02:02 PDT Chủ nhật, 28/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 130


Hôm nayHôm nay : 3078

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1111362

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76926740

Trang nhất » Tin Tức » Tìm Hiểu Nghệ Thuật

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).

Xem tiếp...

35 năm nhìn lại…

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/06/2013 02:56 - Đã xem: 8917
35 năm nhìn lại…

35 năm nhìn lại…




Cải Lương bị bức tử từ năm 1950.
6o năm sau mới chịu chết ngắc ngoải!
Những buỗi sáng thứ sáu, các ông bạn già cùng học ở trường Collège de Mytho và vài ông bạn trong Hội tuổi vàng rồng vàng tụ họp nhau ở plaza Côtes des Neiges altuống cà phê, nói chuyện khào và chờ đến hơn 12 giờ trưa thì kéo qua restaurant ăn cơm, xong chia nhau trả tiền rồi mạnh ai về nhà nấy. Sáng nay trước khi đi dùng cơm, có ông bạn nhờ tôi làm dùm một bài toán như sau:

Trước năm 1975, 180  đồng bạc VNCH đổi được một đô la Mỹ.

Sau năm 1975, 500 đồng bạc VNCH đổi lấy một đồng bạc HCM, rồi sau đó 10 đồng HCM đổi lấy một đồng HCM mới nữa, như vậy có nghĩa là 5000 đồng VNCH đổi được một đồng bạc HCM..

Bây giờ, sau 35 năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, 19.000 đồng bạc HCM  đổi được một đô la Mỹ, anh nhờ tối tính thử coi kinh tế của VN tiến hay thoái bao nhiêu phần trăm so với đồng bạc trước 1975.

Tôi làm toán dở nên tính không ra, nhưng tôi nói bây giờ dân mình ở trong nước giàu lắm. Hồi trước mình ăn một tô phở, giá 10 đồng VNCH, bây giờ ở Saigon người ta ăn một tô phở giá tới ba chục ngàn đồng HCM. Có tô phở giá tới năm chục ngàn đồng HCM, có phở giá bảy mươi lăm ngàn đồng HCM.

Ông bạn tôi cười râng: “ Vậy sao anh không tính một tô phở thứ hạng bét giá 30.000 đồng HCM, nếu đổi theo hối suất 5000 đồng VNCH là 1 đồng HCM thì một tô phở hạng bét đó hiện nay giá là 5000 X 30.000 = 150.000.000 đồng VNCH xưa một tô phở. Anh đúng là thích làm hoàng tử hay làm vua trên sân khấu, cứ sống lơ tơ mơ trong ảo tưởng, cuộc đời vui buồn theo ánh đèn sân khấu, cuộc đời ” thật” nhiêu khê lắm anh ơi. Nếu tính theo giá một tô phở mấy chục ngàn đồng mà nói là dân giàu thì chưa đúng đâu.( Bỗng ông ta đổi giọng) Ừ mà sau 35 năm, anh không tính sổ coi tại sao cải lương ngắc ngoải như vậy? Bây giờ ở trong nước hay ở nước ngoài người ta đều nói cải lương chết rồi hay sắp chết thiệt rồi.

-        Nói về sân khấu cải lương ngày một mất khán giả, không có tuồng tích hay, không có rạp để hát, cải lương chết thì ai cũng nghĩ như vậy, còn tại sao nó chết, chắc còn phải bàn tới bàn lui nhiều.

-        Đây, tôi cho anh đọc bài Thi sĩ Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ của ông. Anh đọc bài này, trong đó có đề cặp đến sân khấu cải lương. Anh đọc rồi cứ rà lại những gì xảy ra liên tục trong nhiều năm, giống như kiếm đầu mối của một cuộn chỉ rối. Khi mà anh lần ra được đầu mối, anh rút ra được cả cuộn chỉ, anh sẽ thấy nó hết rối ngay.

Bữa cơm trưa này tôi nuốt không trôi, cứ suy nghĩ không hiểu ông nầy đưa tập giấy nói về nhà thơ Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ của ông là có mục đích gì. Về nhà, tôi đọc ngấu nghiến bài viết về Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ của ông.

Đêm đó tôi không ngủ được, câu hỏi của ông bạn già: Sao anh không tính sổ 35 năm sau ngày 30 tháng 4 / 1975 dằn vật tôi suốt đêm.  Tôi cho là một sự gợi ý rất hay nhưng mà nếu tính sổ cải lương 35  năm sau ngày 30 tháng 4 năm 75 một cách thẳng thắng, chân thật thì thế nào cũng đụng chạm đến những người có trách nhiệm và quyền hạn của chế độ mới và cũng có thể đụng chạm đến một số soạn giả hoặc nghệ sĩ của chế độ cũ.

Qua mấy ngày mất ăn mất ngủ, cuối cùng tôi quyết định: nếu những nghệ sĩ , soạn giả cải lương của cái thời trước 1975 không làm việc tính sổ cải lương 35 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì bây giờ nghệ sĩ trẻ đâu có biết sự thật về chuyện thay hình đổi xác của nghệ thuật cải lương sau 1975. Bởi vậy, trâu già không sợ dao phai, tôi đã 89 tuổi rồi, sống nay chết mai, không còn ham thích tranh danh đoạt lợi, chỉ vì tổ nghiệp, vì cái nghề nghiệp cải lương, vì các nghệ sĩ đi trước, những bật thầy, vì những nghệ sĩ đồng thời, vì những nghệ sĩ các thế hệ đi sau mà tôi chấp bút làm cái việc tính sổ cải lương 35 năm sau ngày 30 tháng 4.

Tất nhiên là nội dung cuộc tính sổ này sẽ được tính một cách khái quát, ghi nhận những sự thật đã xảy ra góp phần làm thay đổi bộ mặt sân khấu cải lương của miền Nam, tôi viết với một tấm lòng mong muốn đóng góp tài liệu về lịch sử sân khấu cải lương qua những biến đổi sâu xa của thời cuộc, tuyệt nhiên không phê phán bên nào cả.

Các đọc giả đọc qua tư liệu này, nếu thấy chưa thật là đầy đủ, xin vui lòng bổ sung thêm hoặc cải chính và tôi hy vọng các bạn trẻ yêu thích cải lương, sẽ hiểu được những gì đã xảy đến cho nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu cải lương sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Các bạn sẽ tự rút ra kết luận về đề tài đã được nêu ra.

 

Đọc Hồi Ký của thi sĩ Hoàng Cầm tự treo cổ kịch thơ của mình, tôi chú ý những đoạn viết về cải lương như sau.

Trích Nguyên Văn:

Hội Nghị Văn Nghệ Việt Bắc tháng 8 năm 1950:

Trong kháng chiến, dường như năm nào cũng có những cuộc hội nghị văn hóa, văn nghệ đủ mọi trình độ, tầm cỡ, được tổ chức khắp nơi. Nhưng Đại Hội Văn Nghệ Tháng 8 / 1950 tại Việt Bắc là một Hội Nghị quan trọng, quyết định vinh thăng Kịch và loại trừ Tuồng, Chèo, Cải Lương, Kịch thơ ra khỏi nền văn nghệ CM.

Quyết định này, đã buộc Hoàng Cầm phải “ treo cổ “ kịch thơ của mình, đã khiến Phạm Duy “ dinh tê “ tức là bỏ kháng chiến vào thành. Trong những nghệ sĩ bỏ kháng chiến có Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến… sau này sẽ là những cột trụ xây nền Văn Học miền Nam.

Báo Văn Nghệ dành hai số 25 và số 26 ra tháng 8 và tháng 9 / 1950 để viết về Hội Nghị 1950.

“ Ngày 26 / 7, hai năm sau Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc lần thứ hai, đã khai mạc cuộc họp mặt Văn hóa Văn nghệ năm 1950. Non 100 đại biểu của Việt Bắc, Khu Ba, Khu Tư và Khu Năm rất xa, đã tề tựu dưới mái giảng đường trường văn nghệ nhân dân. Các đại biểu đã vượt hàng tháng đường dài, qua rừng núi, nắng mưa, qua những đồn giặc.

Văn Nghệ 26, số đặc biệt về Kịch, giới thiệu Hội Nghị tranh luận về sân khấu với 2 bài chính:

-        Bài biên bản, không ký tên tác giả.

-        Bài Những ngày Hội Nghị của Tô Hoài.

Bài Biên Bản cho biết; Thế Lữ tuyên bố khai mạc, Tố Hữu đặt vấn đề thảo luận. Đoàn Phú Tứ thuyết trình “ Quan niệm xây dựng sân khấu Việt Nam”  với những ý chính:

-        Tuồng : “ Thái độ dứt khoát của chúng ta bây giờ là đưa nó ( tuồng ) vào bảo tàng viện.

-        Chèo :” Nên yêu chèo như một từ ngữ, hãy trân trọng xếp nó vào viện bảo tàng.

-        Cải Lương: “ Cải Lương Nam Kỳ là một nghệ thuật quái gở, lai căng, sản sinh ra ở một thời đại múa may quay cuồng, điên điên dại dại, để giải trí cho một lớp người cuồng vọng, không biết mình sẽ đi đâu, không biết mình đương nghĩ gì, đương cảm xúc thế nào, lớp người mới phát sinh trong thời Pháp thuộc mất gốc, mất rễ và giao động đến cực độ.”

-        Kịch Nói: một hình thức biễu diễn sân khấu mới nhất, tuy còn ít thành tích nhưng rất nhiều tương lai( trang 621 ).

-        Trong phần tranh luận chỉ có Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp bênh vực cải lương.

-        Kết Luận: Tuồng, Chèo là tàn tích của thời phong kiến, Cải Lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Chỉ giữ lại kịch và phổ biến rộng rãi.

( Ngưng trích )

Thì ra từ tháng 8 năm 1950, những người nắm vận mệnh của ngành văn hóa văn nghệ miền Bắc đã ra bản án xử tử Cải Lương, và cất Tuồng và Chèo trong bảo tàng viện! Họ nói Cải lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Không hiểu Kịch là sản phẩm của giai cấp nào? Không lẽ họ cho Kịch là sản phẩm của giai cấp nông dân…

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đoàn Kịch Trung Ương của Hànội trình diễn tại nhà hát Thành Phố các vở kịch: Ni La, cô gái đánh trống trận, - Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ Ba Bi Tráng, Người Cầm Súng, Câu Chuyện Éc Kút, Ê Rốt rtrát… Sau đó đoàn Kịch Cữu Long Giang diễn các vở kịch Công Chúa Tua Răn Đốt, Người Tốt Thành Tứ Xuyên, Vua Lia, Lôi Vũ, Người Đốt Đền…

Đoàn Kịch Kim Cương diễn vở Tania, Duyên Dáng Cu Ba… Ba đoàn kịch Trung Ương, kich Cữu Long Giang và đoàn Kim Cương diễn những vở kịch của Liên Xô kể trên và cũng có diễn những vở kịch mang đề tài kháng chiến, tuyên truyền những con người mới trên các vùng Kinh Tế Mới, như vở Xa Thành Phố Yêu Dấu, Mùa Hè Ở Biển, Tôi và Chúng ta, Lịch Sử và Nhân Chứng…nhưng tôi chỉ nhớ nổi các tựa kịch , còn câu chuyện kịch là gì, tôi thú thật không tài nào nhớ nổi.

Những danh từ Éc Kút, Ê Rốt rytát, Tania, Ni La, Vua Lia, Tua Răn Đốt nó làm cho đầu óc tối mù lên, nếu “ Kịch “ như các vở Liên Xô vừa nêu ra là kịch của giai cấp nông dân mà mấy ông đó muốn đề cao và phát triển thì đúng là cái thứ Kịch Liệt khó mà hiểu được, khó mà nuốt trôi!

Sau năm 1975, khi đến tập tuồng cho đoàn hát Thanh Minh, các đạo diễn (từ miền Bắc hồi kết } Ngô Y Linh, Huỳnh Nga, Bích Lâm kể cho chúng tôi biết chuyện các đoàn cải lương trong chiến khu. Anh Huỳnh Nga lúc đó ở Ban Tuyên Truyền khu 8 với đạo diễn Minh Trị( bây giờ) cho biết hồi đó các nghệ sĩ cải lương ở Saigon vào chiến khu 8 có các ông Tám Danh, Ba Du, Tư Xe, Tám Cũi làm diễn viên trong Ban Tuyên Truyền khu 8( Đồng Tháp Mười). Họ chỉ được diễn kịch tuyên truyền, họ bị cấm không cho ca vọng cổ hay hát cải lương. Nhiều khi ghiền vọng cổ, họ bơi xuồng ra giữa đồng, chung vô các lùm đế, mang theo xị rượu vừa đờn vừa ca cho nhau nghe, uống rượu đế và ca lén chớ lúc đó vọng cổ bị cấm ca. Ai ca vọng cổ thì bị bỏ tù.

Đến năm 1952, theo lời của đạo diễn Bìch Lâm: trong lễ tổng kết Thi Đua Lập Công, đoàn Văn Công Phân Liên Khu miền Đông có hát tuồng cải lương Trần Hưng Đạo Bình Nguyên của tác giả Trần Bạch Đằng ở chiến khu Dương Minh Châu. Đây là vở tuồng cải lương duy nhứt diễn trong chiến khu miền Đông. Sau đó các văn nghệ sĩ không được hát cải lương hay ca vọng cổ cho tới khi đi tập kết miền Bắc sau hiệp định đình chiến Genève.

Trong những năm từ 1950 đến 1954. trong các vùng do Việt Minh kiểm soát thì vọng cổ và cải lương bị cấm hay chỉ có những hoạt động lẻ tẻ.

Theo tài liệu Nghệ Thuật Cải Lương - Những Trang Sử của ông Trương Bỉnh Tòng ( Phó Giám Đốc Sở VHTT THHCM - Viện Sân Khấu xuất bản )trang 176, 177: Cải Lương Trên Đất Bắc:

Năm 1956, Liên đoàn ca kịch kháng chiến Liên Khu 4 đổi tên thành Đoàn Cải Lương Bắc Trung Ương, diễn vở cải lương Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài trong Bắc Bộ Phủ, được ông Hồ tặng cho bài thơ:

“ Mối duyên Sơn Bá – Anh Đài,

“ Chữ tình nên trọng, chữ tài nên thương,

“ Trách ông già dở dở ương ương,

“ Làm cho đôi lứa uyên ương không thành

“ Đánh cho phong kiến tan tành

Bao nhiêu Sơn Bá – Anh Đài sẽ thành lứa đôi.

Trong kháng chiến cũng như khi hòa bình được lập lại, nội dung tuồng cải lương phải mang một nội dung chính trị theo sự chỉ đạo của Đảng. Tuồng tình sử Tàu “ Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài “ cũng phải làm rõ nội dung:  “ Đánh Cho Phong Kiến Tan Tành ! “

Năm 1958, Đại Hội Sân Khấu Cải Lương toàn quốc lần thứ hai, đoàn cải lương Trung Ương hát vở

“ Người Nữ Diễn Viên Miền Nam” của Lưu Trọng Lư( chắc là nội dung chống Mỹ)

-        vở Kiều ( hồi một ) của Phạm Ngọc Khôi ( nội dung chắc là chống phong kiến địa chủ! )

Đoàn cải lương Quyết Tiến dựng vở tuồng cải lương “ Bạch Tố Trinh” ( chuyện Bạch Mao Nữ của Trung Cộng )

Đoàn cải lương Nam Bộ dự đại hội sân khấu với vở cải lương Nàng Tiên Mẫu Đơn ( phỏng theo truyện Tàu ) và vở Máu Thắm đồng Nọc Nạn( chống địa chủ )

Theo lời của đạo diễn Bích Lâm, lúc tập kết ở miền Bắc, các nghệ sĩ cải lương và các cán bộ văn nghệ của miền Nam trình diễn những vở tuồng cải lương như Nàng Tiên Mẩu Đơn( theo truyện Tàu), Bạch Mao Nữ( Tàu) Nhật Xuất,(Tàu), Lôi Vũ ( Tàu ) Khuất Nguyên( cũng Tàu), Người gát dưới ánh đèn Néon( cũng Tàu luôn)…

 

Trong lúc đó thì ở miền Nam, nghệ thuật hát cải lương, hát bội được phát triển rầm rộ.

Saigon và các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam, có nhiều đoàn hát cải lương như đoàn hát Nam Đồng Ban, Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Phước Cương, Văn Hí Ban, Văn Võ Hí Ban, Tân Thinh, Hữu Thành, Phụng Hảo, Nam Hưng, Kỳ Quan, Tập Ích Ban, Thái Bình, Tiến Hóa, đoàn cải lương Hậu Tấn - Năm Nghĩa, Hậu Tấn - Bảy Cao, Việt Kịch Năm Châu, đoàn Mộng Vân, đoàn Sống Mới – Năm Nở, đoàn hát Phát Thanh, đoàn Tiếng Chuông …( còn nhiều nữa, kể không xiết…)

Đến năm 1950, ông bầu Lư Hoà Nghĩa, giải tán gánh hát Hậu Tấn - Năm Nghĩa, lập đoàn hát mới lấy tên là đoàn hát Thanh Minh. Nghệ sĩ Bảy Cao lập gánh hát Hoa Sen; bầu Vân Sinh lập gánh Tân Hương Hoa, bầu Nhơn ( Châu Văn Sáu ) lập gánh Phụng Hảo 4, nhóm nghệ sĩ Bảy Nhiêu lập gánh hát Con Tằm, đoàn hát Trăng Mùa Thu…

Các nghệ sĩ danh ca vọng cổ đợt 1938 đến 1954 có nghệ sĩ Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Tư Thạch, Tư Út, Từ Anh, Ba Khuê, Ba Lễ, Bảy Nhiêu, Tư Xe, Năm Phồi, Việt Hùng, Minh Chí, Thanh Cao, Paul Tấn, Minh Tấn, Quang Phục, Tám Bằng, Chín Sớm, Hồng Châu, Thành Công, Tuấn Sĩ…các nữ danh ca Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Hai Đá, Tư Bé, Tư Sạng, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ, Bảy Vĩnh Long ( tức bà Bảy Ngọc sau này), Sáu Trâm, Sáu Ngọc Sương, Ngọc Hải, Năm Kim Thoa, Ba Kim Hui, Ngọc Lợi, Ngọc Ánh, Kim Anh, Tư Thanh Tùng, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Thúy Nga, Kim Chưởng, Kim Cúc, Kim Lan, Ngọc Đán,…

Các soạn giả từ năm 1920 đến 1954, có Mạnh Tư Trương Duy Toản, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Năm Mạnh Nguyễn Công Danh, Nguyễn Thành Châu ( Năm Châu), Tư Trang, Huỳnh Thủ Trung( Tư Chơi), Mộng Vân,  Lê Hoài Nở( Năm Nở), Giáo Út, Duy Lân, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Trần Văn May, Tư Thới, Thanh Cao, Nguyễn Phương, Quang Phục, Lâm Tồn, Thái Thụy Phong, Viễn Châu, Sáu Hải…

Tuồng tích trong đợt nầy có hàng trăm tuồng, tuồng Tàu, tuồng phóng tác theo kịch Anh, Pháp của Nguyễn Thành Châu, tuồng Kiếm Hiệp của phái Mộng Vân, có các soạn giả Mộng Vân, Năm Nghĩa, Ba Tẹt(đoàn hát Phát Thanh), Lâm Tồn, Thanh Cao, Tư Thới, tuồng dã sử, xã hội của Năm Châu, Tư Chơi, Tư Trang, Năm Nở, Duy Lân, Nguyễn Phương, Viễn Châu, tuồng chiến tranh của Bảy Cao và Trần Văn May.

Trước năm 1954, tại Saigon có 4 rạp hát dành cho các đoàn hát Cải lương: rạp Nguyễn Văn Hảo đường Galliénie( sau là đường Hưng Đạo), rạp Aristo đường Lê Lai, rạp Thành Xương đường Yersin, rạp Thuận Thành Dakao.

Ở mỗi tỉnh có một rạp hát dành cho cải lương như Mỹtho có rạp hát thầy Năm Tú, Bến Tre có rạp Lạc Thành, Cần Thơ có rạp Minh Châu, Bạc Liêu có rạp Chung Bá, Sóc Trăng có rạp Nguyễn Văn Kiểng, Long Xuyên có rạp Minh Hiển, Biên Hòa có rạp hát Biên Hùng, Phan Thiết có rạp hát Thất Ngàn, Nha Trang có rạp Tân Quang, Huế có rạp Thuận Hóa, Đà Nẳng rạp Hai Bà Trưng, …

Từ năm 1954 đến năm 1975, Sau hiệp định đình chiến Genève năm 1954, các nhà tư sản bỏ tiền ra xây cất nhiều rạp hát dành cho cải lương và rất nhiều rạp hát bóng tân kỳ. Đến năm 1975, Saigon, Chợ lớn, Gia định có 30 rạp hát dành cho cải lương: Rạp Hưng Đạo, rạp Nguyễn Văn Hảo, Rạp Thành Xương, rạp Aristo, rạp Olympic, rạp Quốc Thanh, rạp Thống Nhất, rạp Long Phụng đường Gia Long, rạp Kinh Thành Cầu Ông Lãnh, Rạp Cầu Muối, rạp Đình Cầu Quan, rạp Kim Châu, rạp đình Lý Nhơn quận 4, rạp Đại Đồng quận 3, rạp Long Vân, rạp Minh Châu, rạp Hòa Bình, rạp Lao Động B, rạp Oscar, rạp Thủ Đô, rạp Xóm Củi, rạp Cây Gỏ, rạp Quốc Thái, rạp  đình Minh Phụng Chợ Lớn,  rạp Thuận Thành Đakao( sau cất lớn đổi tên là rạp Văn Hoa DaKao), rạp Kinh Thành đường Hai Bà Trưng, rạp Đại Đồng Gia Định, rạp Cao Đồng Hưng, rạp Gò Vấp, rạp Phú Nhuận.

Các rạp hát dành cho cải lương được xây cất ở quận nhứt, quận nhì, quận Ba, Quận Tư, Quận Năm, quận Sáu, Dakao, Phú Lâm, Phú Nhuận, Giò Vấp, Chợ Lớn, Gia Định, dân chúng ở vùng nào có thể đi bộ, đi xe đạp, xe gắn máy hoặc cyclo đạp, cyclo máy đến xem hát.

Các tỉnh cũng cất thêm mỗi tỉnh vài rạp hát lớn dành cho cãi lương: Mỹtho có Viễn Trường, Cần Thơ có rạp Hậu Giang, Long Xuyên, Sóc Trăng có rạp Hoà An, Bãi Sào rạp Hòa Khánh, Bạc Liêu, Tân An, Biên Hòa, Nha Trang, Ninh Hòa, Phan Thiết, Qui Nhơn, Đà Nẳng, Huế đều cất thêm rạp mới và hiện đại cho cải lương nhờ đó nghệ thuật hát cải lương phát triển. Dàn cảnh sân khấu rộng hơn, đẹp hơn, hiện thực và sát với hoàn cảnh địa lý diễn tả trong vở tuồng. Y trang tranh cảnh và ánh sáng sân khấu cũng đẹp hơn, sát với thực tế của câu chuyện được kể trong tuồng.

Nhờ có nhiều rạp hát mới, đường bộ được mở ra nhiều, thuận tiện cho xe cộ giao thông, dân chúng làm ăn phát đạt nên nhiều đoàn hát được thành lập thêm và người ta thấy có nhiều đoàn hát đại ban được thành lập ở Saigon, Lục tỉnh và các tỉnh thành lớn ở miền Trung như đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, Kim Thanh, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu, Kim Chung 1,2,3,4,5,6,7, Hữu Tâm – Ba Khuê, Tân Hương Hoa - bầu Sinh, Tiếng Chuông - Bầu Cang, Đuốc Việt - Bầu Hơn, Bích Sơn - Ngọc An, Thống Nhứt – Út Trà Ôn, Thủ Đô – Ba Bản, Thủ Đô - Tấn Tài, Kim Chưởng – Thanh Hương, Kim Chưởng, Thanh Hương – Hùng Minh, Út Bạch Lan – Thành Được, Thúy Nga - Phước Trọng, Việt Kịch – Năm Châu, Phước Chung, Ánh Chiêu Dương, Hùng Cường - Bạch Tuyết, Tiếng Hát Dân Tộc, Trâm Vàng, Sao Ngàn Phương, Dạ Minh Châu( tức Thanh Minh Thanh Nga 2), Dạ Lý Hương 2, Trăng Mùa Thu, Bạch Liên Hoa, Mai Hoa – Út Hậu, Thanh Bình – Kim Mai, Huỳnh Long, Minh Tơ, Khánh Hồng, Tấn Thành Ban - Cầu Muối, đoàn Mười Vàng - Tân Định….

Nghệ sĩ danh ca trẻ rất nhiều như Kim Anh, Ngọc Nuôi, Thanh Nga, Thúy Lan, Ngọc Chúng, Bảy Quất, Kim Luông, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Diệu Hiền, Diệu Nga, Diệu Huê, Ngọc Hương, Kim Giác, Kim Hoàng, Kim Cương, Kim Nga, Kim Tuyến, Kim Ngọc, Mộng Tuyền, Mộng Nghi, Mỵ Lan, Hồng Nga, Bạch Tuyết, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng, Ánh Hoa, Phương Ánh, Bích Sơn, Ngọc An, Thu Ba, Hoàng Vân, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, Thanh Kim Huệ, Trang Bích Liễu, Diệp Tuyết Anh, Kiều Tiên, Kiều Hoa, Kiều Lan, Kiều Thu, Hoài Dung, Hoài Mỹ, Tô Kim Hồng, Ngọc Đan Thanh, Mai Hoa, Tài Lương, Hương Lan, Phượng Hằng, Thanh Thanh Hoa, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tú, Thanh Tuấn, Ba Xây, Châu Thanh, Văn Lang, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Tâm, Đức Minh, Út Hiền, Út Hậu, Hoàng Kinh, Văn Sa, Kiều Trúc Phượng, Phương Bình, Phương Trúc Bình, …

Diễn viên tài danh chuyên diễn các vai kép, đào lẵng và hề: Hoàng Giang, Trường Xuân, Sáu Nhỏ, Trọng Lang, Ba Vân, Tư Xe, Tám Củi, Bảy Xê, Thanh Liêm, Hoàng Liêm, Diệp Lang, Hùng Minh, Hề Lòng, Hề Vân Trình, hề Kim Quang, Tư Rọm, Văn Chung, hề Văn Hường, hề Minh, Hề Núi, hề Châu Hí, hề Tám Lắm, hề Sa, hề Quất, hề Vui, hề Núi, hề Giang Tâm, hề Thanh Nam, hề Tẩu Tẩu, Thanh Việt, Phi Thoàn, Khả Năng, Thanh Hoài, Hoàng Mai, hề Vũ Đức, hề Phúc Lai, hề Tư Vững, hề Ba Hội, Hồng Tơ…

Soạn giả đợt 1954 – 1975 có Mộc Linh, Thiếu Linh, Hà Triều – Hoa Phượng, Kiên Giang, Hoàng Khâm, Thu An, Quy Sắc, Ngọc Điệp, Phan Hương, Trương Vũ, Phương Ngọc, Nguyễn Liêu, Vân An, Yên Ba, Yên Lang, Yên Trang, Phong Anh, Hoài Linh, Hoài Ngọc, Phan Hương, Loan Thảo, Hoàng Việt, Hoàng Kinh, Nhị Kiều, Nguyễn Đạt, Ngọc Văn, Ngọc Huyền Lan,  Hoài Ngọc, Thế Châu, Tuấn Khanh…

Tuồng dã sử Việt Nam có: Lửa Hờn, Biên Thùy Nổi Sóng, Tình Tráng Sĩ, Đồ Bàn Di Hận, Người Chép Sử, Núi Liểu Sông Bằng, Áo Gấm Khôi Nguyên, Nẽo Tắt Hoành Sơn, Hồi Trống Vân Lâu, Ngược Dòng Sông Lỗi, Ngược Sóng Phú Lương, Cầu Gỗ Hoàng Mai Thôn, Người Đẹp Bạch Hoa Thôn, Đêm Hờn Cung Lạnh, Tiếng Đàn Trên Sông Tô Lịch, Nhan Sắc Tần Phi, Sắc Đẹp Nàng Vô Tội, Rắn Báo Oán( Nguyễn Trãi - Thị Lộ ) Thiên Thần Trên Thiết Mã, Áo Cưới Trước Cỗng Chùa, Đất Việt Của Người Việt, Cành Đào Thăng Long, Chiếc Lá Giữa Dòng, Đề Thám - anh Hùng Yên Thế, Vợ Ba của Đề Thám, Trăng Nước Lam Giang, Lam Sơn Tụ Nghĩa, Hận Nam Quan, Nguyễn Trải – Phi Khanh, Hồ Qúy Ly, Gánh Cỏ Sông Hàn, Hỏa Hồng Nhật Tảo,…

Tuồng cổ tích, tuồng theo truyện thơ xưa: Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa, Nàng Nhái Kiểng Tiên, Trần Minh Khố Chuối, Áo Gấm Đầu Làng, Thạch Sanh Lý Thông, Tấm Cám, Người Đẹp Bán Tơ, …

Tuồng Xã Hội: Thầy Cai Tổng Bồi, Đời Hai Mặt, Chén Cơm Đô Thành, Chén Cơm Chan Máu, Lỡ Bước Sang Ngang, Vàng Sáu Bạc Mười, Bông Hồng Cài Áo, Đôi Mắt Người Xưa, Ngã Rẽ Tâm Tình, Bóng Chim Tăm Cá, Người Tình Của Biển, Tình Xuân Muôn Tuổi, Bọt Biển 1,2,3,4,5, Hai Hình Ảnh Một Cuộc Đời, Hoa Đồng Cỏ Nội, Mộng Đẹp Nữa Đời Hoa, Tuổi Hồng Cho Em, Cánh Hoa Chùm Gỡi, Nữa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Đêm Vĩnh Việt, Tấm Lòng Của Biển, Xanh Xít Đít Đuôi, Lan và Điệp, Tiền Rừng Bạc Biển, Lệnh Của Bà, Chuyện Ba Trái Tim, Con Ma Nhà Họ Hứa, Tuyệt Tình Ca, Trăng dãi đêm Sương, Đời Cô Nga, Nghiệp Giáo, Chuyện Tình 17,…

Có những tuồng Tàu, tuồng phóng tác theo kịch Anh, Pháp, tuồng loại hương xa, tuồng chiến tranh cắc bùm nhưng tuồng xã hội Việt Nam cận dại và tuồng dã sử Việt Nam chiếm đa số trong các tuồng được trình diễn trong thời gian này.

 

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nghệ sĩ cải lương và nghệ thuật hát cải lương phải chịu chung một số phận như tất cả quân dân của miền Nam sau cuộc đổi đời bi thảm.

Các Đoàn Hát Cải Lương, Hát Bội, Ban Kịch Tư Nhơn:

Tất cả các đoàn hát cải lương, hát bội, ban kịch đều bị đồng loạt giải tán.

Chánh quyền mới thành lập những đoàn hát cải lương mới mang những tên Đoàn Văn Công Thành Phố, đoàn cải lương Saigon 1, đoàn cải lương Saigon 2, đoàn cải lương Saigon 3, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Thanh Nga, đoàn Trúc Giang, đoàn Phước Chung, đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, đoàn kịch nói Kim Cương, đoàn Kịch Nói Bông Hồng - Thẩm Thúy Hằng, đoàn ca vũ nhạc Hương Miền Nam,. Sau năm 1980, thành lập thêm các đoàn cải lương Trần Hữu Trang 1, đoàn cải lương Trần Hữu Trang 2, đoàn cải lương Xung Kích ( Trần Hữu Trang 3 ).

Các đoàn Văn Công Thành Phố và 3 đoàn cải lương Trần Hữu Trang là những đoàn văn công Quốc Doanh. Các đoàn còn lại là những đoàn hát tập thể, có đoàn do một người chủ cũ bỏ tiền ra thành lập nhưng tất cả các đoàn hát đều do cán bộ của Sở Văn Hoá Thông Tin đưa xuống chỉ huy đoàn hát dưới danh nghĩa là trưởng đoàn. Chương trình hoạt động, tuồng tích, nhân sự và nghệ sĩ đều được sự chỉ huy của nhà nước thông qua cán bộ Sở VHTT đưa xuống nắm đoàn. Sau ba năm ( từ 1978 ) các người chủ bỏ tiền ra lập gánh hát như bà Thơ, bà Bảy Hương, ông Minh Tơ được ông cán bộ - trưởng đoàn hát tập thể trích trong số doanh thu hằng suất hát ra 50 đồng để trả lại số vốn mà họ đã bỏ ra khi thầnh lập đoàn. Từ đây đoàn hát hoàn toàn thuộc về Sở VHTT dưới dạng đoàn hát tập thể.

Ở các tỉnh cũng thành lập ở mỗi tỉnh một hay hai đoàn cải lương, lấy tên tỉnh làm tên đoàn hát như đoàn cải lương Tiền Giang( của tỉnh Tiền Giang), đoàn Tân An, đoàn Tây Ninh, đoàn cải lương Hậu Giang, đoàn cải lương Sông Hậu, đoàn Sóc Trăng, đoàn Đất Mủi – Cà Mau, đoàn Cao Văn Lầu - Bạc Liêu, đoàn cải lương Sông Bé, đoàn Bến Tre…Nói chung đây là những đoàn Văn công của tỉnh chuyên hát cải lương.

Tóm lại sau 30 tháng 4, tất cả các đoàn hát cải lương đều do nhà nước thành lập và quản lý: dưới danh nghĩa đoàn Văn Công hay đoàn tập thể. Bảng hiệu của đoàn hát đặt dựa theo tên của tỉnh mà đoàn trực thuộc, khác với trước 1975, đoàn hát lấy tên của người danh ca làm chủ đoàn hát hay do người chủ tư nhơn chọn tên bảng hiệu theo ý thích cá nhơn.

Nghệ Sĩ Cải Lương:

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại Saigon, tất cả các nghệ sĩ phải đến Ty Sân Khấu thuộc Ban Quân Quản Saigon đăng ký và sau khi Ty Sân Khấu cứu xét, sẽ cho quyết định nghệ sĩ nào được phép hành nghề, nghệ sĩ nào bị cấm hành nghề ( Ty Sân Khấu mới thành lập sau 30 tháng 4, chỉ có đôi ba cán bộ trong rừng ra và vài ba nghệ sĩ nằm vùng như vợ chồng nghệ sĩ Nam Sơn tức Năm Thịt, ký giả Ngọc Linh, Vĩnh Điền)

Soạn Giả Cải Lương:

Tất cả các soạn giả cải lương, kịch nói đồng loạt bị cấm hành nghề trong 10 năm để cải tạo tư tưởng, một số được tập trung để học đường lối mới của Cách Mạng. ( Đến năm 1986, ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố Cỡi Trói Cho Văn Nghệ sĩ thì các soạn giả đã già yếu hoặc đã đổi nghề sau một thời gian mười năm thất nghiệp, ăn bo bo, thiếu chất đạm, thiếu nhu cầu tối thiểu của sự sinh hoạt hằng ngày cho mình và cả gia đình …)

Nghệ Sĩ “ Có Vấn Đề “:

Các soạn giả và ca sĩ bị bắt đi tù trong các trại cải tạo có soạn giả Mộc Linh, Ngọc Điệp, nghệ sĩ Huyền Trân, Thành Công, Chín Sớm…

Sau vài tháng, chúng tôi được biết ba nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và Phượng Liên bị cấm hành nghề vì ba cô có chồng là sĩ quan cấp tá. Tuy nhiên khi thành lập đoàn cải lương Saigon 1, hai nữ nghệ sĩ Phượng Liên và Ngọc Giàu được thu nhận làm diễn viên. Còn nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết thì đến khi nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại ( 26 tháng 11 năm 1978 ) Bạch Tuyết mới được đoàn cải lương Trần Hữu Trang thu nhận để cô hát thế vai Thái Hậu Dương Vân Nga của cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga.( tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga do hai soạn giả Hoa Phượng và Hoàng Việt sáng tác cho đoàn Trần Hữu Trang khác với tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga do soạn giả Trúc Đường( miền Bắc) sáng tác, soạn giả Huy Trường chuyển thể, hát đầu tiên trên sân khấu Thanh Minh lúc Thanh Nga bị sát hại)

Bà Năm Sadec, kịch sĩ Tâm Phan, nghệ sĩ Hùng Cường, bị cấm hành nghề vì tham gia chương trình kịch Thép Súng của quân đội VNCH.

Các nghệ sĩ Tú Trinh, Nguyên Hạnh, Thanh Việt, Tùng Lâm, nhà ảo thuật Hoàng Biếu, một số nữ ca sĩ chạy về miền Tây, giúp việc cho đoàn ca vũ kịch Ngọc Giao của tỉnh Cần Thơ. Các kịch sĩ Phi Thoàn, Phú Quí, Duy Phương bán vé xe đò ở Xa Cảng miền Tây.

 

Tất cả các tuồng hát cải lương dưới thời VNCH đều bị cấm trình diễn. Chỉ có hai tuồng được trình diễn sau khi sửa thêm những đoạn mà họ xét có lợi cho Cách Mạng, đó là tuồng Tấm Lòng Của Biển của Hà Triều Hoa Phượng và tuồng Phụng Nghi Đình của cố soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền. Tuồng Tấm Lòng của Biển, sửa nhân vật Tấn( tuồng cũ thì Tấn bỏ nhà ra đi lang bạt giang hồ vì chống lại hành động của cha và chị vì anh cho là bất công đối với bà Vú) Tuồng sửa lại thì Tấn bỏ nhà ra đi vì anh trốn quân dịch, chống việc nhà cầm quyền VNCH bắt quân dịch đưa ra trận chết thế cho lính Mỹ).

Nguyễn Phương, Viễn Châu giúp Vĩnh Điền chuyển thể tuồng Tiếng Trống Mê Linh( các đoạn diễu của Chương Hầu, Nàng Tía, Chương Hầu, Mã Tắc, Chương Hầu và Tô Định do Nguyễn Phương sang tác,; những đoạn tâm tình, chia tay, tế chồng của Trưng Trắc do Viễn Châu sáng tác. Trong nguyên bản kịch của Việt Dung không có những đoạn này) Vì Nguyễn Phương và Viễn Châu bị cấm hành nghề nên không được đứng tên đồng tác giả với Việt Dung và Vĩnh Điền mà chúng tôi được chia mỗi người 400 đồng tiền bản quyền chuyển thể.

Nguyễn Phương được chỉ định chuyển thể Kịch Một Cuộc Giải Phẩu của Phạm Hữu Tùng thành tuồng cải lương cho đoàn hát Saigòn 3 diễn( tôi viết thêm nhân vật hài Trung Tá Phò cho Thanh Việt và vai con gái thiếu tá quân y cho nữ nghệ sĩ Tài Linh diễn để tăng chất cải lương cho tuồng nầy). Minh Trị làm đạo diễn. Vì Nguyễn Phương bị cấm hành nghề, tên soạn giả chuyển thể được tôi chọn là soạn giả Thiên Hải( tức Trời Biển, bắt chước ông ký giả Tư Trời Biển ngày xưa, một người không ngán ai hết…) Tên soạn giả này chỉ được cho phép dùng một lần cho tuồng Một Cuộc Giải Phẩu, sau đó ông Sáu Chiến, phụ trách Tuyên Huấn thành ủy, khối Văn Hóa Văn Nghệ yêu cầu tôi chọn tên soạn giả khác.

Sau đó Nguyễn Phương và Trường Xuân Trúc chuyển thể kịch Quán Hương Tràm của kịch tác gia Dương Linh thành vở cải lương Quán Hương Tràm cho đoàn Saigon 3 diễn. Tôi chọn tên là soạn giả Thảo Bình. Các ông xếp mới tưởng tôi dùng chữ Thảo là cỏ để đối với tên Trúc của Trường Xuân Trúc nên cho để tên soạn giả chuyễn thể là Thảo Bình và Trường Xuân Trúc. Sau một thời gian, bạn bè hỏi, tôi giải thích: Thảo là cỏ, Bình là bằng, Thảo Bình là Cỏ Bằng, đọc lái lại là soạn giả Cẳng Bò! Thế là cái tên Cẳng Bò không được dùng nữa.

Nguyễn Phương lại được mời chuyển thể kịch Người Ven Đô của soạn giả Tám Khoa, lần nầy ông Sáu Chiến đề nghị tôi dùng tên soạn giả Gia Nghiệm ( tức là tăng gia kinh nghiệm!) Tên này cũng chỉ được dùng một lần cho tuồng cải lương Người Ven Đô.( có nhân vật Tám Khoẻ do Ba Vân đóng…)

Kiểm Duyệt Tuồng:

Các soạn giả cũ được cho học tập cải tạo tư tưởng tại chổ, dự nhiều khóa sáng tác, nhiều trại sáng tác nhưng cuối cùng muốn có được một vở tuồng cho hát không phải dễ. Phải kiểm duyệt “ đề cương kịch bản”. Sau khi đề cương kịch bản và chủ đề tư tưởng của vở tuồng dự định viết được chấp thuận thì cho vào trại sáng tác, viết phát thảo 1 ( tức là đại cương cốt chuyện, tính cách nhơn vật, những đoạn đối thoại quan trong, một vở kịch phát thảo. Sau khi phát thảo 1 được thông qua, soạn giả viết thành phát thảo 2, có bài ca cổ nhạc và màn, lớp, đối thoại hoàn chỉnh. Hội đồng kiểm duyệt lại duyệt phát thảo 2 của kịch bản, thêm ý kiến, bỏ những câu văn hay đoạn nào không đúng định hướng chính trị. Soạn giả theo sự góp ý đó viết thành phát thảo 3 và được Hội Đồng Kiểm Duyệt duyệt lại.

Sau khi phát thảo 3 được Hội Đồng Kiểm Duyệt thông qua, đoàn hát sẽ tập tuồng“ chạy đường giây” tức là học lời thoại, bài ca và diễn không cần phục trang đúng như trong tuồng, không cần dàn cảnh để Hội đồng kiểm duyệt duyệt đường giây kịch bản, chủ đề tư tưởng và tánh cách nhơn vật có đúng theo định hướng chính trị không. Đây là kiểm duyệt lần thứ tư sau khi bản tuồng được kiểm duyệt thông qua.

Khi “ Chạy đường giây “ được chấp thuận hoặc sửa theo sự góp ý của Hội Đồng Duyệt xong thì đoàn hát mới mua sắm y trang, tranh cảnh. Sau đó đoàn hát hát Sơ Khảo vở tuồng này, nghệ sĩ hát có mặc trang phục của tuồng, có cổ nhạc và tân nhạc minh họa, có dàn cảnh, âm thanh, ánh sáng hoàn chỉnh. Đóng mở màn y như một suất hát thật. Hội đồng duyệt góp ý lần thứ 5.

Sau khi sửa xong, đêm hát phúc khảo chỉ gồm Hội Đồng Duyệt, khách mời: cán bộ các ban ngành trong thành phố, một số nghệ sĩ đoàn bạn, đó là kiểm duyệt chót hết để đoàn hát được bán vé cho khán giả xem.

Một vở tuồng thông qua hơn năm lần kiểm duyệt và góp ý của cả chục cái đầu óc thông minh về đường lối chính trị và văn nghệ khiến cho vở tuồng mang tính cách một thông cáo, một chỉ thị chính trị có ca vọng cổ và bài bản cổ nhạc.

Rạp Hát :

Tất cả các rạp hát bóng, rạp hát cải lương, đình hát bội hoặc Hồ Quảng đều bị nhà nước tịch thu, đổi lại thành các rạp hát, nhà hát do nhà nước quản lý. Nhiều đoàn văn công thành lập trước hoặc sau 30 tháng 4 được nhà cầm quyền mới giao cho toàn quyền sử dụng nhiều rạp hát làm nơi cho cán bộ văn công ở, hoặc làm nơi tập tuồng và cho các đoàn hát khác mướn để thu lợi.

Các rạp hát Lao Động B thành ra chổ để nhóm Năm Cam mở casino bài bạc, rạp Quốc Thanh thành restaurant, rạp Kinh Thành, Cây Gỏ, Phú Nhuận, Cao Đồng Hưng thành chổ bán sách và tạp hóa, rạp Nguyễn Văn Hảo thành nhà hát kịch, các rạp Long Vân, Thành Xương, Aristo bị phá , xây cất cơ sở Thanh Niên.

Chỉ còn một rạp duy nhất là rạp Hưng Đạo để hát cải lương. Trong tương lai họ sẽ phá rạp Hưng Đạo , xây cất rạp mới, như vậy có nghĩa là rạp dành cho cải lương là dẹp luôn trong vài năm nữa…

Không có nhiều rạp hát cải lương ở mỗi quận như ngày trước, khán giả Đa Kao, Gò Vấp, Gia Định, Phú Lâm, quận 4, quận 5, quận 6, ghiền cải lương, đành ngồi nhà xem video cải lương cho đở ghiền…

Nghệ thuật cải lương đổi mới:

-     Cải biên động tác cởi ngựa, phối hợp lối cởi ngựa hát bội với cây roi ngựa và lối cởi ngựa của đoàn Văn Công khi ca bài “ Ngựa Phi Đường Xa “, tay giả gò cương ngựa, hai chân mở rộng, mình nhúng theo nhịp điệu ca như đang ngồi trên lưng ngựa.

-        Vọng Cổ ca vài trăm chữ trước khi xuống chữ hò,

-        vọng cổ có xen vô Hát chầu Văn, hát chèo,

-        vọng cổ hòa duyên cùng ca Opera,

-        Dàn nhạc Giao hưởng hòa tấu cùng Ban cổ nhạc.

-        ca vọng cổ họp xướng,

-        ca vọng cổ có múa minh họa chạy vòng vòng quanh ca sĩ,

-        hát cải lương quảng trường, sân khấu rộng 900 thước vuôn nên nghệ sĩ phải thật đông, có treo nhiều nghệ sĩ tòng ten ( Kim Vân Kiều) có 40 cô ni cô tụng kinh trong lớp Kiều tự vận ở sông Tiền đường…

-        Tuồng cải lương nhắm vào những cuộc tình ngang trái do giàu nghèo cách biệt, nông dân bị địa chủ, hội đồng thời Pháp thuộc bốc lột. ( Đánh Điạ Chủ, Phong Kiến )

-        Còn những chuyện như tham nhũng, cướp ruộng đất của nông dân thì chưa có một vở nào được trình làng.

-        Hát trích đoạn những tuồng cũ thời VNCH, hát để cho dân cải lương xem cho đở ghiền.

-        Các định hướng chính trị, cải lương tuyên truyền cho những ngày lễ lớn như ngày 3 tháng 2, ngày 30 tháng 4, ngày 1 tháng 5, 19 tháng 5, ngày 19 tháng 8, ngày 23 tháng 12, bây giờ dân không thích xem nên được viết lại bằng những bài ca vọng cổ, ca lẽ để kỷ niệm các ngày đó.

Các nghệ sĩ cải lương ra định cư ở nước ngoài sau 1975:

Các nghệ sĩ đi tìm một cuộc sống tự do và an lành cho bản thân và gia đình sau năm 1975 có:

Ở Hoa Kỳ: Thành Được, Văn Chung, Phượng Liên, Chí Tâm, Thanh Huyền, Linh Tuấn, Thu Hồng, Minh Hùng, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Ngọc Bích, Bình Trang, Ngọc Đan Thanh, Hương Huyền, Phương Hồng Chi, Hương Sắc, Kiều Mỹ Loan, Hoài Trúc Linh, Kim Xuyên Lan, Kim Tuyến, Phượng Mai, Tuấn Châu, Bảo Chiêu, Bích Sơn, Bạch Liên, Huyền Trân, Ngọc Huyền, Bảo Chiêu, Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Mỹ Châu, Đức Minh,

-các nhạc sĩ Văn Hoàng, Minh Phụng, Bích Thuận, Kim Nguyên, Ba Tu,

- các soạn giả Thiếu Linh, soạn giả Yên Lang, soạn giả An Dạ Lý,  …

Ở Pháp: Hữu Phước, Hương Lan, Hương Thanh, Bích Thuận, Hoàng Long, Phương Thanh, Hùng Tiến, Thanh Lịch, Minh Tâm , Tài Lương, Minh Đức, Kiều Lệ Mai, Thanh Bạch, Bạch Lê, Trung Ảnh, Lý Kim Thanh, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, Việt Dương Nhân, nhạc sĩ Minh Thanh, ca sĩ Kim Lệ, nhạc sĩ Ngọc Hạnh…

Ở Ca nada : Nguyễn Phương, Thùy Dương, Linh Huệ, Hạnh Đào, các nhạc sĩ Minh Sang, Năm Hùng, Văn Cam( tức Công), Đức Thành, Nguyệt Lan, Kiên saxo, Nguyễn Đức,

Ở Úc: Hoài Thanh, Đồ Quyên, Bạch Lựu, Điền Thanh, Mộng Tuyền, Kim Hơn, Ngọc Hà,…

Và gần đây nữ nghệ sĩ Tiểu Phụng, Y Phụng, danh ca Minh Cảnh, Linh Tâm…

Tính sổ cải lương sau 35 năm đổi đời, bỗng thấy chóng mặt, vì thấy Cải Lương bị dẹp sạch sành sanh! Bèn chợt nhớ là theo quan niệm của Quốc Gia, Nghệ thuật hát cải lương là một nghệ thuật của dân tộc, thể hiện những mãnh đời thật, vừa là nghệ thuật sân khấu góp phần giải trí cho dân chúng vừa là dấu tích chứng nhân sự phát triển văn học nghệ thuật của các thời kỳ trong lịch sử phát triển của dân tộc. Do đó, dân làm thì dân được hưởng lợi nhuận vật chất và tinh thần. Từ đó mà có một thời vàng son của nghệ thuật hát cải lương, một cuộc sống vàng son cho giới chủ rạp, bầu gánh, nghệ sĩ và soạn giả.

Sau 1975, nghệ thuật sân khấu( kịch, cải lương, hát bội, tuồng, chèo, ca nhạc tài tử, tân nhạc…) đều là phương tiện tuyên truyền của Đảng nên cái nào có lợi cho đảng thì duy trì, sử dụng, cái nào không có lợi cho Đảng thì dẹp bỏ. Quyền lợi vật chất và tinh thần của Đảng đặt trên cả quyền lợi của dân chúng,. Do đó cải lương chết là điều thấy rõ nơi những nguyên nhân đã kể trên.

Chỉ có điều đáng nói là cải lương bị bứt tử từ năm 1950, đến năm 2010 mới chịu chết ngất ngư.

Ngồi tính sổ cải lương trước khi dẹp tiệm.

Nguyễn Phương 2010

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Bùi Thị Mỹ - 27/08/2022 23:40
Thật là tư liệu quý hiếm chỉ có tác giả Nguyễn Phương mới ghi nhận được. Đọc mà buồn muốn rớt nước mắt cho cải lương miền Nam, bây giờ đang cải thiện nhưng hình như quá muộn và không đúng hướng vì chỉ tập trung thi cử lấy bằng chứ không còn sàn diễn cải lương và tuồng tích hay nữa

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).

 

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.