Chiều 19-11, trong các chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa du lịch Bạc Liêu, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VH-TT-TT-DL) tỉnh Bạc Liêu tổ chức tọa đàm "Bản Dạ cổ hoài lang - Góc nhìn người làm báo" nhân kỷ niệm 100 năm ra đời của bài hát (1919-2019).

Bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết Bạc Liêu là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng, có di sản đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh và cũng là nơi sản sinh ra bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ.

"Chúng tôi rất vui mừng khi Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh tổ chức tọa đàm bản "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 với ý nghĩa tôn vinh và tri ân công lao của thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhệ thuật cải lương" - bà Sang bày tỏ.

100 năm bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang - Ảnh 1.

Các nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử trên sân khấu tại buổi tọa đàm

 

Cũng theo bà Sang, các ý kiến từ buổi tọa đàm sẽ giúp Bạc Liêu có nhiều đổi mới tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị bản "Dạ cổ hoài lang"; giúp địa phương có nhiều tư liệu quý để đề nghị Bộ VH-TT-TT-DL xem xét công nhận bản "Dạ cổ hoài lang" là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bà Cao Xuân Thi Vân, Giám đốc Sở VH-TT-TT-DL, nhìn nhận một trăm năm tồn tại, với sức mạnh nghệ thuật của mình, "Dạ cổ hoài lang" trở thành viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân tộc. Với tư cách là bài ca "vua" trong tất cả bài cổ nhạc góp phần thúc đẩy cho phong trào đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, "Dạ cổ hoài lang" không chỉ làm sâu sắc và bề thế nền văn hóa Bạc Liêu mà còn góp phần làm vinh dự cho nền âm nhạc dân tộc.

Theo thống kê, hiện có gần 30.000 người chơi đờn ca tài tử trong vài ngàn câu lạc bộ, nhóm, đội đờn ca tài tử. Thực tế con số này có thể nhiều hơn vì không phải ai cũng đăng ký và cũng không cần đăng ký. Ít nhất có 21 tỉnh, thành phố ở phía Nam đang phát triển mạnh đờn ca tài tử. Riêng tại tỉnh Bạc Liêu đã có gần 70 câu lạc bộ, nhóm, đội đờn ca tài tử. Không gian chơi đờn ca tài tử phổ biến nhất là trong nhà, ngoài vườn; thậm chí trên sông nước. 

Bài và ảnh: Phúc Nguyên