06:00 PDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 159

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 154


Hôm nayHôm nay : 10791

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1082988

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76898366

Trang nhất » Tin Tức » Văn Thơ Tản Mạn

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Xem tiếp...

“Sến” hay “Sang”?

Đăng lúc: Thứ năm - 09/02/2017 03:21 - Đã xem: 4378
“Sến” hay “Sang”?

“Sến” hay “Sang”?

Kho từ vựng Sài Gòn xưa có một thuật ngữ đã đi sâu vào cuộc sống và cho đến ngày nay người ta vẫn còn dùng với hàm ý miệt thị, chê bai hay chí ít cũng là đánh giá thấp. Chỉ một chữ “Sến” cũng đủ để gây nhiều chuyện bất bình, thậm chí còn khiến người ta phải đỏ mặt tía tai vì tranh cãi.

Một bức thư tình mùi mẫm với những lời lẽ như “… đêm nay trăng thượng tuần lên cao, anh nhớ em vô vàn, em có biết chăng em một kẻ si tình đang độc hành trong đêm lạnh lẽo?” sẽ bị cho là “thư viết theo kiểu… sến”. Nhiều người cho rằng tán gái theo kiểu sỗ sàng “Em đi đâu đó cho anh theo cùng?” cũng là một cách tống tình theo kiểu… sến. Cô gái áo quần lòe loẹt có tông màu xanh đỏ chỏi nhau thế nào cũng bị xem là “diện theo kiểu… sến”.

Bước sang hội họa, họa sĩ Trịnh Cung lại khẳng định, “Trong tranh vẫn có “sến” chứ! Ví dụ như tranh của họa sĩ Lê Trung trước đây. Ông thường vẽ phụ nữ ngực tròn, mặc áo bà ba đội khăn hoặc nón rất Sài Gòn. Nói chung là bình dân…”. Tranh vẽ của Lê Trung (1) thường xuất hiện trên các báo “lá cải” như Phụ nữ Diễn đàn,  Sài Gòn Mới… và dĩ nhiên những tạp chí này cũng được xếp vào loại báo… sến!
 
Nhưng trước hết chúng ta hãy thử tìm hiểu nguồn gốc của chữ “sến”. Cho đến nay, có rất nhiều cách giải thích trong việc truy tầm từ nguyên.


Giáo sư Cao Xuân Hạo (2) giải thích, “Theo tôi, gốc của từ ‘sến’ phải bắt đầu từ chữ ‘sen’ trong nghĩa con sen, là đứa ở, con ở […] Còn nếu ứng dụng vào văn chương, nghệ thuật thì ám chỉ khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị.”.

Lối giải thích từ “sen” biến thành “sến” có thể tạm chấp nhận nhưng kể cũng lạ khi giáo sư Hạo theo chuyên ngành ngôn ngữ học lại dùng cụm từ “khẩu vị thấp hèn”. Thường khi nói đến “khẩu vị” người ta liên tưởng đến cái “gu” trong ăn uống chứ làm sao lại có được “khẩu vị” trong văn chương, nghệ thuật?
 
Có một cách giải thích khác, không mang tính học thuật như giáo sư Cao Xuân Hạo, mà lại dựa vào thực tế hồi đầu thập niên 60 tại Sài Gòn. Đó là thời thịnh hành của bộ phim Anh em nhà Karamazov (The Brothers Karamazov), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga, Fyodor Dostoyevsky.
 
Trong phim có cảnh một vũ nữ hộp đêm vừa múa vừa hát bài Mambo Italiano theo điệu mambo – cha cha cha. Cô vũ nữ mặc y phục “nghèo nàn”, thân hình bốc lửa, tóc tai rũ rượi, gào thét và rên rỉ, quằn quại và khiêu khích… Diễn viên đóng vai vũ nữ ấy là Maria Schell trước đó chưa hề nổi tiếng nhưng nhờ màn múa đầy ấn tượng này, tên cô được quảng cáo ngang hàng với tài tử Yul Brynner của Hollywood.
Phim chiếu tại các rạp ở Sài Gòn cả tháng vẫn chưa hết người xem, sau đó bắt đầu xuất hiện những người ái mộ Maria Schell. Người ta nói, cái tên Maria Schell được Việt hóa thành “Mari Sến”.
 
Tôi không tin là như vậy. Sến xuất hiện trong ngôn ngữ Sài Gòn ngay sau khi có cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc vào Nam năm 1954, nghĩa là trước khi phim anh em nhà Karamazov đến Sài Gòn. Trước 1954, người miền Bắc dùng từ “con sen” để chỉ người giúp việc trong khi miền Nam gọi là “ở đợ” và ngày nay còn được gọi là “Ô-Sin”.
“Sen” thường là những cô gái quê, con nhà nghèo, ít học, phải ra Hà Nội để kiếm sống bằng nghề giúp việc nhà. Sau 1954, “Sen” cũng di cư vào Nam. Ở Sài Gòn khi đó nước máy chưa được đưa tới từng nhà nên chiều chiều các cô sen lại tụ tập quanh máy nước (fontaine) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên “Mari-Phông-tên”.
 
Và Mari Sến hay Mari Phông-ten cũng đã đi vào thơ văn. Một nhà thơ nào đó đã không hết lời ca tụng người em… Sến:
 
Em phải là người em Sến không
Sao môi em đỏ, ngực em phồng
Thân hình ngào ngạt mùi son phấn
Anh muốn gì em, em biết không?
 
Cũng có giải thích đại loại như Sến bắt nguồn từ tiếng Anh “sentimental”, có nghĩa là đa cảm, ủy mị… Tôi không tin là như vậy vì sentimental hoàn toàn không hàm ý miệt thị, chê bai còn Sến của ta lại mang đậm nét mỉa mai, châm biếm. Nói theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan: “sến” là biểu hiện những dạng thị hiếu thẩm mỹ dưới mức trung bình.
 
Cứ như thế, chữ “sến” bị lạm dụng trong ngôn ngữ hàng ngày để gán cho những gì thuộc loại “hạ cấp” theo suy nghĩ của người sử dụng từ ngữ. Nổi bật nhất trong lãnh vực âm nhạc là “trường phái” nhạc… sến khởi đầu từ thập niên 60 với tiết điệu boléro, rumba… Những nhạc sĩ tiêu biểu của trường phái này có thể kể đến Lam Phương, Hồ Đình Phương, Vinh Sử, Thanh Sơn…
 
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, điệu bolero mang âm hưởng bình dị của dân ca Nam Bộ: “Phần đông ca sĩ, nhạc sĩ là người miền Nam nên hát và viết bài hát mang chất dân ca bình dân của người Nam. Họ viết nhạc phần đông ở giọng thứ, khi hát với bolero, nó đúng cái nhịp của người miền Nam. Dân ca miền Nam rất hợp bolero. Bên tân cổ giao duyên, phần đông hát vọng cổ xong đều chuyển qua bolero. Hai cái đó dính liền, pha với nhau. Từ đó có âm hưởng bolero trong âm nhạc Việt Nam”.
 
Bình luận về điệu bolero của Nguyễn Ánh 9, một nhạc sĩ người miền Nam, lại gợi đến một ý cho rằng những người Bắc di cư năm 1954 không thích nhạc phẩm do người Nam sáng tác, họ cũng không quen với cách phát âm của các ca sĩ người miền Nam khi hát. Ngoài ra, họ lại sợ cạnh tranh với nhạc tiền chiến của những nhạc sĩ người miền Bắc nên mới đặt ra danh từ “Nhạc Sến” với ý chê bai.
 
Nhà thơ Hữu Loan, người miền Bắc, làm bài thơ Mầu tím hoa sim rất nổi tiếng nói về một cô gái lấy chồng đi bộ đội, chồng không chết mà cô ta chết. Một chuyện tình rất lâm ly vào thời kháng chiến với kết cuộc:
 
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương.
 
Bài thơ này được phổ nhạc thành 2 nhạc phẩm: Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh (nguời miền Nam) và Áo anh sứt chỉ đường tà, của Phạm Duy, người Bắc. Áo anh sứt chỉ đường tà với âm điệu lên xuống, luyến láy, rất khó hát và hình như chỉ  những giọng ca điêu luyện của Vũ Khanh, Sĩ Phú, Duy Quang, Duy Trác, Elvis Phương mới thành công còn Những đồi hoa sim thì ca sĩ nào cũng có thể hát được, từ Phương Dung, Tuấn Vũ cho đến Thanh Tuyền, Như Quỳnh…
 
Trong trường hợp này, nếu làm một cuộc khảo sát bỏ túi về sự lựa chọn giữa “nhạc sến” và “nhạc sang”, ta sẽ có ngay kết quả: Những đồi hoa sim là “nhạc sến”. Nhưng thiết nghĩ, đó là sự lựa chọn mang tính cách “địa phương” của những người có gốc từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.
 
Sự khác biệt về cá tính giữa người Nam và người Bắc nói riêng và giữa hai miền Nam-Bắc nói chung là người miền Nam thì bình dị, thường nói “huỵch tẹt” ý nghĩ của mình, trong khi Bắc Kỳ thì lại khách sáo, ưa nàu mè… trong lòng muốn lắm nhưng ngoài mặt cứ giả vờ như không.
 
Lời ca của dòng nhạc bolero miền Nam rất bình dân, mộc mạc, dễ nhớ và cũng dễ hát. Đó là những lời chân thực từ trái tim, chẳng hạn như trong bài Duyên kiếp của Lam Phương, cô gái cất tiếng hát “Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao, biển rộng biết đâu mà tìm…” hoặc bài Quen nhau trên đường về của Thăng Long có câu “Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng…”.
 
Rõ ràng là nhạc sến không có triết lí cao siêu, mà toàn là những câu, những chữ mà ngay cả anh xích lô và chị “buôn thúng bán mẹt” ngoài chợ có thể hiểu được vì đó là những lời… “nghĩ sao nói vậy”: “Tại anh đó nên duyên mình dở dang, em nào mộng mơ quyền quý cao sang…” hoặc “Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau. Tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu…”.
 
Theo nhiều người, ca khúc Người yêu cô đơn của Đài Phương Trang là một bản nhạc “đặc sệt” chất sến. Nghe Chế Linh than thở, rên rỉ khiến có người nghe phải… rùng mình, rợn tóc gáy, nổi da gà:

“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn / Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành / Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang / Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi… Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây / Tôi không hề trách đời hay giận đời mau đổi thay” (3).
 
Cũng trong Người yêu cô đơn được remix với tiết tấu nhanh hơn pha trộn những đoạn “nói lối” theo kiểu rap, ca sĩ Ken Nguyễn đã khiến bài hát bớt đi chất sến và dĩ nhiên là được nhiều người chấp nhận (4).

Thế cho nên, sến hay không là còn tùy cách trình diễn của người hát chứ không phải “một khi bản nhạc đã sến thì ai hát cũng vẫn là sến”!  

Ở một thái cực tương phản, cái gọi là nhạc “sang” lại dùng những ca từ mà chính những người “trí thức” cũng không hiểu hết những gì mình hát.

Mấy ai đã cảm nhận hết những câu hát đại loại như “Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi” hoặc “Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua”.

Tôi nghĩ, ngay chính bản thân người nhạc sĩ khi viết những lời như trên sẽ lúng túng khi có người cắc cớ nhờ giải thích cho rõ!

Phạm Duy với ca khúc Giết người trong mộng là một trường hợp khác hẳn. Từ bài thơ Hành khất của Hàn Mặc Tử ông đã phổ nhạc thành một bài hát mang sắc thái “sắt máu”, lập đi lập lại những động thái “giết người”, “giết người đi”… để “trả thù duyên kiếp phũ phàng” và để trừng phạt kẻ “quên tình nghĩa phu thê”.
 
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?
 
Có lẽ không ai coi Giết người trong mộng là nhạc sến nhưng nhiều người vẫn không thoải mái khi phải hát những câu giết chóc từ đầu đến cuối bài hát. Bảo Giết người trong mộng là nhạc sang lại càng không đúng vì nó thiếu tư tưởng “hàn lâm” của một bản nhạc sang trọng.
 
Cũng cần phải nói thêm, miền Nam trước đây có tới hai dòng nhạc chính. Đầu tiên là Nhạc Vàng và tiếp đến là Nhạc Sến. Vào đầu thập niên 60, nhạc sĩ Phó Quốc Lân cho ra mắt ban Nhạc Vàng trên đài truyền hình Sài Gòn, ông cũng là tác giả những bản nhạc như Xuân ly hương, Hương lúa miền Nam, Mong ngày anh về, Vui khúc tương phùng…
 
Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với tên gọi “Nhạc Vàng” như Hương Giang, Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, và Shotguns của Ngọc Chánh. Tại miền Nam, nhạc vàng khi đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu, có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của người lính chiến.
 
Những tác giả với tên tuổi gắn bó với Nhạc Vàng phải kể đến Phạm Duy, Văn Phụng, Anh Bằng, Nguyễn Văn Đông… và thế hệ nhạc sĩ kế tiếp là Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trần Thiện Thanh…


Đó cũng là thời của các ca sĩ như Thái Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Khánh Ly, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Giao Linh, Thanh Lan, Hùng Cường và Mai Lệ Huyền…

Chế Linh hát nhạc “sến” hay “sang”?
 
Thời của Nhạc Vàng nổi bật với những ca khúc đã đi sâu vào tâm thức người miền Nam như Giọt mưa trên lá (Phạm Duy), Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)…
 
Ở Miền Bắc, dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, từ thập niên 1950 đã du nhập khái niệm “nhạc màu vàng” từ Trung Hoa và bị coi “là thứ âm nhạc lãng mạn, bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp hèn”. Phong trào bài trừ “nhạc màu vàng” dưới thời Mao Trạch Đông cũng lan sang miền Bắc nên dòng nhạc tiền chiến thịnh hành trước năm 1954 cũng phải câm nín vì bị cấm.
 
Sau khi Sài Gòn sụp đổ, nhạc vàng gần như biến mất và thay vào đó là… nhạc “đỏ” của cách mạng. Thật ra thì nhạc vàng vẫn sống trong lòng người Sài Gòn qua những khúc hát nghêu ngao từ cửa miệng người dân, hoặc nghe trộm qua BBC, VOA hoặc nghe lén qua băng cassette còn sót lại sau chiến dịch “bài trừ văn hóa đồi trụy”.
 
Mãi đến khi bắt đầu thời kỳ Đổi Mới thì các loại nhạc vàng, nhạc sến mới dần dà được chính quyền “xét lại” và cho phổ biến một cách hạn chế, tùy theo tác giả và tác phẩm.


Năm 1986, lần đầu tiên nhà nước cho ra danh mục 36 tác phẩm âm nhạc của Miền Nam trước kia nay được phép công khai trình diễn. Danh sách này sang thập niên 1990 thì bỏ, thay vào đó là danh sách nhạc cấm có liên quan đến người lính Việt Nam Cộng hòa.

Cơ quan văn hóa đề nghị cổ xúy nhạc xanh, tức nhạc trẻ của thời đại Đổi Mới, nhưng xem ra không thành công. Trong khi đó, số người nghe nhạc vàng ngày càng đông, không chỉ ở phía nam vĩ tuyến 17, ở hải ngọai mà cả ở miền Bắc, thậm chí còn theo chân người Việt đi lao động ở Liên Xô và Đông Âu vào thập niên 1980.
 
Sang thế kỷ 21, những nhà kinh doanh và tổ chức ca nhạc trong nước đã thực hiện nhiều buổi trình diễn nhạc vàng, họ đưa ca sĩ từ hải ngoại về hát. Vào tháng 8/2010 hai ca sĩ mà tên tuổi gắn liền với nhạc sến là Hương Lan và Tuấn Vũ đã trình diễn những bản nhạc vàng ở Nhà hát Lớn Hà Nội suốt nửa tháng trời với giá vé lên đến 1,7 triệu mà mỗi suất vẫn kín chỗ.
 
Trong một bài phỏng vấn, “Vua Nhạc Sến” Vinh Sử đã lên tiếng: “Với tôi, không hề có “nhạc sến” mà chỉ có nhạc hay và nhạc dở mà thôi (đương nhiên nhạc hay mới có giá trị). Nếu từ “nhạc sến” là dùng để chỉ dòng nhạc dành cho giới bình dân thì tôi chịu lắm và tôi rất tự hào khi được rộng rãi quần chúng hát nhạc của mình”.
 
Theo nhạc sĩ Vinh Sử, ở Sài Gòn trước 1975, giới làm nhạc rất dễ kiếm tiền. Tiền tác quyền một bản nhạc có khi mua được cả một chiếc xe hơi, nhạc sĩ lại được “đặt hàng” tới tấp, do vậy mới nảy sinh ra loại “nhạc thị trường” được viết theo kiểu “mỳ ăn liền”. Đó chính là thời kỳ Vinh Sử tung ra các ca khúc như Nhẫn cỏ cho emYêu người chung váchTrả nhẫn kim cương
 
Sau 1975, nhạc của Vinh Sử có “e” (air) nhạc dân gian, mang âm hưởng cổ nhạc, chẳng hạn như Tình ngoạiBằng lòng đi emĐể tóc nàng ngủ yênQua ngõ nhà emLàm dâu xứ lạNhành cây trứng cá… Vinh Sử than thở:

“Cái đẹp của quê hương mình sao mình lại không ngợi ca, tôn vinh mà lại dè bỉu là… “sến”? […] Tôi đã từng nói: “Bao giờ nước mình giàu, không còn người đạp xích lô, thợ hồ, ô sin… lúc đó tôi sẽ viết… nhạc sang!”
 
 
Nhạc sĩ Vinh Sử
 
Có người lại quả quyết nhạc sến được khai thác từ cổ nhạc. Điều này tôi nghĩ không chính xác vì cổ nhạc, chẳng hạn như vọng cổ, viết theo ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cống), còn tân nhạc nói chung và điệu boléro nói riêng có đến 7 nốt (do, re, mi, fa, sol, la, si). Phải chăng kết luận như thế vì sự lầm lẫn khi nghe những bài “tân cổ giao duyên” nên cứ tưởng là phần tân nhạc lấy từ cổ nhạc (?).
 
Nếu nhạc sĩ Vinh Sử được phong tặng là “Vua Nhạc Sến” thì ngôi vị “Nữ Hoàng Nhạc Sến” chắc phải dành cho ca sĩ Hương Lan, con gái của kép cải lương Hữu Phước.


Hương Lan vào nghề hát từ ngày hãy còn là “Em bé Hương Lan” và đã được rất đông người ngưỡng mộ với chất giọng miền Nam mượt mà, mùi mẫm. Tuy nhiên, cũng có những người không thích vì họ cho là cô chuyên hát dòng nhạc sến. Ca sĩ Hương Lan khẳng định:

“Âm nhạc có nhiều dòng khác nhau: nhạc dân ca, nhạc trữ tình…, nhưng không có dòng nhạc sến. Tôi không biết những người hay dùng từ sến để chê một bài nào đó, họ có hiểu “sến” là gì hay không; hay cái gì không thích thì đều cho là “sến”.

Cũng theo Hương Lan, “cải lương” là một loại hình nghệ thuật thì làm sao người ta có thể tùy tiện sử dụng “cải lương” như một tính từ mỗi khi muốn chê cái gì đó, chẳng hạn như “văn chương cải lương”, “ăn nói cải lương”… với ý dè bỉu, coi thường bộ môn nghệ thuật dân gian vốn có từ lâu của người Việt nói chung và người miền Nam nói riêng. Hương Lan thẳng thừng tuyên bố:

“Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa. Nhưng đó là khán giả chê. Đáng buồn hơn, ngay cả người trong giới [ca nhạc] cũng nói như vậy. Các em [ca sĩ] dù có nổi tiếng đến đâu, hát nhạc sang thế nào thì cũng đừng nên coi thường các loại nhạc khác”.
 
Có khoảng hơn 2.000 bài hát được sáng tác dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa tại miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Điều rõ ràng là không thể phân biệt được bài nào thuộc loại sến, bài nào thuộc loại không sến chứ chưa nói gì đến loại nhạc sang trọng theo kiểu hàn lâm.
 
Thiết nghĩ, sến hay sang còn tùy vào nhiều yếu tố bao gồm nhạc điệu, lời ca và kỹ thuật trình diễn. Ba yếu tố đó có tầm ảnh hưởng lẫn nhau vì không phải cứ điệu bolero hay rumba là bài hát trở thành sến, ca từ không phải cứ mộc mạc là thuộc dòng nhạc sến và người hát nếu chú ý đến phong cách biểu diễn cũng có thể biến một bản nhạc cứ tưởng như thuộc loại sến trở thành một ca khúc được người nghe chấp nhận.


MÃI MÊ NHẠC SẾN ….


 

maxresdefault (1)

Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu…” (Thu sầu- Lam Phương)

Hồi nhỏ tôi mơ làm…kép cải lương. Ước mơ “khủng” này không xuất phát từ giọng ca đầy “tiềm năng” của tôi mà đơn giản vì… tiền. Một thằng nhóc 8- 9 tuổi mơ số tiền lớn cỡ cát xê danh ca Út Trà Ôn thì hơi không bình thường. Nhưng đó là nguyên nhân gần, chứ nguyên nhân sâu xa là tôi bị nhiễm máu giang hồ lục tỉnh.

Coi cải lương thì tôi có cơ hội đi “ăn theo” mấy bà chị, nhưng xem xi nê, dù xoay sở cách mấy tôi cũng đành phải coi… cọp.

Tôi thường lê la ở rạp Văn Cầm gần cầu Kiệu, thấy anh chị nào quởn quởn là lẩn theo như em út vào xem ké. Giao du với đám nhóc gần đó, tôi cũng biết thêm vài mánh xem cọp, chẳng hạn chỉ cần mua một vé, một thằng vào trước, rồi lẩn ra góc rạp đưa vé đã xé cho thằng khác, có sẵn cái cùi vé vất đi, dán sơ xịa vào, rồi tỉnh bơ chìa cho ông soát vé vào rạp, rồi lại tiếp tục tuồn vé cho thằng sau….

Trót lọt vài lần, tôi về xóm, họp bè bạn, hãnh diện tuyên bố trưa chủ nhật này sẽ dẫn chúng đi xem phim Ben Hur với chiếc vé…thần. Cả bọn hào hứng, bàn tán, và ngưỡng mộ. Buồn thay! Một thằng em với điệu bộ lúng túng của kẻ phạm tội lần đầu đã làm hỏng chuyện, không qua mặt nổi ông soát vé ngờ nghệch nhất. Thế là cả lũ bị điểm mặt từng tên, thất bại ê chề…

Trưa chủ nhật nằm chèo queo trên căn gác gỗ, gặm nhấm nỗi hờn quê độ với bè bạn, ê ẩm cả người. Tôi vớ đại tờ báo “Kịch Trường” của bà chị, đọc qua loa để xua đi nỗi buồn. Mắt tôi chợt sáng lên khi đọc thấy tin Út Trà Ôn vừa ký contrat ba bốn chục vạn gì đó với một gánh hát. Trời đất! Vé xi nê chỉ có 3 đồng, và như điện xẹt, tôi ư ử vài câu vọng cổ, rồi bỗng mơ mộng mình thành kép hát cải lương mà không cần biết hò xự xang xê cống ra sao, cũng chẳng cần biết giọng ca mình là cái thá gì. Có tiền, tôi sẽ bao cả bọn đi xem xinê, không chỉ một lần mà nhiều lần, bao cả bè bạn bà con của chúng luôn, sẽ mua đậu phộng da cá mang vào rạp ăn vặt, mua cả hạt é, xi rô đá nhận để giải khát,… Cứ thế và cứ thế tôi chìm vào giấc ngủ trưa với giấc mơ hào hiệp.

Cải lương dính dáng với tuổi thơ tôi như vậy đó, chẳng yêu chẳng ghét. Nó như một chiếc cầu nối để tôi mơ mộng nhiều thứ.

Năm tháng trôi qua, ở cái tuổi xem xi nê không còn hào hứng đứng dậy vỗ tay nữa, tôi xoay qua nghe nhạc lãng mạn. Thời sinh viên ai chẳng uống cà phê nghe nhạc, mà nghe nhạc gì mới được. Phải là nhạc cổ điển, nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình, lời lẽ ẩn dụ, êm ái như thơ,… Cái gout nhạc ngon lành này đã vô tình (?) vạch ra một ranh giới mù mờ giữa cái gọi là nhạc “hàn lâm”, và phía kia là nhạc sến. Một đàng là của giới có học, thưởng thức điệu nghệ. Đàng kia của giới bình dân, lời lẽ giản dị, phơi bày, âm điệu dễ nghe, dễ hát, thường là điệu bolero, rumba, habanera,..

Chữ “sến” hàm ý chê bai diễu cợt một kiểu cách bày tỏ nào đó: “Thằng này ăn mặc“sến” quá!”, và người ta cũng có thể nói: “Thằng này ăn mặc “cải lương” quá!”. Theo cách hiểu đời thường, chữ “sến” đồng nghĩa với “cải lương”. Đụng tới “cải lương” là tôi thấy…phiền, dù sao đó cũng là ký ức của một thời hào hiệp. Nhạc sến và cải lương có quan hệ mật thiết, chẳng phải người ta nói là tân cổ giao duyên đấy sao! Tôi không yêu cũng không ghét cải lương hay nhạc sến. Nói đúng ra, hồi đó tôi mơ hồ thấy nhạc sến cũng không tệ, chỉ có điều không dám nói ra điều đó với ai.

Những năm sau 75 lắm chuyện đổi đời. Một  buổi khuya lạng quạng về nhà trong cơn say, tôi chợt nghe văng vẳng, giọng hát của ai đó:

  • Có người con gái buông tóc thề,
  • Thu về e ấp chuyện vu quy…”

maxresdefault (2)Bài hát đúng là sến, giọng hát cũng sến, nhưng làm tôi ngẩn người… Cái âm u kinh viện của đống sách triết học, chỉ muốn với tay lên cõi trên, khiến tôi thờ ơ với chút tâm tư giản dị và hết sức đời thường của một thiếu nữ. Chợt nhớ đến đám bạn, sau 75, bỗng nhiên ào ào lấy vợ lấy chồng để gọi là “thích nghi với tình thế ”, hay chờ ngày ra đi. Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo còn đọng những vũng nước mưa. Như vừa thấm thía ra điều gì đó, tôi dừng chân, dựa tường nghe đến hết bản nhạc: “ …Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ, nỗi niềm đầy lại vơi, mỗi mùa tiễn đưa một người…”. (Nỗi buồn gác trọ – Mạnh Phát (?) )

“Nỗi buồn gác trọ” làm tôi liên tưởng đến một bản nhạc khác (không nhớ tựa đề), lõm bõm vài câu thế này: “… Em biết thân em phận gái nghèo hèn, mà lỡ yêu thương ai rồi, cầm bằng như áng mây trôi…”. Chuyện tình tan vỡ vì thân phận giàu nghèo, giai cấp có đầy trong cuộc sống. Nỗi đau được bày tỏ qua tiếng nhạc bằng ngôn ngữ đời thường dù hơi thiếu chất thơ một chút, thì liệu có nên lãnh đạm chỉ vì nó là nhạc sến ?

Nhạc Việt nhiều khi nghe hay là do ca từ. Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn cứ ngắt câu chấm xuống hàng là thành bài thơ. Nhạc Việt có chất thơ, có vần có điệu, có lẽ do ảnh hưởng ca dao hay hát ả đào chăng? Vần điệu của ca từ có thể đưa đến ý, đến nhạc, để rồi vần điệu đẻ ra nỗi lòng, chứ chưa chắc nỗi lòng đẻ ra vần điệu. Sự trộn lẫn này khó bóc tách.  Nếu nghe nhạc không lời, mà trước đó chưa hề biết lời của bản nhạc, thì nhạc Việt nghe hơi khó một chút. Nhạc và lời cấu thành bản nhạc khó tách rời.

Nhạc Tây hình như thiên về nhạc hơn lời, và không phải bản nhạc nào của Tây cũng có ca từ hay như bài Sacrifice của Elton John (lời  B. Taupin), hay bản Papa của Paul Anka. Ca từ của nhạc Beatles hay Abba nếu dịch ra tiếng Việt thì nghe chán phèo, nhưng âm điệu của nó lại nghe rất hấp dẫn, chả thế mà nó được cả triệu triệu người trên thế giới ưa chuộng, hẳn là vì nhạc chứ không phải vì lời.

Ca từ trong nhạc sến mộc mạc, giản dị, cũng trời trăng mây nước, nhưng không nhiều ẩn dụ, nghe là hiểu, khỏi cần suy đoán. Và trong tình huống cụ thể nào đó, những lời lẽ đơn sơ đó ngấm ngay vào tâm hồn người nghe, mà khỏi cần tưởng tượng hay suy diễn thêm cho phiền phức.

Tôi được mời đi dự đám cưới. Chú rể là Việt kiều, trạc ngoài 40, không biết đã qua đò lần nào chưa, không tiện hỏi. Tôi bên nhà gái, nên vào bàn tiệc kính nhi viễn chi, ăn uống từ tốn, nói năng từ tốn cho phải phép. Tiệc cưới ồn ào, tưng bừng, hát hò,… khỏi nói. Cô dâu chú rể lăng xăng bàn này bàn nọ. Gần cuối bữa tiệc, những người ở bàn bên cạnh, chắc đều là bạn chú rể, đứng lên, nâng ly và hát, cả cô dâu chú rể cũng hát, không đàn không trống, họ hát theo nhịp cái muỗng gõ vào ly :

…Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng tôi lại về bên em…”

Họ hát đồng ca, nhớ gì hát nấy, nương lời nhau mà hát. Tôi có cảm tưởng như một người trong cặp uyên ương này, hoặc cả hai, vừa vượt qua sóng gió nào đó để đi đến ngày hôm nay. Bỗng nhiên tôi thấy hào hứng buột miệng hát theo:

“…Tình người sau cơn mê vẫn xanh, dù bao tháng năm đau thương dập vùi…”

Một kiểu cách chúc mừng đám cưới ý nghĩa quá! Lời ca giản dị, không công thức, không sáo ngữ, không một ban nhạc hoành tráng nào, và không một siêu ca sĩ nào theo kịp…

Ngôn ngữ điêu luyện nhiều khi che đậy một cái gì đó không thực, không chừng gọi đó là “sến trí tuệ” cũng được.

Thú nhận mình mê nhạc sến chẳng phải là chuyện dễ dàng. Cái sĩ diện (hão) của thằng tự cho mình là trí thức coi vậy chứ bự lắm. Có lần ngồi nhâm nhi cà phê với một bậc đàn anh, thuộc loại tài hoa, trí dũng song toàn, tôi buột miệng: “Khi người yêu tôi khóc” của Trần Thiện Thanh nghe cũng không đến nỗi…”. Ông huynh trưởng phán lạnh tanh: Tớ không hiểu vì sao Sĩ Phú lại hát bản này”. Tôi tịt ngòi. Miếng trầu đưa ra chưa kịp quết vôi, không có duyên để chia sẻ đề tài “nhạc sến”. Câu chuyện cũng hơn 30 năm trôi qua rồi…

Những năm sau này đi hát karaoke với bè bạn, tôi thường chọn nhạc sến. Bọn chúng dĩ nhiên chẳng bỏ qua cơ hội để chế diễu. Tôi cũng ngượng, mặc dù đã cố giải thích (để chữa thẹn) rằng, chẳng hạn “…Nếu vì tình yêu, Lan có tội gì đâu, sao vướng vào sầu đau…” là câu hay nhất của bài hát Chuyện tình Lan và Điệp.

Thời gian làm tôi chai mặt, lì đòn hơn để khẳng định rằng mình thích nhạc sến, và cũng thời gian, khoảng hơn chục năm sau, tôi thấy bạn bè tôi, những kẻ từng mỉa mai tôi về nhạc sến, mỗi lần đi hát karaoke chúng lại chọn nhạc sến. Càng xỉn càng hát nhạc sến, hát không giấu diếm, hát say mê, hát như thể chỉ còn cá nhân chúng nó trên đời. Hình như khi xỉn người ta quên mất mình đang mặc áo vest đeo cà vạt.

maxresdefault (3)Tôi chưa hề ngộ ra rằng nhạc sến hay. Đối với tôi, cải lương hay nhạc sến là cả một khoảng trời ký ức không thể chối bỏ, đã nằm sẵn đâu đó trong tiềm thức rồi, khỏi cần phải ngộ hay chưa ngộ. Nhạc hiệu của chương trình tuyển lựa ca sĩ mỗi sáng Chủ nhật tại rạp Quốc Thanh:“Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo…”, đã lâu lắm rồi không nghe, mà sao vẫn nhớ, nhớ cả lúc đó mặc quần xà lỏn, cầm khúc bánh mì, vừa gặm, vừa nghe radio, vừa hát theo cơ mà … Thế thì việc gì phải úp úp mở mở, nửa phủ nhận, nửa thừa nhận. Đó là hành trình vượt qua nỗi… “sợ hãi”, nói thẳng ra là vượt qua cái hèn, cái thể diện dỏm của một thằng trí thức dỏm. Không dám trung thực với chính mình không gọi là dỏm thì gọi là gì? Vấn đề là thời gian, sớm hay muộn công khai thừa nhận giá trị vốn có của nhạc sến. Như thế tôi vẫn còn thua xa những người thích nhạc sến từ thưở đầu đời cho đến hết…đời.

Tình huống dưới đây là giọt nước tràn ly khiến tôi nhảy vọt qua nỗi “sợ hãi”. Cách nay đã lâu, tôi đi dự đám tang của người thân. Đội kèn Tây được mời đến để thổi nhạc vào lúc di quan đã chơi bài Trở về cát bụi của Lê Dinh. Bản này tôi đã nghe sơ xịa ở đâu đó rồi. Hôm đó ban nhạc đang chơi bỗng nhiên dừng thổi và cả chục tay nhạc công bỗng cất tiếng hát.

  • “… Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó.
  • Trời đã ban cho, ta cám ơn Trời dù sống thương đau
  • Mai kia chết rồi, trở về cát bụi giàu khó như nhau
  • Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao…”

Giọng hát ồm ồm của mấy ông thổi kèn nghe như tiếng loa trầm rách màng, vậy mà tôi nghe như mới, nghe như nuốt từng lời, tưởng như người quá cố đang tâm tình với mình trước giờ vĩnh biệt.

“… Người ơi xin nhớ cát bụi là ta, mai này chóng phai…”

Trịnh Công Sơn cũng có bản nhạc Cát bụi với lời lẽ hoa mỹ đầy tính triết học hơn nhiều, nhưng tôi phải thu hết can đảm để thú nhận rằng, bài Trở về cát bụi của Lê Dinh đã thấm vào người tôi nhiều hơn. Bây giờ nghe lại, vẫn thấy phê, vẫn thấy gần gũi trong từng cách ứng xử của đời người.

Người thích nhạc sến cũng nhiều, người xem thường nó cũng không ít, dù ngấm ngầm không nói thẳng ra. Nhưng cho dù thế nào, có một đề tài không ai dám cà khịa xem thường, đó là những bản nhạc nói về mẹ. Mấy bà mẹ đơn giản như dòng sữa, là lời ru, bóng mát, là vườn rau, trái dừa,… Nói triết lý cao siêu quá mấy bà mẹ không hiểu, mà có hiểu cũng không thấy thoải mái, vì lòng mẹ đầy bản năng, đơn sơ như con gà mẹ xù cánh cho lũ gà con ẩn nấp trước diều hâu. Bài Lòng mẹ của Y Vân, vì vậy vẫn được xem là bản nhạc về mẹ kinh điển được mọi người ưa thích, kể cả những bà mẹ cũng thích bài đó, chứ chưa hẳn đã là Huyền thoại mẹ hay Ca dao mẹ của TCS.

Hãy nghe một anh chàng xa nhà, Tết không về quê được,  nhớ mẹ thế này:

  • Giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều
  • Sớm chiều vườn rau vườn cà,
  • Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai?…”

(Mùa xuân của mẹ – Trịnh Lâm Ngân)

Nghe cái giọng rên rỉ là biết thằng con này…dóc tổ. Y mà có về được, ôm bà già một cái, trình diễn cái màn quét nhà, rồi thì mắt trước mắt sau lẻn đi chè chén với chúng bạn. Y mà có bạn gái nữa thì coi như xong… Biền biệt! Mà bà mẹ cần gì điều đó, thấy thằng con về là mừng quýnh lên, rờ tay rờ chân nó, thấy còn lành lặn đầy đủ là thiếu điều vái Trời vái Phật rồi, trông mong gì thằng con rớ tới vườn rau vườn cà…

Không về được thì thằng con hứa hẹn tiếp :

  • Dẫu gì rồi con cũng về
  • Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi…”

Tâm sự của thằng con nghe thật sến, thật não lòng, mà sao như tìm thấy tâm trạng của chính mình trong đó…

Mẹ tôi mất. Năm ngoái là cái Tết đầu tiên không có bà. Căn nhà ở Sài Gòn quá nhiều ký ức quen thuộc làm tôi ngại. Giao phó hết việc nhà, tôi chuồn lên nhà Đà Lạt một mình. Tết nhất khỏi đi khách và cũng khỏi tiếp khách, nằm nhà đọc sách cho khỏe.

Tối giao thừa, một đĩa trái cây, vài cành hoa ngắt dưới vườn, thắp nén nhang trên bàn thờ mẹ… Thế là đủ. Tôi mở nhạc, nhâm nhi ly rượu vang đón giao thừa. Cũng chỉ là những bản nhạc xưa thôi, có bản nghe quen, có bản lâu lắm rồi mới nghe lại, và đến bản Đường xưa lối cũ

Đường xưa lối cũ, có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai…”

Bà ca sĩ Kim Anh này cũng lạ, càng già giọng hát càng ấm, càng buồn… Bài hát của Hoàng Thi Thơ có đoạn :

  • “… Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng,
  • Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về,
  • Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
  • Không lời từ ly cuối cùng trước khi phân kỳ
  • Chạnh lòng thương nhớ…”

Hai chữ chạnh lòng bỗng dưng chùng xuống, thả ra thật nhẹ, nhẹ như hơi thở… đã làm “người hùng” ngã ngựa: nước mắt rơi đêm giao thừa.

maxresdefaultCa sĩ Hương Lan, trong một cuộc phỏng vấn về nhạc sến đã bực bội:“Cũng như từ “cải lương” vậy, đó là một loại hình nghệ thuật, sao mọi người có thể tùy tiện sử dụng mỗi khi muốn chê cái gì đó (sao sến quá, sao cải lương quá). Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa…”

Bà Hương Lan à, xin đừng nóng… Nhạc sến hay cải lương hiểu theo nghĩa tốt đẹp thì nó vẫn tốt đẹp. Vàng thiệt đâu sợ lửa. Nhạc sến cũng như nhạc hàn lâm, có bài hay, có bài không hay, tùy theo cảm nhận của mỗi người.

Nhạc sến là vậy đó, nhưng ca sĩ sến thì khác. Ca sĩ sến cho dù có hát nhạc hàn lâm thì vẫn là… sến (thứ thiệt), khi mà giọng hát phải cố gào thét cho khàn ra. Cung cách giả tạo như thế không thể bày tỏ cho nỗi lòng thực. Tương tự, Dạ cổ hoài lang mà được hát với giọng opera thì chắc trời…sập. Chưa ai qua nổi Hương Lan với giọng hát da diết ở bản nhạc này cả. 

Dạo gần đây một số bậc thức giả đã đánh giá nhạc sến một cách tích cực hơn, ra cái điều thông cảm với quần chúng đám đông, nhưng vẫn chỉ là cái nhìn từ trên xuống. Xin lỗi! Nhạc sến có giá trị riêng của nó, mà không cần đến bất kỳ một chiếu cố nào cả. Âm nhạc cần có sự đồng cảm, từ người sáng tác, người chơi nhạc, người hát và người nghe. Một khi bắt nhịp được với lời ca tiếng nhạc của nhau, thì sự chia sẻ có thể bắt đầu.

Âm nhạc là món ăn tinh thần, vấn đề là có hợp khẩu vị hay không mà thôi. Gà tây nhúng sữa, kẹp phô mai đút lò chắc gì đã bắt mồi hơn cá lóc nướng trui?

PHAN NGUYEN LUAN… thuc hien



Nguồn tin: tcgd theo cuuhocsinhphuyencom.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Hanh 31 - 09/02/2017 15:19
Bài viết rất hay ! Người viết rất am hiểu nghệ thuật tân và cổ.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

 

NSND Trọng Hữu lý giải vì sao thế hệ vàng sân khấu cải lương vẫn còn ăn khách?

Trong ngày lãnh đạo TP HCM tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu, NSND Trọng Hữu đã trao đổi với PV báo Người Lao Động về suy nghĩ của ông về thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương dù đã U80 vẫn còn được khán giả mến mộ.