Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

BÀI TẢN VĂN VỀ CẢI LƯƠNG

Thứ năm - 14/04/2016 09:50

NS Ngọc Hương

CLVNCOM - Nếu như phải cảm ơn về những gì được nhận khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, có lẽ, cải lương cũng là một trong những điều để tôi nghiêng mình thành kính.
Từ trước đến giờ, tôi cũng nhiều lần trải qua cảm giác bị bạn bè xem là “sinh vật lạ” khi họ phát hiện tôi dành một chỗ trống không nhỏ trong lòng mình cho nghệ thuật cải lương. Ban đầu bực bội, vì nhiều lẽ: niềm đam mê của mình không được tôn trọng, tại sao họ báng bổ cải lương? Sao họ chỉ nghĩ cải lương đơn giản chỉ là cất cao giọng rồi xuống xề? và nhiều cái tại sao khác… Lâu dần thành quen. Mặc kệ và cũng lâu dần dường như không dám thể hiện niềm đam mê ấy, cứ nén lại trong lòng, tự mình, mình biết rồi thổn thức. 

Gần đây, trong một lần lang thang internet, mình vô tình vào blog của “Chuông vàng 2006” – Võ Minh Lâm. Ở đó, thấy người trẻ - những người có thể chơi Audition, xưng bá trong “Võ lâm truyền kì”, tay lướt phím computer, hand-phone tương đương vận tốc phát âm của “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển tòan diện của trẻ nhỏ”! Lạ kì thay, họ đều mê cải lương, chí ít, là họ mê chú nhóc “Chuông vàng” và như thế, chắc chắn họ cũng nghe cải lương! Chứng kiến điều này, bất giác tôi thấy mình vui, vì một điều không dễ diễn tả, và thấy cần phải nói lời cảm ơn (để rồi sau lời cảm ơn không đầu không cuối đó, làm “Chuông vàng” cảm thấy hoang mang, trĩu trịt gánh nặng với đời, với nghề!). 

Entry này tôi không dành đất để hô hào, để kêu gọi mọi người hãy thiện cảm hơn với cải lương; cũng chẳng có ý định minh oan, làm sáng tỏ một điều gì đó rất hàn lâm của lọai hình nghệ thuật này. Nếu một người nào đó thấy thích, họ sẽ tự đi đào bới, chẳng cần đợi ai thúc bách hay nhắc nhở! Đơn giản, tôi thấy trong muôn vàn cái nợ trên cuộc đời này tôi đang mang nặng, tôi thấy mình nợ cả cải lương! Một entry như một lời cảm ơn, như một giải thích về niềm đam mê với mọi người – chắc là cũng không quá đáng!? 
Không gì khó hiểu khi cải lương âm ỉ, kéo rễ, đâm chồi trong từng mạch sống của tôi. 


Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất mà ngày xưa, người nghệ sĩ không nén nổi lòng mình nên cất lên từng tiếng óan than cho người chinh phụ. Để rồi sau đó, những tiếng hờn, tiếng trách, tiếng vọng phu lan ra khắp miền lục tỉnh; người ta chế bản, kéo thêm cung đàn cho đậm tiếng thở than, cho khi cung bậc trỗi lên, chẳng những nỗi lòng người vợ xa chồng mà tình nước, tình làng, phu thê, huynh đệ cũng cùng nhau thổn thức! Cất tiếng khóc chào đời, tôi mặc nhiên được “dán nhãn” là có thể hát được cải lương. 

Trải dọc tuổi thơ. Giấc ngủ của tôi chẳng phải được vỗ về bằng nệm êm, chăn ấm. Từng câu hò, điệu lý, từng nhịp xuống xề kéo tôi vào giấc ngủ ngọt ngào. Đó là giọng mẹ, thỉnh thỏang giọng ba, cả giọng của bà, của cậu, của anh – tất cả đều mượt mà như con kinh xáng trước nhà: êm đềm trôi, dòng xanh trong trẻo quanh năm! Cả đời này, tôi không thể nào quên lần đầu tiên nhà tôi sắm được chiếc máy casset. Đó là niềm kiêu hãnh cả thời thơ ấu của tôi với đám con nít lớn lên ven kinh xáng! Lần đầu tiên, một đứa nhóc 8 tuổi như tôi, được nghe tiếng hát vang vang phát ra từ nhà mình lúc 3h sáng. Kì diệu, không bao giờ giai điệu: “Quê ngọai tôi ở mãi trong đồng sâu, quê ngọai tôi có rất nhiều cau, có rất nhiều trầu. Quê ngọai tôi có nhiều muỗi mắc, cũng nhiều đĩa vắt ớ ơ ờ ơ… Ai đi đâu đã từ lâu…” được truyền đi bởi giọng ngân ngọt ngào, ai óan của cô Ngọc Hương, chú Tấn Tài trong đêm “lịch  sử” ấy có thể lu mờ trong tiềm thức của tôi. Cái da diết khi nghĩ về quê, nghĩ về tuổi nhỏ của mình, phải chăng cũng từ đây mà có!? Cả nhà tôi, hầu như ai cũng hát được cải lương. Nhưng người ngòai nhìn vào khó biết. Vì chưa bao giờ ba tôi hát khi ngà say, mẹ tôi không ngồi hát khi ăn đám dự đình, anh tôi không ngân vọng cổ khi say đắm với mối tình đầu của mình. Nhưng tất thảy, mọi người đều gói ghém và cất giữ cẩn thận những lời ca điệu lý. Chị dâu không bật Media online khi ru cháu ngủ mà cất giọng ầu ơ ai óan: 

“Trời mưa lâm râm, ướt dầm bông sói 
Bậu đi lấy chồng sao hổng nói Qua hay…” 
“Bông ô môi
Gió cuốn rụng đầy ven sông 
Nhìn mây trời mênh mông…” 
Rồi dìu dặt: 
“Nếu em là Trác Văn Quân 
Thì anh sẽ là chàng Tư Mã 
Mượn khúc Phượng Cầu Hòang…”


Anh trai dành một ngăn vừa phải của vali để mang theo mấy đĩa CD cải lương trong mấy năm học hành ở đất Thủ Đô. Ba lưu trong điện thọai mình những đọan “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Tiếng trống Mê Linh” rồi cắm tai nghe, giết thời gian trong những chuyến công tác nước ngòai. Cải lương – như một thứ gia sản mà cả nhà luôn gìn giữ! 
Tôi cảm ơn cải lương còn vì nhờ nó mà tôi yêu non nước tôi hơn, yêu một cách nhẹ nhàng, tự nhiên không gò ép; tôi ghi nhớ sử sách dễ dàng hơn, lung linh! Những ngày đi học, bạn bè ngạc nhiên sao mà tôi nhớ dai, sao mà tôi học hành ung dung đến thế. Trong khi mọi người vật vã ra với những bậc công thần, những trận đánh đầy rẫy con chữ, niên đại thì tôi chỉ cần nhẩm lại tí xíu cho nó khoa học hơn thôi. Tất thảy, tôi đã nằm lòng vì có “Tiếng trống Mê Linh”, “Hòang hậu của hai vua”, vì có “Câu thơ yên ngựa”, vì “Rạng ngọc Côn Sơn”, vì “Tâm sự Ngọc Hân”, vì “Lời thề đất mũi”,… Những biến thiên, những thăng trầm sông núi như hào hùng, như sống động trong từng câu ca, trong từng lớp diễn. Cải lương đâu chỉ là tấn tuồng trộn lẫn hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc để thiên hạ mua vui… 

Cải lương làm tôi trưởng thành sớm hơn cái tuổi của mình! Vì sau những lời ca đã khép là những trở trăn cho tình đời, tình người, cho đạo lí, cho nhân luân. Tôi đã từng là đứa trẻ không dễ dàng quên những “xề, liu, xang, cống” khi tuồng đã vãn, nên cứ phải vấn vương với chuyện “làm người thế nào cho phải lẽ”?!, trong khi cái tuổi vẫn là ăn không no mà lo hòai không tới. Trạng thái chênh vênh mãi trong suốt kiếp người, có lẽ, căn nguyên cũng do đây! 

Tôi yêu cải lương bởi những vẻ đẹp tự thân của nó! Tôi thành kính vì những lời ca câu hát đã dệt nên một góc tâm hồn mình! Tôi gìn giữ nó vì nó là bóng dáng quê hương – nơi mà chỉ đến khi nào “tàn tro thấm đất” tôi mới có thể trở về, vĩnh viễn!
 
NHI A
 

Nguồn tin: tcgd theo FB Nguyễn Hoàng Minh Khôi

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.cailuongvietnam.com là vi phạm bản quyền
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:cõi đời, có lẽ, nghiêng mình

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN