Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tìm Hiểu Nghệ Thuật

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Tuồng TÔ ÁNH NGUYỆT & Hình ảnh trên sân khấu xưa

Chủ nhật - 03/05/2015 13:11

Bìa CD Tô Ánh Nguyệt

TÔ ÁNH NGUYỆT Soạn giả: TRẦN HỮU TRANG Sân khấu: THANH MINH THANH NGA Năm chụp ảnh: 1958
VAI CHÁNH:

Phùng Há vai Tô Ánh Nguỵêt



Ba Vân vai Tân (em trai Tô Ánh Nguyệt)

Việt Hùng vai Minh (người yêu Tô Ánh Nguyệt)

Hoàng Giang vai Ông Cả (cha cô Nguyệt)

Ngọc Nuôi vai Vợ của Minh


Hữu Phước vai Tâm (con của Nguyệt và Minh)



VAI PHỤ:

Văn Ngà - Bảo Quốc - Hữu Châu...

Image

Tóm lược chuyện tuồng:

Gia đình ông Hương Cả hoàn toàn sống theo nề nếp xưa.

Ông Cả, bà Cả có hai người con: Trưởng nữ là Tô Ánh Nguyệt và cậu con trai út tên Tân.

Ông Cả "tề gia" theo Nho giáo. Quyền gia trưởng của ông phải tuyệt đối tôn trọng. Do vậy, con cái trong nhà, tuy đã lớn, nhưng khi ông cầm roi mây nhịp nhịp trên bộ ván, tức tốc con gái cũng như con trai phải nằm dài để chịu đòn.

Phần bà Cả, tuy ông vẫn thương yêu vợ nhưng có lần lưu ý hiền thê:

- Bà chỉ có quyền nghe chớ không có quyền nói.

Người cha sống theo xưa, nhưng cô con gái tiêm nhiễm Tây học. Tô Ánh Nguyệt yêu Minh con trai của một Thông phán có bề thế. Như vậy, gia đình "đàn trai" theo nếp sống mới, đối lập với cái thủ cựu của gia đình Tô Ánh Nguyệt.

Nguyệt có thai với Minh trong lúc hai bên gia đình chạm trán nhau quyết liệt.

Thân phụ của Minh một lần "đối thoại" với ông Cả bằng những ngôn từ không thể nào đi đến chỗ cảm thông nhau được.

Bức tường ngăn cách hai gia đình theo "môn đăng hộ đối" không có cách nào giải quyết chuyện hôn nhân của Minh và Nguyệt.

Tô Ánh Nguyệt âm thầm bỏ nhà ra đi để chờ ngày sanh nở.

Thằng con trai của Nguyệt chào đời. Vì quá nghèo khổ, không đủ sức bảo bọc cho con nên Tô Ánh Nguyệt đem con giao cho Minh (gọi là có người đàn bà xa lạ cho con rồi ra đi). Lúc này Minh đã có vợ và vợ Minh cũng không hiểu rõ chuyện tình cũ của chồng.

Thằng bé được gần cha và nó lớn lên bên cạnh một người đàn bà mà nó lầm tưởng là mẹ ruột của nó. Minh rất khổ tâm về vấn đề này. Nhưng chàng vẫn tin trước sau gì "lá rụng cũng về cội".

Phần Tô Ánh Nguyệt, tuy xa con nhưng lúc nào cũng nghĩ đến giọt máu của mình. Biết nó sống rất đầy đủ bên cha, Nguyệt yên tâm và luôn trông chờ giây phút mẫu tử trùng phùng.


Image

Từ trái qua: Phùng Há (vai Nguyệt) Việt Hùng (vai Minh)

Cảnh: Những ngày mới quen giữa Minh và Tô Ánh Nguyệt



Image

Từ trái qua: Phùng Há - Hoàng Giang - Văn Ngà - Việt Hùng

Cảnh: Ông Cả biết chuyện thầm kín của con gái mình



Image

Từ trái qua: Ba Vân (em Nguyệt) - Phùng Há

Cảnh: Tân, người em trai lúc nào cũng thương và lo cho chị




Image
Từ trái qua: Việt Hùng - Phùng Há

Cảnh: Ngả rẽ tâm tình, "Tình nghĩa đôi ta đã... có con".



Image

Từ trái qua: Việt Hùng - Phùng Há

Cảnh: Cô Nguyệt ngỏ ý giao con lại cho Minh



Image

Từ trái qua: Việt Hùng - hề Châu Hí - Ngọc Nuôi - Phùng Há

Cảnh: Minh rất đau lòng trước cảnh trái ngang
(lúc Nguyệt gặp vợ của Minh)



Image

Từ trái qua: Phùng Há (ngồi xỉu) - Ngọc Nuôi - Việt Hùng

Cảnh: Người mẹ ngất xỉu sau khi giao con mình cho vợ chồng Minh



Image

Từ trái qua: Việt Hùng - Phùng Há

Cảnh: Đoạn cuối cuộc tình. (Minh tìm gặp lại người yêu)


Image

Từ trái qua: Phùng Há - Ba Vân (vai Tân)

Cảnh: Tân, dẫn chị đến thăm người yêu đang cơn đau nguy kịch
Image



Image


Từ trái qua: Hữu Phước - Phùng Há
Cảnh: Thằng Tâm vô tình đến xua đuổi mẹ



Tô Ánh Nguyệt qua các thế hệ...



Image

Sau 1975, trên sân khấu hoặc ở màn ảnh truyền hình, khán giả nhiều lần được xem vở "Tô Ánh Nguyệt" của soạn giả Trần Hữu Trang với thành phần diễn viên như sau:


Diệp Lang vai Ông Cả

Minh Vương vai Minh

Lệ Thủy vai Tô Ánh Nguyệt

Hồng Nga vai Bà Cà

Thanh Tòng Tân (em cô Nguyệt), ....



Hồi thập niên 30 của thế kỷ vừa qua, đoàn Phụng Hảo (chủ nhơn là cô bảy Phùng Há) rất ăn khách với vở hát nêu trên.

Hai vai chánh: Tô Ánh Nguyệt và Minh được giao cho danh tài Tư Út và cô Bảy Phùng Há.

Có một lần, chúng tôi được nghe một khán giả lão thành kể chuyện cải lương thuở xưa. Ông nói:

"Chú ơi! Tư Út hồi còn trẻ đẹp trai và hào hoa. Tụi tui mê ổng lắm. Nhiều cô, khi gánh Phụng Hảo đến, không bỏ sót một đêm nào hết. Ông Tư Út đẹp trai mà ca mùi nữa... Giọng ca ổng ngọt ngào, mê ly như Thành Được ngày nay vậy".

Rồi ông già cao hứng cất giọng ca luôn mấy câu vọng cổ nhịp 8 mà lão không quên một chữ. Lớp này do Tư Út ca (lúc thầy Minh gần lâm chung, trối với cậu Tân, em cô Nguyệt).

1. Sau khi tôi có chết đi rồi... xin cậu chứng kiến cho tấc lòng tôi mà tỏ hết khúc nôi cho ai kia được rõ nỗi khổ tâm của tôi trước giờ tôi nhắm mắt.

2. Dưới nấm mồ xanh, thân người mạng bạc, ngàn muôn năm linh hồn tôi họa chăng được tiêu tan khối hận chốn tuyền đài.

3. Mười tám năm dư, lắm lúc tôi muốn vạch mặt phơi gan mà than thở với đất trời.


Xuất hiện trên sân khấu từ thập niên 30, đôi danh tài Tư Út - Phùng Há trong "Tô Ánh Nguyệt" thuộc thế hệ thứ nhất.

Bạn xem hình thấy Việt Hùng bên cạnh Phùng Há, hẳn biết nghệ sĩ Việt Hùng thuộc thế hệ thứ hai. Đến Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy, Hồng Nga, Thanh Tòng, góp mặt với "Tô Ánh Nguyệt" từ sau năm 1975, thuộc thế hệ thứ ba.

Khán giả lâu nay mến tài diễn xuất của Diệp Lang hẳn không thể chê anh trong vai ông Cả. Vai diễn thành công thứ hai của nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang sau vai Hội đồng Thăng trong "Đời Cô Lựu".

Riêng nghệ sĩ ưu tú Lệ Thủy có lần cho biết: "Sau năm 1975, đối với các nhân vật đã thể hiện, em thích nhất là vai Tô Ánh Nguyệt trong vở cải lương cùng tên do Đoàn 2/84 trình diễn. Đó là vai diễn mà em cảm thấy mình quá gần gũi với nhân vật, có sự cảm thông về số phận của người phụ nữ trong xã hội".

Số phận của cô Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt) là số phận hẩm hiu của người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh xã hội "cũ" và "mới" xung đột nhau quyết liệt. Cô Nguyệt sống theo chủ nghĩa lãng mạn, tự do yêu thương. Cô có con với người yêu nhưng vì hoàn cảnh mẹ chẳng được gần con, Nguyệt phải giao con cho... ba nó.

Trọn một đời chịu khổ đau trong lặng lẽ. Lúc tuổi xế chiều, mẹ con mới được trùng phùng.



trích " Vang bóng một thời" của Huỳnh Công Minh


Nguồn tin: tancogiaoduyen tổng hợp

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.cailuongvietnam.com là vi phạm bản quyền
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:soạn giả, sân khấu, thanh minh, thanh nga, chụp ảnh, Tô Ánh Nguyệt, Soạn giả Tư Trang, Tô Ánh Nguyệt Soạn giả Tư Trang Cô Tư Sạng, Cô Tư Bé, cô Ba Bến Tre, cô Năm Cần Thơ, Bạn Tám Thưa, Bạn Ba Vân, bạn Bảy Cao, Bạn Ba Giáo, Bạn Út Trà Ôn, Cô Tư Sạng, Cô Tư Bé, cô Ba Bến Tre, cô Năm Cần Thơ, Bạn Tám Thưa, Bạn Ba Vân, bạn Bảy Cao, Bạn Ba Giáo, Bạn Út Trà Ôn

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN