BT
Ngày mai, 29-5, lễ trao Giải thưởng Văn hóa Đào Tấn 2022 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trò chuyện với Bình Tinh - nghệ sĩ sân khấu tuồng cổ duy nhất được đề cử nhận giải thưởng này
Giải thưởng Văn hóa Đào Tấn được thành lập từ năm 1995, ban đầu ưu tiên trao cho những người có thành tích trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc ngay trên quê hương Bình Định của danh nhân này, sau mở rộng ra phạm vi cả nước.
.Phóng viên: Đón nhận tin vui được đề cử nhận giải khi đang lưu diễn tại Canada, cảm xúc của Bình Tinh ra sao?
Nghệ sĩ Bình Tinh là ứng viên sáng giá Giải thưởng Văn hóa Đào Tấn 2022. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
- Nghệ sĩ BÌNH TINH: Tôi thật sự xúc động khi biết tin này và nghĩ ngay đến ba mẹ (cố nghệ sĩ Đức Lợi và Bạch Mai - PV).
Khi dấn thân theo nghệ thuật tuồng cổ nhiều năm qua, tôi được nghe các thế hệ đi trước nhắc nhiều đến Giải thưởng Văn hóa Đào Tấn. Những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu từng nhận giải này thật sự là tấm gương cho thế hệ sau noi theo. Giải thưởng gần đây được mở rộng, chỉ cần là người Việt Nam có những đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thì đều có thể được đề cử và xét trao giải.
.Giải thưởng này có là động lực để Bình Tinh thực hiện nhiều dự án phục vụ công chúng?
- Đúng như chủ trương của Hội đồng Xét tặng Giải thưởng Văn hóa Đào Tấn, mỗi giải thưởng được trao sẽ khích lệ văn nghệ sĩ tiếp tục nghiên cứu, sáng tác. Tôi ở khối nghệ sĩ biểu diễn, đồng thời là Trưởng Đoàn Nghệ thuật cải lương tuồng cổ Huỳnh Long - đơn vị sân khấu xã hội hóa của TP HCM nên cảm nhận rất nhiều điều. Tôi mong được "tiếp lửa" cống hiến từ giải thưởng này.
Tôi sẽ tiếp tục dẫn dắt Đoàn Huỳnh Long giữ đúng mục đích, tôn chỉ của sân khấu truyền thống. Đầu tháng 6, đoàn sẽ lưu diễn tại Pháp. Cố soạn giả Bạch Mai đã sáng tác nhiều kịch bản dựa theo sử Việt như: "Trưng nữ vương", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Anh hùng bán than", "Xuân về trên đỉnh Mã Phi"... Tôi sẽ dàn dựng những kịch bản này với hình thức mới, bên cạnh việc diễn lại các vở được yêu mến của Sân khấu Huỳnh Long, để đáp lại tình cảm của công chúng thời gian qua.
.Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sẽ có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước. Bình Tinh trăn trở điều gì?
- Càng khó khăn thì càng phải quyết tâm. Tôi tin đội ngũ nghệ nhân và văn nghệ sĩ TP HCM cũng như cả nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, kế thừa, phát huy các giá trị nghệ thuật.
Tạo thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn. Đoàn Huỳnh Long và cá nhân tôi vẫn luôn rèn nghề, nhằm giữ gìn, truyền lại cho đàn em các vai diễn, vở diễn để đời.
Bình Tinh kỳ vọng gì ở chương trình Sân khấu học đường tại TP HCM?
- Chúng tôi đã tổ chức nhiều suất diễn, giới thiệu nghệ thuật tuồng cổ đến học sinh - sinh viên. Chúng tôi cũng đã sáng tạo nhiều hình thức biểu diễn, kết hợp múa phụ họa và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng; bảo đảm vừa giữ được nét đặc trưng của cải lương tuồng cổ vừa mang sức sống, hơi thở hiện đại.
Tôi kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật tuồng cổ đến giới trẻ.
.Đầu năm 2024, Liên hoan Sân khấu TP HCM sẽ được tổ chức. Bình Tinh sẽ tham dự với vai trò gì?
- Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng kịch mục để tham gia liên hoan. Các vở được dàn dựng trên Sân khấu Huỳnh Long đều có sự đổi mới từ nội dung đến hình thức.
Liên hoan này hướng tới giới trẻ nên Đoàn Huỳnh Long đã lựa chọn các nghệ sĩ trẻ tài năng tham gia biểu diễn. Nghệ sĩ trẻ phục vụ khán giả trẻ sẽ mang tới sự tương tác và đồng cảm sâu sắc hơn, nhất là về nghệ thuật tuồng cổ.
Danh sách đề cử Giải thưởng Văn hóa Đào Tấn 2022
. Đơn vị bán chuyên nghiệp: Đội tuồng làng Kẻ Gám, tỉnh Nghệ An; CLB tuồng xã Thạch Lỗi, tỉnh Hải Dương.
. Đơn vị chuyên nghiệp: Sân khấu Lệ Ngọc.
. Vở diễn xuất sắc: "Ván cờ oan trái" (Nhà hát Chèo Hưng Yên); "Bên dòng Long Khốt" (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An).
. Cá nhân: Cố điêu khắc gia Nguyễn Sang, nhạc sĩ Đình Thậm, nhà thơ Trần Nhuận Minh, PGS-TS - họa sĩ Đoàn Thị Tình, NSND Thúy Mùi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, điêu khắc gia Ngô Xuân Bính, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, nghệ sĩ Bình Tinh, nghệ sĩ Nguyễn Thu Phương, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Tùng, nghệ sĩ Thu Mỹ.
Sau 4 năm ngưng hoạt động do dịch bệnh COVID-19, Giải thưởng Đào Tấn đã tái hoạt động nhằm vinh danh những cá nhân, đơn vị đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và NSƯT Lê Chức trao giải thưởng Đào Tấn cho NS Bình Tinh (Đoàn Huỳnh Long, TP HCM)
Sáng 29-5, Lễ trao giải thưởng Đào Tấn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức đã tiến hành trang trọng tại Hội trường Nhà khách Bộ quốc phòng - Hà Nội. Đông đảo văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, giới trí thức và báo chí đã đến cổ vũ, chúc mừng 5 đơn vị nghệ thuật và 15 cá nhân được trao giải.
Các văn nghệ sĩ vui mừng gặp lại Giáo sư Hoàng Chương
Đến dự lễ trao giải còn có Giáo sư Hoàng Chương - người sáng lập giải thưởng Đào Tấn. Nhiều năm qua ông bệnh nặng, dù phải ngồi xe lăn nhưng ông vẫn đến tham dự và chúc mừng các văn nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật được trao giải đợt này.
Kết quả, hội đồng nghệ thuật đã trao giải cho các đơn vị:
Các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc:
Đội tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Các văn nghệ sĩ xuất sắc:
Cố nhà điêu khắc Nguyễn Sang với bộ tượng danh nhân VN và các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhạc sĩ Đình Thậm - tác giả hai ca khúc xuất sắc Thắm mãi tình anh và Đừng tưởng cảm tác từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh với bộ sách nghiên cứu phê bình: "Thời gian lên tiếng", "Đi tìm sự thật", "Đối thoại văn chương" (đồng tác giả Nguyễn Đức Tùng).
Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du với kịch bản "Lá đơn thứ 72", kịch bản về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS.TS, họa sĩ Đoàn Thị Tình với các công trình nghiên cứu: "Trang phục người Việt xưa và nay", "Hóa trang mặt nạ sân khấu tuồng", "Mỹ thuật sân khấu Việt Nam".
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người sáng tạo và thực hành xuất sắc sân khấu Sân khấu múa rối nước thu nhỏ trong và ngoài nước 20 năm qua.
Nghệ sĩ Bình Tinh, nghệ sĩ đã vượt mọi khó khăn, mất mát đau thương do dịch bệnh COVID-19, duy trì sự tồn tại và phát triển của Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long TP HCM.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhạc sĩ Văn Cao và các bộ ảnh chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam.
Giáo sư võ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính với hai triển lãm "Ego Người" và "Thông Linh" tại Bảo tàng Hà Nội.
NSND Thúy Mùi - Đạo diễn Chèo xuất sắc với 4 vở Chèo: "Khóc giữa trời xanh", "Những vì sao không tắt" (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), "Ván cờ oan trái" (Nhà hát Chèo Hưng Yên), "Vang bóng một thời" (Đoàn Chèo Hải Phòng).
Đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp xuất sắc:
Sân khấu Lệ Ngọc: Đơn vị sân khấu ngoài công lập thành công nhất.
Nhà hát Chèo Hưng Yên: Giải Vở diễn xuất sắc: Vở chèo "Ván cờ oan trái" – Kịch bản: Bùi Vũ Minh – Đạo diễn: NSND Thúy Mùi
Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Giải Vở diễn xuất sắc: vở "Bên dòng Long Khốt" (Kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng – Chuyển thể và đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên).
Giải nghệ sĩ xuất sắc: Nghệ sĩ trẻ Thu Mỹ, thể hiện xuất sắc vai Đa Vy trong vở diễn “Bên dòng Long Khốt”.
Dưới đây là một số hình ảnh lễ trao giải thưởng Đào Tấn:
NSND Trịnh Thúy Mùi được trao giải "Đạo diễn chèo xuất sắc" giải thưởng Đào Tấn
Nhà điêu khắc Kim Thanh xúc động nhận giải thưởng cho chồng - cố điêu khắc gia Nguyễn Sang - Giải thưởng Đào Tấn
Nhà nghiên cứu, nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Đào Tấn giới thiệu bức tượng đồng do điêu khắc gia Nguyễn Sang chế tác tặng cho các cá nhân, đơn vị được trao Giải thưởng Đào Tấn
NSƯT Hồ Ngọc Trinh (thứ hai từ trái sang) và nghệ sĩ Thu Mỹ - đoàn nghệ thuật cải lương Long An được trao giải thưởng Đào Tấn
Thanh Hiệp
Ý kiến bạn đọc