Qua sự kèm cặp của những người thầy Hai Sĩ, Văn Được và Bảy Trạch, Minh Cảnh xuất hiện trên sân khấu lấp lánh hào quang với giọng ca luyến láy, mượt mà với số tiền cát-sê cao ngất ngưởng.

Năm 1961, Minh Cảnh nổi tiếng từ bài vọng cổ "Tu là cội phúc", tiếp sau đó là hàng loạt bản ca cổ do soạn giả Viễn Châu soạn lời như: "Võ Đông Sơ", "Mưa trên phố Huế", "Lương Sơn Bá", "Sầu vương ý nhạc", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Lòng dạ đàn bà", "Em bé đánh giày", "Chuyến xe lam chiều", "Đời mưa gió", "Ni cô và Kiếm sĩ", "Trái sầu riêng"…

Hai năm sau, ông lập đoàn hát và kiêm diễn các vai kép chánh tỏa sáng rực rỡ với những vở tuồng cải lương: "Bên cầu vọng thê", "Manh áo quê nghèo", "Bích Vân cung kỳ án", "Trinh nữ lầu xanh", "Lời thơ trên huyết"…

Đặc biệt, trong "Quán gấm đầu làng" (chuyện Lưu Bình - Dương Lễ), Minh Cảnh bứt phá với câu vọng cổ hơi dài, 53 chữ, đặt dấu ấn đầu tiên cho ca vọng cổ hơi dài đến nay. Giờ đây, trên sân khấu cải lương có những "hậu duệ" của nghệ sĩ Minh Cảnh như các: NSND Giang Châu, NS Châu Thanh, NSƯT Phượng Hằng, NS Bình Trang, Ngân Huệ, Linh Huệ, NSƯT Cẩm Tiên,… ca hơi dài rất điêu luyện.

Danh ca Minh Cảnh mong mỏi về nước phục vụ khán giả quê nhà - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Minh Cảnh trong chương trình "Những cánh chim không mỏi" của HTV

Sau năm 1975, khán thính giả càng thêm yêu mến nghệ sĩ Minh Cảnh với một số bài tân cổ giao duyên rất ấn tượng như: "Cánh chim trên biển", "Rẻ mạ đầu mùa", "Bông điệp Sài Gòn", "Đám cưới trên đường quê hương", "Bông súng trắng", "Cây trứng cá sau vườn", "Người mẹ thời loạn", "Quán nửa khuya", "Đoạn cuối tình yêu", "Chuyến xe lam chiều", "Cô lái đò", "Thuyền hoa", "Rước tình về với quê hương", "Cánh cò và dòng sông", "Tình nước", "Chín dòng sông hò hẹn"... 

Ông sang Mỹ định cư năm 1995, đã trải qua nhiều đợt điều trị bệnh. Ông đã từng về nước tham gia chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" do HTV tổ chức và biểu diễn giao lưu tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi ở Bình Dương.

Thanh Hiệp (ảnh Cẩm Thu)