03:35 PDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 184

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 179


Hôm nayHôm nay : 7068

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1079265

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76894643

Trang nhất » Tin Tức » Chân Dung Nghệ Sĩ

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Xem tiếp...

ĐỆ NHẤT KÉP ĐỘC, LẲNG HOÀNG GIANG

Đăng lúc: Chủ nhật - 03/12/2017 12:18 - Đã xem: 3734
HG

HG

Trong ba thập niên 1950, 1960, 1970, sân khấu cải lương của miền Nam Việt Nam sản sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài danh; mỗi nghệ sĩ có một tài năng cá biệt, một phong cách riêng, không ai lẫn lộn với ai, điều đó làm cho nghệ thuật ca ngâm, diễn xuất thêm đa dạng, phong phú và đánh dấu một giai đoạn phát triển của nghệ thuật cải lương rất là mạnh mẽ.

Đệ nhất kép độc, lẳng Hoàng Giang

Năm 1956, trong một cuộc đầu phiếu bầu những nghệ sĩ đệ nhất trong các lãnh vực ca ngâm diễn xuất trên sân khấu do các báo Tiềng Dội, Lẽ sống, Sàigòn Mới tổ chức, các nghệ sĩ được phiếu bầu nhiều nhứt là:

Nghệ sĩ Út Trà Ôn được bầu là Đệ nhất danh ca nam Vua vọng cổ Út Trà Ôn.

Nghệ sĩ Thanh Hương (con của đôi nghệ sĩ tài danh Năm Châu – Tư Sạng) được bầu là Đệ nhất nữ danh ca vọng cổ.

Nghệ sĩ Hoàng Giang được bầu là Đệ nhất kép độc, lẳng.

Nữ nghệ sĩ Như Ngọc (vợ của danh ca Tấn Tài) được bầu là Đệ nhất đào độc, lẳng.

Đệ nhất kép lẳng, độc Hoàng Giang.

Nghệ sĩ Hoàng Giang tên thật là Hồ Ngọc Giang, sanh năm 1922 tại tỉnh Mỹ Tho.

Tôi chơi thân với anh chị Hoàng Giang từ năm 1955. Anh Hoàng Giang kể cho tôi nghe, anh đến với sân khấu cải lương khi anh mới được 10 tuổi. Nhân dịp đoàn hát Phụng Hảo về hát ở rạp Thầy Năm Tú, anh mê xem hát nhưng không có tiền mua vé hát nên mỗi buổi chiều anh đánh trống quảng cáo cho đoàn hát trước rạp và theo nhơn viên của đoàn hát đi rao bảng, rải chương trình (programme) để được vào rạp xem hát mỗi đêm. Khi đoàn hát Phụng Hảo dọn đi, anh xin làm con nuôi của nghệ sĩ Hai Tiền để được đi theo gánh hát học hát.

Ông Hai Tiền dạy cho Hoàng Giang những điệu bộ, động tác để hát tuồng Tàu, ông dạy múa kiếm, múa đao và ông nhờ nhạc sĩ Sáu Tửng dạy cho Hoàng Giang học ca các bài bản cổ nhạc. Khi có dịp, ông cho Hoàng Giang xuất hiện trên sân khấu làm quân hầu, tiến dần đến làm các vai tướng cạnh, có ca và nói nhiều câu nói lối trong tuồng.

Hoàng Giang chịu khó chịu khổ tự rèn luyện mỗi khi được nghệ sĩ đàn anh chỉ dạy nên tiến bộ mau trong nghề nghiệp. Đến năm 1937, anh Hoàng Giang đã có thể đóng các vai kép tuồng Tàu, anh gia nhập đoàn hát Tiến Hóa của ông bầu Trương Gia Kỳ Sanh. Tại sân khấu nầy, anh hát chung với nghệ sĩ Út Trà Ôn trong tuồng Bàng Quyên – Tôn Tẩn, Út Trà Ôn thủ vai Tôn Tẩn, Hoàng Giang trong vai Bàng Quyên, một vai kép độc, một đứa bạn học vì ganh tài nên âm mưu ám hại bạn đồng môn.
 

Hoàng Giang nhắc lại cái thuở mới vào nghề như sau: «Tôi không có giọng ca tốt như anh Mười Út mà phải thường diễn tuồng cặp với anh như hình với bóng. Anh Út Trà Ôn thì luôn luôn thủ các vai mùi, bị kép độc ám hại. Tôi vì vóc dáng cao ráo (cao 1 thước 75), mắt lớn, miệng rộng, hơi rổn rảng nên lúc nào cũng phải thủ vai kép độc, đối lập lại với vai tuồng của anh Út Trà Ôn. Anh Út Trà Ôn mỗi lần ca vô vọng cổ là được khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, tôi thấy tôi phải thay đổi lối diễn như thế nào để lôi cuốn sự chú ý của khán giả về phía tôi. Vì vậy tôi nghiên cứu kỹ vai tuồng, những câu nói lối, bài ca để diễn, khi thì tôi la hét ồ ạt, khi thì nói như rít trong kẻ răng, mắt lườm lườm đe dọa. Nói chung, không phải diễn vai kép độc thì lúc nào cũng la hét hay có những động tác thô bạo mà phải tùy từng vai tuồng, tùy từng lớp diễn. Tôi nghiệm ra được một điều là khi vai kép độc diễn hay, làm nổi bật được tính ác độc hay nham hiểm của nhân vật thì vai kép mùi mới có đất diễn, ca mùi mới được khán giả thương mến. Tôi có lần đánh bài thua sạch túi, lại nợ thêm mấy ngàn bạc, hết tinh thần khi ra sân khấu hát, đêm đó tôi hát như để trả nợ, hát một cách xuôi xị. Anh Mười Út vô vọng cổ cũng không được khán giả vỗ tay như mọi khi.

Ông bầu Trương Gia Kỳ Sanh đứng bên cánh gà, hò hét biểu tôi phải hát cho xôm lên, nóng lên, ông nói: «Bộ thằng Út là cha của mầy sao mà mầy hổng đánh nó một bốp tai. Lớp nầy mầy phải đánh, phải hành hạ nó… Nó là tía ruột của mầy, mầy cũng phải đánh…»

Hoàng Giang nhắc lại kỷ niệm xưa: «Tôi nghe nhắc tuồng, phát nổi khùng. Khi anh Mười Út trong vai Tôn Tẩn hét lớn: “Dầu giết chết ta, ta cũng không chép Thiên Thơ ra cho ngươi”. Tôi hét lớn : “Như vậy nhà ngươi phải chết,…phải chết…” Mỗi lần nói tới tiếng chết, tôi đánh một bạt tai thật mạnh, anh Mười Út té xiểng niểng, anh ôm mặt chạy xa ra rồi té quỵ xuống ca câu vô vọng cổ rất là thảm thiết. Khán giả vỗ tay như muốn làm nổ tung cái rạp hát.

Vô hậu trường, ông bầu Kỳ Sanh lại vổ vai tôi: “Mầy hát hay lắm! Phải hát nóng như vậy, sân khấu mới xôm chớ!” Nhưng ngay lúc đó thì anh Út Trà Ôn lại xin thối contrat để đi gánh hát khác. Tôi xáng cho anh mấy bốp tai, tới khi vô hậu trường mặt của ảnh còn hằn lên dấu bàn tay hộ pháp của tôi. Anh Út nói hát là giả, đánh là đánh giả, nó đánh thiệt thì trẹo bảng họng của tôi, tôi làm sao mà ca vọng cổ được nữa?

Hoàng Giang biết lỗi, xin lỗi anh Út Trà Ôn và thú thiệt là vì thua bài mang nợ nên khi ra sân khấu bị chi phối tinh thần, hát mà không biết mình hát gì. Anh Út Trà Ôn dẫn Hoàng Giang tới trước bàn thờ Tổ, biểu Hoàng Giang thề là bỏ cái tật cờ bạc, anh sẽ ra tiền cho Hoàng Giang trả nợ, để Hoàng Giang hát cho đàng hoàng. Hoàng Giang đốt nhang, long trọng thề với Tổ nghiệp là bỏ tật cờ bạc. Anh Út Trà Ôn giữ lời hứa, cho tiền cho anh Hoàng Giang trả nợ, anh Hoàng Giang cũng giữ lời thề với Tổ nghiệp, anh không bao giơ cờ bạc nữa. Sau chuyện đó, Út Trà Ôn và Hoàng Giang là hai bạn diễn ăn ý với nhau nhất, cùng nhau hùn lập gánh hát, cùng nổi danh lớn trong địa hạt sân khấu và dĩa nhựa.

Hoàng Giang nhắc lại chuyện xưa giữa anh và anh Út Trà Ôn để nói rằng: Sân khấu là giả, nhưng phải hát như thật, khán giả xem tưởng như thật. Do đó phải nghiên cứu từng pha diễn xuất sao cho có ép phê!

Tôi đưa tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, cho anh Hoàng Giang đọc trước để anh có ý kiến giúp tôi sửa chữa nếu cần để khi tuồng khai trương, hát được thành công. Tôi phân cho anh vai Châu Mục, trưởng một bản làng ở sát biên giới trong thời kỳ quân Nguyên xâm lấn biên cương. Một tuần lễ sau, vợ chồng anh Hoàng Giang mời tôi tới nhà anh ở bên hông rạp hát Thuận Thành Dakao để dùng cơm và bàn chuyện tuồng Biên Thùy Nổi Sóng của tôi.

Anh Hoàng Giang rất thích tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, anh nói nội dung tuồng đó không mới lạ, nhưng cách bố cục, xây dựng nhân vật và văn chương rất hấp dẫn, có nhiều chỗ diễn rất xôm, anh hỏi ý tôi muốn anh diễn vai Châu Mục đó như thế nào?

Tôi nói: “Ông Châu Mục nầy thương con, sợ vợ mà cũng sợ quân Nguyên. Ông có tham vọng muốn làm giàu, muốn có chức quyền vì vậy ông phải tìm cách dối vợ vì gia đình bên vợ của ông bị quân Nguyên giết. Bà không muốn ông theo giặc. Trong nghịch cảnh đó, ông Châu Mục phải sống hai bộ mặt khác nhau, vừa lừa dối vợ và những người dân trong thôn bản, làm ra vẻ yêu nước nhưng phải sống một bộ mặt thật khác là nịnh bợ quân Nguyên, thi hành những lệnh của giặc để bức hại dân lành. Vai kép độc “đội trên đạp dưới”, khi thì tỏ vẻ hiền lành, thương vợ con, khi thì hiện lên tính cách tham quyền cố vị, tàn ác để đạt được tham vọng.”

Anh Hoàng Giang nói: “Được rồi, đó là một vai kép lẳng, dộc. Tôi sẽ làm cho khán giả cười cái tính cách dối đời, dối vợ của ông và ghét cái tính cách độc ác do lòng dạ tham chức tham quyền. Có một điều tôi yêu cầu là vợ tôi (đào Ngọc Chúng) ca vọng cổ không bằng Út Bạch Lan. Mấy câu vọng cổ mà anh viết cho vai Ngọc Chúng ca thì xin anh viết lại bằng bài Nam Ai và không cho ca chung với Út Bạch Lan”.

Tất nhiên là tôi chìu theo ý của anh và cũng từ đó tôi học được ở anh Hoàng Giang một điều là khi viết tuồng, soạn giả phải nhắm theo khả năng ca diễn của diễn viên mà đặt bài ca, mà bố trí những lớp lang diễn xuất, không thể hoàn toàn tùy theo hứng thú riêng của soạn giả.Anh Hoàng Giang tuy ít học, chỉ mới biết đọc biết viết thôi nhưng rất sáng dạ. Anh học tuồng, nghe lời giải thích của tác giả là nắm bắt được đặc điểm cần làm nổi bật các tính cách của nhân vật. Anh thủ diễn vai Châu Mục, chỉ một câu nói nịnh quan Thái Thú: “Con mèo chạy ngang mà ngài nói là con chuột thì ông nội tôi cũng không dám cãi lại ngài. Tôi cũng nói đó là con chuột dù tôi biết rõ đó là con mèo.” Cách phát âm của Hoàng Giang cùng một câu nói đó làm cho quan Thái Thú thấy là câu nói đó nịnh ông ta; nhưng cũng câu nói đó kèm theo ánh mắt nheo nheo chế giễu của Hoàng Giang làm cho dân làng cảm giác là câu nói chế giễu quan Thái Thú. Cách biểu hiện hai mặt của một vấn đề qua một câu nói không phải diễn viên nào cũng có thể diễn được. Trong vai Châu Mục, Hoàng Giang đã làm cho khán giả cười thỏa thích trước lối diễn xuất sợ vợ, dối vợ và căm ghét thái độ nịnh bợ giặc, hãm hại dân trong bản làng. Lối diễn của Hoàng Giang luôn luôn là ào ạt, nóng bỏng khiến cho sân khấu không bao giờ nguôi khi có sự hiện diện của Hoàng Giang.

Ký giả Hoài Ngọc viết sân khấu kịch trường cho tờ nhật báo Tiền Tuyến, anh không thích lối diễn ào ạt của Hoàng Giang nên gọi Hoàng Giang là Kép La.

Hoàng Giang gặp ký giả Nguyễn Ang Ca than phiền về dụng ý không tốt của Hoài Ngọc khi cho anh cái danh hiệu Kép La, nhưng Nguyễn Ang Ca cười khà khà, bảo Hoàng Giang: “Kép La là Cha kép độc! Anh thử đi kiếm coi có ai thủ vai kép độc mà không la, chỉ cho tôi coi? Kép độc đóng các vai trấn áp, giết hại các vai kép mùi, nếu không ồ ạt, không nạt nộ, không gay gắt thì làm sao mà bộc lộ được cái tính độc hiểm, đàn áp người ta? Nếu đóng vai kép độc mà anh phát âm trên sân khấu cũng êm êm như cách nói cách ca của kép mùi thì kép mùi hay kép độc gì cũng chết ráo trọi, vì hát xuôi xị như vậy, ai mà coi? Anh đóng kép độc, anh cứ la. Kép mùi thì phải bám theo cái micro, micro kéo đi tới đâu thì kép mùi phải đi theo tới đó, đứng gần micro, gần như kê sát miệng vô micro để ca cho mùi, ca nhỏ tiếng, hơi dài và êm mà khán giả vẫn nghe lớn tiếng. Đóng vai kép độc, đứng xa micro, rộng đất diễn. anh la lớn thì tiếng nói được hút vô micro dễ dàng, vậy là anh có nhiều cơ hội biểu diễn hình thể cho đẹp. (Trong những năm 1950, 1960, Saigon chưa sử dụng micro sanh fil, sân khấu cải lương còn dùng micro treo và kéo theo diễn viên khi diễn.)

Hoàng Giang nắm bắt ngay ý kiến của Nguyễn Ang Ca. Anh tìm chỗ diễn cho nhân vật, di chuyển trên sân khấu thoải mái chớ không phải lệ thuộc, bám theo cái micro như kép mùi. Anh tìm những vị trí dễ thu hút sự chú ý của khán giả như đứng trên bục cao, đứng gần nơi đèn rọi mạnh (projecteur) hoặc sát tiền đài sân khấu. Trong tuồng Đồ Bàn Di Hận, anh thủ vai Chế Bồng Nga, anh yêu cầu trong lớp tuồng Chế Bồng Nga chiếm Thăng Long Thành thì để chiếc ngai vàng trên một cái bục cao ít nhất là sáu nấc (thông thường chỉ có tam cấp). Anh sẽ diễn cảnh uống rượu mừng chiến thắng trên chiếc ngai vàng đồ sộ và cao nghệu. Đó là một lớp tuồng dàn cảnh đẹp nhất, diễn viên diễn hay nhất và vở tuồng Đồ Bàn Di Hận ăn khách nhất lúc bấy giờ. Sự thành công của Đoàn Thanh Minh qua các vở tuồng dã sử Việt Nam như Biên Thùy Nổi Sóng, Đồ Bàn Di Hận làm cho ông bà Bầu Nghĩa chủ trương rời bỏ các tuồng kiếm hiệp La Mã mà đoàn từng diễn xưa nay để yêu cầu soạn giả thường trực của đoàn sáng tác các vở tuồng dã sử và tuồng xã hội Việt Nam.

Hoàng Giang với vóc dáng cao lớn, điệu bộ oai dũng đã thành công rực rỡ trong các vai dũng sĩ trong các tuồng dã sử: Tình Tráng Sĩ, Cầu Gỗ Hoàng Mai Thôn, Nẽo Tắt Hoành Sơn, Núi Liễu Sông Bằng, Áo Gấm Khôi Nguyên, Ngược dòng sông Lỗi, Hồi Trống Vân Lâu, Tiếng đàn trên sông Tô Lịch…

Năm 1957, khi bộ tứ Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga mãn hợp đồng cộng tác chung làm bầu gánh hát Kim Thanh – Út Trà Ôn, gánh hát này được giải tán. Anh Út Trà Ôn mời Hoàng Giang cộng tác, chung làm bầu gánh hát mới lấy bảng hiệu là gánh Thống Nhứt – Út Trà Ôn. Hoàng Giang và Út Trà Ôn trở thành một “cặp bài trùng” không thể thiếu trên sân khấu cải lương. Nhiều soạn giả trẻ lần đầu tiên có tác phẩm xuất hiện trên sân khấu cải lương mà được nổi danh ngay là nhờ tài ca diễn của “cặp bài trùng” Hoàng Giang – Út Trà Ôn: đó là các soạn giả Vân An với tuồng Nước Mắt Em là Bể Oan Cừu, soạn giả Thiên Hương với tuồng Cạn dòng lá thắm, Nước mắt kẻ sang Tần.

Nghệ sĩ Hoàng Giang chỉ là một kép lẳng, độc nhưng anh biết làm nổi bật những khía cạnh gai góc của từng lớp diễn để làm bệ phóng cho kép mùi ca vọng cổ, anh diễn một cách ào ạt sôi động như là cố gây ra một sức ép nặng nề nên khi nhân vật mùi cất tiếng ca vọng cổ tỏ bày sự phẫn hận đau thương thì liền được sự tán thưởng và đồng tình của khán giả. Trong ba năm 1957, 1958, 1959, Hoàng Giang và Út Trà Ôn được báo chí và khán giả khen tặng là đôi diễn viên lý tưởng của sân khấu tuồng dã sử Việt Nam.

Năm 1960, Ông Bầu Ba Bản lập gánh hát Thủ Đô với kép chánh Út Trà Ôn, Thanh Hải, Hoàng Giang, Ba Vân, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa, Bo Bo Hoàng, Kim Giác… Soạn giả Thu An và Thiếu Linh phụ trách Giám đốc kỹ thuật, với kỳ vọng thay đổi bộ mặt sân khấu cải lương bằng cách cải tiến nghệ thuật trang trí, dàn cảnh, nghệ thuật sử dụng ánh sáng và màu sắc để tăng thêm phần diễm lệ cho nghệ sĩ qua y trang và trang trí sân khấu 
 

Đoàn hát Thủ Đô – Ba Bản khai trương bảng hiệu tại rạp hát bóng Thái Bình vở tuồng Tiếng Trống Sang Canh của Thu An, do hai họa sĩ Thiếu Linh và Loka dàn cảnh, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sân khấu cải lương: tuồng tích có phẩm chất văn học cao; y trang, tranh cảnh được nghiên cứu và thực hiện đúng như trong hoàn cảnh lịch sử của tuồng qui định.

Hoàng Giang, kép độc lẳng và Út Trà Ôn, kép mùi là hai diễn viên trụ cột của các tuồng Tiếng trống sang canh, Sầu quan ải, Cây quạt lụa hồng, Thiên Hương quận chúa, Cát Dung Phương Tử, Nát cánh hoa rừng, Đêm hờn cung lạnh…

Hoàng Giang ly dị với vợ là nữ nghệ sĩ Ngọc Chúng sau khi đoàn hát Thống Nhứt giải tán. Trên sân khấu đoàn hát Thủ Đô – Ba Bản, anh tái hôn với nữ nghệ sĩ Kim Giác (chị của nữ nghệ sĩ Ngọc Hương, vợ của Thu An).

Năm 1963, đoàn hát Thủ Đô Ba Bản giải tán, Hoàng Giang và Kim Giác về cộng tác với đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga.

Hoàng Giang thành công lớn trong các tuồng dã sử và tuồng xã hội trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga. Anh có những vai hát để đời trong các tuồng xã hội như Bọt Biển, Đôi Mắt người xưa, Bóng Chim tăm cá, Chuyện Tình 17, Người Tình của biển, Tình Xuân muôn tuổi, Bên cầu dệt lụa,…

Những nhân vật nhà giàu mới học làm sang, thói văn minh rởm đời của lớp nhà giàu thời bán hàng PX, “xì nách ba” trong những năm 1965, 1966, 1967 do Hoàng Giang thủ diễn đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Câu Hoàng Giang nói trong tuồng Bọt Biển: “Cưới vợ đẹp, làm cho nó đẻ ra con, ai mà làm không được! Cưới vợ đẹp mà làm cho nó đẻ ra tiền mới là hay chớ”.câu nói đó đã một thời tiêu biểu cho quan niệm sống của những người muốn làm giàu mau lẹ, bất chấp những đạo lý cổ truyền của dân tộc. Cách nói, cách diễn của Hoàng Giang làm cho những câu nói trên tăng thêm sức nặng và dễ gợi nhớ.

Sau năm 1975, Hoàng Giang hát trên sân khấu Thanh Minh, tuồng Tiếng Trống Mê Linh, Bên Cầu Dệt Lụa, Bài thơ trên cánh diều. Sau đó anh đi đoàn hát 2/84, đoàn Văn Công, đoàn Trần Hữu Trang. Trừ các vở hát trên sân khấu đoàn Thanh Minh trong những năm 1976, 1977, 1978, Hoàng Giang còn giữ được phong độ một kép độc lừng danh nhờ vào các tuồng tích cũ. Đến loạt tuồng mới với nhân vật mới của cái thời kỳ sau 1975, Hoàng Giang bị nhạt nhòa vì phải diễn những nhân vật không có thật trong cuộc sống, những nhân vật “lên gân” với đề tài Cách Mạng. Lâu lâu hát lại vai ông Hội đồng Thăng trong tuồng Đời cô Lựu, Hoàng Giang mới có dịp bộc lộ được tài năng độc lẳng của anh.

Tôi còn nhớ tuồng Người tình của biển do tôi sáng tác, phỏng theo chuyện Fanny của Marcel Pagnol, Hoàng Giang thủ vai một ông nhà giàu si tình, yêu một cô gái, con của bà bán cá ở hải cảng. Hoàng Giang đã đóng vai lão già “dê” một cách thần tình mà mấy chục năm sau, khán giả ái mộ Hoàng Giang vẫn còn ghi nhớ :

Ông lão nhà giàu muốn chiếm đoạt tình yêu của cô gái (Thanh Nga thủ diễn), nên lúc nào cũng ăn mặc sang trọng, nói năng đỉnh đạt, theo o bế bà mẹ là bà bán cá (Kim Giác đóng), giúp đở hai mẹ con về tiền bạc và làm theo những điều gì mà bà mẹ muốn. Một hôm anh mời hai mẹ con bà bán cá tới nhà, tổ chức một buỗi ăn sang trọng, chăm chú chọn thức ăn, chuốc rượu cho bà mẹ. Bà rất xúc động, tưởng anh chàng mê bà, muốn cầu hôn với bà. Bà khen nhà của anh là sang trọng, rất đẹp. Anh vội nói nếu bà thích thì ngôi nhà nầy sẽ là của bà. Bà chắc chắn trăm phần trăm là anh già nhà giàu này đã phải lòng bà nên bà khuyến khích, bà nói:

Bấy lâu nay anh rất tốt với tôi. Hôm nay anh mời đến nhà, đãi cơm thịnh soạn, làm cho tôi cảm động lắm. Phải anh có chuyện chi muốn nói với tôi không?

Hoàng Giang (anh nhà giàu si tình) nắm lấy tay bà, trịnh trọng: “Nếu bà cho phép, tôi xin bà một điều…”

Bà mẹ: “Được… được… dù anh chưa nói ra anh muốn điều gì… tôi cũng có cảm giác là tôi đã hiểu rõ ý của anh. Nào, anh là một người đàn ông sang trọng, hãy mạnh dạn mà tỏ tình đi chứ!”.Bà mẹ nói câu mở đường cho ông già si tình, xong lim dim đôi mắt, nhếch môi lên như đợi một cái hôn tỏ tình nồng cháy.

Hoàng Giang nâng tay của bà, đặt trên đầu mình, nói cái giọng óc o: “Má… Má gả con gái của má cho con đi!”

Bà mẹ nghe như tiếng sét nổ bưng tai: “Cái gì? Anh muốn hỏi cưới con gái tui?”

Hoàng Giang: “Dạ, thưa má, nếu má đồng ý...

Bà mẹ; “Trời ơi, anh bằng hay là lớn tuổi hơn tui…

Hoàng Giang: “Dạ hỏng sao! Con hỏi cưới con gái của má… chớ đâu có cưới má mà so sánh chi cái tuổi của tôi với tuổi của má làm chi cho nó mệt… ha má?
 

Bà mẹ kêu trời, chới với như muốn té xỉu.

Hoàng Giang xụp quỳ xuống, chấp tay xá xá: ” Má… tội nghiệp con mà má, gả con gái của má cho tui nghe má…

Bà mẹ cũng quỳ xuống, chấp tay lạy trả lại : “Tôi lạy ông..

Hoàng Giang : “Tôi lạy bà….

Khán giả cười nghiêng ngửa vì cái lối dê kỳ lạ, muốn đứa con gái mà đi o bà mẹ, khiến cho bà mẹ tưởng lầm là lão già đã yêu mình. Cho đến khi Hữu Phước trong vai người tình của cô gái chạy ào vô, nói là đuổi con dê lạc vô nhà, mới chấm dứt cái trò hai ông bà lạy nhau.

Năm 2000, tôi về thăm quê hương, gặp lại Hoàng Giang và chị Kim Giác. Hai anh chị lúc này không còn đi hát, rất nghèo. Con trai anh, kép độc Hoàng Hải vượt biên ở bên Hoa Kỳ, lúc đầu khi mới đến cháu có thư từ, giúp đỡ tiền nông. Sau đó thì Hoàng Hải chết. Anh Hoàng Giang chỉ cho biết như vậy nhưng không nói rõ vì sao Hoàng Hải chết. Hoàng Giang đau liên miên, mắt bị cườm không tiền chữa bịnh.

Anh Hoàng Giang mất ngày 3 tháng 11 năm 2003, được quàn tại Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ đường Cô Bắc và an táng ngày 5 tháng 11 tại Nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp. Nay gần đúng vào ngày giỗ của anh, tôi viết về anh để tưởng niệm một nghệ sĩ tài hoa như Hoàng Giang, cuối đời sao mà quá buồn thảm!

Tháng 11 / 2017

Soạn giả Nguyễn Phương





 


Nguồn tin: SG Nguyễn Phuong - TBOL
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

 

NSND Trọng Hữu lý giải vì sao thế hệ vàng sân khấu cải lương vẫn còn ăn khách?

Trong ngày lãnh đạo TP HCM tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu, NSND Trọng Hữu đã trao đổi với PV báo Người Lao Động về suy nghĩ của ông về thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương dù đã U80 vẫn còn được khán giả mến mộ.