Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Kiên Giang Đời Là Thơ

Thứ tư - 01/04/2015 17:26

Kiên Giang Đời Là Thơ

CLVNCOM - Độc giả có thể đoán cá tính của soạn giả,ký giả ,nhà thơ Kiên giang qua chính những vần thơ của ông. Thơ Kiên giang dần bị lãng quên dường như được sống lại, đăng đầy ấp các báo giấy , báo mạng, khi ông về chốn vĩnh hằng vào ngày 30-10-2014. Những ngày tháng cuối đời ông vẫn tất bật chạy lên chạy xuống giữa quê ông và Sài Gòn, đôi khi lái xe "cánh én" ca tàn cổ lổ xỉ, đề lưu lại dấu vết xe Trâu, vết của tuổi thơ, của quê hương , của đất nước một thời hằn cơ cực, cuộc đời không may mắn, cái nghèo không buông một con người được cho là tài năng tầm cỡ, Vết xe trâu vẫn theo ông vào chốn vĩnh hằng.

Image

Trong Thơ dáng người con hiếu thảo

Mẹ rắc hoàng hôn theo gạo trắng
Cám bay phưởng phất quyện hương cao
Nghiên nghiên bóng xế sau lưng Mẹ
Gạo trắng như màu tóc trắng phau. ( sàn gạo )
Nhớ mùa cau trầu, trong vườn cũ
Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân
Khói trắng lên trời như tóc bạc
Con ngỡ khói tóc quyện mây Tần.
Chiều nay dừng gót trên bờ biển
Nhìn sóng bạc đầu mây trắng trôi
Con ngỡ khói vườn hay tóc Mẹ
Bay tìm con, lạc bước giữa đường đời.
( Khói Trắng)

Trong thơ một người con yêu quê hương
Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ
Tác giả: Kiên Giang

Kỷ niệm một chuyến trở về thăm làng cũ
(Đông Yên, U Minh Thượng)


Năm mươi năm, bỏ làng xa xứ
Đầu bạc mới tìm về cố hương
Quên mất Vàm ngoài sông Cái nước
Không nghe gà gáy giữa canh sương

Khỉ hết chuyền cành bần hái trái
Bông không còn rụng thả trôi sông
Ngày thơ xé mắm ăn bần chín
Bóng mát lung linh chở khẳm xuồng

Cây cầu dừa bắc ngang đường lở
Trẻ quậy bùn sôi bến tắm mưa
Nay đã xây cầu, hai mố đúc
Mình quên là phải cái cầu xưa

Kìa sân phơi lúa thời thơ dại
Con nít đá banh gọt bặp dừa
Ai đá thua khum lưng, cõng bạn
Bây giờ lập miếu nhớ người xưa

Đã cất lâu ngôi trường lợp ngói
Trống da trâu đánh buổi đông trường
Thầy cô ở huyện vô đây dạy
Cha mẹ học trò đều mến thương

Thằng bạn cái thời tuổi tắm mưa
Dắt mình tìm lại đất nền xưa
Vẫn còn nguyên vẹn, không ai chiếm
Tràm mọc đầy sân, mặc gió lùa

Ở chợ, người giàu giành hết đất
Không nhà, tới chết vẫn long đong
Sao chưa trở lại U Minh Thượng
Hai đứa già ôm tuổi tắm mưa

Nắm chặt tay sần người bạn cũ
Gượng cười, đứng ngắm cánh diều bay
Còn mang nặng nợ văn chương đó
Khó trở về quê lúc trắng tay
Đứng giữa nền xưa sao muốn khóc
Hàng ba giăng võng, mẹ ru con
Sáu năm hồn mẹ vào thiên cổ
Tiếng võng nhà bên gợi nỗi buồn

Vẫn tiếng cu gù thời trẻ dại
Còn nghe gió hát lộng chồm tre
Bến sông lở đất khơi dòng chảy
Đông xóm xanh làng mát bóng quê

Móc đất giữa nền nhà bỏ trống
Đựng đầy chiếc giỏ cuối đời người
Đem hồn quê gởi nơi thành thị
Giữ lấy cố hương giữa chợ đời

Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ
Tiếng gà rừng gáy thuở khai hoang
Ngỡ sông quê chảy vờn hương khói
Nghe tiếng cu kêu sực nhớ làng.


Bài thơ kết cuộc đời nhà thơ

Từ lối mòn xưa ra đại lộ,
Đường đời hoa nở vượt chông gai
Kết duyên sân khấu, duyên văn học
Nửa thế kỷ qua xế bóng rồi.

Chiều tàn cô độc, sống cô đơn
Tan nát mấy lần chuyện vợ con
Sự nghiệp chỉ còn mồ bản thảo
Trận đời thua trắng giá tâm hồn.

Lợp mái lá, dừng manh vải cũ
Nên mưa nhòa ướt ảnh bàn thờ
Mẹ từ đáy mộ về trong mộng
Trầm uất thương con giữa xác xơ.
Không sa mạc vẫn làm du mục
Chân lạc đà dừng tạm bãi hoang
Mai mốt người ta hăm đuổi nữa
Kiếp không nhà lại sống lang thang.

Bàn thờ Mẹ kê đầu tủ sách
Đóng cây ván tạp, bạn láng giềng
Má khổ suốt đời, con lận đận
Thương con hồn Mẹ chắc linh thiêng


Trong thơ của Kiên Giang,cũng có những đôi lúc oan ức, bất công...ông chỉ biết dùng thơ để giải toả bức xúc...

Giết chậm giết mòn là thượng sách
giết không gươm giáo mới siêu phàm
cướp nhà đất cắt lương tăng đói
Tung quả mù đen giả khói trầm
Đốt đuột khó tìm người mặt thật
Tắt đèn dễ thấy lũ ma trơi


(soạn giả,nhà văn,ký giả Nguyễn Phương..)

Thơ tiễn biệt Kiên Giang của Thiện Giả

Có một người con
Mang tên của Đất
Mang tên của sông
Chuyên chở thơ tình
Thơ đời dâu biển

Có một soạn giả
Thầy tuồng cải lương
Áo cưới cổng chùa
Câu chuyện quê hương
Đem vào tình sử

Có một ký giả
Tiếng Chuông, Tiếng Dội
Lập Trường, Điện Tín
Ký giả ăn mày
Yêu Hoa Áo Tím

Có một công dân
Tên tuổi vang danh
Văn thơ lai láng
không hoá thành Ngân
Sống đời nghèo khó

Kiên Giang Kiên Giang
Tên sông tên đất
Tên của người con
Nương lời cầu nguyện
Mặt trở lại hồng

Hồng tình nhân gian
Thanh thản ra đi
Cho bao thương xót
Nhớ lắm Kiên Giang
Vào lòng đất mẹ


Viết & Sưu Tầm: Thiện Giả
Email:thiengia@cailuongvietnam.com

Tác giả bài viết: khangianhandan

Nguồn tin: cailuongvietnam.com

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.cailuongvietnam.com là vi phạm bản quyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:độc giả, có thể, cá tính, vần thơ, của ông, lãng quên, sống lại, ngày tháng, tất bật, sài gòn, đôi khi, lái xe, dấu vết, tuổi thơ, quê hương, cơ cực, cuộc đời, may mắn, tài năng

Bình luận mới

A LÝ PHƯỢNG TUYỀN - 01/04/2015 19:38

Tôi được biết thi sĩ Kiên Giang vào năm 1995 trong buổi phát giải thưởng tại Củ Chi năm 1995 trong cuộc thi sáng tác "Củ Chi 20 năm xây dựng và phát triển". Ông đoạt giải nhất (thể loại Vọng Cổ) và ký tên thật là Trương Khương Trinh (vì lâu quá tôi không nhớ tên của bài ca đó là gì) tôi đoạt 3 giải Khuyến Khích qua các bài "Củ Chi chiến trường xưa" (Thể loại vong cổ), bài "Bà mẹ Củ Chi anh hùng" (thể loại tài tử, điệu Lưu Thủy Trường" và bài "Đất Thép đẹp ngàn hoa" (Thể loại dân ca).
Hồi còn đi học, tôi đã thuộc bập bõm bài thơ "Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím" của ông. Sau này lớn lên, tôi rất thích bài thơ "Tiền và Lá".
Hồi đó, để thuộc lòng một đoạn trong một bài thơ không hề dễ một chút nào. Thành ra vì vậy, bài thơ của thi sĩ nào mà được người đọc "nhập tâm" mà thuộc dù chỉ một đoạn, đó cũng là điều hết sức vinh hạnh. Vì một lẽ đơn giản, bài thơ đó được sự đồng cảm của người đọc.
Và, lần thứ hai tôi gặp lại ông tại Chợ Mới -An Giang khi ông làm Chánh chủ khảo cuộc thi sáng tác (thời nhà thơ Trịnh Bửu Hoài làm chủ tịch Hội)Bài vọng cổ Hài "Tôi đi Chợ Mới" của tôi đoạt giải Nhì.
Tôi rất thích cách nói chuyện "rất Nam Bộ" của ông. Vì tôi ở vùng sâu, vùng xa, nên khi nghe tin ông mất thì đã quá muộn màng.
Thuở sinh thời, cố soạn giả Hải Đăng thường hay nhắc về ông, mỗi khi tôi và cố soạn giả Hải Đăng có dịp ngồi bên nhau trong những lúc "trà dư, tửu hậu"
Theo cách nghĩ của riêng tôi. Nếu như ngoài Bắc, thi sĩ Nguyễn Bính được xem là nhà thơ "chân quê", thì ở trong Nam, chỉ có mỗi thi sĩ Kiên Giang là người có những bài thơ về nông thôn hay nhất.
Xin được nói rõ, đây chỉ là cách nghĩ của riêng tôi mà thôi.

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN