Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tìm Hiểu Nghệ Thuật

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Chắp cánh cho nghệ thuật cải lương

Thứ năm - 02/07/2015 17:52

Chắp cánh cho nghệ thuật cải lương

Trong tháng 5, bà bầu - nghệ sĩ Linh Huyền sẽ cho khai trương một sân khấu mini và một phòng trưng bày tư liệu về cải lương tại ngôi nhà rường rộng lớn của mình ở quận 2, TPHCM.

Người được chọn

Hiện trong tay Linh Huyền có những quyển sách nhạc, những công trình nghiên cứu về cải lương được viết tay hoặc xuất bản từ những năm 1940 đến nay của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy… Một số bản thảo cải lương, bút tích chép tay ghi chú cái gì cần sửa, cái gì cần bỏ trong một tuồng cải lương của những nghệ sĩ, soạn giả nổi tiếng như Năm Châu, Phi Hùng, Hà Triều - Hoa Phượng… cũng có trong nguồn tư liệu của Linh Huyền. 

Ngoài ra Linh Huyền còn có khá nhiều băng đĩa cải lương nguyên gốc từ đĩa than những năm 1950 đến băng catsette những năm 1970-1990. Trong bộ sưu tập của chị có khá nhiều những quyển kịch bản, bài ca cải lương từ in ấn rất đẹp đến quay roneo từng được bày bán khắp các chợ miền nam từ những năm 1950 đến những năm 1990 suốt thời điểm cải lương hưng thịnh. Một số phục trang cải lương như trâm cài, lược giắt, hộp đựng son phấn, trang phục diễn của nghệ sĩ cải lương khoảng 30 năm trở lại đây; nhiều hình ảnh của nghệ sĩ cải lương nhiều thế hệ; những tờ giấy cấp phép cho vở diễn trước năm 1975; những tờ quảng cáo cải lương xưa… cũng đang được Linh Huyền cất giữ…

Nghệ sĩ Linh Huyền

Điều đáng nói là phần lớn số tư liệu này do cố nhạc sĩ  Út Trong trước khi mất vào năm 2004 đã gói ghém bảo người nhà đem đến giao cho Linh Huyền. Đây là công trình sưu tập suốt 85 năm cuộc đời nhạc sĩ Út Trong -  một người thầy lớn của sân khấu cải lương, đã dạy ca, đào tạo ra những tên tuổi nổi tiếng của cải lương Việt Nam suốt hơn 50 năm như: Thanh Nga, Bảo Quốc, Thanh Tuấn, Thanh Hằng, Tài Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Chí Linh, Vân Hà, Ngân Huệ… và cũng là thầy dạy ca của nghệ sĩ Linh Huyền.

Nhạc sĩ Út Trong đã chọn rất đúng người. Đến những năm 2010, khi có điều kiện, Linh Huyền đã làm rất nhiều việc cho cải lương trong thời điểm cải lương vô cùng khó khăn, làm lỗ vốn là chuyện thấy trước. Dù vậy Linh Huyền vẫn không tiếc nhiều tiền của làm nhiều vở cải lương nghiêm túc như Bà chúa Thơ Nôm, Sương Nguyệt Ánh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Toản…; làm nhiều chương trình cải lương và nghệ thuật dân tộc như Năm tháng không phai, Hồn Việt; và mở cả một sân khấu cải lương, dạy cải lương cho thiếu nhi…

“Thiên cơ” cho một bảo tàng

Hiện Linh Huyền đã được hiến tặng một miếng đất rộng 5.000 m² tại Long An để làm một bảo tàng cải lương. Người hiến là nghệ sĩ cải lương Ngọc Anh, người một thời được chọn thay thế cho nghệ sĩ Thành Được khi nghệ sĩ tài hoa này rời khỏi Đoàn cải lương Kim Chưởng trước 1975. Tuy nhiên nghệ sĩ Ngọc Anh chỉ đến với cải lương như một cách trụ lại Sài Gòn làm nhiệm vụ bí mật cho cách mạng cho nên sau 1975, ông giải nghệ rất sớm. Số đất ông tặng cho Linh Huyền để làm bảo tàng cải lương cũng không phải của ông mà ông giữ dùm một vị bác sĩ quá cố. Vị bác sĩ này đã hiến rất nhiều đất ở Long An để xây một bệnh viện, trong đó ông chừa lại 5.000 m² đất để tặng cho việc xây dựng một viện dưỡng lão nghệ sĩ. Đây là số đất mà bây giờ Linh Huyền được tặng để làm bảo tàng cải lương.

Những tư liệu cải lương thập niên 1950-1970 của Linh Huyền 

Linh Huyền trăn trở: “Tôi có thể tự làm một cái bảo tàng cải lương tư nhân bằng  sức lực của mình. Song tôi được khuyên là chuyện lớn như vậy cần nên phối hợp với địa phương cùng làm. Đề án tôi có sẵn, tài liệu, đất đai có sẵn, nhưng tôi cứ chờ mãi cái hẹn gặp với người có trách nhiệm, chức năng cao nhất để giải quyết vụ này đến muốn nản. Vậy nên trước mắt tôi sẽ làm một phòng trưng bày nhỏ ở nhà tôi và mở tour mini diễn chương trình nghệ thuật dân tộc Hồn Việt cho khách nước ngoài đến xem. Tôi mong muốn khi dự án bảo tàng được chấp nhận tôi sẽ hệ thống lại số tài liệu của mình cho thấy tiến trình hình thành và phát triển của cải lương về mặt âm nhạc lẫn sân khấu. Tôi sẽ vận động thêm tài chánh và hiện vật, như làm sao tìm ra những trâm cài, lược giắt, son phấn, trang phục thiệt xưa của cải lương từ cái hồi mà cạo lọ nghệ, lấy bột màu trộn với thuốc mỡ làm son phấn…”.

Giới yêu mến cải lương cũng đang chờ một cái bảo tàng cải lương như Linh Huyền vậy! Nghệ sĩ Thanh Sang nói: “Tôi chưa biết tài liệu của Linh Huyền ra sao, nhưng nghe là thấy quí rồi. Không chỉ có Linh Huyền, tôi và anh em nghệ sĩ cũng mong sao cải lương của mình có được một cái bảo tàng vì nó là xứng đáng!”.

Hợp tác cùng Thời Nay

Nguồn tin: vuongthoaihong theo vh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Chắp cánh cho nghệ thuật cải lương

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN