01:55 PDT Chủ nhật, 13/07/2025

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 219

Máy chủ tìm kiếm : 80

Khách viếng thăm : 139


Hôm nayHôm nay : 5096

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 827472

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 101110001

Trang nhất » Tin Tức » Nghệ Sĩ Tâm Sự

CAILUONGVIETNAM.COM 13/04/2004 - 13/04/2025

CAILUONGVIETNAM.COM 13/04/2004 - 13/04/2025

Sắp tới đây là kỷ niệm 21 năm ngày thành lập trang web cailuongvietnam.com (13/04/2004 - 13/04/2025) Dây là trang tin tức đầu tiên của cailuongvietnam.com từ năm 2004. Còn đuọc gọi là CLVNCOM1 . Thân mời các dộc giả xem những bằi mới hơn tại trang tin tưc CLVNCOM2 theo link dưới dây https://www.cailuongvietnam.com/newscl

Xem tiếp...

Một Thời Ăn Quán Ngủ Đình. Hoài niệm một thế giới « ảo » ngày xưa.

Đăng lúc: Thứ hai - 25/08/2014 18:45 - Đã xem: 5652
Kim Lan, Bích Thuận, Phùng Há, Kim Cương

Kim Lan, Bích Thuận, Phùng Há, Kim Cương


CLVNCOM - Ông Bích, bạn của tôi trong Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng nói: « Hơn sáu mươi năm trước, Nguyễn Phương đã sống một cuộc sống « ảo » giống như hiện nay các bạn trẻ thích sống trong thế gìới « ảo » qua computeur , anh nghĩ coi có đúng không? »

Ông Bích, bạn của tôi trong Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng nói: « Hơn sáu mươi năm trước, Nguyễn Phương đã sống một cuộc sống « ảo » giống như hiện nay các bạn trẻ thích sống trong thế gìới « ảo » qua computeur , anh nghĩ coi có đúng không? »

Suy đi nghĩ lại, tôi thấy anh Bích nói rất đúng, tuy cái thế giới « ảo » ngày xưa của các nghệ sĩ sân khấu đa dạng nhưng hạn hẹp hơn rất nhiều so với cái thế giới « ảo » trên computeur của các bạn trẻ ngày nay.

Trong thời đạì mới, nhiều bạn trẻ cảm thấy cô đơn, không tìm được người bạn tình như sở thích hoặc không thành công trong cuộc sống, họ tìm nguồn an ủi cho mình trong thế giới « ảo », bằng cách lên internet tìm bạn tâm tình qua facebook hoặc chơi game online để giải trí. Có bạn đam mê internet tìm đọc tin tức - sách báo. có bạn ghiền chơi game cả ngày lẩn đêm, có người tìm bạn tình  trên internet, dẫn đến một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc hoặc một cuộc tình bi đát dẫn đến đau thương, tù tội.

Hồi đó…cách nay hơn sáu mươi năm, tôi cũng đã trải qua tâm trạng nhàm chán cuộc đời công chức ở Sở Bưu Điện Saigòn nên nghe theo lời rủ rê của nghệ sĩ Tám Cao, Trường Xuân và ông bầu Cang, tôi xách va ly xuống ghe hát Tiếng Chuông để sống cuộc sống có nhiều thay đổi, để lưu lạc tha phương, phỉ chí tang bồng. Rời bỏ cuộc sống ổn định, thay đổi một cái nghề có thể tạo ra đia vị xã hội để chạy theo một cuộc sống lông bông, nay ở đầu ghềnh cuối bãi, mai ở bến chợ sân đình, chỉ được một cái là tự do vui chơi theo ý mình, không bị ai quản thúc, vui thì có vui nhưng như vậy là tiêu phí cuộc đời vì một ảo tưởng.

Thời đó tôi thích đọc tiểu thuyết lãng mạn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, mê tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, học thuộc lòng bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ,( bài thơ đề tặng tiểu thuyết Đoạn Tuyệt) :

Anh đi vui cảnh lạ đường xa

Đem chí bình sinh dãi nắng mưa

Thân đã hiến cho đời gió bụi

Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ.

Đi theo ghe hát khắp các tỉnh miền Tiền Giang, Hậu Giang, hát cả ở miền Trung, đến Qui Nhơn, Đà Nẳng, Huế, Bến Hải, đúng như câu thơ « Anh vui cảnh lạ đường xa ». Chỉ có điều « Đem chí bình sinh dãi nắng mưa  » thì thú thật là tôi chẳng có chí bình sinh gì cả. Theo ghe hát, trước nhứt là vì ham vui, sau nữa là vì ông bầu gánh hát trả lương cho tôi cao gấp ba lần lương của tôi được lãnh ở Sở Bưu Điện Saigòn. Lúc đó tôi chưa có vợ, không con, cũng không nghĩ đến tương lai mai hậu. Đến một bến hát mới, quen với những người địa phương mới, tìm hiểu những tập tục mới, thưởng thức những món ngon vật lạ, đặc sản của địa phương, thế là tôi nảy ra ý viết nhựt ký, ghi chép lại những cảm xúc, những thực tế đã được trải qua ở rạp hát, những vui buồn của cư dân ở bến bãi mà ghe hát dừng chân. Tôi ghi cả những kỷ niệm đối với những cô gái đẹp, những chàng trai tốt bụng, những nhân vật đặc biệt của địa phương.

Đó là cuộc sống thực trong suốt ngày của tôi dù đang ở trong rạp hát hay ở một địa phương nào đó, nhưng khi màn đêm buông xuống thì nghệ sĩ sân khấu bắt đầu một cuộc sống « ảo », có khi đêm nay sống ở xứ thần tiên Á Rập như trong truyện «  Một ngàn lẻ một đêm ». Đêm mai có thể sẽ sống trên nước Pháp xa xưa với « Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ ». Hôm khác quay về cuộc sống « ảo » ở nước Tàu thời cuối đời Đường với « nữ hoàng Võ Tắc Thiên » hoặc với ông vua đa tình « Đường Minh Hoàng với Dương Thái Chân, Quí Phi kiều diễm.»

Trong cuộc sống « ảo » dưới ánh đèn muôn màu của sân khấu, nghệ sĩ hóa thân vào một nhân vật trong cái thế giới « ảo » đó, ăn mặc như người của thế giới « ảo », nói năng, hành động, cảm xúc theo đúng tính cách của nhân vật. Những nghệ sĩ với cái tên thật như Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Út Trà Ôn...vân...vân, không còn hiện diện trên sân khấu trong cái thế giới « ảo », thay vào đó là những Lan và Điệp, là Đường Minh Hoàng với Dương Quí Phi, là Mai Đình và Hàn Mạc Tử, Điêu Thuyền và Lữ Bố, Trụ Vương với Đắc Kỹ, Giả Thị và Ngủ Vân Thìệu...

Và cứ như vậy, ngày này qua tháng kia, ngày sống « thực », đêm sống « ảo », nghệ sĩ có khi lẫn lộn cái thực với cái ảo, có khi tưởng mình chính là Lan trong cuộc tình tuyệt vọng Lan và Điệp, những câu ca, lời nói của nhân vật tiêm nhiểm trong tiềm thức của người nghệ sĩ và soạn giả.

Ngay trong các cuộc tiệc trà dư tữu hậu hoặc trong giấc chiêm bao, tôi thấy cảnh mưa rơi tầm tả, Hữu Phước trong vai Điệp, cải trang nhà sư đến thăm viếng Út Bạch Lan trong vai Lan, nàng đang hấp hối, khắc khoải gọi kỷ niệm trở lại, tình yêu hồi sinh trong cơn thảng thốt cuối cùng của cuộc đời:

Lan :... Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió, như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim... ( vọng vổ câu 5) ... sầu...Mỗi một giọt mưa là một giòng lệ nghẹn ngào...Mỗi chiếc lá bàng rơi như con thuyền nhỏ bơi ngược dòng về bến hẹn năm xưa. Bến sông buồn chắc vắng bóng con đò đưa và khách sang sông không bao giờ trở lại. Mái tranh xưa chắc u buồn quạnh quẻ vì người con gái tên Lan không về nữa bao giờ.

Điệp :  Và hàng điệp ven sông im lìm soi đáy nước. Chiếc cầu tre gảy nhịp đứng chênh vênh. Con đường đất đỏ quanh co những buổi chiều vàng. Vắng bóng người con gái quảy hàng trên đường về khi tan chợ.

Lan ( chập choạng giữa cơn mê, chưa nhận ra Điệp trong chiếc áo cà sa sư già người tu hành để được vào hậu liêu gặp nàng) ca câu 6:

- Thầy là bậc chân tu mà khi nghe trời chóm sang thu còn gợi trong lòng nhiều kỷ niệm. Huống chi con là kẻ trót mang nhiều khổ lụy, tuy khoát áo nâu sồng mà còn nặng nợ thế gian. Câu kệ lời kinh không khuây khỏa được chuyện lòng. Tiếng mõ hồi chuông gợi buồn gợi nhớ... Điệp ơi! Em đã cắt đứt giây chuông, sao tơ lòng không đứt với thời gian( ... ) Kìa, có phải tiếng ma kêu quỷ khóc hay tiếng quỷ thần đang chờ rước hồn con !

Điệp  :  Ơ Lan...

Lan   :  Kìa...kìa tiếng quỷ vô...( ca Nam Ai lớp Mái )

... thường, Chực chờ rước con về ,

Lửa đốt lập loè hay ánh đuốt ma trơi

Chờ đợi dẫn đường con về tận chốn âm cung.

Xin vĩnh biệt bạn lòng mà không thấy mặt nhau.

Điệp ca :  Lan ơi, sực tỉnh đi Lan, trong giây phút sau cùng,

Hầu gặp lại bạn lòng trước phút biệt ly.

Lan ca  :  Nghe mơ hồ ai mới gọi như người xa mới tìm về.

Cô Lan « ảo » chết trên sàn diễn, khán giả khóc thương thê thảm trong khán phòng, cô Út Bạch Lan trong vai cô Lan chết đó lại cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng cao nhân giây phút thăng hoa của nhân vật « ảo » mà cô vừa thủ diễn.

Các diễn viên nam, nữ đóng cặp nhau trong các vai tình tứ như Lan với Điệp, như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, như Đường Minh Hoàng – Dương Quí Phi,… lâu dần họ cũng nhiễm mối tình yêu thơ mộng, say đắm của nhân vật và họ yêu nhau, kết thành chồng vợ như những nhân vật « ảo » mà họ đã thủ diễn.

Khán giả xem hát có người lẫn lộn giữa sân khấu và cuộc đời. Họ xem hát nhưng tưởng nhân vật trong tuồng hát như người đang sống chung trong thôn xóm nên khi không đồng ý với cách cư xử của nhân vật trong tuồng, họ nhảy lên sân khấu can thiệp, gây rối loạn cho đêm hát khiến cho ông thầy tuồng không biết phải giải quyết ra sao khi trong tuồng của ông bỗng sanh ra những nhân vật không do ông sáng tác.        

Chuyện xảy ra trên sân khấu đình Cầu Quan của doàn hát bội pha cải lương Minh Tơ - Khánh Hồng năm 1954. Đêm đó đoàn Minh tơ - Khánh Hồng hát tuồng Ngũ Vân Thiệu  thất Nam Dương Thành. Các nghệ sĩ: Hữu Thoại trong vai Ngũ Vân Thiệu, nữ nghệ sĩ Ba Út trong vai Giả Thị ( vợ của Ngũ Vân Thiệu ), Tám Văn trong vai Võ Văn Thành Đô, Thành Tôn trong vai Châu Xán, Sáu Kiếm trong vai Châu Xương, Minh Tơ trong vai Quan Công, Hoàng Sóc trong vai Quan Bình, Thiệu Của trong vai Thượng Sư Đồ...

Chuyện tuồng Ngũ Vân Thiệu thất Nam Dương Thành như sau:

Tuỳ Vân Đế bệnh nặng, biết con là hoàng tử Dương Quảng bất tài vô đức nên viết di chiếu trao quyền nhiếp chính cho thứ phi. Dương Quảng dùng thuốc độc giết cha, đoạt kim ấn, soán ngôi. Sau đó, Dương Quảng triệu lão trung thần Ngũ Kiến Xương ở Nam Dương Thành về triều. Lão thần Kiến Xương trao quyền giữ thành cho con là Ngũ Vân Thiệu, rồi cùng với gia tướng Ngũ Bảo hồi triều.

Ngũ Kiến Xương biết Dương Quảng giết cha cướp ngôi nên phản đối, bị Dương Quảng giết chết. Gia tướng Ngũ Bảo trốn thoát, về Nam Dương Thành báo cho Ngũ Vân Thiệu biết.

Tướng Thượng Sư Đồ của Dương Quảng đem quân bao vây Nam Dương Thành để bắt Ngủ Vân Thiệu và vợ là Giả Thị. Thượng Sư Đồ chiếm được Nam Dương Thành, vợ chồng Ngũ Vân Thiệu phá trùng vây chạy thoát. Ngũ Bảo bị tử trận. Giả Thị bị thương nặng, chạy lạc chồng, nàng đau bụng, sanh con giữa rừng. Thời may,  Ngũ Vân Thiệu gặp lại vợ con. Giả Thị chết, Ngũ Vân Thiệu phải đai con trên lưng để phá trùng vây của tướng Thượng Sư Đồ.

Thoát khỏi bị giặc bao vây, Ngũ Vân Thiệu lạc trong rừng sâu, không tìm được thức ăn cho mình và cho đứa con sơ sinh. Nửa khuya, con khát sữa khóc ré,  hồn Giả Thị hiện lên ru con và cho con bú. Đây là một lớp hát gây xúc động mạnh cho khán giả, nhiều khán giả khóc ngất, cảm thương cho tình mẹ thương con của Giả Thị, người ở âm cảnh, kẻ dương gian mà hồn Giả Thị vẫn bám sát để giúp cho con và chồng qua hồi thập tử nhứt sinh. 

Nghệ sĩ Hữu Thoại diễn lớp được tin cha bị giết đến lúc cùng vợ Giả Thị( do nghệ sĩ Ba Út diễn) tử chiến vượt trùng vây, vừa oai dũng vừa bi thương, bộc lộ được tình nghĩa vợ chồng chết sống bên nhau.

Ngũ Vân Thiệu:  Nam Dương Thành thất thủ,

                            Vợ chồng ta thọ tiển tưởng mạng vong,

                            Cuộc hơn thua chiến trận chưa xong,

                            Đường lắc léo, rừng sâu lại lạc,

                            Cơn gió thét lá cây rơi rạc,

                            Cụm mây giăng khe suối mịt mù…

Giả Thị ơi, Nay ta với nàng thương tích chưa lành, mà đường đi hiểm trở  làm vầy, phải tính sao hỡi phu nhơn!

Giả Thị :  Thưa phu quân! Miễn đặng đoàn viên một hội

Lo chi hiểm trở ngàn trùng

Dẫu là nổi trôi đi nữa, là cũng có vợ có chồng,

Hãy lần lõi mà tìm đường tìm xá….

Vân Thiệu: Phải đó! Phải mau mau mà đi

Rạch gai, đạp sỏi men men tới

Vịn đá, vịn cây bước bước cùng

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay…

Thượng Sư Đồ :  Bớ Tam Quân, Truyền các tướng mau mau vây bắt( Quân sĩ la ó thật lớn)

Đuổi nghịch tặc…  chớ chớ chậm chân.

Cả tiếng kêu GIả thị cuồng ngoan

Hỏi có thấy… Thượng Sư Đồ ta đang truy nã ?

Bớ Tam Quân,  nếu bọn chúng không quy hàng, hạ mã,

Truyền cung tên xạ tiển,  quyết giết chết chớ không tha….Xạ tiển! Xạ tiển…

Trống  chiến đánh dồn dập, tiếng quân la xạ tiển rang trời, Ngũ Vân Thiệu vừa múa thương đở tên vừa kêu Giả Thị mau mau trốn chạy. Thượng Sư Đồ ra cầm cung tên chỉa bắn vào Giả Thị: “ Giả Thị, hảy xem mủi tên của ta lấy mạng mi…

Một bà khán giả, tay xách ô trầu, bước lên sân khấu, hét lớn: Cái thằng Thượng Sư Đồ ác ôn, người ta đã thua chạy, sao mầy rượt theo hoài vậy. ( bà day qua nói với Giả Thị) Giả Thị, đừng sợ, chạy đi, có Dì cản hậu. Nó bước tới, Dì xáng cho nó một cái ô trầu cho nó chết cha cái thằng Thượng Sư Đồ ác ôn.

Khán giả có người vổ tay hoan hô: Đập cái ô đồng đó cho thằng Thượng Sư Đồ bể đầu  đi…

Tiếng nhiều người khác la lên: Bà ơi, người ta hát, bà nhào lên sân khấu chi vậy?

Bà già không chịu xuống, lớn tiếng la: Thằng Thượng Sư Đồ bắn chết Giả Thị rồi…Kêu lính bắt nó…Bớ mã tà… Bớ phú lích…Giả Thị bị giết rồi nè…

Màn buông xuống, đèn khán phòng bật sáng. Anh Minh Tơ còn hoá trang vai Quan Công, ra dìu bà già xuống từng nấc thang trước sân khấu. Giả Thị ( nữ diễn viên Ba Út) chạy ra, nói: “ Má ơi, con còn sống nhăn đây mà. Hồi nảy là tuồng hát trên sân khấu, chớ không phải chết thiệt đâu má…

-         Vậy sao? Bây làm tao khóc hết nước mắt! Hồi nảy tao mà có dao, tao dám chém cái thằng Thượng Sư Đồ đó lắm à…

Bà  già khán giả đó lẫn lộn giữa cái “ảo “ của sân khấu và cái “thật “ của cuộc đời. Không ít khán giả cũng có cảm xúc như bà khán giả vừa kể, tuy nhiên cách phản ứng, cách bộc lộ xúc cảm có mức độ khác nhau.

Riêng đối với giới nghệ sĩ sân khấu, người nào đã chọn cái nghiệp sân khấu làm nghề mưu sinh thì họ không xa rời được cách sống ngày “ thật “, đêm “ảo “. Họ có những  “ vai hát để đời “ và họ cũng sống suốt đời với tâm trạng nhân vật “ảo “ mà họ tâm đắc.

Giới soạn giả như Thiếu Linh, Hà Triều Hoa Phượng, Viễn Châu, Kiên Giang, Nguyễn Phương… chúng tôi sống với sân khấu trên năm, sáu chục năm. Chúng tôi cũng sống trong tâm trạng, nửa cuộc đời là sống thật với xã hội, với gia đình, với những chuyện cơm, áo, gạo, tiền, còn lại nửa cuộc đời thì đúng là chỉ sống với những suy nghĩ viễn vông, mơ mộng, sống trong ảo tưởng và hoài niệm dĩ vãng với hạnh phúc xa xưa.

Bây giờ nếu được tái sinh, chắc chắn nghệ sĩ chúng tôi vẫn muốn được sống cái kiếp nghệ sĩ mơ mộng này.

93 tuổi rồi, tính sổ đời, vẫn mãi mê một cuộc sống “ảo “.

Nguyễn Phương

Tác giả bài viết: SG Nguyễn Phương - CLVNCOM
Nguồn tin: cailuongvietnam.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spam Thay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

CAILUONGVIETNAM.COM 13/04/2004 - 13/04/2025

Sắp tới đây là kỷ niệm 21 năm ngày thành lập trang web cailuongvietnam.com (13/04/2004 - 13/04/2025) Dây là trang tin tức đầu tiên của cailuongvietnam.com từ năm 2004. Còn đuọc gọi là CLVNCOM1 . Thân mời các dộc giả xem những bằi mới hơn tại trang tin tưc CLVNCOM2 theo link dưới dây https://www.cailuongvietnam.com/newscl

 

Thí sinh Lê Hoàng Nghi đoạt giải Chuông vàng vọng cổ lần thứ 19 – năm 2024

Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.

 

Giữ bản sắc cho cải lương tuồng cổ

Ngày 18-9, Sở Văn hóa - Thể thao và Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP HCM"

 

“Đêm huyền thoại” quy tụ nhiều ngôi sao sân khấu cải lương

Chương trình nghệ thuật “Đêm huyền thoại” quy tụ nhiều ngôi sao hàng đầu sân khấu cải lương sẽ diễn ra tại nhà hát Bến Thành (quận 1) vào tối 30/8.

 

Tâm Sự Thần Y 4.0

CLVNCOM .- Thơ Đây sổ đỏ cân ký độ mấy va li Đây danh hiệu thần y ngay thời 4.0 Truớc mặt là những tấm lòng bồ tát Đởi tu sĩ sợ nghiệp dẫn ta đi

 

Thông diệp của cải lương điện ảnh

Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lại

 

NSND Thanh Nam và nghệ sĩ Chí Tâm ngồi ghế nóng "Chuông vàng vọng cổ" lần thứ 19 - 2024

Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" là một trong những chương trình về nghệ thuật truyền thống do Đài Truyền hình TP HCM khởi xướng và tổ chức thực hiện từ năm 2006 đến nay, với mục tiêu tìm kiếm, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu cải lương.

 

Nhiều người trẻ tâm huyết với nghệ thuật hát bội

Trước dòng chảy như vũ bão của nghệ thuật hiện đại với sự du nhập của nhiều loại hình giải trí mới, các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội rơi vào khủng hoảng, bấp bênh. Lo ngại di sản niên đại hàng trăm năm của ông cha đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, các bạn trẻ Gen Z đã tâm huyết, nỗ lực tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng, tạo cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại…

 

Nghệ sĩ Bích Thuận qua đời

Nghệ sĩ Tú Trinh cho biết nghệ sĩ Bích Thuận đã qua đời tại Houston - Mỹ ngày 25-6, thọ 100 tuổi. Bà qua đời vì bệnh già.

 

Vở "Sấm vang dòng Như Nguyệt" - dấu ấn mới của NSƯT Chí Linh, Vân Hà

Vẫn ở vị trí chỉ huy, yểm trợ cho dàn diễn viên trẻ thể hiện xuất sắc các vai diễn trong tác phẩm sử Việt, NSƯT Chí Linh, Vân Hà đã tạo thêm dấu ấn mới cho sự nghiệp.

 

Trà Vinh vận động gây quỹ xây dựng Khu Lưu niệm NSND Viễn Châu

Tỉnh Trà Vinh dự kiến xây dựng Khu Lưu niệm cố soạn giả - NSND Viễn Châu với tổng kinh phí 70 tỉ đồng từ viêc vận động xã hội hoá

 

MC Đức Tiến và Hoa hậu...

Sao Việt đồng loạt sốc, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến ở tuổi 44.

 

Nghệ sĩ Nhã Thy: Tâm huyết với sân khấu cải lương

Nghệ sĩ Nhã Thy cùng các nghệ sĩ trẻ tâm huyết với nghệ thuật cải lương truyền thống đã và đang tiếp tục ra sức gìn giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị nghệ thuật quý giá của sân khấu cải lương trong đời sống hiện đại.

 

Nghệ sĩ Linh Cường, từng chặng đường không quên

CLVNCOM .-- Bạn đọc, khán giả, các nghệ sĩ và tất cả thành viên của cailuongvietnam.com vẫn không quên nghệ sĩ Linh Cường vì ông luôn có mặt trong tất cả nhung buổi từ thiện hay giao lưu cùa trang web CLVNCOM hàng năm vào dịp lễ Tết tại Khu Dưỡng Lão Nghê Sĩ , đình Nhơn Hoà...vv.... . Không những góp công góp sức góp của mà nghệ sĩ Linh Cưởng vẫn luôn cung nghệ sĩ Xuân Lan và chị Việt Hồng tham gia phẩn văn nghệ giúp vui nữa. Những hình ảnh đều có trong diễn dàn của website CLVNCOM vốn là SÂN CHƠI DÀNH CHO KHÁN GIẢ đã ngót 20 năm nay! Dưới đây đây là bài viết của Soan Giả Nguyễn Phương nói về anh : NS LINH CƯỜNG .

 

NSƯT Kim Tiểu Long với ngày 1-5 nhiều ý nghĩa

Vào ngày 1-5 hàng năm, khi bạn bè đồng nghiệp và khán giả gửi lời chúc mừng sinh nhật, NSƯT Kim Tiểu Long không khỏi bồi hồi nhớ lại những lời mẹ kể.

 

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).