tàu, nghệ sĩ, người quen gặp ông hỏi thăm do đâu mà ngưng hoạt động cải lương, thì Lê Thành Các than thở: "Tại cút nó hại tui!"


 Ngành Mai

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: NVO

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN