Ngày Giỗ Tổ Nghề Hát thường được tổ chức trọng thể trong 3 ngày : 11, 12 và 13 Tháng 8 Âm Lịch hằng năm và đây cũng được xem là những Ngày Tết của giới nghệ sĩ_giới làm nghệ thuật sân khấu.
Tục truyền từ những đoàn Hát Bội cổ xưa : Đời nhà Trần( thế kỷ thứ 13) đã bắt đầu có bộ môn Hát Bội. Vì bởi vua Trần Nhân Tông đã bắt được một tù binh của Nguyên Mông là một nghệ sĩ người Hán tên gọi Lý Nguyên Cát_ ông này biết văn nghệ , giỏi múa hát, tuồng tích . Nhà vua mang về tha tội, rồi cho lập ban hát trong triều đình giao cho Lý Nguyên Cát hướng dẫn và nghề hát được xuất thân từ trong triều đình đời Trần.
Một truyền thuyết khác trong cuốn Văn hóa Dân gian Cổ truyền vào đời Trần không nói rõ đời vua nào . Nhà vua và hòang hậu sau khi làm lễ tạ ơn Trời Phật đã ban cho cả nước được quốc thái dân an, sau đó hoàng hậu hạ sinh hai con trai.
Hai hoàng tử lúc ấy vẫn còn nhỏ mà rất ham mê xem Ban Hát trong triều, ngày đêm cứ theo Ban Hát xem tập tành biểu diễn, quên ăn bỏ ngủ, lâu ngày nên sinh nhuốm bệnh. Một đêm, vẫn còn bệnh nhưng hai ấu hoàng lén vua cha trốn ở xó buồng hát xem diễn tuồng. Vãn hát, mọi người đổ xô đi tìm thì thấy hai hoàng tử ôm nhau mà chết tự lúc nào.
Sau này, các nghệ sĩ trong Ban Hát vẫn thấy hai hòang tử hiển linh hiện về xem hát, khi thì thấy ngồi xem hát, lúc thấy trong hậu trường , mọi người cho là linh hiển nên lập bàn thờ tôn kính là Tổ Sư.. Vì kiêng húy nên gọi trệch ra là "ông Làng" thay vì là "ông Hoàng".
Vì hai ấu hoàng tử chết trẻ nên đầu tiên trong Ban Hát thường cúng bánh kẹo, dần dần theo thời gian thay đổi đi , bắt đầu cúng hoa quả trái cây...Nhưng cấm kỵ trái thị .Ông Nhưng ( ngày nay người đời gọi là ông Bầu) giải thích rằng : "Sợ e hai ấu hoàng thấy trái thị đẹp và thơm nên ham thích chơi đùa mà không phù hộ cho các diễn viên trong lúc hát" ( cho nên dân gian thường nghe cấm trái thị mang vào đoàn hát là vậy)
Ngày nay, hằng năm các đoàn hát Cải Lương thường chọn ngày 11.08 hay 12.08 Âm Lịch để cúng Giỗ Tổ. Duy chỉ có các đoàn Tuồng Cổ hay Hát Bội thì thường chọn cách cúng 3 ngày : 11 ( CÚNG CHAY), 12 ( CÚNG MẶN) và 13 ( CÚNG TẤT ĐƯA BÀI VỊ).
Những ngày này bọn trẻ chúng tôi hồi bé rất yêu thích, vì được cha mẹ cho mặc quần áo mới như những ngày Tết Nguyên Đán.
Một chi tiết khá đặc biệt và hậu hỉ mà tôi rất thích là những ngày này anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp với nhau có dịp tề tựu gần gũi nhau nhiều hơn, có những thâm tình cần chia sẻ, mọi người hầu như trút hết cho nhau tình yêu thương những gì có thể...Trong năm, có những lấn cấn điều gì chưa hiểu nhau cũng lần lượt được giải tỏa, tháo gỡ, tâm tình, bộc bạch..v..v...
Trong ngành Tuồng Cổ, Hát Bội còn có môt chi tiết rất dễ thương là "Quỳ hương" trước bàn thờ Tổ. Hằng năm, trong ngày Giỗ Tổ, anh chị em nghệ sĩ nhất là diễn viên còn có phong tục Quỳ hương tức là sau khi vái lạy, họ cầm cây nhang và quỳ cho đến khi cây nhang tàn mới đứng lên. Mục đích như một lời thú tội là trong năm có làm điều gì sai quấy, nói câu gì không phải xin Ơn trên Tổ nghiệp tha lỗi cho...
Theo hồi ký của cố soạn giả nghệ sĩ lão thành Thành Tôn rằng Đạo Tổ ( nghề Hát) không có giáo điều, nhưng có phong tục tập quán, có nhiều kiêng cử: Ví dụ như trong 3 ngày Giỗ Tổ theo thời xưa thì nghỉ xã hơi ăn Tết và cúng Tổ. Khi nào diễn lại phải coi ngày, coi nước rồi mới nhổ sào, ban trống rồi mới ra ghe ( ngày xưa đoàn hát di chuyển bằng ghe). Ban trống là quy luật phạm trù bất di bất dịch và rất quan trọng( một hồi là gì, hai hồi là gì, ba hồi là gì...) chỉ cần nghe tiếng ban trống là biết ngay mọi việc trong đoàn hát tiến triển đến đâu....
Anh chị em nghệ sĩ Tuồng Cổ, Hát Bội ngày xưa đến nay rất tin tưởng Tổ nghiệp nghề hát, làm việc gì liên quan đến nghề đều khấn vái Tổ nghiệp một cách trân trọng,khiêm cung, kính cẩn.
Theo lịch sử, đời nhà Nguyễn có ông Đào Duy Từ là người có công lớn trong Văn hóa Nghệ thuật Hát Bội, ông là nhà quân sự, nhà thơ và nhà nghiên cứu về văn hóa, là danh thần thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chỉ vỏn vẹn 8 năm phò Chúa Sãi từ 1627 đến 1634 nhưng ông Đào Duy Từ đã khắc hoạ hình ảnh đặc dị một người thầy của Chúa Sãi, một kiệt tướng, một chính trị gia, một chiến lược gia, một kiến trúc gia, một kỹ thuật gia, một nghệ sư tài hoa, một học giả, cũng như là người góp phần quan trọng định hình được nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong.
Các vua đời Nhà Nguyễn công nhận ông là đệ nhất khai quốc công thần và thờ ông ở Thái miếu.
Trên bàn thờ Tổ nghiệp, ngoài hai ông Hoàng: Tiên Sư, Tổ Sư còn có Thánh Sư, đó chính là ông Đào Duy Từ. Người có công viết lại những kịch bản Hát Bội theo chiều hướng Việt Nam .
Ngoài ra, một bên còn thờ Thập Nhị Công nghệ( Công, Hầu, Khanh, Tường, Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục)
Bên còn lại thờ những nghệ sĩ quá cố, gọi chung là Cửu Huyền Thất Tổ.
Theo Hát Bội ngày xưa, có một trong những điều mà các cô bác, các anh chị nghệ sĩ đi trước thường nhắc nhở đàn em cháu về sau, rằng làm bất cứ điều gì quan trọng nhất vẫn là giữ gìn đạo đức diễn viên. Cho nên hay, dở, thành, bại gì gì.. ...thì nhất nhất đều nhắc đến Tổ nghiệp . Ít nhiều gì ngày nay thỉnh thoảng mọi người thường nghe làm việc gì, anh chị em nghệ sĩ luôn nhắc đến Tổ Nghiệp.
Ví dụ như :
- hôm nào hát hay được khán giả khen gọi là TỔ ĐÃI
- nếu lỡ làm điều gì không phải ra sân khấu quên tuồng cho dù vở tuồng hát đã nhiều lần nhưng vẫn lẫn lộn và nói nhầm gọi là TỔ TRÁC
- lớn tuổi rồi mà ca diễn vẫn còn hay, vẫn còn được khán giả yêu thương ,mến mộ thì gọi là TỔ THƯƠNG.
- nói câu gì xúc phạm đến nghề nghiệp, xem thường đêm diễn, xem thường khán giả để có một kết quả không hay thì gọi là TỔ PHẠT.
-...vân vân....
Người ngày xưa đi hát là chỉ biết đi hát, đem nghệ thuật phục vụ niềm vui tinh thần cho mọi người, không hề có ý lợi dụng nghề hát mà làm điều bất chánh, bất nghĩa, bất nhân...Vốn dĩ tuồng tích xưa hầu hết là khuyên nhủ con người ta sống sao cho trọn ân vẹn nghĩa, thì người nghệ sĩ xưa phải làm sao xứng đáng với vị trí của mình.
Đó là ngày xưa, ngày nay thì hơi khác một chút. Thời buổi hiện đại, thiên hạ sống thoáng hơn, chứ không theo rập khuôn phong tục như xưa nữa , nhưng dù sao cũng còn nhớ đến ngày Giỗ Tổ nghiệp hằng năm là điều đáng mừng.
Những Ngày Giỗ Tổ, người đi trước luôn nhắc nhở cho thế hệ sau hiểu ngọn ngành hơn, chi tiết hơn về nghề cũng như về Tổ nghiệp và đạo đức làm nghề.
Nhân dây, tôi cũng xin mạn phép nhắn nhủ với ai đó cho rằng Tổ nghiệp nghề hát xuất thân là ăn xin là một sai lầm đáng trách, nhất là người biết đi hát, nguời làm nghệ thuật.
Trong nghề hát ngày xưa, cử cho tiền người ăn xin là vì theo xưa nghề hát đi rày đây mai đó, gọi là tha phuong cầu thực, cũng giống như người hành khất tha phương cầu thực. Có một điểm trùng hợp nhau là THA PHƯƠNG CẦU THỰC chứ không phải ông Tổ nghề hát xuất thân là người ăn xin.
Và nhân đây, tôi cũng xin bổ xung chi tiết này trích lại một đoạn từ bài viết của anh Điền Thanh đã viết trên báo VĂN NGHỆ TUẦN BÁO Sydney, và VIÊT TRIBUNE ở Mỹ hơn 10 năm trứóc liên quan đến nghề hát như sau:
Trích từ bài THUỞ RÚT RUỘT TẰM Tác giả : Điền Thanh
".......Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1895) :
Vào đời vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ thứ 10), nghề hát đã xuất hiện tại Việt Nam ta và bà Phạm thị Trân là người đầu tiên có công khai phá ra nghệ thuật Hát Chèo.
Trải qua nhiều biến chuyển theo các sự kiện lịch sử cho đến thế kỷ thứ XVII (17), vào năm 1631 Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thừa kế ngôi cha là Chúa Nguyễn Hoàng đã phong chức Nội Tán Hầu cho ông Đào Duy Từ, trao quyền hành dựng và giữ nước đồng thời cải cách về văn hóa văn học. Ông Đào Duy Từ chấn chỉnh thêm bộ môn Hát Chèo miền Bắc, còn miền Trung và trong Nam thì ông cho phát triển ngành Hát Bộ, còn được gọi là Hát Bội, ngoài Bắc gọi là Hát Tuồng.
Thời ấy nước ta là có đến những 12 nghề, gọi là Thập Nhị Công Nghệ gồm có : CÔNG ,HẦU, KHANH, TƯỚNG, SỈ, NÔNG, CÔNG, THƯƠNG, NGƯ, TIỀU, CANH, MỤC.
*Trong 12 nghề trên phần Công Hầu Khanh Tướng : hầu hết là những người có nghề làm việc tùy theo chức vụ trong triều đình. Ví dụ điển hình như ông Đào Duy Từ giữ chức Nội Tán' Hầu' như đã kể ở trên, hay Quốc 'Công' Lý Thường Kiệt, Hoài Văn 'Hầu' Trần Quốc Toản .v..v.
* 8 nghề còn lại là Sĩ ( người có học thức như thầy giáo, y sĩ..) Nông (người làm nghề nông nghiệp) Công ( người công nhân thợ mộc, thợ hồ...) Thương( người buôn bán ) Ngư ( người làm nghề săn bắt cá biển) Tiều( tiều phu đốn cũi trên rừng) Canh ( là người canh tác nghiên cứu về trồng trọt) Mục ( là mục đồng chăn trâu, chăn gà, chăn vịt v.v..)
Trong 12 nghề đó là 12 nghề gần gũi và quen thuộc nhất trong xã hội VN thời bấy giờ. Riêng nghề hát lại không có tên trong sắp xếp của triều đình, lý do là vì ngày xưa nghề hát thường được tổ chức trong triều đình để phục vụ cho cung vua. Có những ban hát nhỏ ở đình làng lập nên, cũng không hẵn là cái nghề chuyên môn, mà là những người dân quê thích hát rồi lập thành ban hát, hát cho vui theo tùy hứng chứ không phải là cái nghề mưu sinh chuyên nghiệp. Cho đến giai đoạn nghề hát trở thành chuyên nghiệp rồi thì người ta nhìn lại trong 'Thập Nhị Công Nghệ' , nghề hát không thuộc loại nào trong đấy, do đó người ta mới gọi nghề hát là vô loại tức là không thuộc loại nào trong 12 nghề trên.
Nghề hát được cho tổ chức quy mô đầu tiên là nhờ vua Trần Nhân Tông ( Sau khi thắng giặc Nguyên Mông , ông thu dụng tù binh Lý Nguyên Cát _nguyên là nghệ sĩ Kinh Kịch về triều đình dạy đàn ca múa hát và phát triển bộ môn Hát Bội trong cung đình) . Nhưng thời biết quý trọng nâng niu nghề hát đình đám nhất là trong thời nhà Nguyễn. Cả vua lẫn quan đều đam mê và yêu thích Hát Bội lắm ! Quan như ông Lê văn Duyệt, ông Nguyễn văn Thành ...chẳng những mê mà còn hát được, đánh trống chầu cũng được, Vua thì có vua Thành Thái, vua Minh Mạng, vua Tự Đức, vua Khải Định.. ..rất am tường Hát Bội. Còn mê nhiều nhất đến tự đặt tên cho mình là những nhân vật trong các vở tuồng là vua Đồng Khánh. Còn có tài liệu kể thêm rằng trước khi ông Nguyễn Huệ lập nghĩa quân Tây Sơn, ông Huệ còn có biệt tài hát Bội Bình Định rất khá....
Lâu ngày dài tháng , nhất là những thời loạn lạc, văn hóa văn học có nhiều khoảng thời gian không ổn định, khi người có chút chức quyền nhưng lại hiểu sai, hiểu không tới hoặc có xu hướng kỳ thị ...thì những ý nghĩa đúng đắn ban đầu đã bị sai lệch đi qua lăng kính của mấy vị quan hạn chế tri thức này...
Tuy nhiên, sự việc gì cũng có dư luận trái chiều nhau . Nếu có điều kiện nghiên cứu thêm cho ta thấy còn có nhiều nguồn cho là ''Xướng Ca Vô Loại ''là theo hướng xấu, hướng tiêu cực cũng có nguyên nhân và cũng được một số học giả ghi lại như nhà nghiên cứu Toàn Ánh trong " Phong tục Viêt Nam (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr.429) cho rằng “vô loại” liên quan tới quan niệm “vô luân” của người xưa như sau:
“Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loại là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bầy tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn”.
Đó là một cách giải thích theo quan niệm của tầng lớp chống đối dưới thời vua Lê chúa Trịnh, được nhà nghiên cứu Toàn Ánh ghi lại, và đó cũng là lý do mà trong xã hội Việt Nam ngày xưa có nhiều nhân vật nổi tiếng bị hậu quả là chịu sự khắt khe cổ hủ ấy. Nhân vật nổi tiếng trong sự kiện này chính là ông Đào Duy Từ( 1572_1634) trước khi làm quan thời Nguyễn, ông đã bị cấm vào trường thi vì có thân phụ làm nghề ca hát.
Nhưng quan điểm thế này hay thế khác thuận hay nghịch cũng tùy thuộc vào quan điểm của từng triều đại cai trị đất nước. Nếu thời nhà Trần bắt đầu từ vua Trần Nhân Tông yêu mến nghề ca hát và tạo điều kiện cho phát triển, thì qua đến thời vua Lê chúa Trịnh nghề ca hát bị xem rẻ xem thường. Nhưng sang đến thời nhà Nguyễn thì nghề ca hát được "lên ngôi" trân trọng..." trích từ bài viết (THUỞ RÚT RUỘT TẰM_ Điền Thanh)
Nhân ngày Giỗ Tổ Nghề Hát trở lại theo thông lệ hằng năm, chịu khó ngồi viết lại cho con cháu, đàn em, hậu sinh sau này hiểu thêm, hiểu đúng đắn về Giỗ Tổ, về nghiệp dĩ của mình tránh những sai lệch không cần thiết làm ảnh hưởng tiêu cực và đi quá xa với những nhận thức hạn chế thiếu hiểu biết, nửa vời.
Ước mong từ rày về sau, những bạn nào có điều kiện làm việc trước công chúng xin làm ơn nói cho đúng, cho chính xác ý nghĩa, đừng bẻ sai lệch ý nghĩa đúng đắn của câu chuyện lịch sử về văn hóa này.
Năm nay, có lẽ cúng Tổ không vui vì nạn dịch tràn lan...Người còn kẻ mất vẫn còn chưa khô lệ....Anh chị em nghệ sĩ đã không có cơ hội cúng Tổ cùng nhau , gặp gỡ nhau cũng như không hát được một xuất hát nào để dâng lên Tổ nghiệp.... Buồn quá !
Kính chúc mọi người sức khỏe vạn an và mong rằng đừng phải có điều gì không hay xảy ra nữa trong văn nghệ sĩ của chúng ta
Ý kiến bạn đọc