10:43 PDT Chủ nhật, 28/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 124

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 122


Hôm nayHôm nay : 19501

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1127785

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76943163

Trang nhất » Tin Tức » Tâm Tư Thành Viên

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).

Xem tiếp...

MÙA VU LAN, NHỚ DANH CA THANH TAO

Đăng lúc: Chủ nhật - 03/09/2017 17:20 - Đã xem: 3575
TT

TT

Theo các đoàn hát từ năm 1948 đến năm 1989 tôi mới nghỉ, đi định cư ở Canada. Nhiều bạn hỏi tôi: Anh tâm đắc nhứt điều chi trong đời nghệ sĩ sân khấu của anh?
 
ns-Thanh-Tao-Hoathuong-Thich-Quang-MInh-Chua-NgheSi-Govap

Câu hỏi mông lung quá, tôi nói: điểm tâm đắc của tôi: là Tình cảm của khán giả đối với nghệ sĩ sân khấu.

Có nhiều khán giả xem hát đồng cảm với nhân vật sân khấu. Họ bộc lộ tâm trạng vui, buồn, khóc, hận như tâm trạng của nhân vật sân khấu đang diễn ra trước mặt họ. Có nhiều giai thoại kể về các cô gái xem hát, mê kép đóng các nhân vật đẹp như Triệu Tử Long, Lữ Bố, Cao Quân Bảo, Tiết Giao… họ dám bỏ nhà, khăn gói theo sống với nghệ sĩ thần tượng. Có những cậu công tử, bác sĩ, kỹ sư, điền chủ mê các cô đào hát đóng các vai Điêu Thuyền, Đắc Kỷ, Bao Tự, Hoàng Hậu, Công Chúa, họ mê đào hát đến độ bán gia viên điền sản để sống chung và lập gánh hát cho cô đào chánh đó làm bầu, hoặc họ làm bầu, theo gánh hát sống với thần tượng của mình.

Có người lại tưởng nghệ sĩ đóng vai hòa thượng, sĩ quan hay thầy bói trên sân khấu là người đang hành nghề đó. Và nghệ sĩ, khi nhập tâm đóng tuồng cũng nghĩ mình là nhân vật đó đang sống trong xã hội. Nghệ sĩ danh ca Thanh Tao (một trong bốn ông bầu: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga-Phước Trọng, bầu gánh hát Kim Thanh – Út Trà Ôn trong các năm 1956 – 1958) từng đóng vai Hòa Thượng Mục Kiền Liên, vai Đường Tam Tạng, nghệ sĩ danh ca Thanh Tao tưởng mình có căn tu, kiếp trước là hòa thượng nên anh bỏ gánh hát để vô chùa tu.

Đoàn Thanh Minh Thanh Nga bán dàn đi hát một tour miền Trung để tập tuồng mới trước khi trở về hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo Sài gòn. Vì hát bán dàn nên việc di chuyển, ăn ở của đoàn hát do ông chủ mua dàn hát lo liệu. Người mua dàn hát là em của bà chủ hãng trà Blao – Đỗ Hữu nên đoàn hát được bố trí cho ở trong một trang trại gần vườn trồng trà của công ty Đỗ Hữu.

Nghệ sĩ Hoàng Giang, Thanh Tao, Hữu Phước, y tá Be, hề Kim Quang và tôi họp thành một nhóm vì khi ăn cơm hội, chúng tôi ngồi chung một mâm, khi đi du ngoạn, uống trà, uống cà phê hay nhậu lai rai, nhóm chúng tôi cũng đi chung với nhau.

Bên bờ hồ Blao, có một quán cà phê nhỏ xinh xinh, cô bán hàng cũng xinh xinh, vì vậy mỗi buổi sáng, dù sương mù còn phủ mịt mờ phố xá, hề Kim Quang và y tá Be rủ cả nhóm chúng tôi kéo nhau đến vỗ cửa, yêu cầu cô bán quán, mở cửa quán sớm hơn thường lệ. Quán vừa mở cửa, chúng tôi vô chiếm một bàn lớn gần cửa ra vô. Các nghệ sĩ khác cũng đến quán để ăn sáng. Thức ăn sáng là bánh mì hột gà chiên, cà phê sữa. Từ 9 giờ sáng trở đi, quán có bán thêm miến gà, phở gà, phở bò. Cô chủ quán ái mộ nghệ sĩ nên tặng cho mỗi bàn một bình trà Blao thứ ngon nhứt của hãng trà Đỗ Hữu. Ăn sáng xong, chúng tôi mua thêm bánh in đậu xanh “Rồng Vàng”, ăn bánh uống trà, thưởng thức đặc sản của thị trấn, nhân dịp đó tán hươu tán vượn với cô chủ quán.

Cô chủ quán tên Hương, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép, dễ thương. Hữu Phước xáp vô gợi chuyện, được biết là Ba của cô Hương là thượng sĩ cảnh sát, có nhà trên phố. Cô Hương ở giúp bà Nội trông nom quán cà phê này. Khách đến uống trà, cà phê vì mến cô chủ quán nên khi cô Hương vắng mặt thì quán mất khách. Vì vậy, sau khi học hết trung học, cô Hương ở nhà giúp Nội kinh doanh quán cà phê phố núi.

Tôi thấy một cái mâm nhôm lớn trên bàn ở một góc quán, trên đó để một lon gạo làm lư hương, một bó nhang, hai cây đèn cầy, một chén gạo, muối, một dĩa trái cây ngũ quả, quần áo, chăn chiếu bằng giấy, một cái dĩa lớn đựng một con gà luộc, hai cánh tréo nhau, đầu và mỏ được nâng lên như con gà sống, tôi hỏi: Hôm nay ở nhà cô có cúng kiếng hả ?

– Dạ, hôm nay rằm tháng 7, lễ Vu Lan, bà Nội em cúng “Xá tội vong nhân”.
 

Nghệ sĩ Hữu Phước nói: “Hôm nay đoàn hát hát tuồng Mục Liên Thanh Đề. Tuồng hay lắm, tích truyện Hòa Thượng Mục Kiền Liên vào mười tầng địa ngục để cứu mẹ là Bà Thanh Đề khỏi kiếp Ngạ Quỷ. Tối nay mời cô đi coi hát cho biết sự tích về tập tục “xá tội vong nhân” và lễ báo hiếu với cha mẹ”.

Cô Hương: Dạ, để lát nữa em nhờ người đi mua vé hát để tối em đưa nội đi coi.

Hữu Phước: “Cô khỏi mua vé. Tối qua, tôi xin bà bầu hai vé thượng hạng, chỗ ngồi tốt lắm. Tôi biếu cô để cô đưa bà cụ xem hát. Bà cụ đi xem, ngồi gần sân khấu, nghe thấy rõ lắm”. Hữu Phước móc bóp, lấy giấy xem hát trao cho cô Hương.

– Dạ cám ơn anh Hữu Phước nhe!

Đêm đó, nghệ sĩ Thanh Tao thủ vai hòa thượng Mục Kiền Liên, anh ra tiệm hớt tóc nhờ cạo trọc đầu. Chuyến lưu diễn này anh Thanh Tao thủ hai vai hòa thượng: Đường Tam Tạng và Mục Kiền Liên nên anh cạo trọc đầu để tiện hóa trang khi hát.

Truyện tuồng Mục Liên – Thanh Đề: Sau khi chứng quả A La Hán, Mục Kiền Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn, nhìn xuống cõi khổ, ông thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục A Tì. Ông muốn cứu độ Mẹ khỏi xiềng xích và tắt lửa nơi chảo dầu sôi đang đọa đày Mẹ nhưng ông chưa đủ phép thần thông và đạo hạnh để cứu độ Mẹ.

Ông cầu Phật Như Lai. Phật hiện lên dạy rằng vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà Mẹ ông phải sinh vào nơi ác đạo làm Ngạ Quỷ. Mục KIền Liên phải đi rước chư tăng có đạo hạnh cao ở khắp mười phương về, nhờ công đức chú nguyện của các vị này và Mục Kiền Liên nhất tâm chú nguyện cho mẹ ông được siêu thoát. Lễ Vu Lan là lễ để cho con cái báo hiếu với cha mẹ.

Cô Hương dẫn Bà Nội vô ngồi ghế thượng hạng ở hàng đầu. Các nghệ sĩ Hữu Phước, Kim Quang, Hoàng Giang khi ra sân khấu hát, nhìn thấy cô Hương đều mỉm cười, mắt giao lưu như ngầm nói với cô Hương là họ rất hài lòng khi cô dẫn bà Nội đến xem hát. Chỉ riêng nghệ sĩ Thanh Tao, trong vai Hòa thượng Mục Kiền Liên, mắt nhìn thẳng, nghiêm trang giọng nói, khoan thai giọng ca, từ tốn như một vị chân tu hiện ra trước mắt các Phật tử.
 

Khi Hòa thượng Mục Kiền Liên gặp Mẹ nơi A Tỳ địa ngục, ông khóc thương mẹ và trở về Thiên Trúc, quỳ dưới chân Phật Tổ Như Lai, lời hát của Mục Kiền Liên làm cho khán giả mủi lòng:

Cõi Thiên Trúc miền Tây Phương lạc cảnh

Chùa Lôi Âm vang động mấy hồi chuông

Mục Kiền Liên trong lớp áo nâu sòng

Đang kính cẩn quỳ dưới chân Phật Tổ.

Đệ tử là Mục Kiền Liên xin cúi đầu đảnh lễ trước đấng Từ Bi thần thông quảng đại, đệ tử xin thành tâm phủ phục trước liên đài… Trải mấy ngày đêm với muôn dặm đường dài…Cúi xin Phật Tổ ban tràng phan tích trượng để đệ tử tìm đường xuống tận Âm Cung, kể từ ngày xa cách mẫu thân, nay âm dương cách biệt đôi đường, đệ tử quyết lòng xuống điện Minh Vương để được báo đền tình thân mẫu tử.

Đức Như Lai phán rằng: “Nhữ mẫu tội căn thâm khuyết, nhất nhữ nhất nhơn nhật sở nại hà”.

Mục Kiền Liên vội vã phân qua mà dòng lệ chan hòa… “Đệ tử xin nguyện trì trai, giới sát, quyết trọn đời sớm kệ chiều kinh, mượn đuốt tuệ cửa thiền soi sáng nẻo u minh, nhờ thuyền bát nhã đưa sang bờ khổ ải, cho hồn tăng mẫu sớm thoát vòng oan trái, đáp nghĩa sanh thành và trọn đạo làm con”.

Đêm hát nhân dịp lễ Vu Lan rằm tháng 7 năm đó, câu chuyện về lòng hiếu đạo của con đối với Mẹ và phật pháp cao thâm được đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát với giọng ca truyền cảm của các danh ca Thanh Tao, Hữu Phước, được các kỹ thuật viên của đoàn thực hiện cảnh Thiên Trúc rất huyền ảo và cảnh địa ngục với phép thần thông chói ngời hào quang của Phật Tổ Như Lai khiến cho khán giả như lạc vào một thế giới thần tiên.

Khán giả hài lòng, vỗ tay từng chặp, vãn hát họ ra về còn bàn tán với nhau rất là vui vẻ. Nhiều khán giả ra phía hậu trường xem mặt diễn viên, họ muốn chiêm ngưỡng vị Hòa thượng đẹp trai, giọng hát ru hồn trên sân khấu. Cô Hương và bà Nội cô vô hậu trường cám ơn Hữu Phước và chào Hòa thượng Mục Kiền Liên rồi mới chịu ra về.
 

Đêm đó nhiều nghệ sĩ chúng tôi không ngủ được vì cái lạnh của núi rừng Cao Nguyên. Bà chủ trang trại thông cảm nên cho nghệ sĩ mượn nhiều bếp lò nhỏ, ấm nấu nước và cho củi để chúng tôi nấu nước pha trà. Nhóm chúng tôi có y tá Be mua rượu và khô nai trước nên tối nay, ngoài bình trà Đỗ Hữu, chúng tôi còn chất cay để lai rai chờ cơn buồn ngủ tới.
 
Có lẽ gần một hai giờ khuya rồi, bỗng có tiếng xe jeep chạy vô sân trang trại. Ánh đèn xe rọi ngay vô nơi các nghệ sĩ ngủ. Một viên đội sếp Cảnh Sát nói chuyện với bà chủ hãng Trà rồi họ kéo vô căn phòng nơi chúng tôi còn ngồi quanh bên ngọn lửa hồng.
 
Bà bầu Thơ nghe cảnh sát đến, không biết có chuyện gì nên vội xuống trang trại để hỏi.
 
Ông Thượng sĩ Cảnh sát cho biết mẹ của ông và cô Hương con gái ông xem hát về, sau khi ăn tối, bà cảm thấy khó chịu. Bệnh càng lúc càng tăng, bà thở hơi lên như ngộp thở, tay chân lạnh cóng. Cô Hương gọi điện thoại báo tin cho cha biết. Ông thượng sĩ Cảnh sát lái xe về thăm mẹ thì bà có vẻ như đang hấp hối. Bà nói hơi lên: Bà muốn nghe tụng kinh trước khi bà nhắm mắt.
 
Trong những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, thị trấn Blao còn là một thị trấn nhỏ; nhà của dân chúng và các cửa tiệm bán trà đặc sản của Blao ở hai bên đường Quốc lộ 1, từ đầu dốc đến cuối dốc độ hơn nửa cây số là hết phố xá. Nối tiếp là rừng thông hoặc đồi trà. Nhà của những lao công hái trà hay lao công làm trong nhà máy chế biến trà thì cất rải rác trong đồn điền trà hoặc ở bìa rừng thông. Nơi đây chỉ có nhà thờ Bảo Lộc và các giáo xứ Thanh Xá, Hòa Phát, Thánh Tâm chớ không có chùa hay Tịnh xá nên không kiếm đâu ra được một hòa thượng để tụng kinh theo lời yêu cầu của bà. Trước sự thành tâm khẩn khoản rước hòa thượng của đoàn hát tụng kinh cho mẹ của ông thượng sĩ cảnh sát, nghệ sĩ kiêm hòa thượng Thanh Tao không biết phải làm sao cho phải. Bà Bầu Thơ khuyên anh Thanh Tao cứ đi niệm Phật là đủ rồi, anh nên mặc áo cà sa, đội mũ hòa thượng, vác cây thiền trượng và mang chuông mõ, nhang đèn đi như hòa thượng đi tụng kinh làm đám thiệt.

Nghệ sĩ Thanh Tao rất khổ tâm, anh biết niệm Nam Mô A Di Đà Phật, biết đọc một đoạn kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa như trong tuồng hát, còn ngoài ra không thuộc kinh kệ nào khác, anh sợ phụ lòng gia chủ, nhất là bà cụ đang hấp hối, muốn nghe kinh Phật để được siêu thăng tịnh độ, anh dối gạt bà cụ thì anh có tội với Phật trời.

Nghệ sĩ Hữu Phước, Hoàng Giang và tôi cũng nói vô, mình là nghệ sĩ tha phương cầu thực, ở đâu cũng là nhà, dân ở vùng mà đoàn hát đến hát cũng giống như bà con láng giềng với mình, đi cầu siêu, đọc kinh hay chỉ niệm Phật cho người hấp hối với lòng thành thì cũng là làm một việc thiện. Nếu anh Thanh Tao đi tụng niệm theo yêu cầu của ông thượng sĩ thì nhóm chúng tôi theo ủng hộ tinh thần anh.

Nghệ sĩ Thanh Tao bèn mặc áo cà sa, đội mũ hòa thượng, hóa trang nét mặt như khi hát trên sân khấu, xách cây thiền trượng. Chúng tôi giúp anh mang theo chuông, mõ, nhang, đèn cầy rồi cùng lên xe commandcar của ông thượng sĩ, anh Y tá Be xách theo ba lô thuốc đi theo ông chủ Hữu Phước của anh.

Nhà bà cụ ở phía sau quán trà bên bờ hồ Blao. Sương đêm dầy đặc, đứng cách nhau năm thước cũng khó mà thấy nhau. Ông thượng sĩ rồ máy xe, bật đèn pha sáng rọi đường cho chúng tôi vô nhà. Cô Hương nghe tiếng xe, biết là cha cô về. Khi thấy ông hòa thượng bước vô nhà, cô chấp tay vái, niệm phật hiệu rồi la lớn: Nội ơi, có hòa thượng đến tụng kinh cho Nội kìa. Chúng tôi nghe tiếng lắp bắp của bà cụ: Nam mô…. Phật…

Bà cụ nằm trên giường đặt sát vách. Gần đó có một bàn thờ nhỏ thờ Phật Quan Âm. Trên bàn thờ một cái đèn cóc cháy leo lét. Bà cụ thở khó nhọc, tay chân lạnh. Ông thượng sĩ định đỡ bà ngồi dậy nhưng hòa thượng Thanh Tao nói để bà cụ nằm yên, anh đốt đèn cầy trên bàn thờ Phật, thắp nhang, vái lạy Phật, rồi ngồi xếp bằng trên chiếu dưới đất trước bàn thờ, gõ chuông một hồi rồi gõ mõ nhẹ nhẹ, tụng kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Tiếng tụng kinh khi lớn, khi nhỏ, đúng âm điệu của các hòa thượng chân tu khi làm pháp đàn.

Y tá Be và Hữu Phước thăm hỏi cô Hương về bịnh đột ngột của bà cụ, được biết buổi chiều sau khi dùng cơm, bà cụ than là bị ợ chua, khó chịu. Vãn hát về, bà cụ ăn một viên bánh trôi nước (bánh cúng ban chiều) rồi vô nằm ngủ, nhưng sau đó bà kêu nhức đầu, khó thở. Trong khi hòa thượng Thanh Tao tụng kinh, y tá Be nói riêng với Hữu Phước và tôi, theo anh đoán thì bà cụ bị bịnh ăn không tiêu, anh có đem theo thuốc tiêu mặn (Alka Selzer), khi bà cụ muốn uống nước, anh pha thuốc trong ly rồi cho bà cụ uống.

Ông hòa thượng Thanh Tao ê a tụng kinh, thái độ nghiêm trang, thành khẩn làm cho bà cụ, ông thượng sĩ và cô Hương thêm tin tưởng là Phật Bà Quan Âm sẽ cứu khổ cứu nạn cho bà cụ. Ông thượng sĩ và cô Hương quỳ sau lưng hòa thượng, thỉnh thoảng lạy Phật khi nghe hòa thượng gõ chuông.

Độ nửa giờ sau, bà cụ bớt khó thở, bà ngồi dậy và muốn lạy trước bàn thờ Phật. Hòa Thượng chờ bà cụ lạy xong ba lạy, gõ chuông hoàn tất buổi tụng niệm cầu an.

Ông thượng sĩ mừng quá, đỡ mẹ vô giường rồi bảo cô Hương nấu cháo cho chúng tôi ăn trước khi ra về. Nhưng chúng tôi cám ơn vì đã quá khuya, để bà cụ ngủ mà chúng tôi cũng phải về ngủ vì sau đêm hát là quá mệt. Y tá Be lấy một viên laxatif mùi cam, quậy tan trong ly nước nhỏ cho bà cụ uống, anh nói đó là thuốc an thần, giúp cho ngủ ngon.

 Sáng ra, chúng tôi đến quán ăn sáng như thường lệ, cô Hương cho biết đêm đó bà cụ đi tiêu được, rồi ngủ đến sáng. Bà tin tưởng nhờ thời kinh của ông hoà thượng Mục Liên tụng mà bà thoát chết. Bà cụ không cho cô Hương thu tiền ăn buổi sáng đó nhưng chúng tôi nài nỉ cô Hương nhận tiền vì bà cụ tai qua nạn khỏi là nhờ nơi Phật Bà và phước đức của gia đình.

Ông thượng sĩ thấy mẹ khỏi bịnh, ông kể cho bà con khu phố biết chuyện ông đích thân rước hòa thượng tụng kinh cầu an cho mẹ nên bà tai qua nạn khỏi. Dân trong khu phố và khán giả đổ xô đến trang trại nơi đoàn hát ở để nhìn mặt ông hòa thượng Mục Liên. Họ yêu cầu đoàn hát tái diễn vở Mục Liên Thanh Đề. Hai đêm hát tái diễn đó, bà chủ mua dàn hát lời to vì khán giả đến xem nghẹt rạp
 

Khán giả xem hát thường lẫn lộn giữa cái giả của sân khấu giống như cái thật ở ngoài đời. Bà cụ, ông thượng sĩ, cô Hương và một số đông khán giả nghe ông thượng sĩ kể chuyện đều tin là nhờ lòng thành của ông hòa thương khi đọc kinh cầu an mà Mẹ của thượng sĩ tai qua nạn khỏi.

Nghệ sĩ Thanh Tao, sau khi đọc kinh mà bà cụ thoát chết, anh tin là anh có duyên nghiệp với đạo Phật. Khi đoàn Thanh Minh hát từ miền Trung trở về Saigon, sau tuần lễ hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, nghệ sĩ Thanh Tao rời đoàn hát, cạo đầu quy y Tam Bảo, tu hành ở chùa nghệ sĩ thuộc quận Gò Vấp. Nghệ sĩ Thanh Tao trở thành hòa thượng Thích Quảng Minh, vị hòa thượng đầu tiên trụ trì Pháp Quang Tự (chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp).

Thượng Tọa Thích Quảng Minh, thế danh Lê Thanh Tao, sanh năm 1914, mất ngày 11 tháng 9 năm 1987, hưởng thọ 73 tuổi, được an táng tại Nghĩa trang Nghệ Sĩ ở quận Gò Vấp.

Chuyện ngày xưa, ảo ảnh và sự thật.

Soạn giả Nguyễn Phương

Cuối tháng 8/2017



Nguồn tin: Soạn giả Nguyễn Phương - TB - CLVNCOM TB
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).

 

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.