01:54 PDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 169

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 165


Hôm nayHôm nay : 3512

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1075709

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76891087

Trang nhất » Tin Tức » Những Giọng Ca Vàng

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Xem tiếp...

Chuyện của nghệ sĩ Diệu Hiền

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/11/2013 21:11 - Đã xem: 8487
Nghệ sĩ Diệu Hiền thời trẻ.

Nghệ sĩ Diệu Hiền thời trẻ.




Má kể, hồi nhỏ tôi mắc tật khóc đêm. Cứ tầm gà chưa mắc gáy, người lớn đã rục rịch kèo nhèo bởi tiếng tôi ré lên lanh lảnh. Tại ở đợ nhà người ta, chớ phải chi còn ở quê, má chỉ cần bồng trên tay, đưa vài hơi “ầu ơ, ví dầu, tình bậu muốn thôi…”, chưa dứt câu, tôi đã ngủ.


Mong manh phận hát



1. Má kể, hồi nhỏ tôi mắc tật khóc đêm. Cứ tầm gà chưa mắc gáy, người lớn đã rục rịch kèo nhèo bởi tiếng tôi ré lên lanh lảnh. Tại ở đợ nhà người ta, chớ phải chi còn ở quê, má chỉ cần bồng trên tay, đưa vài hơi “ầu ơ, ví dầu, tình bậu muốn thôi…”, chưa dứt câu, tôi đã ngủ.

Phải chi còn ở quê, tiếng khóc tôi chắc cũng len được qua khe cửa sập, văng vẳng tan vào đêm. Nhưng giờ ở nhà người ta, má không dám ru hời. Nhà xây gì kín mít, nên tiếng khóc cứ luẩn quẩn, loanh quanh, chạm vách tường này, đụng cánh cửa kia, thành thử nhói ran, khó chịu. Má kể, nhà ở quê bị giặc càn cháy rụi, mấy má con nụm nịu, đứng chơ vơ nhìn vài sợi khói ứa ra từ bãi tro trơ trọi, má khóc. Hổng khóc sao được khi cái chỗ này nè, mới hôm qua, hôm kia má còn chun ra chun vô, còn chống tay lên gốc cột, ra rả cự anh Hai: “Bây để mái nhà nát quá, sương uớt hết bàn thờ ba”. Rồi má ngưng nước mắt, thảng thốt kêu lên: “Cha, cái hình ba bây cũng cháy tiêu trong trỏng”.

Cháy hết, nên anh Hai, anh Ba, chị Tư má gửi bên nhà nội; Sáu, Bảy má gửi nhà ngoại. Phần tôi khóc đêm dữ quá nên má đèo theo lên Sài Gòn ở mướn cho người ta. Mà cũng tại khóc đêm dữ quá, nên được dăm bữa, nửa tháng là người ta nói khéo cho đi. Lay lắt rồi cũng bám trụ lại được nơi này. Hồi đó, Sài Gòn dễ sống lắm. Má dựng tạm cái nhà bên xóm cầu Rạch Bần, một nửa nhà trên bờ, một nửa nhoi ra sông. Trưa trốn ngủ, tôi chạy dài dài trong xóm phá đủ thứ, nhà nào có cây trái tôi bứt trái, có gà tôi chọi gà, phá chán lại chạy về ngồi chóc ngóc ở cửa sau ngó ra sông. Nghe kẽo kẹt sau lưng là biết chắc má đang cầm roi bước tới định phạt cái tội phá quá người ta tới nhà méc vốn. Mà chẳng khi nào má đánh được tôi, bởi chỉ cần “có động” là tôi lao ùm xuống sông, bơi miết, đến xâm xẩm tối mới mò về.

Má tôi mê cải lương có tiếng trong xóm. Nghe người ta cúng đình có hát bội thì ở tuốt Phú Nhuận, Tân Định má cũng đi bộ lên coi. Làm gì thì làm, hễ có đoàn cải lương về là má tranh thủ đi coi cho kỳ được. Hồi đó vé coi hát cũng phân ra hạng nhứt, nhì, ba, hạng “cá kèo” là bét nhất, phải đứng. Má hay dành dụm tiền, mua cái vé “cá kèo” rồi dẫn tôi đi coi. Tôi thấp tè, đâu có thấy gì, má phải cõng, cõng mỏi má chuyển sang cặp một bên hông, lòng đòng trên đầu. Riết rồi tôi cũng mê đắm cải lương.

Mới 10 tuổi đầu, tôi đã thỏ thẻ xin má cho đi theo đoàn hát. Má tưởng trẻ con nói chơi nên không thèm đếm xỉa. Sau, tôi năn nỉ quá nên má biết tôi nói thiệt. Ngày nào má cũng rầy, kiểu như “đẻ bây ra thà hồi đó tao đẻ trứng gà, trứng vịt ăn còn ngon hơn. Ai đời có chút xíu mà đòi bỏ nhà theo gánh hát”. Hễ có đoàn về hát là tôi lại xin má cho theo. Đời nào má cho, nên lần nào má cũng rầy. La mắng vậy thôi, chứ không có buổi hát nào là má không dẫn đi coi. Tôi không có đi học, mà cũng sáng dạ, ai ca sao, tôi thuộc hết rồi ca y như vậy. Nên mỗi lần đi nghe cải lương, má hay biểu: “Con Hiền để ý cô đào đó nha, ráng thuộc rồi về ca má nghe”. Vài buổi trưa hiếm hoi tôi không trốn nhà đi phá xóm, má hay cột võng nằm hứng gió sông nghe tôi ca vọng cổ. Tiếng trẻ con lanh lảnh xa hút, rồi dập dìu vờn trên làn nước óc ách bên mé sông.

Image
Nghệ sĩ Diệu Hiền - “đệ nhất đào võ” trong làng cải lương.



14 tuổi, tôi ốm nhách, đen thui, tóc tai dài rũ rượi, cái ý muốn theo gánh hát năm nào vẫn chưa bao giờ nguôi. Hôm đó, tôi lại dấm dẳng xin theo đoàn hát. Má bực mình quá, bước xăm xăm vô nhà, lựa 2 bộ đồ rách nhất quăng ra, nói sẵng: “Đó, bây đi đâu thì đi. Nhớ là đã đi thì không có về nữa, nghe chưa”. Chẳng biết sao lúc đó tôi mừng húm, cuốn hai bộ quần áo đi ngay, sợ chậm vài bước má sẽ chạy ra bắt lại. Mà phải chi chậm vài bước, chắc tôi đã thấy má tu tu khóc, dáo dác tìm tôi. Mà phải chi ráng chậm vài bước, chắc tôi đã không ném vào đời má gần 3 năm dài đăng đẵng sống bằng sự day dứt, hối hận khôn cùng vì một buổi trưa gió cả, lỡ đuổi đứa con đi. Lúc ấy tôi đi mà lòng mừng khấp khởi.

2.Tôi đi bộ đến Tân Định, tạt vào mái đình chỗ đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu hay tập tuồng. Mấy anh chị hát chay, không xiêm y lụa là, thỉnh thoảng ra bộ mà không có đạo cụ, thấy mắc cười, mà vẫn coi say mê. Đến trưa, chỉ còn ông bầu Xuân Liễu ngồi tính sổ sách, tôi rón rén lại gần xin vào đoàn. Ổng tròn mắt nhìn tôi một lượt, thấy cuộn quần áo chỏng chơ bên cạnh mới gập sổ, nói: “Mày con cái nhà ai mà xin vô đây?”. Tôi biết chú đang dụ tôi khai ra nhà cửa để chú dẫn trả về nhà, nên nín re, chỉ năn nỉ chú cho theo vô đoàn. Nói thế nào chú cũng không chịu, tôi nằm chèo queo trên sân tập trống trơ. Đói quá, tôi lầm lũi ra phông – tên hứng nước uống, rồi lại về đình, trong đầu không hề có ý nghĩ sẽ trở về nhà, bởi 4 năm trời nằn nì, giờ mới có cơ hội được đi. Tôi còn nhớ, lúc ôm gói đồ chạy dọc mé sông trong lòng có lập lời thề, nếu mà hát hổng được thì thà chết ở đâu chứ cương quyết không về. Hai mắt đang líu ríu chực ngủ thì có tiếng ru con đang lại rất gần. Chị tên Cúc, có mái tóc rất dài, đang đưa đứa con đang khóc ré giữa trưa. Thấy tôi nằm co ro, chị lại hỏi thăm. Nói một hồi chị Cúc “tóc dài” mới biểu tôi: “Thôi em về đưa em cho chị, chị nuôi cơm”. Từ đó, tôi theo chị Cúc về Đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu.

Chị Cúc múa chính trong đội vũ của đoàn, chị có đứa con mới vài ba tháng tuổi, khóc liên miên. Chị cho tôi theo để mỗi khi chị tập, hay ra sân khấu thì giao con cho tôi ẵm. Dạo đó, tôi về nhà thường xuyên, trưa một bận, tối một bận. Nhớ má quá, nên về, về mà cũng chẳng dám vô. Tôi núp sau gốc cây trứng cá, hỏi con bạn cùng xóm: “Mày vô coi má tao đang làm gì, có nhà không”. Rồi đứng đợi má bước ra phơi áo, rửa rau, thấy má xong rồi về.

Được ít lâu thì đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu rã gánh. Chị Cúc được vũ sư Minh Cao tuyển vào đội múa của đoàn Hoa Sen. Tôi cũng theo chị, đoàn đi tới đâu, tôi theo đến đó. Lúc nào không ẵm em cho chị Cúc thì tôi lại đi loanh quanh, thấy gì phá đó. Tại nhớ nhà, nhớ má quá, kiếm chuyện phá cho vui. Mấy anh chị trong đoàn hay quở: “Con gái gì mà quậy trời sợ”. Sẵn tôi đen đúa, tóc đen thui, dài thòng nên mấy anh chị kêu chết tên là “con chà cái”. Hổng hiểu “chà cái” là cái giống gì, tôi vẫn thích chí le te cười. Lâu lâu mấy anh chị thường cho chút đỉnh tiền biểu chị Cúc ra chợ mua cho tôi cái quần, cái kẹp tóc, chớ… “con Hiền nó mặc cái quần rách lòi thịt mà nó hổng biết quê”. Quê gì đâu trời, tôi vẫn thường cởi trần bơi đua với mấy thằng con trai lạ hoắc, có sao đâu.

Trong đoàn có thầy Hoàng Nô, là cha của ca sĩ Hoàng Lệ Nga. Tôi gọi là thầy chứ thực ra gọi nhau bằng anh Hai, xưng em vậy à. Anh Hoàng Nô dạy cho chị Cúc hát, tôi ẵm em lẩm nhẩm hát theo. Chị Cúc không có khiếu hát, nên tập hoài không có được. Buổi trưa, anh Hoàng Nô thường ôm đàn gảy tửng từng tưng ngó rất buồn.

Bữa đó tôi không đi phá, thấy anh buồn hiu vậy mới chạy ra tính chọc anh chơi. Tôi nói: “Anh Hai, đờn cho em hát nha”. Anh cười: “Bây biết hát gì mà đòi hát”. “Anh Hai, giỡn chơi không à, đờn thử coi”. Anh Hoàng Nô đờn, tôi đưa dăm ba câu vọng cổ ghẹo ảnh thất tình thui thủi. Nào ngờ, cả đoàn đang ngủ trưa đều tỉnh dậy, khen “con chà cái” ngó vậy mà ca hay quá trời. Từ đó, anh Hoàng Nô nhận dạy tôi hát, tôi được cho theo xe bò đọc thơ, rao bảng, hát nói hậu trường.

Bữa đó sắp tới giờ diễn, chị đào chánh bỗng nhiên đùng đùng dọn tủ bỏ đi, chị giận chuyện lương bổng. Vậy là vở Cánh chim bằng thiếu mất vai nữ chúa. Mà lỡ rao bảng rồi, vé cũng bán hết, giờ mà không có diễn chắc bà con bỏ đoàn luôn. Ông bầu hết đứng, tới ngồi, đi tới đi lui chừng như hai tay, hai chân muốn quấn lại với nhau. Lúc đó chú Khả Năng chuyên đóng hài, mới vỗ vai ông bầu, nói: “A, hay mình cho “con chà cái” nó đóng thế”. Ông bầu nhăn mặt: “Con Hiền hả, giỡn không cha, nó biết gì đâu”.

Chú Khả Năng bồi thêm: “Nó ca hay thí mồ, không sao đâu, nó khôn lắm, nghe tuồng nó thuộc hết trơn à”. Ông bầu hết cách, đành viết thêm 7 câu vọng cổ nữa đưa cho tôi để kéo lại phần diễn. Tôi chỉ biết ca, có biết diễn gì đâu. Vậy mà lên sân khấu, tôi ca nghe cũng mướt, thầy đờn Hoàng Nô vừa đờn vừa ngó tôi gật gù động viên. Người ta cuốn tiền trong quạt, quăng lên sân khấu thưởng cho tôi quá trời. Sau cái lần mặt hoa da phấn lên “cứu cánh” cho đoàn, anh Hoàng Nô bảo: “Ngó con Hiền coi cũng được chớ đâu có xấu đâu”. Rồi anh lấy tiền thưởng may cho tôi vài bộ đồ, sắm kẹp tóc, gương lược. Anh thương tôi hổng khác nào con ruột của anh.

Cứ thế, tôi bám theo đoàn, đoàn sai gì, tôi làm nấy. Học ca, học vũ, trưa trưa, chiều chiều vẫn chạy đi phá loanh quanh cho đỡ nhớ nhà. Ngót nghét cũng 2 năm trôi qua, tôi 16 tuổi, cao nhong nhỏng. Mới 16 tuổi mà tính đi tính lại tôi xém chết mấy lần. Cũng mới 16 tuổi đầu tôi bắt đầu có chút danh tiếng. 16 tuổi, tôi gặp soạn giả Viễn Châu, rồi thương ông hồi nào hổng biết. Ngỡ là vu vơ thôi, chú có vợ rồi mà, ai ngờ đâu tình đó đeo đẳng suốt cả một đời …

Tơ tình giăng giăng

Năm ấy tôi bị bệnh đậu mùa, ngỡ như là sắp chết. Nốt ban nổi đầy người, đau đớn không thể tả. Mọi người sợ lây bệnh, không ai dám lại gần. Chỉ có mỗi anh Hoàng Nô, chạy tới chạy lui, ngày mấy bận thuốc thang, cơm cháo. Có hôm anh đi đâu cả ngày trời, rồi xấp xải bước về vai vác theo cái giường xếp, nói: “Con Hiền để anh bồng nằm lên đây, chớ bây bị nổi đậu khắp người, nằm dưới đất cứng, đậu nó bể ra đau sao mà thấu”.

Tôi nghe anh nói mà nước mắt rớt xuống nóng hổi. Mỗi lần lên cơn sốt, tôi lại nói mê về một vùng sông nước, có mái nhà nhỏ nhoi ra sông, có những buổi chiều lặn ngụp đến rã rời, người ướt rượt, đu ở góc cột mé nhà tần ngần nhìn hoàng hôn loang loáng đắp lên sông. Anh Hoàng Nô thường buồn hiu ngồi hỏi: “Quê Hiền ở đâu, anh đưa về”. Tôi thều thào: “Em sắp chết rồi phải không anh Hai”.

Anh Hoàng Nô thương tôi, nên nói tới đó thì xua ngay câu chuyện. Bệnh tôi càng ngày càng trầm trọng, ban trên mặt đã bắt đầu dày hơn, tôi không còn sợ chết nữa, chỉ sợ sống mà khuôn mặt bị tàn phá thì thôi thà chết cho rồi. Ông bầu nhắm tình hình tôi không ổn, liền tới nói thiệt cho tôi nghe, rằng: “Hiền à, chẳng lẽ con không có bà con thân thích gì sao, lỡ gì có… chuyện, anh em đưa con về”. Từ lúc đi, tôi đã có lời thề, không hát được, có chết cũng không về, lời thề đó tôi quên rồi, chỉ sợ má thấy tôi nằm đó, thân tàn ma dại, đếm ngược ngày về với đất, má sẽ đau đến mức muốn chết theo.

Tôi sợ nhiêu đó thôi, nên ông bầu nói tới đâu, tôi lắc đầu đến đó, tôi van: “Chú ơi, con chết ở đâu thì chú chôn con ở đó, con bây giờ không biết ba má con đang ở đâu nữa”. Và cứ mỗi đêm, trong cơn đau sảng, tôi lại thấy nấm mồ cô của mình nằm vất vưởng đâu đó trên những con đường vắng ngắt. Tôi đâu có sợ chết, mà sao cái chết cứ ám ảnh ghê gớm trong những giấc mơ tôi.

Một ngày, anh Hoàng Nô mang về mấy thứ lá, anh nhai rồi đắp lên từng nốt ban trên khuôn mặt tôi. Anh Hoàng Nô cười cười nói: “Qua cơn rồi, không chết đâu, chỉ sợ để lại thẹo tùm lum thì khó làm đào lắm”. Tôi không chết, thẹo trên mặt tự nhiên cũng từ từ lành. Anh Hoàng Nô hay ghẹo: “Tưởng nó sắp chết, ai ngờ lột xác ghê ta, nó đẹp vầy, giờ ai dám gọi nó là “chà cái” nữa không”. Mà tôi đẹp thiệt. Nằm bệnh cả tháng trời, tôi chỉ được ở trong bóng tối, không tiếp xúc ánh sáng nên da trắng lên thấy rõ, tâm tính cũng dịu dàng hơn.

Tôi bắt đầu được giao những vai lớn hơn trong vở. Có lần đi Đà Lạt lưu diễn, tôi được vào vai ni cô Diệu Hiền trong tuồng Hoa tàn trong am vắng. Ca đến đâu, khán giả vỗ tay đến đó. Tôi lấy nghệ danh Minh Hiền mà mọi người cứ gọi chết tên Diệu Hiền. Thấy vậy, chú họa sĩ Mười Rang bôi luôn chữ Minh trên bảng rao, sửa thành chữ Diệu. Từ đó tôi mới có nghệ danh là Diệu Hiền.

Năm 16 tuổi, đoàn rong ngược về Sài Gòn. Lúc này, tôi đã thành đào hát có tên. Ngồi trên chuyến ghe trở về mà hai chân tôi ríu vào nhau, muốn nhảy xuống sông, bơi một hơi rồi đu ngay mé nhà, gọi má ra để hù má hết hồn chơi. Tôi nhớ má quá, buổi nắng này, má bưng đồ ra hàng rào chắn cát phơi, nắng xiên nheo mắt; buổi chạng vạng này, má gom củi mục, un khói đuổi muỗi, khói lên cay xè, tôi quẹt cùi tay dụi mắt; má gắt: “Khói quá thì chun ra đi, ngồi đó hửi khói làm gì”. Nhưng mà khói thơm lắm má, dại gì con lại chun ra…

Về tới nhà, tôi lại chẳng dám vô. Con bạn thân ngày nào cũng đã thành thiếu nữ. Tôi lấp ló bên mé nhà nó, nhỏ nhỏ gọi tên ơi hời. Nó nghe giọng thì nhận ra, mà giáp mặt toàn “í trời” với “í cha, sao bây lạ dữ”. Tôi nhờ nó chạy vào nhà báo tin giúp, nó xắn quần ống thấp ống cao, đi như chạy. Được một lúc, thì má tôi xách roi chạy ra: “Con Hiền đâu, vô đây tao biểu coi. Bà con ơi, con Hiền nó về rồi, chờ nó vô đây, tui đánh cái tội mới bây lớn mà bỏ nhà đi biền biệt. Con Hiền đâu”, tôi nghe trong giọng má ướt rượt nước mắt. Tôi núp ngay gốc trứng cá, nói váng lên, “Con đây, từ từ con vô, má đừng có đánh con nha”.

Nói rồi tôi chạy đến ôm chầm má, hai má con cùng khóc. Như nhìn thôi chưa rõ, má cầm tay cầm chân, hết quay sau lưng, lại dòm trước mặt, tôi cười cười: “Thôi, đừng nắn xương con nữa, không có cái nào lòi ra đâu”. Má cười, môi run, tay run: “Cha mầy, để má coi. Cha, bây ăn cái giống gì mà lớn dữ. Coi ra thiên hạ nuôi hay hơn má rồi ta”. Má chẳng nói gì, toàn là chọc ghẹo để đứa con lạc lòng đỡ tủi. Má chẳng nói gì, mà tôi biết, hai năm qua má mỏi mòn tìm tôi, xơ xác tóc mai, rạc ráo ánh nhìn.

2. Tôi về, má khóc là thật, nhưng cười thì rất gượng. Trưa, má mắc võng đu đưa ngó ra sông, tôi ngồi dựa cột, nghe gió đuổi nhau từng lớp trên mái nhà. Biết má muốn nói gì đó, nhưng còn sợ gì nên má không có nói, cứ cười cười rồi thôi. Gió sông đầm đìa hơi nước, cơn ngủ mơn man trên những lọn tóc lòa xòa.

Má vẫn đu đưa trên võng, vẫn ngó ra sông mà nói chắc nịch: “Con Hiền khoan ngủ, lại má hỏi cái này”. Tôi ngóc lên, có cảm giác sờ sợ, mấy hôm nay cứ ngờ ngợ má khúc mắc chuyện gì. Ai ngờ, má hỏi: “Bây nói thiệt đi, mấy năm qua bây làm cái giống gì mà về nhà ăn mặc như… là như vợ Tây”.

Trời đất ơi, hóa ra má sợ tôi làm mấy cái chuyện bậy bạ, sợ mà không có dám hỏi, lại sợ luôn cái điều má nghĩ là sự thật. “Má ơi, con làm đào hát, nổi tiếng rồi, con không có làm cái gì bậy bạ đâu, trời đất ơi”. Má bật dậy: “Bây làm đào hát hồi nào, bây mà biết hát hò gì mà làm đào, nói thiệt hông, nói thiệt hông để má mừng”… Trưa hút gió qua vai, tôi đưa võng, kể má nghe bao nhiêu vui buồn của hai năm lưu lạc. Má cười, mắt ướt hơn xưa.

Nghệ sĩ Diệu Hiền và  soạn giả Viễn Châu.

Tôi về Sài Gòn, hát tuồng Người thám tử già, đóng vai nữ điệp viên. Đêm nào cũng cháy vé, má cười nói xênh xang: “Ai còn trách tui đuổi con Hiền đi nữa không, nhờ tui đuổi nó đi, nó mới hát hay vầy nè”. Má ơi, hồi đó má đâu có đuổi con, tự con cuốn gói đi mà má. Có chút tiếng tăm, đoàn này, đoàn kia mời tôi về nhiều lắm. Giá tiền giao kèo cứ cao ngất ngưởng, tính ra mua được mấy căn nhà. Tôi đắn đo lắm, bên này hoàn cảnh gia đình cũng đang rất khó, mà bên kia thì ơn sâu nghĩa nặng của đoàn hát còn oằn vai. Biết tôi phân vân, anh Hoàng Nô lại gần nói: “Thôi, em đi đoàn khác đi. Ai cũng phải lo cơm áo cho gia đình. Đi đoàn lớn hơn, vừa có tiền, vừa có tiếng, em trả nghĩa cho đoàn nhiêu đó, anh nghĩ cũng đủ rồi. Mai mốt, có nhớ tới đoàn thì về hát vài đêm, vậy cũng được rồi”.

Có anh Hoàng Nô khuyên giải, tôi phần nào nhẹ lòng, liền xin ông chủ gánh Hoa Sen cho đi. Ngại ngần đến ríu cả lời, nào ngờ, ông chủ gánh chỉ nói nhẹ như không: “Ờ, tao biết trước sau gì bây cũng đi. Tao tính biểu bây đi đi, chớ người ta kêu giá cao quá, không đi nó uổng cho cái tài của bây. Mà tao chờ chừng nào bây thấy được rồi, bây tự đi, khỏi mắc công mang ơn tao này nọ”. Tôi khóc, tới lạy bàn tổ một lúc lâu rồi đi.

Tôi về đoàn Thống Nhất, tiền giao kèo đoàn trả tôi đủ mua được hai căn nhà, một cái cho anh, một cái đưa má về ở, phần tôi rong ruổi theo đoàn. Cũng tại đây tôi gặp ông Viễn Châu. Ngày đó, ông lớn hơn tôi cũng nhiều. Tôi thường lén nhìn ông nhè nhẹ vuốt mồ hôi trán, mắt không rời bàn viết, sửa một đoạn ca, thêm vài lời hát. Tôi thấy ông đẹp trai, đẹp cái kiểu rất hiền, phảng phất buồn, phảng phất vui. Tôi không có cái kiểu sét đánh cái đùng yêu luôn, mà tình cảm đối với ông nhẹ nhàng như từng sợi tơ, mỗi ngày một sợi vướng vít vào lòng tôi. Tôi yêu ông, mà tôi không có nói, nên ông cũng không có biết. Nhưng tình đơn phương, nó thường nhoi nhói. Khó chịu lắm khi thương đứt ruột mà gặp phải giả bộ ngó lơ, khi quan tâm mà cũng lén lút, tìm mọi cách để hỏi về người ta mà cứ phải viện cớ này, cớ kia để thiên hạ khỏi nghi ngờ.

Tôi cứ không thèm nói chuyện với ông, làm ông tưởng tôi ghét ông rồi. Trời ơi, người ta đâu có ghét ông làm gì, chỉ tại đối mặt tôi run quá, cất tiếng không thành lời nên thôi, tìm cách tránh luôn cho rồi. Rồi một ngày, căng thẳng lên tới đỉnh điểm, tôi quyết định nói ra… Mà biết đâu, nói ra rồi ông cũng để ý đến mình. Tôi lấy hết can đảm, thổ lộ lòng mình.

Viễn Châu cầm tay tôi rất nhẹ, cười phảng phất, nói: “Chú có vợ rồi, con ơi”. Trời đất ơi, tôi nửa cười, nửa mếu, tưởng người ta cầm tay là sắp có gì hay, ai dè… Ừ thì người có vợ rồi thì thôi, tôi cũng đi theo chồng. Ừ thì tôi có cuộc sống riêng, và chẳng bao giờ muốn làm vọng động đời nhau. Người có vợ rồi, mà tôi đâu có biết, biết rồi thì thôi chứ giờ phải làm sao.

Hôn nhân của tôi tan vỡ, chẳng phải vì ai, mà vì cái nghiệp nghệ sĩ, bản ngã nặng nề cứ đeo mang. Chuyện đời tôi, có lẽ hơi dài. À mà chuyện đời ai chẳng dài. Có điều, tôi có cái tính, chuyện gì về tình, về nghĩa tôi nhớ suốt một đời. Tôi nhớ anh Hoàng Nô, buổi chạng vạng, cầm roi men theo bờ sông, vừa gào tên tôi vừa khóc vì sợ tôi chết đuối. Tôi nhớ má tôi, buông tay thõng thượt nhìn tôi ngụp vào đám lục bình. Tôi nhớ chị Cúc tóc dài, chú hài Khả Năng, nhớ con nhỏ hàng xóm, lấp ló bụng bầu mà vẫn chen chân đi coi hát rồi hét váng lên, “con nhỏ trên sân khấu, là bạn của tui…”. Và tôi cũng nhớ người, cái người tôi yêu từ năm 16 tuổi, chuyện ngỡ là của con nít thôi mà váng vất đến cả một đời…


  Hồ Ngọc Giàu

Tác giả bài viết: meoxu & tcgd
Nguồn tin: CAND
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

 

NSND Trọng Hữu lý giải vì sao thế hệ vàng sân khấu cải lương vẫn còn ăn khách?

Trong ngày lãnh đạo TP HCM tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu, NSND Trọng Hữu đã trao đổi với PV báo Người Lao Động về suy nghĩ của ông về thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương dù đã U80 vẫn còn được khán giả mến mộ.