Phóng viên: Những ngày qua, khi dịch bệnh Covid-19 quay lại, sàn diễn phải tắt đèn, mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật tạm dừng. Là người nghệ sĩ - tâm trạng của chị trước những thông tin hằng ngày về diễn biến của dịch như thế nào? Bản thân chị đã làm gì để lan tỏa đến cộng đồng năng lượng tích cực?
- Nghệ sĩ TÚ TRINH: Tâm trạng tôi cũng như của nhiều nghệ sĩ, lo lắng và chạnh lòng khi đối diện một mùa Tết những tưởng sẽ "bội thu" khi nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã chuẩn bị tươm tất nhưng rồi mỗi ngày đọc tin, những con số ca nhiễm cứ tăng, nhiều khu vực tại TP HCM bị phong tỏa. Tôi tin dịch Covid -19 sẽ sớm được kiểm soát ở nước ta và đời sống sân khấu, hoạt động nghệ thuật sẽ tiếp tục khởi sắc. Đối với nghệ sĩ, mỗi sáng tác mới trong tình hình hiện nay vừa là trách nhiệm với cộng đồng vừa là niềm tin yêu tạo sức lan tỏa để cùng cả nước vượt qua thử thách này.
Khi sân khấu sáng đèn trở lại, chị sẽ làm công việc gì đầu tiên?
- Tôi còn nợ nhiều dự án thu âm thuyết minh giới thiệu văn hóa tâm linh, văn hóa ẩm thực trong du lịch nội địa. Vẫn là công việc giam mình trong phòng thu cả ngày nhưng khi bước ra khỏi nơi làm việc đó, tôi đã tiếp nạp cho mình rất nhiều kiến thức. Có lẽ vì vậy mà tôi có thể đọc suốt cả ngày mà không thấy mệt mỏi.
Là người am hiểu kiến thức văn hóa nghệ thuật, lại có nhiều năm kinh nghiệm trong diễn xuất từ sàn diễn kịch, cải lương đến điện ảnh, vì sao chị không tham gia giảng dạy?
- Nhận lớp để dạy hẳn thì tôi không dám, bởi phải có phương pháp sư phạm. Tôi chỉ lấy vốn liếng từ những đúc kết và trải nghiệm để truyền đạt. Tôi có nhận lời cùng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM, tham gia các lớp "Giao lưu truyền nghề". Cụ thể, ở các khóa học dành cho lớp diễn viên nâng cao, đã tốt nghiệp các trường đào tạo, họ cần đến tôi trong việc thị phạm, truyền đạt kinh nghiệm cho bộ môn "Tiếng nói sân khấu".
Tôi không thích nói suông nên các buổi lên lớp đều phải dựa vào một tác phẩm sân khấu để cô trò cùng mổ xẻ, phân tích. Tác phẩm "Bí mật vườn Lệ Chi" của đạo diễn Thành Lộc trên Sân khấu IDECAF mà tôi diễn vai Thị Lộ vừa qua là một điển hình.
Từ những trải nghiệm thú vị trong cách thể hiện kịch thơ, đến những cách diễn đạt tâm trạng nhân vật qua từng cung bậc tình cảm, hoàn cảnh quy định khác nhau của vở, các em sẽ vỡ ra nhiều bài học trong cách phát âm, chuẩn bị tâm lý nhân vật. Tôi vui với công việc này và càng vui hơn bởi sau tôi đã có thêm các nghệ sĩ: Lê Thiện, Mỹ Chi, Khánh Tuấn… tham gia.
Sao chị không viết lại giáo trình giảng dạy bộ môn "Tiếng nói sân khấu" của riêng mình?
- Tôi có nghĩ đến điều này nhưng cần nhiều thời gian. Trên thực tế, tôi cứ lao vào công việc, cái khó dạy cho mình khôn lên mỗi ngày. Từ lúc còn trẻ, tôi đã làm công việc lồng tiếng phim. Tôi đã khóc cười với đủ loại nhân vật trong một ngày. Tôi đã từng được nhận giá cát sê cho một vai phim mình lồng tiếng cao hơn cả cát sê của diễn viên đóng vai chính. Nhưng tôi không lấy điều đó làm giá trị của nghề, mà chính những bài học sau khi rời khỏi phòng thu âm mới là điều tôi quan tâm.
Chị rời khỏi sàn diễn từ một nỗi buồn riêng, cũng đã 18 năm mới thấy chị xuất hiện trở lại ở Sân khấu Kịch IDECAF trong một sự kiện cũng rất buồn. Chị nói gì về điều này?
- Đúng là sau 18 năm tôi mới quay lại Sân khấu Kịch IDECAF. Lòng bồi hồi lắm chứ... Chuyện buồn qua rồi thì không nên nhắc lại, nhưng sự kiện hôm tôi đến không gian này vẫn cứ ở trong tâm trí tôi. Đó là cái ngày các anh chị em ca sĩ, nghệ sĩ đến dự buổi tưởng niệm cố ca sĩ Lệ Thu, người đã qua đời tại Mỹ do dịch Covid-19.
Tôi và chị Lệ Thu có nhiều kỷ niệm, quá nhiều điều muốn nói về chị ấy, thương nhất là những bài hát ở thời thanh xuân của tôi. Dịch bệnh quái ác này không chừa một ai, sự ra đi trong tiếc nuối của ca sĩ Lệ Thu càng gióng lên hồi chuông trong làng văn nghệ, hãy cẩn trọng trong việc phòng chống dịch bệnh, để chúng ta không phải chia biệt thêm một ai trong cơn đại dịch này nữa.
Thuộc thế hệ sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (hiện là Nhạc Viện TP HCM), chị có nghĩ sẽ quy tụ các nghệ sĩ cùng khóa tổ chức một chương trình tri ân thầy cô?
- Chúng tôi luôn nhớ ơn các thầy cô đã dìu dắt, nâng đỡ mình trên con đường nghệ thuật, cho chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để làm hành trang trên suốt nẻo đường dấn thân vào sân khấu. Thời đó, trường có nhiều thầy cô giỏi nghề, giàu nhân cách, hết lòng vì thế hệ đi sau như: NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, thầy Duy Lân, cô Kim Cúc, cô Kim Lan, cô Bích Thuận, danh cầm Sáu Tửng - đàn kìm, Ba Dư - đàn tranh. Trong các thầy dạy ca có ba tôi là danh cầm Chín Trích - đàn cò.
Hiện nay, nếu tập hợp lại để thực hiện một chương trình nghệ thuật phát trên kênh YouTube thì tôi nghĩ sẽ khả quan, biểu diễn trực tiếp thì khó. Thế hệ chúng tôi hiện đều ở tuổi U 60 - U70 trở lên. Tôi cũng ao ước có được sự hội ngộ này, bởi thời gian ác nghiệt lắm, rồi thế hệ chúng tôi cũng sẽ lần lượt ra đi "đoàn tụ" với các thầy cô.
Khán giả xem chị và yêu thích rất nhiều vai tính cách: độc, lẳng, hài nhưng duy nhất vai đào đẹp trong vở kịch "Tôi chờ ông đạo diễn" là đoạt Giải Mai Vàng do bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn năm 1997. Chị nghĩ gì về sự kiện này?
- Bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn nôn nao. Vừa rồi được tham gia đọc lời bình cho toàn bộ chương trình lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 26-2020 tại Nhà hát Thành phố, tôi xúc động lắm. Hồi đó, lễ trao giải diễn ra tại Công viên Đầm Sen, chứ không mang tính chuyên nghiệp hoành tráng như ngày nay. Tôi vẫn còn nhớ nhạc sĩ Vũ Hoàng, anh ấy cùng ngày sinh với tôi, khi đó đã đến bắt tay chúc mừng tôi và nói: "Từ vai diễn này, bạn sẽ có thêm nhiều vai đào đẹp".
Trên thực tế, tôi chỉ đóng vai dàn bao, bọc lót cho vai chính tỏa sáng, hiếm khi là nhân vật trung tâm. "Đào đẹp" với tôi chỉ một lần và có Giải Mai Vàng dành cho lần được "hóa kiếp" ấy. Tôi không hề kén vai. Nhân vật nào cũng cố gắng thể hiện và làm cho nó tỏa sáng. Tôi sợ mình sẽ là "bình hoa di động", nghĩa là ra sân khấu chỉ có ngoại hình đẹp, còn diễn thì rất dở.
Nhìn nhận của chị về vấn đề làm phim chiếu rạp hiện nay?
- Sau thất bại của nhiều phim chiếu rạp, tôi cho rằng nhà đầu tư đã biết được quyền lực của khán giả. Nhiều trang mạng đã được khán giả lập ra để góp ý thẳng thắn, khen chê công tâm, thậm chí kêu gọi tẩy chay khi biết phim làm gian dối, không tử tế với nghề. Có thể nói các nhà đầu tư hiện nay không thể chủ quan, xem thường "sức mạnh" của những trang mạng này. Cuộc chơi của các phim được đầu tư kinh phí khủng hiện được đặt trên bàn cờ "hên-xui" khi các rạp đồng loạt hoạt động lại từ ngày 1-3 sắp tới đây.
Sẽ có người thua, kẻ thắng nhưng "lãi suất" mà các nhà đầu tư sẽ đón nhận chính là bài học từ việc đo thị hiếu người xem. Đó là một ẩn số khó lường. Theo tôi, ai làm tử tế, chăm chút từng góc máy, chọn diễn viên không theo cảm tính, phe cánh, khâu kịch bản chắc, đạo diễn giỏi và sống chết với nghề thì phim sẽ được người xem đón nhận.
Ý kiến bạn đọc