Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

TÌM LẠI CẢI LƯƠNG THỜI HOÀNG KIM QUA TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ

Thứ bảy - 09/07/2016 13:24

NS Bình Tinh

Khi các chương trình truyền hình thực tế (THTT) dành cho giới trẻ (khiêu vũ, nhạc trẻ…) trở nên bão hòa thì âm nhạc truyền thống, trong đó có cải lương, đang được coi là "món chính" để thu hút khán giả. Nhiều chương trình ra đời vừa thỏa mãn người mộ điệu vừa giúp cải lương có chỗ đứng trong sinh hoạt văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, việc giữ gìn vẻ đẹp cải lương trong làn sóng giải trí hiện đại cũng đặt ra nhiều vấn đề cần lưu tâm.

Tiên phong sản xuất THTT về cải lương là Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với chương trình "Chuông vàng vọng cổ" duy trì suốt 11 năm qua. Sân chơi này đã "đãi cát tìm vàng" cho sân khấu cải lương với những nghệ sĩ thành danh như Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi, Minh Trường… Gần đây, nhiều chương trình khác lần lượt ra đời như "Hạt ngọc mùa vàng" (VTV Cần Thơ), "Ai rành sáu câu" (VTV9), "Tài tử tranh tài" (THVL)… Đó là chưa kể các chương trình THTT dù không chuyên về cải lương nhưng cũng dành cho loại hình sân khấu này "đất dụng võ" không ít như: "Danh hài đất Việt", "Thử tài siêu nhí", "Cùng nhau tỏa sáng" (THVL), "Gương mặt thân quen" (VTV), "Hội ngộ danh hài" (HTV)…

Đem cải lương vào THTT là cách làm mới lạ và tạo sức hút riêng. Cuối tuần qua, thí sinh Phan Ngọc Luân của "Gương mặt thân quen" hóa thân thành NSƯT Tú Sương trong trích đoạn "Xử án Phi Giao" và thí sinh Hà Vân của "Biến hóa hoàn hảo" diễn xuất thần trích đoạn "Phụng Nghi Đình" qua hình tượng nghệ sĩ Hương Lan, đã khiến khán giả bất ngờ. Những nghệ sĩ không rành về cải lương nhưng chỉn chu trong nét diễn, trau chuốt trong lời ca, dù không quá điêu luyện đã tạo những nét độc đáo cho THTT. Nhiều nghệ sĩ khác cũng ghi dấu ấn khi thử sức với cải lương như Hoài Lâm, Hòa Minzy, Vân Trang… Đặc biệt, hiện nay xuất hiện nhiều chương trình THTT về cải lương dành cho thiếu nhi như "Hò xự xang xê cống", "Thử tài siêu nhí"… đã góp phần vun bồi tình yêu cổ nhạc cho thế hệ trẻ. Thí sinh Quách Phú Thành (Cần Thơ) hát bài bản tài tử, vọng cổ, diễn cải lương trong "Thử tài siêu nhí", đang dần chiếm cảm tình của công chúng.

 

 Chương trình “Hạt ngọc mùa vàng” do VTV Cần Thơ tổ chức đã tìm ra nhiều nhân tố mới cho cải lương như: Vũ Thành, Kim Ngân, Minh Trường… Trong ảnh: Thí sinh “Hạt ngọc mùa vàng” thi diễn với vở “Nửa đời hương phấn”.

Lịch sử hơn trăm năm qua của cải lương cho thấy, bộ môn nghệ thuật này luôn tiếp thu những tinh hoa để tồn tại và không ngừng phát triển trong bối cảnh lịch sử cụ thể của từng giai đoạn. Vậy nên, việc cải lương kết duyên với THTT có thể xem là cơ hội để cải lương tiếp tục vận hành, đổi mới để phù hợp với nhịp sống đương đại. Đây cũng là điều kiện để nghệ sĩ cải lương có thể tiếp cận với công chúng và đưa nghệ thuật này đến gần với khán giả.

 

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cho rằng, đặc điểm của THTT là đề cao tính giải trí, nên cần thận trọng đo đếm yếu tố hài hước trong các tiết mục cải lương sao cho vừa phải, hài mà vẫn có duyên, có chiều sâu. Dù cải lương vẫn có một nhánh dành cho hài, nhưng là kiểu hài đặc trưng của ngôn ngữ, âm nhạc, câu chuyện đậm tính dân gian, còn quá đà kiểu "tấu hài nhảm" hiện nay thì khó chấp nhận. Điển hình như việc đưa cải lương vào các chương trình có tên khá "kêu" như "Danh hài đất Việt", "Hội ngộ danh hài" nghe ra không được ổn bởi "danh hài" và nghệ sĩ cải lương là hai phạm trù khác nhau. Chính sự nhập nhằng này đã tạo ra nhiều tiết mục hài cải lương biến tấu phản cảm.

Điển hình như trong một tập của "Hội ngộ danh hài" (HTV7), NSND Ngọc Giàu đã cùng Trấn Thành diễn trích đoạn "Đời cô Lựu". Trấn Thành đã nói những câu thiếu tế nhị để chọc cười về thân hình nữ nghệ sĩ kiểu như "em là tháp dinh dưỡng bao béo phì". Việc cải biên lời thoại hiện đại mà thô thiển, hát tân nhạc gượng gạo… cũng khiến người mộ điệu cải lương phiền lòng. Trước đó, phần thi của Nam Cường- Quế Vân trong "Cặp đôi hoàn hảo" bị phản ứng vì phá nát trích đoạn "Lan và Điệp" bằng những lời thoại ngô nghê, giễu cợt. Thật khó chấp nhận đây là lời thoại cải lương: "Yêu em anh không đòi quà, anh không đòi quà, mà anh cần gì em cũng sẽ chi. Một chiếc Audi, một túi LV, hay là ta xách va li, cùng tới Cali, cùng đi du hí".

Những câu chuyện trên cho thấy, khi diễn cải lương trên sân khấu THTT, dù sáng tạo đến đâu cũng cần phải giữ lại cốt cách, tinh thần, không khí nguyên bản của vở diễn và chỉ nên thổi vào đó cách dàn dựng, trang thiết bị, tiết tấu mới. Những nhân vật đã thuộc về kinh điển thì không nên chỉnh sửa. Nhiều nghệ sĩ cải lương khi tham gia THTT dù không có khả năng diễn hài, ca nhạc nhưng cũng "gồng mình" thử sức khiến phần diễn cải lương không đạt mà hài hước cũng không xong.

*

* *

Đang lúc cải lương khó khăn trong hành trình tìm kiếm khán giả thì bất cứ nỗ lực nào giúp sân khấu cải lương sáng đèn cũng đáng trân trọng. Những "điểm đen" của cải lương trong THTT vừa qua hoàn toàn có thể khắc phục nếu những nhà sản xuất và nghệ sĩ tâm huyết. THTT đang chứng tỏ là con đường sáng cho cải lương hiện nay.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nguồn tin: tcgd theo BCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:chương trình, truyền hình, thực tế, khiêu vũ, trở nên, âm nhạc, truyền thống, thu hút, khán giả, ra đời, thỏa mãn, sinh hoạt, văn hóa, đại chúng, tuy nhiên, giữ gìn, làn sóng, giải trí, hiện đại, vấn đề, CẢI LƯƠNG THỜI HOÀNG KIM

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN