Nhận thức được tầm quan trọng này, Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế Giới Trẻ đã mời NSƯT Hữu Châu giữ vai trò đạo diễn dàn dựng cho các vở diễn. Mới nhất là vở "Ngày hội cái bang", qua bàn tay của ông, suất diễn nào cũng đầy ắp khán giả và nhận được nhiều lời khen ngợi.

NSƯT Hữu Châu không chỉ chú trọng chất lượng nghệ thuật cho vở diễn, ông còn đặc biệt lưu tâm việc tạo điều kiện cho lớp diễn viên trẻ có đất dụng võ. Khi dàn dựng vở "Ngày hội cái bang", ông đã dành đất diễn cho nhiều diễn viên trẻ có dịp thử sức.

"Ngày hội cái bang" là một câu chuyện mang màu sắc dân gian, kể về cuộc hội tụ tại ngôi đình thờ thành hoàng bảo hộ những người hành khất. Ở đó 3 nhân vật nữ vốn quen thuộc với khán giả sân khấu là Thị Hến (vở "Ngao Sò Ốc Hến"), Thị Mầu ("Quan Âm Thị Kính") và Thị Nở ("Chí Phèo") đều mong muốn tìm lại con mình. NSƯT Hữu Châu đã tung hứng để ngày hội cái bang không chỉ là nơi phơi bày tính xấu, mặt tiêu cực của những tên tham quan, những tên trộm bất lương mà còn là nơi giúp họ thức tỉnh. Ở "Ngày hội cái bang", ngoài những tràng cười hết cỡ, còn có những khoảnh khắc lắng đọng để người xem suy ngẫm về cuộc sống hôm nay.

Khi dàn dựng, đạo diễn Hữu Châu đã phân tích thấu đáo từng tâm lý và hành động để diễn viên trẻ hiểu mà hình thành tính cách nhân vật của mình. Do vậy, vai diễn nào cũng có chỗ để khai thác, giúp các diễn viên trẻ phát huy tối đa khả năng chuyên môn, những cái duyên khi diễn. Các yếu tố khác như thiết kế mỹ thuật, âm nhạc cũng được NSƯT Hữu Châu chăm chút nhằm giúp vở diễn luôn đa dạng, phong phú và mới mẻ.

Các nhà chuyên môn cho rằng khác với những đạo diễn sử dụng nghệ thuật hình thể như một thủ pháp nghệ thuật để xử lý mảng miếng, NSƯT Hữu Châu đã kết hợp rất ngọt giữa hình thể và nội tâm nhân vật, để qua đó dù có sử dụng tính ước lệ nhưng những giả định với thiết kế sân khấu tối giản vẫn tạo nên không gian sinh động cho từng câu chuyện kịch mà ông dàn dựng.
Bài và ảnh: THANH HIỆP