23:19 PDT Thứ sáu, 26/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 134

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 132


Hôm nayHôm nay : 55710

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1071059

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76886437

Trang nhất » Tin Tức » Nghệ Sĩ Tâm Sự

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Xem tiếp...

Ngày xuân nhớ hề Vân Trình.

Đăng lúc: Thứ năm - 23/01/2014 10:55 - Đã xem: 4353
Hình mới nhất của SG Nguễn Phương chụp tại San Jose cùng NS trẻ Mỹ Trinh

Hình mới nhất của SG Nguễn Phương chụp tại San Jose cùng NS trẻ Mỹ Trinh



Ngày xuân nhớ hề Vân Trình.
Ai đốt hương trầm vọng cố nhân ?
Tôi theo nghiệp Tổ hơn sáu mươi năm, có rất nhiều bạn thân trong giới nghệ sĩ và soạn giả cải lương nhưng những ngày đầu xuân, tôi lại nhớ thương anh hề Vân Trình, một danh hề của đoàn cải lương Kim Thoa năm 1955 – 1956.

Không phải hề Vân Trình diễu hay hơn những danh hề cải lương khác hay là anh có những vai hát để đời nổi bật hơn các danh hề khác trước anh hay cùng thời với anh mà chỉ vì “ mối tình si không giống ai “ của hề Vân Trình làm cho tôi nhớ anh mãi mãi.

Năm 1950, đi đoàn hát Phát Thanh, anh Vân Trình làm nhiệm vụ  dẫn chổ ngồi cho khán giả( placeur) đến khi mở màn hát, anh hóa trang làm quân chạy hiệu trên sân khấu. Một hôm anh chuyên đóng vai quân sĩ có một vài câu bẩm, báo trong tuồng hát, vì cờ bạc thua, bỏ gánh hát trốn nợ. Hát được một lúc ông bầu mới biết nên kêu Vân Trình đóng thế vai, ra báo trong lớp Lưu Kim Đính đại phá tứ môn thành, để tướng Dư Hồng ra quân ngăn cản. Vân Trình học mấy câu báo :
                                         Dạ… thậm cấp …thậm cấp

Chí nguy…chí nguy….

Giặc đại phá thành trì

Tôi xin vào báo lại!

Vân Trình đánh phấn tô son, vẽ chân mày rậm, râu bao hàm vì anh nghĩ tướng Dư Hồng mặt đỏ, râu rễ tre thì quân sĩ cũng phải có một bộ mặt bậm trợn. Anh kép đóng vai Dư Hồng chưa biết anh đóng vai quân báo đã bỏ trốn và ông Bầu biểu Vân Trình thế vai. Trống đánh thúc, Vân Trình chạy ra hô thật lớn: Dạ…Dạ !

Kép đóng Dư Hồng thấy có một vai lạ, mặt bậm trợn chạy ra, tưởng ông Biện tuồng bày thêm điều chi, bèn cầm cục ấn bằng cây, đập mạnh xuống bàn, hỏi: “ Ải! Aỉ…Nhà ngươi ở lộ quân nào, khá mau hài danh hài tánh cho ta nghe, hử ?”

Vân Trình nghe đập một cái bốp, giựt mình, lại nghe Dư Hồng hỏi một câu dài, quýnh quá, quên câu báo, nói: “ “ Dạ, thập cấm…thập cấm…Ủa nói lộn, …thập cấm…ý sao nói lái hoài vậy kìa…Dạ…Ông đập cái bốp, tôi giựt mình, quên hết trơn, để tôi vô hỏi coi báo cái gì rồi ra báo tiếp…”

Khán giả cười rân lên, Vân Trình bỏ chạy vô buồng. Dư Hồng tức quá, không biết lớp đó phải hát như thế nào. Vân Trình lại chạy ào ra, làm như chạy từ mặt trận về, mệt thở hào hển, báo: “ Dạ…Dạ…Thậm cấp, thậm cấp, Chí nguy, chí nguy…”

Dư Hồng nạt: “ Thôi, cho lui, khỏi báo, ta biết rồi…Lui ra, mau.!”

Vân Trình tức quá, có một câu báo mà không được nói, anh vô cánh gà hút thuốc, ông bầu lại thúc hối: “ Mầy ra báo có nữ tướng đại phá tứ môn thành, xin quân sư phát lạc”….

Ông bầu vừa quay lưng, Vân Trình liệng điếu thuốc, định ra báo, không may gió thổi điếu thuốc bay vô sân khấu, dính vô vạt áo giáp của Dư Hồng, chổ có viền lông thỏ nên lửa bén cháy ngay. Vân Trình hoảng hồn, phóng ra sân khấu, nói:

                                      Sự nguy chí cấp… chí cấp.

                                      Vật khả diên trì… diên trì…

                                      Cấp bôn phi…cấp bôn phi…

                                      Mau lánh họa…hề mau lánh họa…

Dư Hồng lại tưởng Vân Trình ra phá, bèn nạt lớn: “ Lui…Lui! Ta biết rồi, khỏi báo.”

Vân Trình: “ Tôi ra báo, ông không cho báo, một lát cháy áo, ông đừng nói sao tôi không báo.”

Dư Hồng : “ Mầy nói gì cháy áo ?” Vân Trình chạy lại phủi áo giáp của Dư Hồng nhưng không dập tắt được vì lửa cháy ngúng theo viền lông thỏ, anh bèn chạy vô buồng, bê nguyên sô nước để đào kép rửa mặt, chạy ra tạt vô mình Dư Hồng mới dập tắt lửa. Khán giả được một phen cười thỏa thích. Dư Hồng bị ướt như chuột lột, mặt mày lem luốc, tức quá rượt Vân Trình đánh. Vân Trình phóng xuống phòng khán giả, Dư Hồng đuổi theo, khán giả vổ tay, cười một bửa no nê. Ông bầu thấy Vân Trình có duyên nên nhận cho Vân Trình hát vai hề.

Vân Trình hát hề mau nổi danh, lãnh lương cao nên chi xài rộng rãi. Anh thích ăn nhậu và đàn ca tài tử nên rủ tôi và anh Tám placeur sau giờ hát đến nhà các bạn đàn ca tài tử ở địa phương mà anh có dịp làm quen trước đây.

Tết năm 1951, gánh Phát Thanh hát ở thị trấn An Hữu tỉnh MỹTho. Từ đêm 25 âm lịch, sau khi cúng Tổ, đoàn nghĩ hát và sẽ khai trương hát Tết ngày mùng một. Nhân dịp được nghĩ hát, hề Vân Trình mướn một chiếc ghe tam bản, rủ tôi và Tám placeur chèo ghe vô nhà ông Tư Xụi, trưởng nhóm đờn ca tài tử của xã, cách cầu đúc An Hữu nửa cây số. Lúc đó hơn bảy giờ tối, trăng sáng, nước sông lớn đổ vô nên ghe tam bản lướt nhanh, tôi nói với Tám placeur: Anh chèo ghe đi tà tà, tụi mình hóng gió và thưởng trăng. Vô nhà ông Tư Xụi sớm quá, các bạn chưa tới đông, chờ mất công lắm. Tám placeur, buông chèo, cầm lái cho ghe trôi từ từ theo con nước.  

Hai cô gái độ mười tám, đôi mươi bơi một chiếc xuồng ba lá qua mặt ghe của chúng tôi. Hề Vân Trình cao hứng, bảo anh Tám chèo ghe tam bản cặp theo chiếc xuồng ba lá để anh hò chọc ghẹo cho vui. Vân Trình cất tiếng hò: Hò ơ…ơ…Cây trên rừng hóa kiểng, còn con cá dưới biển hóa rồng…ơ…ơ…Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong….Anh đi lục tỉnh giáp vòng…ơ…tới đây ông trời khiến ờ…ơ…mà đem lòng thương em ơ…ơ…

Hai cô gái bơi xuồng ba lá cười khút khít, cô ngồi bơi mủi xúi cô bơi lái hò đáp. Cô này bèn lấy giọng hò ơ…ơ…Phải căn duyên nhà lá tấm vách nát bộ sạp sập nước ngập em cũng ngồi…ơ…ơ, Không phải căn duyên nhà ngói đỏ…ơ…ơ…mà bộ ván gõ dồi em cũng không ham ơ…ơ…

Vân Trình nói: Nguyễn Phương, anh tiếp tôi một tay, bất ngờ quá, chưa nghĩ ra được câu hò đáp.

Tôi cũng cao hứng, hò lên: Hò ơ…Con cá thia thia tàu ơ… nằm trong chậu cúc quạt đuôi tứ túc là nổi bọt hồ văn …ơ…ơ…Chớ đó chê đây là căn nợ không bằng….ơ…ơ   kiếm đâu nhân nghĩa…ơ…ơ…kiếm đâu nhân nghĩa cho bằng như anh đây ơ…o…

Cô gái chắc cũng là một tay chuyên môn đi hò cấy hay hò trên sông, trả lời tức thời….Hò ơ…. Ơ… Trời cao hơn trán mà con trăng sáng hơn đèn…ơ…ơ…Kèn kêu hơn quyển mà biển rộng hơn sông ơ…ơ…Nghĩa nhân lai láng tràn đồng….Anh ơi…Biểu anh  ơ…đừng có thương trước cho uổng công….ơ…Để cho mà thiệt vợ ơ…ơ…để cho mà thiệt vợ thiệt chồng sẽ mà thương…ơ…ơ…

Vân Trình cao hứng, hò đáp: Hò ơ… Đèn tọa đăng thắp để bàn thờ…Ơ…ơ…Vặn lên nó tỏ mà vặn xuống nó lờ….ơ…Tôi thương ai đêm tôi đợi ngày chờ…ơ…Xuống sông tôi hỏi cá…mà lên trên bờ tôi hỏi chim ơ…ơ…Em ơi, đừng làm cho chỉ nọ xa kim….ơ…muỗng nọ xa tiềm …ơ…vắng em một bữa ờ…ờ…mà anh nằm điềm ờ…chiêm bao….ơ….

Anh Tám placeur bỗng la lên: Ngọc…Phải mày đó không Ngọc…

Cô Ngọc, cô bơi lái ngạc nhiên: Ủa anh Tám ! Bác Hai nói là anh theo ghe hát mà…

Tám placeur: Ừ thì tao theo gánh hát Phát Thanh. Tết nầy hát ở chợ An Hữu, tao tính sáng sẽ về thăm dì Sáu , với mấy đứa bây….Ngọc, mày bơi xuồng đi đâu vậy?

Ngọc giọng mếu máo: Em đi hốt thuốc cho má em…Anh Tám ơi! Ổng…ổng đánh má em bầm mình bầm mẫy, má em bỏ nhà trốn ra ở với má chị Lan đây…

Tám placeur: Sao mà dượng Sáu lại đánh dì Sáu? Chắc rượu vô ba ngù, khảo tiền dì Sáu không đưa nên ổng kiếm chuyện chớ gì?

-         Hỏng phải! Ổng cha dượng muốn bán em cho thằng cha già dê Trưởng ấp để lấy tiền ăn nhậu với nuôi con bồ nhí. Má với em hỏng chịu, ổng đánh em, em bỏ trốn, ổng đánh má đó….

-         Tám placeur: Đi, em dẫn anh gặp dì Sáu, coi sao… Nếu cần thì  anh dẫn dì Sáu với em ra Hội đồng xã thưa ổng….( Chợt nhớ chuyện đi đờn ca tài tử, anh nói): Anh Vân Trình, hai anh  vô nhà chú tư Xụi trước nhe. Tôi qua xuồng của em Ngọc về gặp dì Sáu tôi rồi tôi kiếm xuồng vô nhà chú Tư Xụi sau.

Vân Trình nói: Dì của anh thì cũng như là dì của tụi tôi. Tất cả ba chúng mình vô gặp dì Sáu, coi coi có giúp đở được gì không. Chuyện đờn ca tài tử chỉ là vui chơi thôi mà…

Cô Ngọc cập sát xuồng men vườn tiêu của má cô Lan. Chúng tôi cột ghe tam bản gần đó. Bước vô nhà chúng tôi thấy má cô Lan đang dùng rượu thuốc xoa bóp những chổ bị đánh sưng bầm của dì Sáu, má cô Ngọc.

Dì Sáu biết anh Vân Trình và tôi là bạn thân của anh Tám nên Dì không ngại tâm sự. Dì cho biết chồng của dì ( ba của cô Ngọc) bị máy bay Pháp bắn chết cách đây ba năm, người chồng hiện tại mới gá nghĩa với dì. Ông ta là người siêng năng, làm ruộng giỏi nhưng sáu tháng nay bị ông Trưởng ấp rủ rê nhậu nhẹt, cờ bạc, thua nhiều mang nợ nên về nhà biểu dì bán ruộng để trả nợ. Dì không chịu. Ổng biểu gả con Ngọc làm vợ bé ông Trưởng ấp để trừ nợ. Ông Trưởng ấp còn hứa cho thêm tiền để mua cái máy đuôi tôm để gắn vô ghe tam bản, chở mướn trái cây từ xẻo sâu ra cầu lộ để có tiền sinh sống. Con Ngọc không chịu làm vợ bé của thằng cha già dê trưởng ấp đó nên ổng mượn rượu làm nư, đánh con Ngọc, con Ngọc bỏ trốn, ổng khảo tra tôi, biểu tôi phải đi kiếm đưa con Ngọc về…

Tám placeur: Vậy tôi dẫn dì với em Ngọc ra Hội đồng xã thưa thằng chã

Dì Lan nói: “ Thưa gởi đâu có làm gì được….Hội đồng xã cũng một phe với thằng cha trưởng ấp. Họ thường vô nhà nó, ăn nhậu, bài bạc, nó kiếm gái về cho tụi kia du hí…Bây giờ muốn yên thân thì chỉ còn một cách là bỏ xứ trốn đi!

Dì Sáu: Nó cướp ruộng của chú hai Tân, chú đến Hội đồng xã thưa, bị nó vu cáo Hai Tân là du kích nên Hai Tân bị bắt, Tây đưa đi nhốt ở khám Tam Hiệp, đến giờ vẫn còn bị tù…Ở An Hữu này ai cũng biết chuyện đó, có ai dám thưa gởi gì chúng nó nữa đâu…

Vân Trình: Ruộng của dì …nhiều không?

-         Chỉ có năm công ruộng hương hỏa nên tôi không bán…Mà nếu có bán thì chắc cũng không có ai mua, ruộng ở vùng “ xôi đậu “, ban ngày ‘ quốc gia ‘, ban đêm du kích mò về ám sát ban Hội tề hay thu thuế…Tôi muốn dẫn con Ngọc bỏ xứ nhưng không tiền bạc, không biết đi đâu…không biết làm gì để sống !

Tôi nói: Cô Ngọc có giọng hò hay lắm, nếu cổ đi theo gánh hát, học ca cổ nhạc, tôi tin là cô Ngọc sẽ trở thành đào chánh. Nếu dì đồng ý thì tôi giới thiệu cô Ngọc với ông bầu gánh hát Phát Thanh, tôi tin là ổng sẽ nhận cô Ngọc ngay.

Vân Trình: Tôi biếu cho dì năm trăm đồng để dì và cô Ngọc có tiền chi dụng khi chưa có lương của gánh hát. Dì quyết định đi, có anh Tám lo chổ ăn ở cho dì vì ông bầu cũng rất tốt đối với gia đình của nhơn viên gánh hát.

Dì Sáu và cô Ngọc bàn nhau, đồng ý đi theo anh Tám placeur ra ở trong rạp hát, tôi giới thiệu cô Ngọc với ông bầu gánh Phát Thanh. Cô Ngọc được nhận vô làm tỳ nữ. Ông Bầu đặt nghệ danh là Bữu Ngọc, giao cho nhiệm vụ ca và ngâm thơ hậu trường, ông cho Bữu Ngọc lương mỗi suất hát 30 đồng. Má cô Ngọc giúp việc mặc y trang cho đào kép hát nên được hai chục đồng lương mỗi suất hát.

Vân Trình hết sức giúp đở cho má con cô Ngọc, từ chổ ăn, ở trong đoàn hát đến việc học hát của Bữu Ngọc. Anh chi tiền cho nhạc sĩ Năm Hưng để nhờ dạy Bữu Ngọc ca. Anh mua nhiều quần áo đẹp cho cả hai mẹ con cô Ngọc và giúp cho họ mau hội nhập với cuộc sống sân khấu.

Tôi nhờ nhạc sĩ Năm Hưng dạy cho Bữu Ngọc ca cổ nhạc. Nhạc sĩ Năm Hưng cười: Cô Bữu Ngọc thật là được Tổ đải, mới vào học hát mà ông bầu, soạn giả, kép chánh Năm Phồi và hề chánh Vân Trình đều đích thân đến nhờ tôi  dạy cho cổ ca. Ít có người nào mới vô nghề hát mà được quan tâm nhiều như vậy.

Tôi nói: Tôi lo cho Bữu Ngọc vì tôi là người giới thiệu cô vô đoàn hát. Nghe giọng ca của Bữu Ngọc, tôi  biết là cô đó có triển vọng trở thành một cô đào hát thinh sắc lưởng toàn. Ông bầu cũng vậy, chúng tôi vì lợi ích của gánh hát mà lo việc đào tạo người.

-         Đúng vậy, tôi đâu có nói là thầy tư vị gì đâu. Tôi chỉ khen cái số tốt của Bữu Ngọc vì khi dạy cho cổ ca, cổ ca hay, học mau biết, tôi cũng quý mến người học trò như vậy chớ bộ…

Bữu Ngọc có làn da trắng mịn, môi hồng, đôi mắt tình tứ, tiếng ca giọng ngâm thanh tao, ngân xa nhưng rất êm dịu. Bữu Ngọc có ưu thế về thinh và sắc, lại thông minh, học ca, học hát đều mau biết, trí nhớ tốt và rất duyên dáng trên sân khấu, chỉ mới qua bốn tuần lễ, cô Bữu Ngọc đã hát vai đào ba hoặc thế vai đào nhì của cô Thu Cúc do đó lương đêm của Bữu Ngọc được tăng lên 60 đồng một suất hát.

Bữu Ngọc kêu tôi bằng thầy, xưng con. Anh Vân Trình trước đây là bạn tôi, nay cũng kêu tôi bằng thầy. Lựa lúc vắng người, tôi nói với Vân Trình: Nè , tôi coi bộ Vân Trình mê con nhỏ đó rồi nên mới bắt chước nó, kêu tôi bằng thầy. Trong khi má của Bữu Ngọc kêu Vân Trình bằng anh và không chịu cho Vân Trình gọi bằng dì nữa vì bà ta chỉ mới có 37 tuổi thôi. Vân Trình không chú ý điều  đó sao?

Vân Trình cười hì hì: Tôi giúp người ta vì Tổ đải tôi, tôi giúp lại người mới vô nghề, đó là một cách đáp ơn Tổ. Tôi không giúp cô Ngọc để rồi lợi dụng  hay lợi dụng má của cô ta!

-         Nhưng tôi hỏi thiệt, anh có yêu thương cô Ngọc không?

-         Thì cũng có thương chút chút….Tôi chờ thêm hai năm nữa, khi Bữu Ngọc được 18 tuổi, tôi xin má cổ cho tôi cưới hỏi đàng hoàng…Còn bây giờ tôi ráng vun đấp tình yêu giữa tôi và Bữu Ngọc.

-         Uổng công anh đào ao thả cá, Cá thả xong rồi kẻ lạ đến câu!

-         Thằng nào muốn chơi cha tôi vậy?

-         Anh không để ý kép chánh Năm Phồi à?Anh ấy tối ngày kêu Bữu Ngọc tới gần, khi thì dạy ca, lúc dạy múa, nắn tay bẻ chân. Lửa gần rơm, không cháy thì cũng trèm trụa…

Kép chánh Năm Phồi hát cặp với đào chánh Nguyệt Yến trong tuồng Xuyến Vàng Đẫm Máu của tác giả Mộng Vân. Kép Năm Phồi dáng người thon mãnh, hơi ca thật mùi, giọng êm như ru hồn. Năm Phồi nổi danh qua vai Tỷ Can trong bộ dĩa Asia Mổ Tim Tỷ Can và bộ dĩa Gươm Lục Yểm, ca chung với Tám Thưa, Năm Nghĩa, Bảy Cao, cô Năm Cần Thơ, cô Tư Bé, khán giả thích Năm Phồi ca Xàng Xê lớp xề hơn được nghe anh ca vọng cổ.

Kép chánh Năm Phồi săn đuổi theo Bữu Ngọc, Hề chánh Vân Trình cũng bám riết theo cô nhưng Bữu Ngọc làm như thơ ngây vô tình, vui vẻ chuyện trò với mọi người, ai dạy gì cũng học, ai bảo gì thì cũng làm.

Má của Bữu Ngọc lại thương Vân Trình, bám theo Vân Trình vì anh khá đẹp trai, vui vẻ, có duyên, lại là người ơn giúp cho hai má con chị thoát khỏi bàn tay cường quyền ác bá của tên trưởng ấp và cái thằng chồng tạm bất nhơn, mê cờ bạc rượu chè đến độ bán vợ đợ con ở An Hữu. Nhờ Vân Trình tận tình giúp đở mà Bữu Ngọc trở thành đào hát, có tương lai rực rỡ và hai má con chị sống sung túc, ấm no. Chị Sáu( má của Ngọc) chăm sóc giặt giũ áo quần của Vân Trình, đến bữa cơm chị thường làm thêm món ăn ngon cho Vân Trình, nói chuyện với Vân Trình, chị xưng em nghe ngọt xớt nhưng chị Sáu cũng giữ khoảng cách, không để cho Vân Trình khó xử hay mang tai tiếng. Vân Trình biết chị Sáu yêu anh nhưng anh yêu Bữu Ngọc, con của chị Sáu, biết sao bây giờ!

Bữu Ngọc cũng biết má của cô thương Vân Trình mà Vân Trình thì đeo đuổi theo cô, hoàn cảnh khó xử đó khiến cho Bữu Ngọc phải để toàn tâm toàn ý trong việc học hát, cô tránh tiếp xúc thân mật với Vân Trình và Năm Phồi. Một năm sau, Bữu Ngọc đã trở thành đào chánh, cô có thể thế vai của cô Nguyệt Yến trong tuồng Chiếc lá vàng, Cánh Bườm đen, Trộm Mắt Phật.  

Vân Trình nói với tôi: đợi sau ngày cúng Tổ năm nay anh sẽ ngỏ ý xin cưới Bữu Ngọc.

Chị Sáu cũng tâm sự với tôi: Thầy vừa là người thầy vừa là người ơn của gia đình tôi, tôi xin thưa cho thầy biết là để bảo đảm cho hạnh phúc của con gái tôi là Bữu Ngọc, tôi đã bảo cháu nó thương người nào thì cứ nói thẳng ra, đừng e ngại gì tôi. Tôi đã tự quyết định là sau khi đứng ra gả con Bữu Ngọc, tôi sẽ xuống tóc, quy y. Không biết là sẽ tu ở chùa nào nhưng nhứt định là tôi không màn đến chuyện thế sự nữa.

Năm đó hát ở Sóc Trăng, lính partisan dành gái với bọn công an, hai bên bắn nhau., có người liệng một trái lựu đạn nổ trước rạp. Người gát cửa bị chết tại chổ. Trong rạp hát, khán giả chạy ra, đạp nhau bị thương rất nhiều…một số người chạy lên sân khấu, đạp gảy phong cảnh, làm nát y trang và xô bà bầu Nguyệt Yến té gảy xương chậu. Đoàn hát rã gánh tại Sóc Trăng.

Sau cơn hỗn loạn, nghệ sĩ bỏ về Saigòn hay đi gánh hát khác. Tôi không biết Vân Trình, chị Sáu và Bữu Ngọc đi đâu nên tôi về Cần Thơ gia nhập đoàn hát Tiếng Chuông của ông Bầu Cang.

Một tuần sau, hề Vân Trình gia nhập gánh Tiếng Chuông. Gặp lại anh, tôi mới biết là kép Năm Phồi được anh Bảy Cao mời về làm kép độc của gánh Hoa Sen - Bảy Cao. Cô Bữu Ngọc được Năm Phồi giới thiệu nên được bầu Bảy Cao cho làm đào nhì, đóng chia vai với các cô Mỵ Lan, Ái Hữu, làm dàn bao cho cô đào chánh Kim Luông, vợ của Bảy Cao. Chị Sáu không chịu cho Bữu Ngọc theo Năm Phồi nhưng vì Bữu Ngọc ham hát và không có nghề nào khác dễ kiếm sống hơn nghề đi hát nên chị đành để cho Bữu Ngọc gia nhập đoàn hát Hoa Sen. Chị cạo đầu quy y, tu ở chùa Bình Đức - Mỹtho.

Vân Trình về gánh Tiếng Chuông, hát sa sút hơn lúc ở gánh Phát Thanh. Anh thường nhắc Bữu Ngọc và chị Sáu, khi ở chung đoàn hát với anh, anh xem thuở đó là một thời vàng son, một thời hạnh phúc nhứt của anh mặc dầu anh chưa được Bữu Ngọc yêu.  

Ông bầu Cang Tiếng Chuông sang gánh hát cho bầu Tào Hơn nên chúng tôi rời đoàn, về Saigòn gia nhập gánh hát Kim Thoa của ông bầu Ngô Thiên Khai và bà Kim Thoa.

Hề Vân Trình ở sân khấu Kim Thoa không nổi bật được vì đoàn Kim Thoa có hề Minh là hề ca, hề Bảy Xê là hề diễn. Hề Vân Trình lại tương tư cô Bữu Ngọc, lúc nào anh cũng như người mất hồn mất vía, hát thì hay quên tuồng. Tôi hỏi anh tại sao vậy? Anh tâm sự: Phải chi hồi trước tôi ưng lấy chị Sáu thì Bữu Ngọc vẫn còn ở chung với chúng mình, tôi còn nghe được giọng ca tiếng hò của Bữu Ngọc, bây giờ không biết cô ấy ở đâu, phiêu lạc tới xứ nào rồi…Tôi nhớ Bữu Ngọc nên không còn tinh thần nào để hát hề, đem niềm vui cho khán giả. Tôi nát ruột nát gan đây, làm sao mà chọc cho thiên hạ cười được ?

Tôi nói: Anh mâu thuẩn quá! Anh biết là vì Bữu Ngọc biết má của cô yêu anh nên cô ta phải giả bộ lơ là với anh để anh bước tới với má của cỗ. Anh không bước tới với má cỗ, mà cũng ngập ngừng không dám tới với Bữu Ngọc, rốt cuộc lại, Ba người đều khổ, người này nhường cho người kia, rốt cuộc keo rã hồ tan, không ai dính được với ai cả. Chị Sáu thì đi tu, cô Bữu Ngọc bơ vơ một mình ở một đoàn hát lạ, anh thì cũng như người mất hồn, tối ngày tiếc nuối chuyện đã qua…

Tác giả bài viết: SG Ng Phương tặng CLVNCOM
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

 

NSND Trọng Hữu lý giải vì sao thế hệ vàng sân khấu cải lương vẫn còn ăn khách?

Trong ngày lãnh đạo TP HCM tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu, NSND Trọng Hữu đã trao đổi với PV báo Người Lao Động về suy nghĩ của ông về thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương dù đã U80 vẫn còn được khán giả mến mộ.