Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Nghệ Sĩ Tâm Sự

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NSƯT Hoa Phượng: “Tôi không chấp nhận kiểu làm nghề dối trá”

Chủ nhật - 18/11/2012 11:12




14 tuổi, cô bé Hoa Phượng được cô ruột dắt từ Cái Nước ra thị xã Cà Mau thi tuyển vào đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau.
Nhà không có ai theo nghề hát, bản thân cũng chỉ nghêu ngao hát ca chứ chưa hề tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử hay đội nhóm văn nghệ nào, vậy mà Hoa Phượng lại trúng tuyển.


18 tuổi, Hoa Phượng được trao Huy chương (HC) vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang (1999-2000). Kể từ đó, thành công, giải thưởng liên tục đến với cô đào trẻ. Không chỉ sở hữu ba HC vàng, hai HC bạc và nhiều bằng khen, giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn (LH, HD) sân khấu, từ nhiều năm nay, Hoa Phượng còn được xem là một trong những gương mặt trẻ sáng giá của sân khấu cải lương khu vực miền Tây Nam bộ. Trong đợt phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND tháng 4/2012, Hoa Phượng đã trở thành một trong những NSƯT trẻ của sân khấu cải lương.

* Năm 2012 có lẽ là “cú hích” cho chị với nhiều thành công cùng lúc, như nhận danh hiệu NSƯT và HC bạc tại Liên hoan (LH) sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012?

- Làm nghề ai cũng mong muốn có cơ hội được khẳng định mình. Danh hiệu NSƯT là một vinh dự lớn đối với một nghệ sĩ ở đoàn tỉnh như tôi. Nhưng thực lòng tôi cảm thấy việc mình được trao danh hiệu NSƯT là nhờ may mắn, nhờ có nhiều điều kiện thi thố để đạt giải thưởng hơn là nhờ tài năng. Tôi biết mình còn non nghề nên thấy bối rối, không biết mình sẽ phải làm gì sau khi được nhận danh hiệu NSƯT. Đôi khi không khỏi chạnh lòng khi thấy quanh mình còn nhiều nghệ sĩ tài năng hơn, giỏi nghề hơn nhưng vẫn chưa được phong danh hiệu NSƯT, chỉ vì họ không có cơ hội được dự thi để có đủ HC, giải thưởng theo đúng tiêu chí xét duyệt.

* Vậy còn HC bạc cho vai diễn Nghĩa trong vở Một phút một thời?

- Mỗi lần đi dự LH, HD về là một lần tinh thần mệt mỏi. Bởi những bất cập, những vấn đề tồn tại trong các mùa LH, HD vẫn không có gì thay đổi, cải thiện, khiến chúng tôi từ bức xúc chuyển sang thất vọng. Từ nhiều năm nay tôi đã xác định chỉ làm nghề bằng niềm say mê mà không mơ đến những giải thưởng. HC bạc lần này có lẽ là sự ghi nhận nỗ lực và là lời động viên những diễn viên trẻ chúng tôi có thêm động lực làm nghề. Nhưng thực lòng tôi không vui khi được nhận HC. Không phải vì tôi mong muốn một giải thưởng cao hơn, mà ước ao chất lượng của những đợt LH, HD được nâng lên, để người được giải cảm thấy hãnh diện và tự hào. Nếu không được giải, mình hiểu bản thân phải cố gắng hơn nữa, còn hơn được trao giải theo kiểu cào bằng. Có lúc tôi nản, chẳng còn mấy hào hứng với chuyện HD, LH…

* Nhưng chị vẫn sở hữu rất nhiều HC, giải thưởng tại các kỳ LH, HD, các cuộc thi tài năng…?

- Là diễn viên của một đoàn nghệ thuật, nhiều khi mọi tính toán, mong muốn không thể do mình quyết định mà phụ thuộc vào kế hoạch, lịch làm việc của đoàn. Có những lúc tôi dự thi với tâm trạng đi làm nhiệm vụ được giao. Vì thế HC, giải thưởng, danh hiệu không phải hoàn toàn là những hoạch định trong nghề nghiệp của bản thân mà do tôi có nhiều may mắn được lãnh đạo đoàn tạo điều kiện và đồng nghiệp hỗ trợ.

Tôi không ngại đụng chạm, nhất là những đụng chạm vì cái chung để mọi thứ tốt đẹp hơn. Có thể khi đọc những ý kiến của tôi, một số người sẽ cho rằng “Làm như mình cao đạo lắm!”. Nhưng tôi tin mình vẫn tìm được sự đồng cảm, chia sẻ từ những người cũng bức xúc như tôi.

* Vậy những thành công của chị hôm nay đều có được nhờ may mắn?

- Chẳng có thành công nào chỉ nhờ vào may mắn mà thiếu nỗ lực của bản thân. Sự may mắn tôi muốn nói đến ở đây là cơ hội được tham gia nhiều cuộc thi, LH, HD… Và dù có hào hứng với cuộc thi đó hay không, tôi vẫn luôn nỗ lực lao động nghệ thuật để hoàn thành tốt vai diễn, coi đó như cách để mình hoàn thành nhiệm vụ được giao

* Đoạt HC vàng giải thưởng Trần Hữu Trang từ rất sớm, có giọng ca hay, khả năng diễn xuất tốt, nhưng Hoa Phượng chỉ gắn bó với đoàn cải lương Hương Tràm?

- Nhiều người cũng hay hỏi tôi câu này. Có thời gian tôi nhận được nhiều lời mời lên TP.HCM tham gia các chương trình ở đây. Thậm chí từng có những lời hứa hẹn nếu tôi chịu lên TP làm nghề, họ sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng ít khi tôi dám nhận lời vì công việc ở đoàn vẫn là ưu tiên số một. Tôi chỉ tham gia một vài chương trình được thực hiện trong thời gian ngắn, khi không vướng bất kỳ kế hoạch nào của đoàn. Do vậy, những lời mời cũng thưa dần.

* TP.HCM là nơi để những người làm nghệ thuật thỏa sức bay bổng và tỏa sáng. Có bao giờ chị cảm thấy tiếc nuối vì mình đã để lỡ mất nhiều cơ hội?

- Cũng có tiếc, nhưng chỉ chút chút chứ không nhiều. Có lẽ một phần vì tôi không đủ tự tin mình có thể sống nổi ở đất Sài Gòn; một phần nữa do tôi vốn sống đơn giản, không quá nhiều suy nghĩ, khát vọng cao xa. Tôi mong ước mình mãi được gắn với nghề hát, được sống với vai diễn, sàn diễn và được thỏa niềm đam mê làm nghề. Vì vậy, tôi nghĩ làm nghề ở đâu cũng giống nhau, ở khu vực miền Tây cũng không thiếu cơ hội để làm nghề, để xuất hiện trên các chương trình của đài truyền hình... Điều quan trọng là mình có dám sống chết với nghề, có đủ khả năng để tạo được ấn tượng tốt với khán giả khi bước ra sân khấu hay không thôi.

* Sân khấu cải lương đang gặp khó khăn, tình hình ở các đoàn cải lương tỉnh còn khó hơn gấp bội. Suy nghĩ “sống chết” với nghề liệu có là thật khi tổng thu nhập của chị ở đoàn chỉ tròm trèm trên dưới năm triệu/tháng?

- 17 năm theo nghề, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn. Từ nỗi buồn phải sống xa nhà của cô bé 14 tuổi đến những vất vả trong những chuyến lưu diễn dài ngày ở những miền quê heo hút, thiếu thốn đủ điều, hay những ánh mắt, thái độ thiếu thiện cảm của những người không thích nghệ sĩ cải lương. Buồn thì có buồn nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy nản vì những điều đó. Nhất là khi hiện nay cuộc sống đã dễ chịu hơn, tôi có thể có thêm nguồn thu nhập nhờ tham gia những chương trình của một số đài truyền hình khu vực miền Tây. Tôi chỉ nản, thậm chí đôi lúc đã muốn bỏ nghề vì chính những người cùng làm nghề với mình.

NSƯT Hoa Phượng trong vai Nghĩa (vở Một phút một thời) đoạt huy chương Bạc - Liên hoan sân khấu cải lương 2012

* Có phải chị muốn nói đến những tỵ hiềm, đố kỵ vốn tồn tại lâu nay trong giới nghệ sĩ?

- Tỵ hiềm, đố kỵ có lẽ không phải chuyện gì quá lớn, trái lại đôi lúc với nghề diễn, sự ganh đua cũng là một động lực để mỗi người nghệ sĩ phải biết chăm chút cho nghề nghiệp và ý thức phấn đấu không ngừng. Tôi chỉ buồn và thất vọng vì thái độ làm nghề và cách sống của một số người đang làm cải lương hiện nay. Quan niệm xưa cũ vốn đã nhìn nghệ sĩ cải lương với ánh mắt không mấy thiện cảm. Trong khi nhiều nghệ sĩ và những người làm nghề đang nỗ lực để thay đổi quan niệm đó thì vẫn có một số người quá dễ dãi trong lối sống, tư cách và cả thái độ làm nghề. Tôi không thể chấp nhận kiểu làm nghề dối trá, cẩu thả hay lợi dụng nghề, lợi dụng cái “mác” nghệ sĩ, diễn viên để toan tính những mục đích khác.

* Chị cũng là nghệ sĩ, lại còn rất trẻ, nói điều này chị không sợ đụng chạm?

- Tôi không ngại đụng chạm, nhất là những đụng chạm vì cái chung để mọi thứ tốt đẹp hơn. Có thể khi đọc những ý kiến của tôi, một số người sẽ cho rằng “Làm như mình cao đạo lắm!”. Nhưng tôi tin mình vẫn tìm được sự đồng cảm, chia sẻ từ những người cũng bức xúc như tôi.

* Có vẻ chị có cá tính rất mạnh, khác hẳn với ngoại hình hiền lành của một cô đào chuyên trị những vai đào thương?

- Tôi không nghĩ mình… hiền. Chỉ có điều tôi ít nói và không quá để tâm vào những điều lặt vặt. Nhưng một khi đã có ý kiến tôi sẽ rất thẳng thắn, quyết liệt mà không ngại đụng chạm, không sợ mất lòng. Tôi không chấp nhận kiểu “ậm ờ” sao cũng được. Với tôi, mọi thứ đúng sai phải rạch ròi. Khi có ý kiến, tôi luôn yêu cầu phải được đối thoại và có những giải thích, trả lời dứt khoát, rõ ràng chứ không thể giải quyết theo kiểu “để coi lại”. Biết không phải lúc nào mình cũng đúng nên tôi sẵn sàng nhận lỗi nếu thấy mình sai. Nhưng nếu ý kiến của tôi là đúng, tôi cần phải có sự thay đổi.

* Sống thẳng vậy chị có sợ mình sẽ bị ghét?

- Làm sao cho khỏi. Nhưng nếu mình luôn cố gắng sống tốt nhất trong khả năng có thể, đầu tư nghiêm túc cho nghề nghiệp thì chuyện ghét hay thương của một số người cũng không quá quan trọng và cũng không gây ảnh hưởng lớn.

* Nói đến Hoa Phượng, khán giả nhớ ngay đến bé Thảo trong Chàng ngố đòi nợ Phật, vai diễn mang về cho chị chiếc HC Vàng giải Trần Hữu Trang. Chị có gặp nhiều khó khăn khi “vượt lên chính mình” để thoát khỏi “dấu ấn” bé Thảo?

- Không có lợi thế về vóc dáng vì tôi thuộc tạng người nhỏ con, nhưng bù lại tôi may mắn có giọng ca khá… già. Có lẽ vì thế nên tôi không gặp trở ngại nhiều khi chuyển từ những vai diễn trẻ con sang vai người lớn. Chỉ có điều tôi gần như bị “đóng đinh” vào những nhân vật phụ nữ có số phận trắc trở.

...Tôi lo có lúc khán giả sẽ chán tôi trong những vai diễn sầu khổ. Bao nhiêu lần tôi xin được thử sức với một vai diễn khác nhưng vẫn chưa có cơ hội.

* Trong số hàng chục vai diễn suốt 17 năm làm nghề, chị yêu nhất nhân vật nào?

- Nói thiệt là… tôi chưa thực sự hài lòng với bất kỳ vai nào. Cứ mỗi lần diễn xong tôi lại nghĩ mình còn chỗ này chưa được, chỗ kia chưa ưng ý… suất diễn sau phải điều chỉnh lại. Trong điều kiện hiện nay, các vở diễn phải thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu của khán giả; chưa kịp “thấm”, chưa được “đã” với một vai diễn đã phải chuyển sang tập một vở diễn khác nên tôi chưa có được vai nào ưng ý nhất. Trái lại, tôi bắt đầu cảm thấy ngán những vai diễn đào thương lúc nào cũng u sầu, khóc thương. Vì vậy nên đôi khi tôi thấy… nghi ngờ khả năng của mình!

* Nhưng làm đào thương cho tới nơi tới chốn cũng không dễ, bởi nếu không khéo sẽ lặp lại chính mình?

- Tôi đang lặp lại chính mình, dù mỗi khi nhận một vai diễn mới tôi vẫn cố gắng khai thác những tính cách, lý lịch nhân vật khác nhau để tạo nên sự khác biệt. Tôi lo có lúc khán giả sẽ chán tôi trong những vai diễn sầu khổ. Bao nhiêu lần tôi xin được thử sức với một vai diễn khác nhưng vẫn chưa có cơ hội. Đây là lý do khiến tôi hoang mang vì không biết mình có thực sự còn khả năng để phát triển trong nghề nghiệp nữa hay không.

* Cùng xuất phát điểm như chị nhưng NSƯT Hoàng Nhất và NSƯT Lịch Sử đều chọn cho mình những con đường khác nhau để tiến xa hơn nữa trong nghề nghiệp, chỉ có mình chị vẫn không thay đổi?

- Tôi chỉ mê được ca diễn và xác định mình là diễn viên cho đến khi không còn gắn được với nghề thì tìm công việc khác ngoài nghệ thuật. Hơn nữa, để ca diễn cho thật tốt, tôi vẫn còn phải học hỏi và tích lũy thêm rất nhiều kinh nghiệm. Ôm đồm nhiều thứ tôi e mình không đủ khả năng, cuối cùng chẳng việc nào đến nơi đến chốn.

* Mải mê với nghề diễn, giờ cũng đã bước qua tuổi ba mươi, chị đã nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình?

- Chuyện tình duyên không thể do mình tính. Nhưng tôi đã vẽ sẵn cho mình hai hướng đi. Nếu lấy chồng, tôi sẽ gác niềm đam mê của mình để chu toàn nhiệm vụ của một người phụ nữ, chăm lo cho gia đình. Còn nếu… không ai hỏi cưới, tôi sẽ đi hát đến khi mình không còn đủ sức làm nghề mới thôi.

* Nghe thiệt lạ khi chị “hồn nhiên” nói mình sẽ bỏ nghề sau khi lấy chồng. Chị từ bỏ đam mê của mình dễ dàng vậy sao?

- Tôi biết tính mình, hễ làm gì thì quyết tâm phải đến nơi đến chốn, làm tốt nhất bằng tất cả khả năng của mình. Nhưng nhược điểm của tôi là không thể cùng một lúc làm tròn cả hai nhiệm vụ. Trên sân khấu tôi có thể hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau, nhưng bước khỏi sàn diễn tôi vẫn là một người phụ nữ. Và với tôi, đã là phụ nữ thì không gì quan trọng hơn gia đình. Gác lại đam mê nghệ thuật để chăm lo cho gia đình, có lẽ đó không phải là quyết định sai lầm.

* Cám ơn chị.

Thảo Vân (thực hiện) Ảnh: Minh Hoàng

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: Thảo Vân - PNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN