Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Vở Diễn Hay

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Phim 'Cha cõng con' có kinh phí 18 tỷ đồng

Thứ sáu - 07/04/2017 21:50

CCC

Lương Đình Dũng cho biết phim mới của anh không có ngôi sao, không sử dụng siêu xe, du thuyền nhưng kinh phí vẫn cao vì sự kỹ lưỡng ở mọi công đoạn.
Trong khi hầu hết phim điện ảnh thường quay trong một tháng, phim mới của Lương Đình Dũng mất gần 80 ngày. Đạo diễn chia sẻ: "Thời gian quay bị đội lên gấp đôi bởi tôi quá kỹ tính trong công việc. Tôi luôn yêu cầu các diễn viên cũng như quay phim phải làm đi làm lại đến khi ưng ý mới thôi. Trong khi đó, dàn diễn viên hầu hết là dân nghiệp dư, lại đa phần là trẻ con nên việc ghi hình gặp không ít khó khăn. Tôi thà làm như vậy còn hơn là dùng một cảnh quay 'non tay'", anh nói. 

 

Mỗi khi xong một cảnh, Lương Đình Dũng thường hỏi ý kiến thành viên đoàn giống như một cách kiểm tra. Nếu nhận câu trả lời "Được", anh sẽ yêu cầu làm lại đến khi nào nghe thấy phản hồi "Tốt" mới chịu dừng. 

*Hậu trường phim 'Cha cõng con'

 

Đạo diễn nói thêm để có được cảnh cậu bé chạy trên triền cỏ xanh, giữa ánh sáng vàng ruộm, hoa may phất phơ trong gió, anh đã thuê người chăm sóc riêng cho cây cối. Mỗi ngày, êkíp chỉ có 15 phút để quay bởi đó là thời điểm ánh sáng tốt nhất. Riêng cảnh này, nhóm của Lương Đình Dũng phải mất mấy ngày mới có sản phẩm ưng ý.

Êkíp cũng phải liên tục di chuyển giữa các địa điểm gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Sài Gòn. Khi các cảnh quay đã hoàn thành, về đến phòng dựng, đạo diễn xem lại thấy vẫn chưa thực sự hài lòng về vẻ đẹp của thiên nhiên. Anh lại bắt cả êkíp đi từ Hà Nội lên Hà Giang quay thêm ba lần nữa. NSND kiêm nhà quay phim nổi tiếng Lý Thái Dũng nhiều lần phải lắc đầu trước sự khắt khe của đạo diễn.

phim-cha-cong-con-co-kinh-phi-18-ty-dong

Bộ phim được thực hiện trong 80 ngày với nhiều khó khăn và chi phí sản xuất đắt đỏ.

Về trang phục, đạo diễn yêu cầu nhóm thiết kế lựa chọn tỉ mỉ từ mẫu vải, chất liệu đến mẫu may. Riêng việc thiết kế thắt lưng của chú Mù trong phim, nhóm phải mang về rất nhiều phiên bản để đạo diễn chọn lựa. Từng chiếc áo mưa cũng phải có màu đúng ý của Lương Đình Dũng.

Cha cõng con không có quá nhiều nhân vật nhưng để thực hiện phim, Lương Đình Dũng phải nhờ sự trợ giúp của khoảng 100 người. Khi quay phim tại một hợp tác xã ở Bắc Mê (Hà Giang), đạo diễn phải thuê người đóng hai chiếc thuyền sắt cỡ lớn để vận chuyển đoàn đi lại trên sông.

"Suốt một tháng, ngày nào đoàn cũng mất 30 - 45 phút để leo lên đỉnh đồi Minh Ngọc ở độ cao 200 mét. Lúc xuống đồi, chúng tôi gặp khá nhiều nguy hiểm vì phải đi qua con suối. Buổi sáng, suối có thể cao đến đầu gối nhưng đêm về, nước đã ngập đến cổ. Bên sản xuất phải kéo dây điện từ chân lên đỉnh đồi để soi đường và chăng dây cáp qua suối. Mọi người cũng phải tháo rời các thiết bị điện rồi mới đưa được lên đỉnh đồi và lắp ghép. Trong lúc quay, chúng tôi liên tục gặp mưa, bão lớn. Mỗi lúc có mưa và sấm sét, anh em đều bảo nhau bỏ bộ đàm và điện thoại thật xa để tránh tai nạn. Cảnh mưa lũ trong phim đều quay thật đến 90%", đạo diễn cho biết.

Êkíp của Lương Đình Dũng từng hai lần bị hỏng flycam khi cho thiết bị bay trên không trung trong ngày gió bão.

phim-cha-cong-con-co-kinh-phi-18-ty-dong-1

Lương Đình Dũng hướng dẫn các diễn viên nhí trong một cảnh quay.

Khâu xử lý hậu kỳ cho bộ phim cũng khiến Lương Đình Dũng mất tới hơn một năm. Anh mang Cha và con sang Hàn Quốc để nhờ nhạc sĩ nổi tiếng Lee Dong-jun (còn gọi là Lee Dong-june) hoàn tất phần âm thanh. Lee Dong-jun đứng sau phần nhạc phim của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Shiri (1999), 2009 Lost Memories (2001), Taegukgi - Cờ bay phấp phới (2004), Miracle on Cell No. 7 - Điều kỳ diệu phòng giam số 7 (2013), Operation Chromite (2016)... Khâu xử lý âm thanh mất khoảng hai tháng.

Sau khi tham dự và được trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tếCha cõng con sẽ ra rạp tại Việt Nam vào 5/4.

Nhạc sĩ Lee Dong-jun đã nhận lời mời của êkíp sản xuất sang tham dự buổi ra mắt phim tại Hà Nội và TP HCM. Lee Dong-jun hy vọng nhạc phim góp phần làm nên thành công cho tác phẩm của Lương Đình Dũng. Ông cũng hồi hộp về phản ứng của khán giả Việt Nam với bộ phim này.

Đức Trí  

 

 
Nhạc sĩ nổi tiếng Hàn Quốc khóc khi xem phim 'Cha cõng con'
 

Lee Dong-jun - người làm nhạc phim "Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7" - xúc động trước những cảnh quay đẹp và đầy ắp tình người của bộ phim Việt.

 

Sau gần 10 năm thai nghén, tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng hoàn thành. Vốn là người kỹ tính, anh mang phim sang làm hậu kỳ tại Hàn Quốc. Qua một người bạn, Lương Đình Dũng được giới thiệu làm việc với nhạc sĩ Lee Dong-jun.

nhac-si-noi-tieng-han-quoc-khoc-khi-xem-phim-cha-cong-con

Đạo diễn Lương Đình Dũng (trái) và nhà soạn nhạc Lee Dong-jun.

Lee Dong-jun thực hiện phần nhạc cho Cha cõng con trong hai tháng. Anh tâm sự: "Tôi đã khóc khi xem phim. Đó chính là cảm hứng cho việc viết nhạc của tôi".

Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: "Tôi tự hào khi nghe Lee Dong-jun khen người Việt tình cảm và cảnh thiên nhiên trong phim tuyệt đẹp. Tôi rất xúc động về cử chỉ tôn trọng khi làm tác phẩm của anh ấy".

Lee Dong-jun sinh năm 1967, là nhà soạn nhạc phim nổi tiếng Hàn Quốc. Anh thực hiện nhạc phim của nhiều tác phẩm đình đám như Shiri (1999), 2009: Lost Memories (2001), Taegukgi - Cờ bay phấp phới (2004), Miracle on Cell No. 7 - Điều kỳ diệu phòng giam số 7 (2013), Operation Chromite (2016).

Ngoài điện ảnh, Lee Dong-jun sáng tác nhạc nền cho loạt phim truyền hình ăn khách IRIS (2009). Ca khúc chủ đề của bộ phim My way do danh ca Andrea Bocelli thể hiện cũng do Lee Dong-jun viết. Nhà soạn nhạc Hàn Quốc nổi tiếng khắt khe, khó tính, không dễ nhận lời làm nhạc nếu không biết trước chất lượng bộ phim.

nhac-si-noi-tieng-han-quoc-khoc-khi-xem-phim-cha-cong-con-1

Một cảnh trong phim "Cha cõng con".

Cha cõng con (Father and Son) được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên viết năm 1995 của Lương Đình Dũng. Nhân vật chính trong phim là Cá. Hàng ngày, cậu tưởng tượng về một nơi tràn ngập ánh sáng qua câu chuyện kể của ông bố mù, cả đời chỉ quanh quẩn đánh cá bên bờ sông. Cậu mơ ước một ngày lớn lên được đến nơi tràn ngập ánh sáng ấy. Nhưng Cá không còn thời gian để chờ đợi sau khi lâm bệnh. Người cha cõng con đi để cậu bé nhìn thấy cuộc đời trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

Kịch bản Cha cõng con từng khiến biên kịch nổi tiếng của Hollywood là Pilar Alessandra rơi nước mắt và quyết định biên tập miễn phí cho Lương Đình Dũng. Đạo diễn ấp ủ việc chuyển thể từ lâu nhưng mãi đến năm 2013 anh mới bắt tay thực hiện. Dự án phim phải dừng lại một thời gian vì bối cảnh Hà Giang bị ngập lụt. Mãi đến năm 2015, quá trình quay mới tiếp tục.

Phim có bối cảnh chính ở Bắc Mê (Hà Giang) và vài cảnh ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Phần lớn đội ngũ tham gia phim là diễn viên nghiệp dư hoặc chưa nổi tiếng, duy có NSƯT Trần Hạnh là được nhiều người biết đến. Vai ông bố trong Cha cõng con do diễn viên Ngô Thế Quân (nam chính Thời xa vắng) đảm nhận, vai con trai được giao cho cậu bé mồ cô Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em S.O.S Việt Trì (Phú Thọ). Lương Đình Dũng còn mời hai bệnh nhi bị ung thư máu đóng vai phụ.

Phim hoàn thành hôm 13/11. Ngay sau đó, Lương Đình Dũng đã đem chiếu cho các bệnh nhân nhí ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Đạo diễn bộc bạch anh không muốn mình ân hận nếu các em không thể chờ đến ngày phim ra rạp.

Đức Trí
 

Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

 
 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Êkíp sản xuất phim độc lập "Cha cõng con" vừa tung trailer phim. Tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên do đạo diễn viết năm 1995.

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Trong hai phút, trailer thể hiện câu chuyện về người cha chất phác làm nghề chài lưới kiếm ăn qua ngày. Còn người con ưa tưởng tượng về vùng đất màu nhiệm trong câu chuyện do một chàng trai mù kể. Khi con trai gặp bệnh hiếm, cuộc sống chậm nhịp miền sơn cước của hai cha con rơi vào ngõ cụt.

 

 

 

Trailer "Cha cõng con"

 

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

"Mỗi khi ngước lên bầu trời, ánh mắt trẻ em trong trẻo nhất, hồn nhiên nhất. Ánh mắt ấy chở đầy khát vọng, chứa đựng ước mơ từ giản dị đến lớn lao. Tôi đã quan sát và thấy điều ấy trong ánh mắt các đứa trẻ", đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ về nhân vật nhỏ tuổi trong phim.

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Trailer phô diễn nhiều cảnh đẹp ở Hà Giang với góc quay rộng.

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Phim khắc họa cuộc sống của đứa bé miền núi nghèo khổ cùng những ước mơ về thành phố rực ánh đèn.

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Trong vài cảnh quay khác, thiên nhiên trở nên khắc nghiệt.

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Cảnh một trận lũ gần như nhấn chìm ngôi nhà của người dân. Những cảnh quay mưa, nắng trong tác phẩm đều tận dụng mưa, nắng thật.

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Đạo diễn Lương Đình Dũng chọn những gương mặt không nổi tiếng cho tác phẩm của anh.

 
Thiên nhiên tươi đẹp và khắc nghiệt trong phim ''Cha cõng con'

Vai chính thuộc về Tấn - một bé trai tại làng trẻ SOS. Ngô Thế Quân hóa thân thành người cha. Dù từng đóng vai chính trong "Thời xa vắng", anh không phải là diễn viên chuyên nghiệp và đã nhiều năm xa rời nghệ thuật thứ bảy.

Phim dự kiến ra rạp từ ngày 5/4.

 

Ân Nguyễn
 

 

“Cha cõng con”: Đẹp, xúc động và ám ảnh

Một bộ phim giản dị, đầy nỗi buồn về thân phận con người nhưng không bi lụy, tuyệt vọng

 

 

Dàn diễn viên không có ngôi sao, thậm chí phần lớn là nghiệp dư, nhưng “Cha cõng con” vẫn cuốn hút, lấy được nước mắt của không ít khán giả bởi câu chuyện buồn về thân phận con người được kể một cách nhân văn, đầy xúc động.

Phát điên nếu không làm được

Đó là câu chuyện về Cá, một cậu bé vùng cao mất mẹ, sống với bố trên bến sông. Hằng ngày, hai bố con giăng lưới bắt cá, sống cuộc đời bình yên cho đến khi bạo bệnh ập đến với Cá. Những hình ảnh đầy ắp tình yêu thương của bố con bé Cá trên ngôi nhà tuềnh toàng nơi bến sông khiến nhiều người xem phim giật mình tự hỏi mình đã yêu con, đã quan tâm đến con như thế chưa? Không ít khán giả đã khóc vì mơ ước giản dị được chạm đến bầu trời của cậu bé vùng cao; vì sự bất hạnh có thể đến với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào vì không ai biết được phía trước của đời mình là gì. Họ cũng khóc vì tình cảm giữa người với người, vì sự cô đơn của con người trước thiên nhiên, trước số phận cay nghiệt mà “ông trời” bắt các nhân vật phải chịu. Thiên nhiên hùng vĩ đẹp đến nao lòng trong bộ phim trái ngược hẳn với đời sống đầy rẫy những bất trắc, đau khổ của con người nơi đó thực sự là nỗi ám ảnh đối với người xem.

 

Cảnh trong phim “Cha cõng con” Ảnh: Ngọc Trâm

Cảnh trong phim “Cha cõng con” Ảnh: Ngọc Trâm

 

Đạo diễn Lương Đình Dũng từng tâm sự anh sẽ phát điên nếu không làm được bộ phim này. Ý tưởng thực hiện bộ phim đã đau đáu trong suy nghĩ của anh suốt cả chục năm. “Nhiều lần tôi đã khởi động dự án nhưng đều chưa thành. Lần thì thiên tai, bối cảnh bị ngập lụt; lần thì diễn viên thay đổi; lần vì tiền bạc không đủ để làm. Đã có lúc tôi muốn ngừng nhưng rồi việc ấy làm tôi phát điên” - đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Kết quả của 10 năm lận đận là một bộ phim giản dị, đầy nỗi buồn về thân phận con người nhưng không bi lụy, tuyệt vọng đã ra đời.

Lựa chọn mạo hiểm

“Cha cõng con” lấy ý tưởng từ một truyện ngắn của đạo diễn Lương Đình Dũng viết cách đây nhiều năm. Xúc động với câu chuyện trong truyện, biên kịch nổi tiếng của Hollywood là Pilar Alessandra đã quyết định biên tập miễn phí cho đạo diễn này. Sau nhiều năm ấp ủ, chuẩn bị, năm 2013, Lương Đình Dũng bắt tay thực hiện nhưng dự án phim phải dừng lại vì bối cảnh Hà Giang bị ngập lụt. Mãi đến năm 2015, việc quay phim mới khởi động trở lại. Không như nhiều đạo diễn khác thường chọn cách sử dụng kỹ xảo cho những cảnh thiên tai lũ lụt, Lương Đình Dũng chọn cách làm mạo hiểm, đánh cược với thiên nhiên, đó là quay vào tháng 7, khi mùa lũ về để có những hình ảnh thật nhất. Anh cũng rất mạo hiểm khi chọn một dàn diễn viên tay ngang. Vai Cá được đạo diễn giao cho Đỗ Trọng Tấn, cậu bé đến từ Làng trẻ em SOS Việt Trì. Ngô Thế Quân, diễn viên tay ngang từng tham gia phim “Thời xa vắng”, đảm nhận vai ông bố.

Trong khi hầu hết phim điện ảnh thường quay trong 1 tháng, phim mới của Lương Đình Dũng mất gần 80 ngày. Thời gian quay phim bị đội lên gấp đôi bởi anh quá kỹ tính trong công việc khi luôn yêu cầu các diễn viên cũng như quay phim phải làm đi làm lại đến lúc ưng ý mới thôi. Trong khi đó, dàn diễn viên hầu hết là dân nghiệp dư, đa phần trẻ con nên việc ghi hình gặp không ít khó khăn. “Tôi thà làm như vậy còn hơn là dùng một cảnh quay non tay” - Lương Đình Dũng khẳng định. Thậm chí, sau mỗi cảnh quay, anh còn hỏi ý kiến các thành viên trong đoàn như một cách kiểm tra. Nếu nhận câu trả lời “được”, anh sẽ yêu cầu làm lại đến khi nào nghe thấy phản hồi “tốt” mới thôi.

Như một cách đền đáp cho những nỗ lực của cả ê-kíp, “Cha cõng con” đã nhận được khá nhiều ưu ái từ thời tiết. “Thật may là khi chúng tôi cần nắng có nắng, cần mưa có mưa, cần trời mây âm u có âm u. Khi đặt máy quay, cả một đàn chim bay qua khiến cho cảnh đó đẹp tuyệt. Lũ về cho chúng tôi những cảnh quay không cần kỹ xảo và lũ cũng rút đúng thời điểm, nếu không chúng tôi đã sập bộ phim” - Lương Đình Dũng kể.

Âm nhạc và hình ảnh quá ấn tượng

Hình ảnh bố con Cá nhỏ bé, cô đơn trên chiếc thuyền lọt thỏm giữa sông nước mênh mông ngược về thành phố để điều trị căn bệnh ung thư máu trên nền âm nhạc thực sự là hình ảnh khó quên nhất của bộ phim. Đẹp, ấn tượng, ám ảnh là cảm xúc mà không phải bộ phim nào cũng mang lại cho khán giả. Dù là phim đầu tay nhưng Lương Đình Dũng đã quy tụ được một ê-kíp tài năng bên cạnh mình, như quay phim Lý Thái Dũng, dựng phim Julie Beziau (Pháp), Phạm Thị Hảo, nhạc sĩ Hàn Quốc Lee Dong-jun.

Quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ vì anh tôn trọng sáng tạo của đồng nghiệp nên chấp nhận sự “điên rồ” của Lương Đình Dũng. Để có được cảnh cậu bé chạy trên triền cỏ xanh, giữa ánh sáng vàng ruộm, hoa cỏ may phất phơ trong gió, đạo diễn bộ phim đã thuê người chăm sóc riêng cho cây cối. Mỗi ngày, ê-kíp chỉ có 15 phút để quay bởi đó là thời điểm ánh sáng tốt nhất. Riêng cảnh này, nhóm của Lương Đình Dũng phải mất mấy ngày mới có sản phẩm ưng ý. Ê-kíp cũng phải liên tục di chuyển giữa các địa điểm gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, TP HCM. Khi các cảnh quay đã hoàn thành, về đến phòng dựng, đạo diễn xem lại thấy vẫn chưa thực sự hài lòng về vẻ đẹp của thiên nhiên, anh lại bắt cả ê-kíp đi từ Hà Nội lên Hà Giang quay thêm 3 lần nữa để có những hình ảnh ưng ý nhất.

Không ai có thể phủ nhận góp phần lớn làm nên thành công của “Cha cõng con” chính là âm nhạc của phim. Điều ngạc nhiên, bất ngờ nhất là nhạc cho phim này do một nhạc sĩ Hàn Quốc làm. Âm nhạc trong phim của nhạc sĩ Lee Dong-jun cho thấy ông rất gần gũi, quá hiểu tâm trạng, cảm xúc của người Việt Nam. Lee Dong-jun chính là người từng làm nhạc cho những bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc: “Cờ bay phấp phới”, “Điều kỳ diệu của phòng giam số 7”, “Shiri”... Phải mất 2 tháng, Lee Dong-jun mới hoàn thành nhạc phim cho “Cha cõng con” và tiết lộ: “Tôi đã khóc khi xem phim này và đó chính là cảm hứng cho việc viết nhạc của tôi”. Dù sức khỏe không tốt và đang trong lịch trình dày đặc nhưng Lee Dong-jun vẫn bay sang Việt Nam để dự buổi ra mắt bộ phim vào tối 30-3. Nhạc sĩ rất sung sướng đón nhận những lời khen về phần âm nhạc tuyệt vời của mình dành cho “Cha cõng con”.

 

Ghi dấu ấn qua nhiều liên hoan phim quốc tế

Dù đến ngày 5-4 mới chính thức ra mắt khán giả trong nước nhưng “Cha cõng con” đã kịp có mặt và tham dự nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế. Bộ phim được Ban Tổ chức LHP quốc tế Boston lần thứ 15 lựa chọn trình chiếu và tham gia tranh giải. Cuối năm 2016, phim cũng đã được vinh danh “Phim dài xuất sắc” tại Canadian Diversity Film Festival và giải “Quay phim xuất sắc nhất” tại LHP Barcelona Planet. Hiện bộ phim cũng được đề cử hàng loạt hạng mục tại LHP quốc tế Milano lần thứ 17 diễn ra ngày 5-5 tại Ý vì được đánh giá cao trong sáng tạo và cách kể chuyện phim như giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Diễn viên xuất sắc nhất, Nhạc phim xuất sắc nhất, Bộ phim xuất sắc nhất…

 

Hoàng Lan Anh

Nguồn tin: duyenclvn & tcgd theo VNE - NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:cho biết, sử dụng, du thuyền, kinh phí, kỹ lưỡng

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN