Đang truy cập : 127
•Máy chủ tìm kiếm : 20
•Khách viếng thăm : 107
Hôm nay : 25068
Tháng hiện tại : 387041
Tổng lượt truy cập : 88904501
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
GSTS Trần Văn Khê
Chiều 12/6, chia sẻ với VnExpress, Giáo sư Trần Quang Hải (con trai trưởng của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê) cho biết trước khi Giáo sư Trần Văn Khê rơi vào tình trạng nguy kịch, ông đã lập bản di nguyện (gồm mười hai mục) nêu rõ ràng mong ước về các nghi lễ an táng và vấn đề hậu sự khi ông ra đi.
Theo đó, chiều ngày 5/6, tại Phòng hồi sức của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM, theo yêu cầu của Giáo sư Khê, bà Lư Ngọc Thu (thuộc Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân) tiến hành lập vi bằng việc ông trao lại cho con gái út của mình là bà Trần Thị Thủy Ngọc bản di nguyện cuối đời cùng bản kiểm kê các tài sản, hiện vật, tư liệu... tại nhà của ông.
Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Thoại Hà |
Giáo sư Khê nêu rõ, khi ông vĩnh viễn ra đi, căn nhà ở đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM, nơi ông ở hiện tại được dùng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Điều này được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa giáo sư và bà Trương Ngọc Thủy, Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và phó giám đốc Sở Văn Hóa - Thông tin TP HCM trước đây). Tất cả những hiện vật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của ông từ Pháp mang về Việt Nam như: sách vở, báo chí, đĩa hát các loại, phim ảnh, nhạc khí, máy ghi hình, máy ghi âm, tranh, hình ảnh... được giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm này.
"Tôi ao ước các thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại", Giáo sư Khê ghi trong di nguyện. Ông cũng nhấn mạnh mong muốn sự nghiệp tinh thần, các hiện vật, tài liệu, vật dụng của mình để lại được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam đúng với nguyện vọng và hoài bão của ông.
Về việc chuẩn bị tang lễ của mình, giáo sư Khê mong muốn chủ tang là con trai Trần Quang Hải - người được toàn quyền quyết định mọi việc. Ông cũng đề nghị lập một tiểu ban lo cho vấn đề tang lễ, trong đó có sự góp mặt của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương). Ông mong mỏi linh cữu của ông được quàn tại tư gia. Tại tang lễ, có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông cùng hòa tấu một buổi đặc biệt. Về khoản tiền phúng điếu cho tang lễ, giáo sư bày tỏ mong muốn ban tang lễ dùng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người được giải thưởng về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Khê đang được điều trị tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Phạm Dũng |
Giáo sư Trần Văn Khê nhập viện ngày 27/5 vì suy tim và viêm phổi nặng. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Trước tình huống nguy kịch, ông được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim. Tin ông bệnh nặng lan truyền nhanh chóng trong và ngoài nước. Nhiều khán giả đang lo lắng, cầu mong cho vị giáo sư 94 tuổi có thể vượt qua được lần nhập viện này.
Việc giáo sư Khê đổ bệnh nặng được chính quyền thành phố và Sở Y tế TP HCM đặc biệt quan tâm. Ông Võ Văn Thưởng - Phó bí thư thường trực Thành ủy - cho biết Thành ủy đã chỉ đạo về việc chăm sóc sức khỏe cho Giáo sư Khê, toàn bộ chi phí chữa trị cho giáo sư do thành phố chịu trách nhiệm.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh ra trong gia đình có bốn đời là nhạc sĩ truyền thống tại Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Năm sáu tuổi, ông đã biết đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Gia đình ông có nhiều nhân vật là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, như: ông nội Trần Quang Diệm, cha là ông Trần Quang Chiêu và cô của ông là Trần Ngọc Viện - người sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ Ban. Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6/1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris). Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức. Có 43 nước trên thế giới đã mời Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở nước ngoài, giáo sư Khê luôn đau đáu việc làm thế nào giữ gìn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm góp nhiều công sức đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới. Cho đến khi quay về Việt Nam sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này. Giáo sư Trần Quang Hải, con trai ông, cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng. |
Thoại Hà
Ở tuổi 94, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đang bệnh rất nặng và được điều trị tại phòng hồi sức đặc biệt của một bệnh viện ở TP HCM. Ê-kíp bác sĩ tận tình dốc sức chữa bệnh cho ông. Những ngày qua, trên mạng xã hội, khán giả bày tỏ nhiều tình cảm với Trần Văn Khê, cầu mong ông mau chóng khỏe lại để tiếp tục các kế hoạch truyền bá, lưu giữ âm nhạc dân tộc.
Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công lớn trong quảng bá âm nhạc Việt Nam - âm nhạc dân tộc các nước.
Nghiên cứu, hoạt động diễn thuyết về âm nhạc trong hơn nửa thế kỷ đòi hỏi đòi hỏi ông phải có sức khỏe rất lớn. Tuy vậy, ngay từ những năm ngoài 30, ông đã bị bệnh tật tấn công. Trong hồi ký, ông dành nhiều trang nói về giai đoạn phải nỗ lực vượt qua bệnh tật từ năm 30 tuổi. Nhiều lúc, vị giáo sư này rơi vào tình trạng "thập tử nhất sinh", nhưng ông đều tìm mọi cách vượt qua để theo đuổi công việc nghiên cứu vốn khó nhọc.
Trái: Giáo sư Trần Văn Khê tập thể dục trong bệnh viện dưỡng lao tại Pháp khi ông 32 tuổi. Phải: Giáo sư Khê mua máy ghi âm để thực hiện công việc nghiên cứu âm nhạc ngay tại bệnh viện. Ảnh tư liệu chụp năm 1953 |
Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học. Thời kỳ đầu ông định tiếp tục ngành Y, ngành học ông đang theo đuổi trong nước. Tuy vậy, do điều kiện không thuận lợi để xin học bổng, ông đăng ký học trường Chính trị Paris và luôn là sinh viên giỏi.
Năm 1951, khi Trần Văn Khê nằm trong số mười lăm sinh viên đậu đầu niên khóa trường Chính trị Pháp và được chọn làm thư ký chuyên Luật Quốc tế, ông phát hiện mình bị sưng ruột thừa, phải mổ gấp. Từ lúc này, chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật của ông bắt đầu khi bác sĩ tiếp tục phát hiện ông bị lao màng bụng.
Bệnh tật là một "cơ duyên" khiến ông gắn bó với công việc nghiên cứu
Vì sức khỏe kém, ông được chuyển vào bệnh viện Hôpital de la Cité Universitair. Tại đây, ông bị phát hiện mắc bệnh lao thận nên được chuyển sang Nhà dưỡng lao dành cho sinh viên. Nằm ở đây, sinh viên được tạo điều kiện vừa dưỡng bệnh vừa có thể tiếp tục việc học ở đại học mà không bị gián đoạn.
Giai đoạn này, do chưa biết phải điều trị trong bao lâu, Trần Văn Khê quyết định ghi tên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne."Tôi không muốn uổng phí thời gian", ông tâm sự. Đề tài ông chọn là "Âm nhạc dân tộc Việt Nam". Giáo sư cho rằng trong khi các bạn ông đang quay cuồng vì cơm áo gạo tiền ngoài cuộc sống, "nhờ bệnh", nằm trong môi trường cách ly với bên ngoài, ông có thời gian dùi mài kinh sử, đào sâu vào thế giới nhạc dân tộc, quay trở lại với nguồn cội âm nhạc mà bốn đời gia tộc ông đam mê.
Sau đó, Trần Văn Khê được chuyển về điều trị tại Trung tâm Đại học chữa bệnh cho sinh viên bị lao không truyền nhiễm (Centre Universitaire de Cure pour non contagieux) ở vùng Aire sur L'Adour, cách Paris hơn 600 km. Dù bệnh tình trầm trọng có lúc khiến ông xuống tinh thần, ông vẫn dùng ý chí, văn, thơ và lời ca tiếng nhạc làm chỗ dựa. Ông còn tích cực hoạt động trong đài truyền thanh nội bộ của bệnh viện, kể truyện vui, chuyện cổ tích, nói về âm nhạc dân tộc Việt Nam cho mọi người cùng nghe.
Tình trạng sức khỏe của ông có lần trải qua sự việc khá li kỳ. Sau mùa xuân năm 1952, bệnh tình ông ngày càng trở nặng và có thêm nhiều biến chứng, vi trùng lao tấn công, thận bị lủng lỗ lớn, ống dẫn nước tiểu bị xơ cứng. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán ông cần cắt bỏ thận bên phải để tránh lây sang thận trái.
Giáo sư Trần Văn Khê trong một lần giao lưu với các bạn trẻ TP HCM, ông nói, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là cách để bày tỏ lòng yêu nước. Ảnh: Thoại Hà |
Trước khi chờ phẫu thuật, ông xin phép bác sĩ cho ông có thời gian thư giãn. Ông cùng ba người bạn Việt Nam lái xe đi qua vùng miền duyên hải miền Tây Nam nước Pháp để thăm thú. Trên đường, cả nhóm bị xe ngược chiều lạc tay lái đâm và va vào gốc cây. Mọi người nằm bất tỉnh bên vệ đường suốt bảy giờ đồng hồ mới có người phát hiện đưa đi cấp cứu. Một thời gian sau khi làm kết quả xét nghiệm để chờ mổ thận lại thì bác sĩ rất ngạc nhiên là lỗ hổng trong thận của ông tự lành, vi khuẩn lao trong nước tiểu cũng hết. Sau một tháng sau khi bị đâm xe, sức khỏe ông gần như trở lại bình thường...
Điều kỳ lạ này càng khiến cho Trần Văn Khê thêm niềm tin vào sức mạnh và sự lạc quan của bản thân.
Tuy vậy, ở chặng đường dài sau đó, ông tiếp tục sống chung với các căn bệnh trĩ, thận, tiểu đường, lệch khớp cột sống, sạn thận... Những câu thơ Thiền, âm nhạc và ý chí luyện tập thân thể luôn là "bài thuốc" giúp ông hồi phục lại sức khỏe. Ông chia sẻ, trải qua các cơn bệnh thập tử nhất sinh, nhưng tinh thần ông luôn vững vàng vì "tin tưởng vào sức đề kháng của cơ thể cộng với quyết tâm muốn sống để còn có thể làm được nhiều chuyện".
Thoại Hà
ong di nguyện lập ngày 5/6, giáo sư Khê mong tiền phúng điếu tại tang lễ ông được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng cho người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc