10:56 PDT Chủ nhật, 28/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 154

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 152


Hôm nayHôm nay : 19874

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1128158

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76943536

Trang nhất » Tin Tức » Chân Dung Nghệ Sĩ

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).

Xem tiếp...

Hà Mỹ Xuân : Cải lương đã thấm vào huyết quản

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/10/2012 11:19 - Đã xem: 8449
Hà Mỹ Xuân trong vai Thái hậu Dương Vân Nga

Hà Mỹ Xuân trong vai Thái hậu Dương Vân Nga

Một nghệ sĩ sống bằng nghề hát cải lương tận tụy với cải lương đã là đáng quí, nhưng có những nghệ sĩ phải làm nghề khác để sinh nhai nhưng lại hết lòng hết dạ với cải lương, thì điều đó thật sự còn đáng quí biết dường nào. Và trong thực tế, những trường hợp như vậy rất hạn hữu.
Trong cái số lượng rất hạn hữu đó đầu tiên phải kể đến nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, một nghệ sĩ tài danh vang bóng một thời hồi những thập niên 1960, 1970, có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương sau 1975, và dù đã hơn 20 năm sống nơi đất khách, nghệ thuật cải lương vẫn luôn chảy trong huyết quản của cô.

Một thời vang bóng

Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân tên thật là Nguyễn Thị Tiết Xuân, sinh ngày 10/10/1950 tại Long Xuyên, An Giang. Hà Mỹ Xuân bắt đầu đi hát từ năm 13 tuổi dưới sự dìu dắt của người anh ruột là nghệ sĩ Thanh Điền và người chị ruột là nghệ sĩ Hà Mỹ Liên. Nghệ danh Hà Mỹ Xuân là do Hà Mỹ Liên đặt. Ngoài anh chị của mình, Hà Mỹ Xuân còn được may mắn thọ giáo với những bậc thầy của giới cải lương: cô được nghệ sĩ Diệu Hiền dạy hát và nghệ sĩ Ba Vân dạy diễn xuất.

Năm 15 tuổi, Hà Mỹ Xuân bắt đầu đóng đào chánh bên cạnh vị tiền bối của mình là nghệ sĩ Minh Cảnh trong vở Công Chúa Rừng Xanh tại đoàn Kim Chung, một đoàn hát lớn mà hầu hết nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ đều ước mơ được về hát. Hà Mỹ Xuân đã hát cho nhiều đoàn như Kim Chung, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu…
Năm 1972, Hà Mỹ Xuân cùng với anh chị mình là nghệ sĩ Thanh Điền và nghệ sĩ Hà Mỹ Liên thành lập đoàn hát Xuân Liên Hoa, qui tụ nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng lúc bấy giờ: Dũng Thanh Lâm, Thanh Kim Huệ, Hà Bửu Tân, Giang Châu…

Kiếp tầm nhả tơ

Sau năm 1975, trước làn sóng quốc hữu hóa các đoàn hát, Hà Mỹ Xuân vẫn tiếp tục theo nghiệp cải lương ở nhiều đoàn khác nhau đi lưu diễn khắp nơi như đoàn Long Giang (Long Xuyên), đoàn Long An, đoàn Vũng Tàu Côn Đảo, đoàn Sài Gòn 2, đoàn Sài Gòn 3, đoàn Tiền Giang, đoàn Thanh Nga…. Đặc biệt ở đoàn Tiền Giang, Hà Mỹ Xuân đã có nhiều đóng góp quan trọng, nhất là một nghệ sĩ lớn có danh vọng như Hà Mỹ Xuân mà chấp nhận về làm quản lí và nghệ sĩ biểu diễn cho một đoàn hát tỉnh lẽ thì quả thật là một sự hy sinh đáng ghi nhận.

Đóng góp của Hà Mỹ Xuân cho nghệ thuật cải lương sau 1975 đã được ghi nhận bằng những giải thưởng lớn: huy chương vàng toàn quốc năm 1985 với vai Nguyễn Thị Hạnh trong tuồng Đất và Hoa của soạn giả Minh Khoa, huy chương vàng khu vực Vũng Tàu-Côn Đảo năm 1986 với vai Thứ Phi Phi Yến trong vở tuồng cùng tên của soạn giả Nhất Tâm, huy chương vàng khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 1987 với vai vợ chàng họa sĩ mù trong Đôi Mắt Tình yêu của soạn giả Lưu Quang Vũ.

Năm 1988, Hà Mỹ Xuân sang định cư tại Pháp. Nơi đất khách quê người, cô không còn có thể sống bằng nghề hát cải lương, nhưng niềm đam mê cải lương trong cô vẫn luôn cháy bỏng. Trên đất khách, Hà Mỹ Xuân vẫn tiếp tục hát mỗi khi có cơ hội, hát không phải để kiếm tiền mà để thỏa cái lòng thương nhớ cải lương, để góp phần “đem chuông đi đánh xứ người”. Báo chí Pháp và Đức đã từng có bài ghi nhận về những đóng góp của cô cho nghệ thuật cải lương.

Thanh Nga - Hà Mỹ Xuân : Đôi bạn diễn xưa nay hiếm

Hà Mỹ Xuân rất tâm đắt cách diễn và giọng ca của Nữ Hoàng Sân Khấu Thanh Nga, nên mỗi khi nói về Thanh Nga cô nói với một sự say sưa bất tận. Hà Mỹ Xuân từng có một thời đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Thanh Nga : Hà Mỹ Xuân là đào nhì còn Thanh Nga là đào chánh. Thường thì trong nghệ thuật cải lương người ta hay nói về “đôi bạn diễn” hay “đóng cặp” thì người ta nghĩ ngay đến đôi đào kép chánh, tức một nam một nữ. Thế nhưng, Thanh Nga và Hà Mỹ Xuân trong vở tuồng Tiếng Trống Mê Linh đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc chọn lựa “đôi bạn diễn” đào chánh và đào nhì trong một vở cải lương.

Trên thực tế, việc chọn đào nhất và đào nhì cũng rất quan trọng. Nói về các vai đào trong một vở tuồng thì đây là hai cô đào xuất hiện nhiều nhất, ca diễn nhiều nhất, có khi đóng vai là người thân của nhau, có lúc lại là kẻ thù của nhau. Thế nhưng người thân hay kẻ thù gì thì cũng phải diễn sau cho “khớp”, phải biết nương nhau, tung hứng cho đúng lúc đúng nơi để góp phần giúp nhau thành công trong vai diễn. Trong lô gích đó thì đôi bạn diễn Thanh Nga-Hà Mỹ Xuân có thể được xem là “đôi bạn diễn” xưa nay hiếm.

Trong tuồng cổ trang lịch sử Tiếng Trống Mê Linh, Thanh Nga trong vai Trưng Trắc và Hà Mỹ Xuân trong vai Trưng Nhị. Thanh Nga có giọng ca trầm buồn còn Hà Mỹ Xuân thì có giọng cao, mạnh mẽ, cả hai lại có cách diễn chững chạc, khai thác triệt để nội tâm nhân vật, vì thế sự khác biệt trong giọng ca đã giúp hai giọng ca này bổ sung cho nhau, sự tương đồng trong cách diễn đã giúp đôi bạn diễn này tung hứng một cách đúng lúc, đúng nơi, có tiết độ và rất ăn ý. Nếu Thanh Nga để đời với vai Trưng Trắc thì Hà Mỹ Xuân cũng làm khó cho thế hệ sau với vai Trưng Nhị, bởi sau cô, đến hiện tại chưa thấy có ai thủ vai Trưng Nhị đạt được như cô, cũng chưa thấy có đôi bạn diễn Trưng Trắc-Trưng Nhị nào được như đôi bạn diễn Thanh Nga-Hà Mỹ Xuân.

Lớp hay nhất trong Tiếng Trống Mê Linh của Thanh Nga-Hà Mỹ Xuân là lớp Tào Uyên được cử làm sứ giả đến thăm dò thực hư của quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong buổi tiếp, Trưng Trắc đã dụng kế ly gián Tào Uyên với thái thú Tô Định, và thả Tào Uyên về để giúp bà thực hiện mưu kế đó. Thế nhưng, Trưng Nhị chưa hiểu được điều đó, cứ ngỡ rằng chị mình đã nhân từ với kẻ thù mà quên đi mối hận nước non và mối thù bắt giữ Thi Sách, nên Trưng Nhị đã lớn tiếng trách chị mình.

Giọng ca của Hà Mỹ Xuân mạnh mẽ, lối diễn xuất chững chạc, điệu bộ thể hiện sự oai phong rất điêu luyện, nên rất thích hợp với vai nữ tướng. Thêm vào đó, Hà Mỹ Xuân có cách diễn xuất khai thác triệt để nội tâm, nên lời trách cứ của Trưng Nhị-Hà Mỹ Xuân thật sự rất bi hùng, rất oai phong và cũng rất tình cảm. Tiếp theo đó, Trưng Trắc-Thanh Nga đã nhẹ nhàng khuyên em mình, và cả hai người ca ba câu vọng cổ. Cách diễn tương đồng, cách ca bổ trợ cho nhau đã thể hiện xuất thần tính cách của nhân vật và điều mà tác giả cần gửi gấm, đúng như lời của cụ Đô Trinh nhận xét sau đó: “Thật không thấy tình chị em nào thắm thiết như thế”. Đôi bạn diễn Thanh Nga-Hà Mỹ Xuân đã làm cho lớp tuồng vốn rất nhỏ bé này trở nên to lớn, tạo thành một trong những điểm nhấn của vở diễn.

Chưa hết, lớp Trưng Trắc đánh trống tiến quân sau khi đã tế sống chồng cũng là một lớp diễn để đời. Trưng Trắc-Thanh Nga đánh ba tiếng trống ra quân với một sự cố gắng tối đa của lý trí, với một niềm đau khổ tột cùng, nhưng trước nghĩa lớn của dân tộc nên đành phải hy sinh tình nhà. Thanh Nga đã xuất sắc trong cách diễn khi đánh ba tiếng trống này. Mỗi khi dùi của Trưng Trắc-Thanh Nga chạm vào mặt trống thì người xem cũng tan lòng nát dạ. Bên cạnh Thanh Nga, Hà Mỹ Xuân cũng không kém phần xuất thần.

Khi Trưng Trắc-Thanh Nga cầm dùi chuẩn bị đích thân đánh trống tiến quân, Trưng Nhị-Hà Mỹ Xuân nắm tay chị nói: “Xin chị để cho em nổi trống tấn công”. Trưng Nhị-Hà Mỹ Xuân nói trong nghẹn ngào, thể hiện được sự cố gắng tối đa của lý trí, cố vượt qua tình nhà vì nợ nước. Nếu mối tình nhà của Trưng Trắc lúc này chỉ là khóc thương chồng, thì mối tình nhà của Trưng Nhị lại nhân đôi, tức vừa khóc thương cho anh rể, vừa khóc thương cho hoàn cảnh của chị mình. Giọng nói của Trưng Nhị-Hà Mỹ Xuân khi ấy bên cạnh nỗi đau thương còn cho khán giả cảm nhận được một niềm uất hận tột cùng, uất hận kẻ thù đã gây cảnh nước mất nhà tan. Chỉ mấy từ đơn giản như trên, nhưng thật sự Trưng Nhị-Hà Mỹ Xuân đã thể hiện được sự thượng thừa trong diễn xuất.

Cải lương đã hòa trong huyết quản

Năm 1978, nghệ sĩ Thanh Nga qua đời, Hà Mỹ Xuân được xem là người thế Thanh Nga thành công nhất trong các vai diễn Trưng Trắc (Tiếng Trống Mê Linh), Quỳnh Nga (Bên Cầu Dệt Lụa), Thái Hậu Dương Vân Nga (Vở tuồng cùng tên).

Hồi tết năm 2012, trong chương trình mừng xuân của người Việt Nam tại Pháp tổ chức ở trụ sở Tổ chức UNESCO tại Paris, Hà Mỹ Xuân đã tái hiện lại vai Thái Hậu Dương Vân Nga và vai Quỳnh Nga với sự góp mặt của nghệ sĩ Lý Kim Thành. Xem Hà Mỹ Xuân diễn Thái Hậu Dương Vân Nga, người xem không khỏi giật mình về tính chuyên nghiệp của cô, nhịp nhàng điêu luyện, động tác chuẩn mực.

Xem Hà Mỹ Xuân diễn Thái Hạu Dương Vân Nga ta chợt nhận ra rằng những động tác của bà Thái Hậu Dương Vân Nga-Hà Mỹ Xuân trên sân khấu dư một chút cũng mất hay mà thiếu một chút cũng không được. Nhất là lớp thoại trên sân khấu khi trên tay cầm tấm long bào. Đoạn này vị thái hậu nói gần như là độc thoại với một số vị quan muốn làm hòa với giặc.

Đây là một đoạn rất khó diễn bởi là đoạn cao trào nên khán giả tập trung chú ý từng cử chỉ của bà thái hậu để xem bà quyết định thế nào cho vận mệnh non sông, mà cụ thể là xem bà thái hậu có quyết định giao nạp long bào cho giặc Tống hay không. Phải làm sao thể hiện được sự thuyết phục tuyệt đối trong lời nói đối với các quan, mà muốn thuyết phục thì trước tiên bản thân vị thái hậu phải thể hiện một sự quyết tâm cao độ, một ý chí sắt đá trước đe dọa của cường địch. Hà Mỹ Xuân đã thỏa mãn hoàn toàn những yêu cầu đó với lối diễn xuất chuẩn mực, với giọng nói mạnh mẽ âm vang đầy tâm trạng, Nếu không phải một nghệ sĩ bậc thầy thì không thể đạt nổi trình độ diễn xuất đó.

Vai Quỳnh Nga cũng vậy, ngược lại hoàn toàn với vai một bà thái hậu uy nghi, Hà Mỹ Xuân ngay sau đó vào vai một nàng Quỳnh Nga dịu dàng, chịu thương chịu khó nuôi tầm dệt lụa lo cho Trần Minh ăn học. Với lớp diễn Quỳnh Nga đến tiễn Trần Minh lên kinh ứng thí, Hà Mỹ Xuân đã thật sự làm sống lại cái không khí chuyên nghiệp đỉnh cao của nghệ thuật cải lương.

Hà Mỹ Xuân đã xa quê hương trên 20 năm, đã sống trong văn hóa Tây trên 20 năm, thế mà lại không hề xuống phong độ trong cách diễn xuất, trong sự điêu luyện về lối ca, thì quả thật là một điều đáng quí. Điều đó chỉ có hai cách giải thích. Thứ nhất đó là vì cải lương đã trở thành máu, thành hơi thở của Hà Mỹ Xuân nên dù ở trong môi trường nào, khi cần hát là cô hát được ngay, mà hát một cách rất điêu luyện.

Cách giải thích thứ hai liên quan đến sự rèn luyện của người nghệ sĩ. Người xưa thường nói “Văn ôn võ luyện”, đối với nghệ sĩ cải lương câu nói này có giá trị hơn ai hết. Là một nghệ sĩ, để ca điêu luyện, để diễn cho hay, thì đòi hỏi phải trau dồi không ngừng, phải tập luyện hằng ngày, làm sao cho sự ca và sự diễn trở thành như quán tính tự nhiên, thì khi diễn trên sân khấu mới hay được.

Như giọng ca chẳng hạn, nếu nghệ sĩ không ca hát, không luyện hơi thường xuyên hằng ngày thì giọng ca sẽ nhanh chóng bị xuống và lối ca sẽ nhanh chóng không còn điêu luyện nữa. Theo cách lý luận đó, thì ta có thể khẳng định rằng, Hà Mỹ Xuân giữ được phong độ ca diễn như vậy là nhờ sự tự trau dồi thường xuyên, nói cách khác là trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến cải lương.

Hà Mỹ Xuân đến Pháp trên 20 năm và từ ấy đến nay cải lương không còn là nghề kiếm sống của cô, mà cô phải làm nhiều nghề khác, còn cải lương thì thỉnh thoảng dịp lễ tết mới hát đôi ba trích đoạn. Nếu cải lương là nghề kiếm sống mà nghệ sĩ không ngừng trau dồi thì đã là quí, còn ở đây đối với nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân cải lương tuyệt đối không phải là nghề để kiếm sống mà cô còn đặt toàn tâm toàn ý cho cải lương thì thật là cao quí lắm thay!

Một nghệ sĩ “khó tính”

Ở Pháp, Hà Mỹ Xuân nổi tiếng là một nghệ sĩ khó tính. Khó tính ở đây không phải là cô đòi hỏi cát sê cao hay yêu cầu này nọ bởi như đã nói cô không kiếm sống bằng cải lương từ hơn 20 năm nay, mà thật ra cô rất khó tính trong việc ca diễn và khâu tổ chức. Cô yêu cải lương nên cô biết trân trọng cải lương. Hà Mỹ Xuân không thích biến cải lương trở thành một vật mua vui tầm thường, nên chỗ nào tổ chức có vẻ xô bồ là cô từ chối không hát.

Còn trong ca diễn, đã bước lên sân khấu thì dù là sân khấu lớn hay nhỏ, Hà Mỹ Xân cũng ca diễn hết mình, ca diễn một cách chuyên nghiệp. Chẳng hạn như trong một buổi cơm xã hội gần đây của một ngôi chùa Việt Nam ở ngoại ô Paris, Hà Mỹ Xuân có tham gia trong chương trình văn nghệ phục vụ thực khách đến ủng hộ chùa. Hà Mỹ Xuân cùng chị mình là nghệ sĩ Hà Mỹ Liên và nghệ sĩ Lý Kim Thành diễn trích đoạn tuồng Bông hồng Cài Áo.

Sân khấu thì nhỏ, thực khách thì đông nên có đôi khi mọi người say sưa nói chuyện mặc cho nghệ sĩ ca hát trên sân khấu, tạo ra cảnh người nói chuyện phía dưới người ca hát phía trên, chẳng ai quan tâm để ý đến ai.
Trong tiết mục của mình, sau phần giới thiệu của người dẫn chương trình, trước khi xuất hiện trên sân khấu, Hà Mỹ Xuân đã cầm micro nói từ hậu trường: “Xin quí khán giả giữ yên lặng, tập trung theo dõi trích đoạn vì lời thoại rất hay”. Không phải Hà Mỹ Xuân quan trọng hóa lớp diễn của mình mà là cô muốn hễ có kẻ hát thì phải có người thưởng thức, tức là khán giả và nghệ sĩ phải tôn trọng lẫn nhau, đấy mới là thái đội làm nghệ thuật nghiêm túc. Bằng chứng cho sự nghiêm túc của Hà Mỹ Xuân là khi bước ra sân khấu, cô đã ca diễn hết mình, như thể cô đang hát trước hội đồng giám khảo trong một cuộc thi tranh huy chương vàng vậy.

Bông tai nhỏ - tình cảm lớn

Như đã đề cập bên trên, hồi tết rồi, Hà Mỹ Xuân có tham gia biểu diễn cho bà con Việt Kiều tại Pháp trong chương trình chào xuân tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris. Trong trích đoạn Thái Hậu Dương Vân Nga, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân mặc bộ y phục thái hậu mà cô diễn vai này sau khi Thanh Nga mất hồi những năm 1980. Khi sang Pháp cô đã mang theo nhiều y phục cải lương, trong đó có bộ y phục này.

Trong hậu trường, mọi người đang hóa trang cho vai diễn của mình, bỗng nhiên tôi thấy Hà Mỹ Xuân tìm một vật gì đó, mà trông dáng vẻ của cô tôi đoán rằng đó là một vật rất quí giá và quan trọng lắm. Khi hỏi ra tôi mới biết rằng cô đang tìm một chiếc bông tai của bộ y phục thái hậu Dương Vân Nga nói trên. Bộ y phục tuổi đời đã trên dưới 30 năm, đã sờn, đôi bông tai cũng đã cũ lắm rồi. Với khả năng hiện tại Hà Mỹ Xuân có thể đặt làm lại những bộ khác sặc sỡ hơn, lộng lẫy hơn, đắt tiền hơn. Thế nhưng cô vẫn tiếc một chiếc bông tai cũ kĩ vì nó gắn liền với một thời làm nghệ thuật sôi nổi của cô. Thế mới biết Hà Mỹ Xuân yêu cải lương và nhớ cải lương đến dường nào.

Thời đại ngày nay, cải lương đang lúc khó khăn, mà nghệ sĩ cải lương thì cũng có người sống bằng cải lương nhưng không biết quí trọng cải lương, không yêu cải lương hết mình, luôn mang bệnh ngôi sao, làm nghệ thuật không nghiêm túc, diễn xuất thì ngày càng hời hợt. Trong bối cảnh đó, câu chuyện chiếc bông tai nói trên quả thật là lời nhắc nhở quí giá, bởi vì nếu chính nghệ sĩ cải lương mà cũng không trân trọng cải lương thì làm làm sao cải lương không xuống dốc cho được.
Tác giả bài viết: meoxu
Nguồn tin: Lê Phước - RFI
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).

 

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.