Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đời Thường Nghệ Sĩ

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

GS.TS - NSND Đình Quang, cây đại thụ của nền sân khấu, qua đời

Thứ hai - 13/07/2015 14:58

GS.TS - NSND Đình Quang

GS.TS - NSND Đình Quang qua đời sáng sớm nay (13/7) tại Đà Nẵng. Cách đây ít ngày, ông đã nhập viện khi đang đi nghỉ hè cùng gia đình. Con gái ông - BTV Mỹ Linh và rất nhiều học trò của ông đã chia sẻ thông tin này trên facebook cá nhân.

GS.TS - NSND Đình Quang (tên thật là Nguyễn Đình Quang, sinh ngày 16/7/1928 tại Hà Nội) là đạo diễn sân khấu, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu lý luận sân khấu, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ vào bộ đội. Sau đó ông trở thành diễn viên, rồi giữ chức Trưởng đoàn kịch trung đoàn 77, Trưởng đoàn văn công Sư 325 tại mặt trận Bình Trị Thiên. Ngoài diễn kịch, ông còn trở thành một nghệ sĩ ngâm thơ với những bài Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ) và Ta đi tới (Tố Hữu) đã được ghi vào đĩa. Ông còn viết nhiều vở kịch kháng chiến như Người anh (1947), Bên kia (1949), Lối vườn hoa (1950), Hạt vàng (1951), Khăn tang kháng chiến (1952)...

 

Sau kháng chiến, ông được cử sang học đạo diễn tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau đó ông tiếp tục tu nghiệp bằng tiến sĩ ở đại học Humboldt ở Berlin (Đức). Thời gian này ông cũng đã dàn dựng nhiều vở diễn ở nước bạn như Cờ hồng phấp phới, Liệt hỏa hồng tâm, Gia đình cách mạng, Đông qua xuân đến...

 

GS - NSND Đình Quang
GS - NSND Đình Quang

 

 

Sau khi về nước ông đã trở thành một trong thế hệ đạo diễn sân khấu đầu tiên của Việt Nam, và là người đầu tiên giới thiệu phương pháp sân khấu Stanislavski và Bertolt Brecht. Ông còn là người đầu tiên đưa điện ảnh lên sân khấu với vở Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm. Ông đã dàn dựng thành công nhiều vở như Tàn đêm (Tất Đạt), Tuổi hai mươi (Lưu Trọng Lư), Đại đội trưởng của tôi (Đào Hồng Cẩm), Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ), Hão (Lê Quý Hiền), Người tốt thành Tứ Xuyên (Bertolt Brecht).., đã đạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các hội diễn sân khấu toàn quốc.

 

Ngoài công tác biểu diễn, ông còn là nhà giáo, nhà quản lý. Ông là một trong những người sáng lập và là hiệu trưởng của Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (trước là Trường Ca kịch Dân tộc) rồi sau là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam (sát nhập bởi Trường Nghệ thuật sân khấu và Trường Nghệ thuật Điện ảnh).

 

Nhiều học trò đầu tiên của ông sau này là những đạo diễn, diễn viên nổi tiếng như: NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Minh Ngọc, NSND Thế Anh, NSƯT Mỹ Dung, NSND Doãn Châu...

 

Ông còn giữ các chức vụ: Uỷ viên Thường trực Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khoá I (1957-1983), Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Từ năm 1984 đến 1993, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, phụ trách mảng nghệ thuật.

 

GS - NSND Đình Quang còn đóng góp lớn trong công tác phê bình lý luận sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung. Ông đã viết hàng chục cuốn sách nghiên cứu lí luận sân khấu như Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn (1962), Kỹ thuật tâm lý diễn viên (1968), Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý (1978), Sân khấu tiểu luận (1975), Phương pháp sân khấu Bectôn Brếch (1983), B.Brecht und das Theater Vietnam (tiếng Đức - 1989), Bàn về sân khấu tự sự (1982), Sân khấu Việt Nam (1998)...

 

Ông là tác giả những cuốn sách về văn hóa như: Còn nhân loại, còn văn hóa; Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới; Văn học nghệ thuật và sự hình thành phát triển nhân cách; Văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội quá khứ và hiện tại, Nghệ thuật Việt Nam với sự phát triển nhân cách và văn minh Việt Nam... Nhiều tác phẩm của ông đã được tập hợp trong bộ Tuyển tập Đình Quang gồm 4 tập: Về sân khấu Việt Nam; Về sân khấu nước ngoài (1962), Về văn học nghệ thuật (1995), Về văn hóa (1999)...

 

Nguyễn Đình Quang là một tên tuổi có nhiều đóng góp lớn cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam ở cả bốn lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, lí luận phê bình và quản lý. Ông được trao tặng danh hiệu NSND năm 1993, học hàm GS năm 1984 và được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 3 (2007).

 

Theo An Như

Thể thao Văn hóa
 

XEM THÊM BÀI TẠI ĐÂY


Học trò tề tựu đưa tiễn NSND Đình Quang lần cuối


 

Những mái đầu tóc xanh đến bạc phơ, từ Nam tới Bắc có mặt đông đủ trong lễ đưa tiễn người nghệ sĩ bậc thầy với niềm thương tiếc và kính trọng.

 

 Lãnh đạo Nhà nước, gia đình, các nghệ sĩ học trò thương tiếc đưa linh cữu NSND Đình Quang về nơi an nghỉ.
Lãnh đạo Nhà nước, gia đình, các nghệ sĩ học trò thương tiếc đưa linh cữu NSND Đình Quang về nơi an nghỉ.
 

Sáng 16/7, lễ đưa tang NSND Đình Quang diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, Hà Nội, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì. Sự ra đi của bậc thầy sân khấu Việt Nam có phần đột ngột, bởi ông tuy tuổi đã cao nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Đầu tháng 7, trong chuyến du lịch Đà Nẵng cùng gia đình, ông bất ngờ đổ bệnh, phải vào viện cấp cứu và qua đời rạng sáng 13/7 tại đây.

Con gái Mỹ Linh khóc lặng trong đám tang cha.

Dù cố giữ bình tĩnh để lo tang lễ cha được chu toàn, biên tập viên Mỹ Linh vẫn không nén được sự thương xót. Đôi mắt nhòa lệ, chị đổ gục xuống ghế và khóc khi nhìn mặt người cha nhân từ. Trước đó, trong những ngày chăm sóc cha ở Đà Nẵng, chị chia sẻ tình cảm với cha trên trang cá nhân: "Thương bố nhất là vì không bao giờ yêu cầu gì ở con cái. Mời đi chơi cũng nói mãi mới đi, mua gì biếu cũng chỉ là thứ nhỏ nhỏ xinh xinh... Đừng hỏi xem con có mệt không, cũng đừng nói ’con giúp bố nhé, phiền con quá!’. Dứt khoát mình sẽ về Hà Nội bố ạ".

Bà Mỹ Hạnh - vợ của NSND Đình Quang - khóc run lên trong giờ phút tiễn đưa người bạn đời. Các cháu chốc chốc lại chạy tới ôm bà như vừa an ủi, vừa tìm sự chở che khi mất đi người ông đáng kính.

Nỗi đau mất mát của gia đình NSND Đình Quang được chia sẻ bởi các cấp lãnh đạo Nhà nước. Tiếc thương một người có công lao cho nền sân khấu, văn hóa nước nhà, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi vòng hoa tới viếng. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhận xét công lao của người quá cố: "NSND Đình Quang đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam như một nhà khoa học, một đạo diễn tài năng, cây đại thụ của nền sân khấu. Ông được nhiều người gọi bằng cái tên thân mật là ’thầy Quang’... Cả đời ông đã yêu thương, hết lòng quan tâm tới sự tiến bộ nghệ thuật, nâng bước bao nghệ sĩ. Bài giảng của ông trở thành những giáo trình mẫu mực. Khi làm thứ trưởng, ông là người tận tụy, liêm chính".

Nhiều bậc lãnh đạo, quản lý ngành văn hóa nước nhà như: Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh, ông Lê Tiến Thọ (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Lê Chức (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)... tới thành kính phân ưu trước linh cữu người nghệ sĩ bậc thầy.

Qua đời ở tuổi 87, NSND Đình Quang không còn nhiều bạn cùng thế hệ, một trong số ít còn lại là Giáo sư Vũ Khiêu. Có mặt từ sớm để tiễn bạn, vị Giáo sư 99 tuổi không giấu được sự xúc động. Ông khóc và nhớ lại những năm tháng kết bạn cùng Đình Quang. Tuy cách nhau một giáp tuổi, hai vị Giáo sư đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghĩa tình thân thương, ân tình đồng chí, đồng nghiệp. Giáo sư Vũ Khiêu rưng rưng: "Tôi nói sao hết lòng đau thương của tôi trước sự ra đi này".

Các học trò của Đình Quang từ Nam chí Bắc, từ những mái đầu bạc phơ tới người tóc xanh đã tề tựu khóc thầy. Lứa học trò năm 1960 - 1964 của Đình Quang nay đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, họ đều trưởng thành, giữ những trọng trách của sân khấu nước nhà, như NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Bùi Đắc Sừ, NSƯT Mỹ Dung... Từ miền Nam, các nghệ sĩ Đoàn Dũng, Thế Anh, Trà Giang đã tới tận nghĩa trang, thắp nén nhang tiễn thầy về với đất.

Là học sinh khóa đầu tiên trường Nghệ thuật Sân khấu, NSND Doãn Châu nghẹn ngào: "Từ hôm thầy mất tới nay, những kỷ niệm với thầy hiện về như một thước phim quay chậm. Gắn bó với thầy từ năm 1960, thế hệ chúng tôi được hưởng những kiến thức uyên bác, minh triết, và sự tận tụy của thầy. Thầy Đình Quang đã cho tôi cả sự nghiệp sân khấu, vun vén nên hạnh phúc gia đình tôi". NSND Doãn Châu cho biết, từ sau khi nghỉ hưu, ông và các bạn học vẫn thường gặp thầy, đi chơi cùng nhau ở nhiều nơi trên đất nước. "Nếu không có sự việc quá xấu này, chúng tôi đã hẹn đón thầy tới gặp mặt vào đúng hôm nay - 16/7. Ấy vậy mà thời gian và quy luật cuộc sống không trừ một ai...".

NSND Trần Tiến là học trò khóa đầu trường Nghệ thuật Sân khấu của thầy Đình Quang. Ông cùng con gái - NSND Lê Khanh - tới viếng thầy.

Tuy không được Đình Quang trực tiếp giảng dạy, NSND Hoàng Dũng vẫn luôn coi ông là bậc thầy trong nghề nghiệp. Với niềm xúc động, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nhớ những lần tiếp xúc, học hỏi, được diễn trong kịch mà ông làm đạo diễn. "Thầy Quang làm lãnh đạo Bộ Văn hóa và thường xuyên đi xem kịch. Sau mỗi buổi diễn, thầy đưa nhận xét xác đáng cho tôi. Tôi và nhiều đồng nghiệp lớn lên sau từng lời nhận xét chi tiết, khắt khe nhưng đầy hướng xây dựng ấy. Thầy Quang không chỉ là nhà văn hóa lớn, mà còn là một nhà phê bình nghệ thuật xuất sắc là bởi vậy".

Ông Trương Nhuận tới viếng Đình Quang bằng lòng biết ơn sâu sắc. Với Giám đốc Nhà hát Báo, Đình Quang là một ân nhân. Năm 1980, khi Trương Nhuận vừa tốt nghiệp đại học thì gặp khó khăn do hoàn cảnh xã hội mang lại. Đình Quang là người thấu hiểu, bằng nhân cách lớn và lòng nhân từ đã đứng ra bảo lãnh, nhận Trương Nhuận về làm giảng viên trẻ nhất tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Qua bao thăng trầm, giờ đây khi là người đứng đầu một nhà hát uy tín, năng động của thủ đô, Trương Nhuận ghi nặng công lao của Đình Quang. Anh thổ lộ: "Lòng bao dung của cụ, cùng với việc cụ luôn dạy hậu sinh biết vươn lên, tin vào cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống làm nên một tư cách, nhân cách lớn lao. Tôi biết mình vĩnh viễn mang ơn cụ".

Lễ tang NSND Đình Quang dự kiến tổ chức từ 7h30 tới 9h30, nhưng quá đông học trò tới viếng, nên phải kéo dài tới hơn 10h. Linh cữu ông sau đó được ra xe để đưa tới nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình an táng.

Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Nguyễn Đình Quang sinh năm 1928, là đạo diễn sân khấu, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu lý luận sân khấu, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, cùng nhiều huân, huy chương cao quý.



Tin tức nguồn: http://www.xaluan.net/modules.php?name=News&file=article&sid=1200292#ixzz3g3uemmYv
doc tin tuc xaluan.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:GS.TS - NSND Đình Quang, cây đại thụ của nền sân khấu, qua đời

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN