04:25 PDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 173

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 169


Hôm nayHôm nay : 8810

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1081007

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76896385

Trang nhất » Tin Tức » Tìm Hiểu Nghệ Thuật

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Xem tiếp...

Giai thoại Sân khấu Cải lương : Tuồng Phụng Nghi Đình,Lữ Bố lặn dưới mương

Đăng lúc: Thứ năm - 16/05/2013 11:47 - Đã xem: 5162
Tuồng Phụng Nghi Đình, Lữ Bố lặn dưới mương

Tuồng Phụng Nghi Đình, Lữ Bố lặn dưới mương

Cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, đoàn hát Tiến Hóa của ông bầu Trương Gia Kỳ Sanh thường lưu diễn ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, nơi có nhiều khán giả người Hoa. Đoàn chuyên hát tuồng Tàu như: Phụng Nghi Đình, Quan Công Đắp Đập Bắt Bàng Đức, Quan Công Phục Huê Dung Đạo, Quan Công Quá Ngũ Quan, Trảm Lục Tướng, Mã Siêu Báo Phu Cừu. Đoàn Tiến Hóa có bốn diễn viên tài danh ca diễn rất hay là Út Trà Ôn, Ngọc Thạch, Văn Lang và Ba Du, nên Bang chủ của Triều Châu Thân Hữu Hiệp Hội tỉnh Trà Vinh tặng cho một tấm trướng thêu bốn chữ vàng “Toàn Hảo Chi Bang”.

Kép Út Trà Ôn thủ vai Thái Sư Văn Trọng (tuồng Trụ Vương–Đắc Kỹ), anh ca hai mươi câu vọng cổ “Thái Sư Văn Trọng Gián Thập Điều” ca rất hay, cho đến nay hơn sáu mươi năm qua, chưa có nghệ sĩ nào ca bài đó hay bằng Út Trà Ôn.

Kép Ngọc Thạch thủ vai Quan Công, Kép Văn Lang thủ vai Quan Bình, kép Ba Du thủ vai Châu Thương trong tuồng Quan Công Phục Huê Dung Đạo, khi cả ba nghệ sĩ này đứng trụ bộ: Quan Công ngồi giữa, Quan Bình ôm ấn tín đứng sau lưng bên trái, Châu Thương cầm thanh long đao đưa cao, đứng sau lưng bên mặt, cả ba trụ bộ giống hệt hình bức tượng mà nhiều người Tàu và Việt Nam thờ ông Quan Công. Nghệ sĩ Ngọc Thạch đóng vai Quan Công thể hiện được hình tượng nhân vật uy nghi lẫm lẫm, tuy được khán giả và anh em đồng nghiệp kính nể nhưng họ tin dị đoan nên không dám trò chuyện thân mật với anh.

Kép Ba Du mập mạp, nước da ngăm ngăm đen, miệng rộng, mắt hí, mới nhìn giống như người Miên nhưng ông là người Việt sinh trưởng ở Vĩnh Long (1904). Kép Ba Du đóng vai Mạnh Lương Bắt Ngựa trong tuồng Mộc Quế Anh Dâng Cây thật hay, ông ca vọng cổ giòn tan, có lúc nhanh như lặt rau, lối ca chạy đua với đờn. Đờn dứt, tiếng ca của Ba Du cũng dứt, đúng nhịp với đờn một cách tài tình. Trong đoàn hát, Kép Ba Du nổi danh qua các vai Tề Quân (tuồng Thôi Tử Thí Tề Quân) vai Mạnh Lương (Mộc Quế Anh Dâng Cây), vai Đổng Trác (tuồng Phụng Nghi Đình)...

Nghệ sĩ Văn Lang, được gọi là Sáu Lang, một “kép mặt trắng”, chuyên thủ các vai Lữ Bố, Mã Siêu, Triệu Tử Long, Quan Bình, những vai kép đẹp trên sân khấu, anh ca vọng cổ rất mùi nên được nữ khán giả ái mộ nhiệt liệt. Hát ở quận nào, làng nào, anh Sáu Lang cũng được nhiều cô gái liệng quạt thưởng tiền, tặng quà, có vài cô muốn độc chiếm Lữ Bố-Sáu Lang. Cũng có con gái nhà giàu, ăn cắp nữ trang, tiền bạc của cha mẹ, cuốn gói đi theo Lữ Bố-Sáu Lang để dệt mộng ân tình. Hồi đó kép Sáu Lang nổi danh là kép hát đắt mèo nhứt trong giới nghệ sĩ cải lương.
Năm 1948, bà Hương Sư Cân, điền chủ giàu nhứt ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nhân dịp thâu được đầy đủ lúa ruộng và trúng mùa quít, mùa cam, bà mua dàn đoàn hát Tiến Hóa của ông Bầu Trương Gia Kỳ Sanh hát một tuần lễ, bảy thứ tuồng Tàu để cho gia đình bà xem chơi đồng thời cho những người giúp việc, những tá điền trung thành với gia đình bà cùng xem, coi như đó là phần thưởng cuối năm cho họ.
Cũng cần biết trong các năm 1948, 1949, 1950, chiến tranh Việt-Pháp sôi động nhứt là ở các tỉnh miền Đông, đặc biệt ở vùng núi rừng Tây Ninh, Thủ Dầu Một, còn ở các tỉnh miền Tây, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Việt Minh ít có những trận đánh lớn, do đó các đoàn hát cải lương được nhà cầm quyền Pháp cho phép hát ở các đình, miếu gần đồn, bót để dễ dàng kiểm soát.
Con trai của bà Hương Sư Cân, là cậu Hai Hãnh, Trưởng Ban Cảnh Sát Hội Đồng Xã Nhơn Mỹ xin phép Hội Đồng Xã cho dựng sân khấu, che rạp hát bằng cà tăng trên sân đình làng, bán vé cho dân xem hát. Hội Đồng Xã cho người che mái, dựng lều làm hàng quán cho dân mướn để bán thức ăn, la de, nước ngọt dài theo mé sông, đối diện với sân khấu vì vậy trong bảy ngày đêm, đình làng đông nghẹt dân chúng đi ăn nhậu, vui chơi, xem hát như những lần lễ cúng Kỳ Yên của Hội Đình.
Bà Hương Sư Cân mua dàn hát lời rất nhiều vì sân khấu dựng trên sân bãi rộng có thể chứa vài ngàn khán giả trong một suất hát mà đêm hát đầu tiên lại đông nghẹt khán giả. Hôm sau, bà đến thăm đoàn hát, bảo người chèo ghe khiêng lên cho nghệ sĩ hai giỏ cần xé cam sành và quít đường để cho nghệ sĩ tẩm bổ, giữ giọng ca cho thanh trong tuần lễ hát bán dàn cho bà.
Cùng đi với bà Hương Sư có cô con gái cưng của bà, cô Ba Cẩm Tú, học sinh trường dòng La Providense ở thị xã Sóc Trăng. Cô Cẩm Tú học nội trú, gặp lúc bãi trường nghỉ hè hai tháng cô mới được mẹ cho đi xem hát. Lần đầu tiên cô xem tuồng Phụng Nghi Đình trong rạp Nguyễn Văn Kiểng, tỉnh Sóc Trăng, cô đã mê nhân vật Lữ Bố.
Hồi đó, ở trường học, cô Cẩm Tú chỉ gặp các thanh niên là sư huynh của trường dòng. Những giáo sư mặc áo dài đen thâm chùng, đầu hói ngắn, vẻ mặt trang nghiêm, nói năng nghiêm khắc với học sinh. Về huyện Kế Sách hoặc đến các xã Phú Nổ, Nhơn Mỹ, Đại Ngải,... Cẩm Tú chỉ thấy những thanh niên nông dân, mặc quần bô áo vải, màu đen hoặc màu trắng, người nào cũng có nước da rám nắng, chân dính bùn mốc trắng. Bây giờ đi coi hát mấy đêm liền, Cẩm Tú thấy những viên tướng Lữ Bố, Triệu Tử Long, Mã Siêu mắt xếch, má hồng, môi son, nước da trắng, nét mặt uy nghi lẫm lẫm. Các viên tướng đó mặc các bộ giáp màu trắng hay màu tím than, có đính “mắt gà” hoặc “hột chai”, chiếu sáng lấp lánh muôn màu dưới ánh đèn sân khấu.
Cẩm Tú nghe giọng ca mùi và ánh mắt đa tình của Lữ Bố như hướng về cô. Hình ảnh tuyệt đẹp đó, âm thanh quyến rũ đó với ánh mắt đa tình của Lữ Bố theo vào trong giấc mộng của cô khiến cho Cẩm Tú mơ có được một ý trung nhân tài sắc vẹn toàn như Lữ Bố, như Triệu Tử Long. Vì là con gái cưng của bà Hương Sư, chủ mua dàn hát, nên cô Cẩm Tú có thể ra vào hậu trường một cách thoải mái. Từ ông bầu đến các nghệ sĩ và cả những anh nhạc sĩ, người nào gặp cô Cẩm Tú cũng đều niềm nỡ chào hỏi. Các anh dàn cảnh thì mang ghế lại đặt kế bên tủ làm tuồng của Lữ Bố-Sáu Lang để cho Cẩm Tú nói chuyện với thần tượng của mình.
Bà Hương Sư Cân đang bận đếm tiền trong phòng bán vé, mỗi đêm hát bà lời cả chục ngàn đồng, bà vui đến độ không còn nhớ cô con gái cưng của bà hiện đang làm gì, đang ở đâu. Cậu Hai Hãnh Trưởng Ban Cảnh Sát lo việc giữ trật tự an ninh, phòng chống bọn trẻ xé cà tăng chui vô coi hát cọp. Sau khi đoàn hát gần hết màn chót, sắp xả dàn thì Cậu Hai bận ăn nhậu với các cảnh sát viên và dân phòng, những người đã phụ với cậu trong việc giữ trật tự cho đêm hát, cậu Hai Hãnh cũng không nhớ đến cô em Cẩm Tú của mình.
Lữ Bố- Văn Lang được tự do tán hưu tán vượn, hết sức khen cô Cẩm Tú đẹp, sang, con gái nhà giàu, học giỏi, Lữ Bố- Văn Lang còn rủ rê nếu cô Cẩm Tú theo đoàn hát thì với học lực của cô, cô có thể làm thầy tuồng cho gánh hát. Cô Cẩm Tú chỉ cần viết lời đối thoại theo chuyện tuồng mà Văn Lang nghĩ ra, Văn Lang sẽ viết thêm vô bài ca cổ nhạc và đứng tập tuồng. Như vậy, cô Cẩm Tú vừa có danh thầy tuồng, vừa có tiền bản quyền mà lại được theo thần tượng của mình đi du lịch từ làng này sang tỉnh nọ. Cô Cẩm Tú cao hứng, hứa sẽ nói với mẹ bỏ tiền ra lập gánh hát, cô sẽ làm chủ, Văn Lang sẽ là kép chánh. Hai người sẽ hợp tác viết tuồng, khi hát thành công hai người sẽ chánh thức cưới hỏi nhau. Trong khi Văn Lang và cô Cẩm Tú dệt mộng tương lai, thì hai người không ngờ có anh dân phòng đứng xớ rớ gần đó nghe được. Anh bèn chạy báo cho cậu Hai Hãnh để lập công.
Vì được nhà binh Pháp và ông quận trưởng Kế Sách cho phép nên khi đoàn hát hát ở sân đình Nhơn Mỹ, dân làng tổ chức hàng quán, buôn bán đầy đủ những thức ăn nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Người ta thấy có quán bán bún mắm nước lèo đặc biệt có cá lóc nướng với thịt heo quay, lạp xưỡng tươi nổi tiếng của Lỳ Chu, bánh pía và mè láu Vũng Thơm, bánh cống xã Đại Tâm, bò nướng ngói xã Mỹ Xuyên, quít đường Hội đồng Ngàn, cam sành Hội đồng Vị, cà phê, hủ tíu, cháo lòng ngon nhứt của xã Đại Ngãi và đặc biệt rượu đế ngâm rễ ngào của xã Phú Nổ với nhãn hiệu Ba Ông Già Chống Gậy.
Ban ngày không có tập tuồng nên các nghệ sĩ kéo ra hàng quán ăn nhậu cho thỏa thích. Văn Lang, Ba Du và Ngọc Thạch hợp tánh ý nhau nên ngồi chung bàn ăn bún mắm nhậu rượu đế ngâm rễ ngào. Ông Bầu kêu tôi, Trường Xuân và hề Lòng cùng ngồi chung một bàn ăn bánh xèo, bánh cống. Các nghệ sĩ nam nữ khác cũng chiếm nhiều bàn trong các hàng quán gần đó ăn uống rất là vui vẻ. Dân làng cũng đến ăn nhậu rất đông. Có bốn chàng thanh niên đến trước các bàn ăn có nghệ sĩ đang ngồi, nhìn quanh như tìm kiếm gì đó, ông Bầu tưởng vì các nghệ sĩ chiếm nhiều bàn nên người địa phương không có ghế trống để ngồi, ông nói: Anh em mình xích lại, ngồi chung một bàn để nhường chỗ cho các bạn đây...
Một thanh niên vai u thịt bắp nói: Khỏi... khỏi, chúng tôi muốn kiếm thằng Lữ Bố, đánh lộn chơi!
- Các bạn khéo đùa cho vui (ông Bầu vừa cười vừa nói). Tụi mình tứ hải giai huynh đệ mà!
- Huynh đệ gì nỗi mà huynh đệ? Nó là cái thằng bá vơ ở đâu mà tới cái xứ này muốn chim con gái nhà giàu hả? Tụi tui kiếm nó đập cho một trận rồi bẻ gãy cái sừng dê của nó cho nó biết dân Kế Sách này không dễ gì mà ăn hiếp.
Anh Văn Lang thấy bộ vó bậm trợn của bốn tay nông dân đó nên ngán quá, ngồi cúi gầm mặt xuống, giả vờ ăn bún, đưa cao cái tô che khuất nửa mặt. Anh Ba Du xô ghế đứng lên: “Nè, anh bạn, đánh lộn ở đây, cảnh sát bắt. Anh nên nhớ là dân cải lương không dễ để ai ăn hiếp đâu nhe”.
- Dân cải lương là cái thá gì mà anh khoe. Tôi chỉ muốn đánh thằng Lữ Bố thôi. Nó muốn chim cô Cẩm Tú thì nó sẽ bỏ mạng tại đây.
- Kìa, có sân khấu kìa, các anh muốn đánh lộn thì lên đó, cảnh sát có tới thì tưởng là mình đang tập tuồng. Một mình tôi chấp cả bốn anh. Tôi là đệ tử của Lữ Bố đây...
- Vậy thì đánh chết mẹ mầy... Anh ta nói xong, chụp cái ghế đẩu đập mạnh vô đầu anh Ba Du.
Ba Du né qua, rồi đưa tay chụp cái ghế đẩu, giựt mạnh một cái. Anh chàng thanh niên yếu sức hơn, té chúi nhủi tới, Ba Du đấm một đấm thật mạnh vô ngay giữa mặt. Anh chàng này phun máu mủi máu miệng đỏ cả áo trắng.
Anh thanh niên thứ hai vừa chồm tới, Ba Du sẵn cầm cái ghế đẩu, đập mạnh vô mặt, cái tráng sưng tù vù, cái mủi cũng phun máu. Anh ta chới với, bị anh Ba Du đạp cho một đạp, té bật ngửa rồi nằm dưới đất, ôm mặt máu mà đứng lên không nổi. Anh thứ ba định bỏ chạy, anh Ba Du nhào tới đá song phi, trúng cần cổ, anh ta té chúi mủi vô gốc cây, cái mặt tím bầm. Còn anh thứ tư đưa tay khoát khoát như muốn nói đừng đánh anh ta nhưng anh Ba Du cũng phóng tới đạp cho một đạp thật mạnh, anh chàng này té xuống sông. Lúc đó nước ròng lòi bãi, anh thanh niên cắm đầu xuống sình, gượng đứng lên rồi đi dọc theo bãi sình chớ không dám leo lên bờ nữa.
Nghe la có người đánh nghệ sĩ cải lương, các em vệ sĩ và anh em công nhân dàn cảnh vác gươm giáo dụng cụ sân khấu chạy ra. Cũng cần biết là dụng cụ hát trên sân khấu như đao, kiếm, phương thiên họa kích, tất cả đều làm bằng thép hoặc nhôm cánh máy bay, cứng như thép thật, bị chém trúng thì cũng chảy máu, lõa đầu chớ không phải chơi.
Ông Bầu la lên: “Vô... Vô... đem giáo mác gươm đao vô hết. Bộ tụi bay muốn cho gánh hát rã hay sao mà vác vũ khí đó ra đây? Tụi bây không biết ông Ba Du là ai hả? Ba Du là ba của mấy thằng du côn đó. Hồi gánh Phước Cương hát ở Hà Nội, một mình anh đánh đám du côn ở Ngã Tư Sở, tám thằng bể đầu sứt tráng... Tụi nó lạy ảnh xin tha mạng rồi kêu ảnh là Ba... Ông Bầu Cương mới đặt tên ảnh là Ba Du, tức là ba của mấy thằng du côn, chớ tên thiệt của ảnh là Phan Văn Hai”.
Ông day lại nói với nghệ sĩ Ba Du: Anh Ba vô sân khấu, thay đồ rồi nằm ngủ, đừng có ra đây. Tôi sẽ báo cho bà Hương Sư, chủ mua dàn hát, biết vụ các anh nông dân đến đánh nghệ sĩ... Nói xong, ông bảo anh quản lý đi tới nhà bà Hương Sư liền.
Sau khi các anh dàn cảnh, vệ sĩ đem gươm, giáo vô cất, ông Bầu kêu anh Ba Du lánh mặt vô sân khấu xong, ông nói với Văn Lang: “Văn Lang! Mầy có thấy cái hậu quả của cái chuyện chim chuột với con gái của địa phương chưa? Cô Cẩm Tú đó... con gái nhà giàu, lại đẹp người đẹp nết, làm sao mà không có những cậu con của ông hội đồng hay điền chủ đeo đuổi, si mê. Mầy rủ rê cô ta theo gánh hát là mầy phá hoại cuộc đời con gái của người ta, Tổ nghiệp sẽ lấy nghề của mầy lại thì mầy có đi ăn mày, cũng không ai bố thí cho một đồng xu. Là nghệ sĩ, nên nghệ sĩ binh vực nhau, anh Ba Du đánh tụi nó là binh vực nghệ sĩ nói chung chớ không phải ảnh đồng tình với việc dụ dỗ con gái nhà lành của mầy...”
Văn Lang ấp úng, nói: “Ông Bầu thấy đó... tôi hát rồi, mệt muốn xỉu, chỉ cần ăn một tô cháo khuya rồi đi ngủ để lấy sức, mai hát nữa. Mấy cô cho tiền, tặng quà, tôi phải tiếp chuyện rồi nói đẩy đưa với họ cho họ vui, chớ tôi có quyến rũ họ đâu...”
- Mầy đừng có chối! Mầy hát trên sân khấu, tao thấy mầy liếc ngang liếc dọc xuống khán giả, cười tình rồi nhấp nháy con mắt. Mầy đá lông nheo với mấy cổ, tao cũng hát trên sân khấu già đời rồi, tao biết: mầy muốn rù quyến một cô nào đó, đâu có cần phải nói ất giáp gì đâu. Con gái mới lớn lên, nó thương thì nó liều, nó nhào tới thì mầy phải tránh xa ra chớ... Cô nào nhào tới, mầy cũng hốt... hốt hết. Coi chừng có ngày mầy bị đánh ghen, bể đầu chảy máu, có khi ở tù nghe con!
Cậu Hai Hãnh Trưởng Ban Cảnh Sát Hội Đồng Xã dẫn ba anh cảnh sát của xã đến. Cậu Hai Hãnh nói: “Tôi nghe dân báo là Lữ Bố đánh dân làng bị thương, tôi mời kép Lữ Bố về Văn phòng Hội Đồng Xã để điều tra”.
Anh Văn Lang: “Dạ, thưa cậu Hai...”
- Tôi là Trưởng Ban Cảnh Sát Xã, đừng kêu là cậu Hai... Nghe nói anh đánh mấy người dân làng bị thương, tôi mời anh về Hội Đồng Xã để lấy lời khai...
- Tui ốm yếu như vầy, làm sao mà đánh được một anh nông dân lực lưỡng?
- Về Văn phòng Hội Đồng Xã rồi sẽ nói.
Ông Bầu nói: “Anh bắt nghệ sĩ của chúng tôi, chúng tôi sẽ khiếu nại lên huyện và nghỉ hát cho tới khi nào anh thả kép hát của tôi ra. Tôi sẽ báo cho bà chủ mua dàn, bà Hương Sư, biết mọi thiệt hại của bà Hương Sư, mẫu thân của anh, là do anh gây ra”.
- Tôi mời ông Bầu tới Văn phòng Hội Đồng Xã luôn. Ông ngồi đây, ông phải thấy mọi chuyện xảy ra, ông làm nhơn chứng hay sẽ bị kết tội là chủ mưu trong vụ đánh dân làng...
Bà Hương Sư nghe báo có chuyện dân làng đánh nghệ sĩ, bà tới liền thì gặp cậu Hai Hãnh đang muốn bắt ông Bầu và kép Văn Lang nên can thiệp vô: “Thôi con! Tại con Cẩm Tú, em con tới nói chuyện với người ta, chớ người ta có tới nhà của mình hay vô vườn ruộng của mình để chọc ghẹo em của con đâu. Con bắt ông Bầu hay nghệ sĩ, dư luận đồn đại ra thì xấu hổ cho em con và gia đình mình. Con cho má xin đi...”
Cậu Hai Hãnh thấy bà Hương Sư đến can thiệp, cậu nói: “Được rồi! Nhưng nếu em con có chuyện gì lôi thôi thì con không tha cho họ đâu”.
Ông Bầu nói với bà Hương Sư: “Cám ơn bà chủ... Tôi sẽ khuyên dạy kép hát của tôi”.
Đêm đó hát tuồng Phụng Nghi Đình, kép Văn Lang đóng vai Lữ Bố. Ông Bầu lại dặn: “Bữa nay mầy hát cho đàng hoàng, tao đứng bên cánh gà đây tao canh, mầy đá lông nheo với cô Cẩm Tú nữa là mầy chết với tao”.
Đêm hát đó, kép Văn Lang hát đàng hoàng nhưng hát không hay, hát bộ điệu cứng đơ như hình nộm, vì những cô gái với ánh mắt si tình của họ trợ hứng cho anh rất nhiều, nay anh hát mà chỉ nhìn vô hậu trường để canh chừng ông Bầu nên anh hát xụi lơ.
Bên ngoài khán giả vẫn say mê coi hát.
Tàu LCM của quân Pháp và hai chiếc Giang đỉnh của quân đội Cộng Hòa chạy tuần tiễu trên sông Mỹ Thanh, chạy ngang sân khấu, tàu chạy chậm lại, lính Pháp trên tàu LCM và lính Việt trên hai chiếc Giang đỉnh đứng trên boong tàu nhìn vô xem sân khấu sáng rực đèn với kép hát đang múa quay cuồng. Thình lình sát bờ sông, trong các lùm bụi có nhiều đốm lửa chớp chớp, tiếng nổ vang lên như súng máy bắn, quân Pháp trên chiếc tàu LCM thụp nhanh xuống rồi chừng năm phút sau, họ chĩa súng bắn vô bờ. Hai tàu Giang đỉnh cũng bắn xối xã vô... Đạn bay vạch những tia lửa đỏ trời.
Dân coi hát túa chạy càng vô sân khấu, phá nát phông màn rồi tuôn chạy thẳng vô đồng. Có người nhào xuống mương vườn, có người nằm mọp xuống đất... Ai đó la lên: “Việt Minh bắn xuống tàu tuần, Tây bắn lại đó...”
Nửa giờ sau, dân xem hát đã bỏ về nhà sau một trận kinh hoàng vì đạn dưới tàu tuần bắn lên. Có nhiều người bị thương vì chạy đạp lên nhau chớ không ai bị thương vì súng đạn.
Gánh hát thì tan nát như bị một trận hồng thủy quét qua. Dân xem hát chạy bừa vô đồng, làm bể âm-pli, dàn đèn, rách phông màn. Kép hát, đào hát đều nhào xuống mương để tránh đạn. Lữ Bố mang hia, mão, giáp trụ phóng xuống mương, lặn sâu cho nó ăn toàn cái mạng.
Sau đó, lính cảnh sát của xã và quân đội của huyện Kế Sách đến, họ điều tra để bắt du kích nhưng kết quả điều tra là có ai đó đốt mấy phong pháo điển dọc theo bờ sông thình lình nên tàu tuần tưởng Việt Minh phục kích đánh tàu.
Có người nghi mấy anh thanh niên bị anh Ba Du đánh, trả thù bằng cách đốt pháo gây rối, nên tàu Pháp mới bắn vô bờ, khiến cho đêm hát tan hoang.
Ông Bầu buồn quá vì cơ đồ của ông tan nát, y trang, phông màn và mọi vật dụng đều bị hư hại, ông nói: “Tụi bây thấy chưa? Đi làm hại đời con gái của người ta, Tổ nghiệp trừng phạt mình đó”.
Gánh hát rã tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Các nghệ sĩ thất nghiệp, trở về Sài Gòn, kép Văn Lang cũng không còn hát được nữa, anh lặn xuống mương lâu, bị cảm cúm, bệnh phổi tái phát, anh chết không kèn trống khi nằm trị bịnh trong nhà thương thí Sài Gòn.

Nhớ chuyện sân khấu 60 năm trước.
Nguyễn Phương, 2012

Tác giả bài viết: khoi
Nguồn tin: TB
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

 

NSND Trọng Hữu lý giải vì sao thế hệ vàng sân khấu cải lương vẫn còn ăn khách?

Trong ngày lãnh đạo TP HCM tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu, NSND Trọng Hữu đã trao đổi với PV báo Người Lao Động về suy nghĩ của ông về thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương dù đã U80 vẫn còn được khán giả mến mộ.