02:18 PDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 140

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 138


Hôm nayHôm nay : 4154

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1076351

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76891729

Trang nhất » Tin Tức » Tâm Tình Khán Giả

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Xem tiếp...

Sân khấu tử tế: Không thể xây nhà từ nóc

Đăng lúc: Thứ năm - 11/05/2017 12:46 - Đã xem: 3264
SK

SK

Sân khấu tử tế khi có được kịch bản hay, mà để có được kịch bản hay thì đội ngũ sáng tác phải giỏi nghề. Không thể gầy dựng được nền sân khấu tử tế nếu không xem trọng yếu tố nền tảng này

Chúng ta từng có một nền sân khấu huy hoàng với đội ngũ tác giả đông đảo, trong đó nhiều tên tuổi sáng chói, được người trong giới kính trọng, công chúng mến mộ như Lưu Quang Vũ, Ngọc Linh, Lê Duy Hạnh, Nguyễn Đình Nghị, Trần Hữu Trang, Hà Triều - Hoa Phượng, Thế Châu... Còn bây giờ, tác giả kịch bản là những cái tên ít người biết.

Mua vui trong chốc lát

Kịch bản thiếu tính đối thoại, không nắm bắt nhu cầu của công chúng trước ngổn ngang những vấn đề của cuộc sống đang đặt ra. đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự nhạt nhẽo của tác phẩm sân khấu hôm nay. Người xem không tìm được ở đó những điều mà họ trăn trở, muốn đối thoại.

Sân khấu tử tế: Không thể xây nhà từ nóc - Ảnh 1.

NSƯT Đàm Loan và Hoài Linh trong vở “Trạng chết, chúa băng hà” của Nhà hát Kịch TP HCM

Tác giả Vương Huyền Cơ, Chi hội trưởng Chi hội Sáng tác Hội Sân khấu TP HCM - thẳng thắn chỉ ra rằng người viết kịch đang sáng tác theo lối mòn. Quanh đi quẩn lại vẫn là cách bố cục cũ, không dám bứt phá, nếu có thì cũng không tạo được sự xung đột để hướng đến những điều công chúng đang quan tâm.

Khi sân khấu còn ì ạch trước nhiều vấn đề nan giải về thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa thì các bộ môn nghệ thuật khác đã hướng công chúng đến những công nghệ mới, kích thích sự phán đoán, cảm thụ đồng thời giao lưu, tương tác hết sức hấp dẫn. Theo tác giả Vương Huyền Cơ, hầu hết những kịch bản đang diễn đều làm khán giả nhàm chán. Một số sàn diễn đã bị khán giả quay lưng khi khai thác tiếng cười rẻ tiền, xây dựng những tình huống kịch khiên cưỡng, giả tạo và vô cảm trong diễn xuất, đối thoại.

"Muốn khán giả tử tế đến với sân khấu, tác giả phải tử tế với chính con đẻ của mình" - tác giả Vương Huyền Cơ khẳng định. Chị cho biết lâu nay có tình trạng những người làm công việc sáng tác kịch bản cứ ỷ lại, trông chờ đội ngũ nghệ sĩ dàn dựng "thêm mắm dặm muối", đắp da, đắp thịt cho đứa con tinh thần của mình khi đưa lên sàn diễn. Vì vậy, đứa con tinh thần ấy ra đời không tử tế.

Đã có hàng trăm bài báo phân tích về thực trạng sàn diễn đi xuống. Là người trong nghề, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh đau đáu: "Làm nghệ thuật phải tử tế thì tác phẩm nghệ thuật mới nên hình, nên dạng. Còn làm để đánh bóng bản thân, mơn trớn cảm xúc khán giả, không đọng lại điều gì day dứt, trăn trở trong lòng người thưởng thức thì sản phẩm đó chỉ để mua vui trong chốc lát".

Chọn "danh" hơn chọn "chất"

Tác giả Lê Duy Hạnh từng cảnh báo về tiền đồ sáng tác của đội ngũ tác giả kịch bản hiện nay. Theo đó, khi các nhà sản xuất, tổ chức biểu diễn cứ quen với việc chọn tên tuổi tác giả chứ chưa quen chọn chất lượng tác phẩm để dàn dựng thì sân khấu khó thoát khỏi lối mòn, thiếu chất trẻ.

NSƯT Thành Lộc nêu thực trạng: "Những tác giả có nghề thuộc bậc cao niên, viết chắc thì kém phần nhạy bén về thời sự; còn người trẻ nhanh nhẹn, nhạy bén nhưng bố cục kịch bản không chắc". Thành Lộc cho biết anh thèm muốn dung hòa 2 thế hệ sáng tác già và trẻ hiện nay để có những "đơn đặt hàng" cho sàn kịch nhưng rất khó, vì họ không dễ ngồi lại với nhau.

Theo nhà viết kịch Chu Thơm, nhiều người trẻ sáng tác khỏe nhưng lại ít được các đơn vị sân khấu quan tâm. "Tôi cũng động viên nhiều cây bút trẻ hãy viết những vấn đề mình quan tâm, khai thác những điểm nóng có thể chạm đến trái tim khán giả. Thế nhưng, khi họ hoàn thiện kịch bản, không nhà hát nào chịu dựng, để rồi bản thảo đó vẫn nằm trong ngăn kéo" - tác giả Chu Thơm băn khoăn.

Thực tế, hậu quả của việc chọn "danh" để đặt hàng tác phẩm đã khiến sân khấu bị nhấn chìm trong không khí nhàm chán và tẻ nhạt. Thậm chí, sự đối thoại với công chúng đã bị biến dạng, thay vào đó là hài nhảm, hài tục, những câu chuyện ghen tuông, đồng tính, ma quỷ... hiện diện trên nhiều sàn diễn.

"Người ta phải biết nói không với bè phái, thân quen, thâm tình trong cách làm nghệ thuật thì mới có được sự chỉn chu trong dàn dựng, biểu diễn, hướng đến một sân khấu tử tế. Khi đó, tác phẩm ra đời mới chạm đúng "tần số" khán giả. Khoan hãy nói đến tác phẩm đỉnh cao, cái cần thiết hiện nay của sân khấu kịch tử tế là phải đào tạo một đội ngũ tác giả trẻ có tài, có tâm và có đức, biết đau trước những vấn đề của nhân sinh" - NSND Kim Cương, người đã có nhiều tác phẩm dưới bút danh Hoàng Dũng một thời vang bóng, mong mỏi.

Ngôn ngữ kịch nói phải mới

Tình trạng bí kịch bản dẫn tới việc nhiều đơn vị sân khấu cứ lấy vở cũ từng ăn khách để dựng cho an tâm. Thế nhưng, chất tươi trẻ để cuốn hút khán giả trẻ lại là điều mà nhiều sàn diễn vẫn mong muốn.

PGS-TS Trần Yến Chi nhìn nhận: "Phải mạnh dạn chọn thủ pháp mới trong sáng tác, để ngôn ngữ kịch mới lạ, đáp ứng nhu cầu giải trí của giới trẻ. Trong sân khấu, lợi thế của ngôn ngữ là mang tính đối thoại với cuộc sống, khác với điện ảnh đã đóng máy thì khó sửa. Thế mà người sáng tác lại không quan tâm đến khía cạnh này, bởi chỉ có sàn diễn mới thể hiện được ngôn ngữ sáng tạo phản ánh sát thực đời sống, xã hội đang diễn ra".

Theo tác giả Vương Huyền Cơ, ngôn ngữ kịch ngày nay cần thay đổi. Ngôn ngữ ở đây được hiểu là hình thức thể hiện chứ không phải là lời thoại đối đáp qua lại sáo rỗng.

NSND Hồng Vân cho biết bà đang bồi dưỡng một lớp tác giả trẻ như: Xuân Trang, Mạnh Phúc, Phương Lan… Họ đều tỏ ra thích ứng với thị trường giải trí đơn thuần nhưng bà đã đầu tư để họ hướng đến tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật.

"Tôi không muốn các cây bút trẻ tự đánh mất mình bởi sự vô cảm của họ đối với những vấn đề xã hội. Vì miếng cơm manh áo, họ có thể viết theo thị hiếu của người xem một cách hết sức tự nhiên từ đơn đặt hàng. Việc cần làm ngay là lắng nghe, khơi gợi và tạo ngay niềm tin để họ viết" - NSND Hồng Vân sốt ruột.

Tác giả vở "Dạ cổ hoài lang", NSƯT Thanh Hoàng, phân tích: "Không thể nói đây là giai đoạn giao thời, thế hệ viết trước không bắt kịp cái mới, còn thế hệ viết trẻ lại thiếu đào tạo, thiếu chuyên sâu, vốn văn học có hạn. Tôi cho rằng sân khấu đã bị chậm, chai lì giữa sự thích ứng với môi trường xã hội, dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa sân khấu xã hội hóa".

Trớ trêu

Tình trạng nghiệp dư hóa đội ngũ tác giả là vấn đề đau đầu của hoạt động sân khấu kịch nói TP HCM lâu nay. Các tác giả chuyên nghiệp hoặc yêu nghề rất nản chí và không toàn tâm, toàn ý sáng tác bởi sự tụt hậu của sân khấu thị trường. "Để hưởng được 6% doanh thu theo mỗi suất diễn dành cho tác giả không hề đơn giản chút nào. Tác giả chấp nhận sáng tác theo yêu cầu giải trí, lôi kéo khán giả, khiến họ không còn là mình nữa. Họ phải chịu cho đứa con tinh thần của mình bị thao túng. Đó là sự trớ trêu làm chúng tôi cảm thấy lo ngại" - NSƯT Thanh Hoàng tâm sự.

Theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, vấn đề cấp bách hiện tại là gỡ bỏ cái khái niệm xã hội hóa để trả lại cho sân khấu những tác phẩm nghiêm túc. Một thế hệ tác giả có nghề vì những hệ lụy của thị trường mà dẫn đến bi quan, chán nản, không có những tác phẩm chạm đến vấn đề quan tâm của xã hội, những vấn đề bức xúc của cuộc sống hôm nay.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Sân khấu tử tế khi hướng đến khán giả tử tế


L.T.S: Sân khấu Việt Nam từng có một thời hoàng kim với không ít vở diễn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức công chúng mộ điệu. Làm gì để nền sân khấu Việt Nam được tử tế trở lại như mong mỏi của công chúng hôm nay? Câu hỏi cần lời giải của người trong giới.

 

 

Chúng ta từng có mối quan hệ đẹp đẽ giữa nghệ thuật sân khấu và công chúng khán giả nhưng rất tiếc về cơ bản, mối quan hệ này đã bị phá vỡ vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

Từ "sân khấu lớn" đến "sân khấu nhỏ"

Vào thời điểm ấy, sân khấu lớn, được hiểu là những vở diễn lớn, đầu tư bằng tiền của nhà nước, được bao cấp hoàn toàn ở các đơn vị sân khấu nhà nước, đã bị buộc rời bỏ bầu sữa nhà nước hoặc toàn phần hoặc không toàn phần để bước vào sân khấu thời kinh tế thị trường; rơi vào trạng thái lao đao, chao đảo và bỡ ngỡ trước tình thế mới. Không còn nữa những vở diễn gây chấn động xã hội, buộc người xem phải xếp hàng rồng rắn để mua vé đặng vào xem cho bằng được. Bởi, những vấn đề đặt ra từ vở diễn luôn nóng bỏng ý nghĩa xã hội, tác động tích cực vào tâm trí người xem. Thậm chí, cao hơn, có khả năng thay đổi nhận thức và hành vi xã hội của khán giả. Thí dụ ở thập kỷ 1980, tại sân khấu thủ đô Hà Nội có các vở diễn như "Mùa hè ở biển", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Dòng sông ám ảnh"; rồi bộ chèo 3 vở "Bài ca giữ nước", "Nhân danh công lý". Sang thập kỷ 1990 là những vở của các đạo diễn gạo cội Việt Nam như Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng…, dàn dựng từ kịch bản Lưu Quang Vũ, tiếp tục gây chấn động người xem với hiện tượng… cháy vé.

Sân khấu tử tế khi hướng đến khán giả tử tế - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Dạ cổ hoài lang” - một trong những vở kịch thành công nhất của mô hình “sân khấu nhỏ” Ảnh: THANH HIỆP

Tuy nhiên, sân khấu lớn kiểu này đã vấp phải sự chuyển đổi bắt buộc từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường; sự ra đời của hình thái sân khấu nhỏ đã trở thành một giải pháp tình thế.

Phải thừa nhận rằng ở Việt Nam, hình thái sân khấu nhỏ xuất hiện "đúng lúc và kịp thời" vào chính thời điểm sân khấu lớn, theo cách hiểu nói trên, đang rơi vào tình trạng "đau ốm", thậm chí khủng hoảng người xem, đến mức chưa bao giờ sân khấu vắng người xem đến thế và cũng chưa bao giờ cái mạch đập kịch trường hằng đêm, vốn là mạch đập của sự sống sân khấu, đã bị đứt đoạn trong một thời gian dài đến thế, kể từ sau hội diễn sân khấu toàn quốc 1990.

Ở Hà Nội, đô thị trung tâm của sân khấu cả nước, trong những năm cuối của thập niên khép lại thế kỷ XX, sân khấu thể loại kịch cũng chỉ tồn tại một cách thoi thóp cầm chừng ở 3 đơn vị sân khấu chủ yếu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội và Nhà hát Tuổi Trẻ. Sân khấu ở TP HCM, một đô thị lớn nhất nước, cũng không cách gì thoát khỏi lực hút của tình hình chung. Vốn là một kịch trường lớn, sôi động, với một trời sao các giọng ca vàng cải lương mang đậm tính cách con người và miền đất Nam Bộ, từng đã thu hút người xem chật rạp hằng đêm, từ sau năm 1990, thể loại kịch đã được "Nam Bộ hóa" đến mức thành phong cách riêng của kịch Nam Bộ, cả sân khấu cải lương lẫn sân khấu kịch đã xuống sắc nhỡn tiền. Vì thế, ai cũng hy vọng vào sự xuất hiện một cái gì đó mới mẻ để cứu nguy cho sân khấu chung.

Và không ngẫu nhiên, sân khấu nhỏ đã xuất hiện đầu tiên ở TP HCM như một sự năng động mở đầu với những thành công liên tiếp của các liên hoan: Liên hoan Sân khấu nhỏ 1988-1989, tiếp đến là Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc lần thứ nhất năm 1991 tại Quảng Ninh; đặc biệt là Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc tháng 5-1993 tại TP HCM. Trong đó, nổi lên những vở thành công nhất đã thuộc về sân khấu nhỏ của TP HCM với điểm sáng là Sân khấu 5B Võ Văn Tần. Những vở diễn thuộc hình thái kịch sân khấu nhỏ của sân khấu TP HCM thời ấy đặc biệt thành công là "Dạ cổ hoài lang", tiếp đó là "Chuyện lạ", "Diễn kịch một mình", "Ngôi nhà không có đàn ông", "Đứa con tiền kiếp", "Đừng đùa với tình yêu", "Thây ma sống", "Giấc mộng kê vàng", "Người đàn bà mộng du", "Chuyện bây giờ mới kể"… Đây là những vở diễn đã quyến rũ được công chúng yêu kịch của TP HCM, hằng đêm lôi cuốn họ đến với ánh đèn sân khấu, giải tỏa, tháo gỡ và đối thoại với họ về những buồn vui - sướng khổ, những vấn đề thiết thực đang đặt ra với họ trong những câu chuyện hôm nay của đời sống xã hội hiện đại.

Tất nhiên, sân khấu nhỏ không phải là sân khấu lớn, nó vốn nhỏ về tiền bạc đầu tư, về phương tiện kỹ thuật, về cả số lượng người xem, chủ yếu dùng vào mục đích thử nghiệm nên hình thái này hoàn toàn thích hợp với thời điểm mà chính nó đã ra đời, như một giải pháp tình thế mà khả thi cho sự vãn hồi mạch đập kịch trường và tìm lại khán giả đã mất của sân khấu một thời vàng son…

Xã hội hóa và bế tắc

Như thế, sau một thời gian dài hàng thập kỷ, từ cuối thế kỷ XX sang đầu XXI, sân khấu nhỏ đã là một hình thái biết tự vượt lên chính mình - với tư cách vãn hồi sân khấu lớn, với sự thử nghiệm, nghiệm sinh cho sân khấu lớn quay lại - đã chính thức hội nhập vào sự phát triển của sân khấu Việt hiện đại trong một "thời tiết" sân khấu bất thường và tỏ ra thích ứng với khẩu vị thẩm mỹ mới của công chúng sân khấu đô thị thời bắt đầu mở cửa.

Song, khi đã làm tròn sứ mệnh của mình, theo quy luật phát triển, sân khấu nhỏ đương nhiên phải nhường chỗ cho một hình thái sân khấu khác phù hợp hơn, đó là sự nảy sinh của hình thái sân khấu mới, được mang tên là "xã hội hóa (XHH) hoạt động sân khấu", cũng được khởi đầu mạnh mẽ, có hiệu ứng tốt, trước hết là với công chúng TP HCM. Đó có thể là biện pháp mới của sân khấu đô thị như TP HCM, muốn tự thân đổi mới để đi tìm khán giả bằng cách tự đứng ra tổ chức đơn vị sân khấu tư nhân, theo sáng kiến của cá nhân hay một nhóm bạn bè, tự bỏ tiền riêng hoặc gom tiền đóng góp từ các mạnh thường quân và hoàn toàn không trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước trên một tinh thần văn hóa lành mạnh - "nhà nước và nhân dân cùng làm". Vì thế, sân khấu TP HCM, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, đã được XHH rộng rãi, đã thành sân khấu sáng đèn nhất trong cả nước - sáng đèn hằng đêm, không hề đứt mạch kịch trường, nhất là sân khấu thể loại kịch, mà nổi bật nhất là Sân khấu Kịch IDECAF của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Tuy nhiên, XHH cũng chỉ diễn ra nhiều nhất ở thể loại kịch và cũng chỉ cứu vãn được khán giả ở thể loại này.

Cho nên, ngay cả việc liên hoan sân khấu XHH, vì thế, được tổ chức lần đầu tiên tại TP HCM, cuối năm 2006, khá hoành tráng cũng không thể có được sự trở lại của khán giả như thời hoàng kim thập niên 1980. Và việc hẹn hò tổ chức liên hoan sân khấu XXH 2 năm một lần kể từ lần thứ nhất, đến nay đã thành vô thời hạn, vì không thể tiếp tục…

Cho đến hôm nay thì sân khấu kịch trường hằng đêm của các đô thị Việt gần như mất trắng vào tay thâu tóm của sân khấu truyền hình, với sự lấn lướt của truyền hình nói chung và truyền hình thực tế, đặc biệt là những chương trình giải trí mua fomat (định dạng) từ nước ngoài. Tất nhiên, sân khấu kịch trường hằng đêm (vốn là sân khấu "tươi sống", không "đóng hộp" như sân khấu truyền hình) đã và đang nỗ lực chống trả trong yếu ớt, thậm chí tuyệt vọng, nhằm lấy lại người xem đã mất. Sau những vở diễn đề tài ma, kinh dị hài, các sân khấu XHH đang rơi vào bế tắc, chưa tìm ra lối thoát.

Thiết nghĩ, chỉ có sân khấu tử tế, có chất lượng cao trong tính đặc thù của nó, là đối thoại trực tiếp bằng vở diễn sân khấu với người xem, về những vấn đề xã hội, dân sinh đang khiến họ trăn trở, kiếm tìm, hoài vọng… thì mới khiến người xem tử tế quay trở lại. 

Hy vọng cho người yêu sân khấu

Dự án đưa các chương trình âm nhạc, vở diễn sân khấu chất lượng cao vào Nhà hát Lớn (Hà Nội) và bán vé cho đông đảo người xem đã và đang được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tiến hành, cho thấy quyết tâm lấy lại công chúng tử tế bằng những vở diễn tử tế. Công cuộc này đang làm lóe lên hy vọng cho người yêu sân khấu ở Việt Nam. Lẽ nào không mừng vui với sự tử tế trở lại, ấm áp tình thân trở lại trong mối quan hệ giữa sân khấu hiện đại và công chúng hiện đại hôm nay. Chỉ mong sao không "đánh trống bỏ dùi", dự án không được thực hiện đến nơi đến chốn.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

Làm sân khấu "tử tế": Cần “bàn tay” nâng đỡ


Đừng để những vở kịch có chất lượng nghệ thuật cao, đậm tính nhân văn phải tự bơi trong cuộc tranh đua ở thị trường

 

Xã hội hóa sân khấu, theo thời gian, cho thấy là một chủ trương đúng, mở ra cho nghệ sĩ cơ hội được tự do sáng tạo, phát huy tối đa khả năng đóng góp cho xã hội, đồng thời cũng đem đến cho họ những thách thức không nhỏ để tồn tại trong cơ chế thị trường.

Những “người hùng” cô đơn

Trong một xã hội mà dân trí chưa cao, lại bị thị trường thuận mua vừa bán chi phối, những người làm nghệ thuật với mục đích tôn vinh cái đẹp chân chính luôn vấp phải khó khăn về doanh thu. Khán giả đến với sân khấu, phần đông là muốn giải trí, muốn thỏa mãn điều ưa thích, cảm giác lạ… Ít ai đi xem kịch để tìm kiếm những bài học đạo đức, hình thành nhân cách. Những người làm nghề đều hiểu để có một tác phẩm nghệ thuật hay, vừa dung chứa tính thẩm mỹ cao vừa thỏa mãn được yếu tố giải trí và mang thông điệp giá trị nhân văn là điều không dễ nên buộc họ phải chọn lựa: hoặc chạy theo số đông để tồn tại hoặc chấp nhận sự thiệt thòi hầu neo giữ những giá trị chân chính. Điều đó lý giải vì sao Sân khấu Hồng Vân một thời hãnh diện với những vở kịch Bắc sâu sắc, những vở tâm lý nhẹ nhàng lại trở thành “cứ điểm” của kịch ma, kịch kinh dị; Kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới, Thế Giới Trẻ… nghiêng hẳn sang mảng kịch hài; Sân khấu IDECAF nhiều tâm huyết cũng phải nghĩ thêm những mảng miếng để giữ khán giả. Chỉ còn Sân khấu 5B, Hoàng Thái Thanh và mới đây là Hồng Hạc là đi chuyên dòng kịch chính luận, tâm lý, luôn muốn đặt con người trước những vấn đề phải nghĩ suy, phải đưa ra thái độ sống.

 

Liệu hình ảnh tươi vui của nghệ sĩ Sân khấu Hoàng Thái Thanh với khán giả mộ điệu trong ngày sinh nhật lần 7 của sân khấu này có được nối dài? (Ảnh do Sân khấu Hoàng Thái Thanh cung cấp)
Liệu hình ảnh tươi vui của nghệ sĩ Sân khấu Hoàng Thái Thanh với khán giả mộ điệu trong ngày sinh nhật lần 7 của sân khấu này có được nối dài? (Ảnh do Sân khấu Hoàng Thái Thanh cung cấp)

 

Chọn con đường hẹp để đi, các sân khấu chuyên về chính luận, tâm lý chẳng khác nào như những “người hùng” cô đơn. Bởi nếu nói đến khó khăn về doanh thu, họ chính là người đứng “đầu sóng ngọn gió”, hứng chịu đầu tiên những “ngọn roi” của thị trường mà không được ai chia sẻ. Lời ăn lỗ chịu, trân mình trước những bài toán thu chi chỉ để giữ cho đường hướng nghệ thuật đã chọn được “vuông tròn”. Trên thương trường, các vở diễn có vẻ được cạnh tranh một cách bình đẳng nhưng nhìn ở góc độ văn hóa, lại là sự “bất công” đối với những vở thuộc dòng kịch kén người xem. Những chương trình thực hiện với mục đích giáo dục như đem các vở kịch lịch sử đến trường học để dạy học sinh về truyền thống giữ nước của Sân khấu IDECAF bao năm qua cũng chỉ làm một mình, không được ai hỗ trợ.

Mãi là “vô gia cư”

Điều “bất ngờ” là sau hơn 40 năm hòa bình, TP HCM hiện nay không có một cơ sở vật chất nào cho các đoàn nghệ thuật hoạt động. Nhà hát Hát bội sau nhiều năm lận đận, vừa được giao cho rạp Thủ Đô tối tăm, ẩm mốc. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (trên nền rạp Hưng Đạo cũ) mới xây xong 2 năm, chưa kịp bàn giao cho nhà hát, phải “đắp chăn” nằm chờ sửa chữa, không biết chừng nào mới hoạt động được.

Ở sân khấu kịch nói, trừ Nhà hát Kịch TP HCM, Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM (còn gọi Sân khấu 5B), các sân khấu khác hiện nay đều là những kẻ “vô gia cư” vì tất cả đều phải đi thuê địa điểm để biểu diễn. Cơ sở vật chất của Nhà hát Kịch

TP HCM được xem là “sang” nhất vì tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo, trung tâm quận 1, nhưng từ lâu đã xuống cấp trầm trọng, mới đây, một mảng trần bị mục ở khu vực hóa trang rớt xuống gây thương tích cho nghệ sĩ Trường Sơn nên nhiều vở diễn phải chạy lánh nạn. Nhà hát 5B đóng cửa gần một năm nay và có lẽ còn phải chờ thêm khoảng 3 năm nữa, theo dự án xây mới lại toàn khu nhà Hội Sân khấu TP, nghĩa là trước mắt, nếu 5B dựng vở mới sẽ phải đi tìm thuê điểm diễn. Kịch Hồng Vân, Kịch IDECAF, Kịch Sài Gòn… là những thương hiệu có thâm niên ở nhà thuê “ổn định” trên dưới 20 năm; hầu hết những sân khấu còn lại như Hoàng Thái Thanh, Nụ Cười Mới, Trịnh Kim Chi… đều phập phồng chuyện chuyển nhà. Ở thời buổi lĩnh vực giải trí có nhiều cạnh tranh như hiện nay, tiền thuê nhà cũng là một gánh nặng kéo các sân khấu nghiêng về cán cân thương mại trong các vở diễn.

Muốn có hoa phải vun trồng

Văn hóa, nghệ thuật có tầm quan trọng trong việc xây dựng, hình thành nhân cách con người. Thế nhưng cho đến nay, sau hơn 40 năm, TP HCM không những không có thêm một công trình văn hóa nào đúng tầm cỡ mà ngược lại, hầu hết những cơ sở văn hóa như rạp hát, rạp chiếu phim có từ trước năm 1975 dần đã biến mất, chuyển đổi thành những trung tâm thương mại hoặc làm nhà kho, đẩy những người làm văn hóa thành những kẻ không nhà hát, đặc biệt là ngành sân khấu.

Đừng để những vở kịch có chất lượng nghệ thuật cao, đậm tính nhân văn phải tự bơi trong cuộc ganh đua ở thị trường. Không ai ngoài nhà nước có thể giơ bàn tay tiếp sức cho những người làm nghệ thuật chân chính trong lúc này. Đừng để những người nhiều tâm huyết trong việc “trồng người” như NSƯT Thành Hội đến lúc phải thốt lên “Hết tiền thì nghỉ!”. Lúc ấy, cái mất mát lớn nhất thuộc về công chúng mộ điệu, những người luôn khát khao những món ăn tinh thần có giá trị và còn thuộc về xã hội khi cái thiện bị lấn át bởi cái ác.

 

Nghệ thuật chân chính nuôi dưỡng tâm hồn

Trước những tin tức giết người cướp của diễn ra hằng ngày một cách dửng dưng, lạnh lùng, đã có những câu hỏi đặt ra rằng tại sao con người bây giờ lại mất nhân tính đến vậy? Câu trả lời không thể khác là vì sự giáo dục văn hóa, nền nghệ thuật chân chính đã bị sức mạnh vật chất và những thứ phù phiếm đẩy xuống thế yếu. Người làm nghệ thuật chân chính nói chung, sân khấu nói riêng, bị rơi vào thế cô lập, bị bao vây bởi muôn vàn sức công phá của các loại văn hóa, giải trí dễ dãi trên các sân khấu thương mại, trên truyền hình,...

Nhân cách con người không tự nhiên mà có, phải qua quá trình giáo dục dài lâu trong gia đình, nhà trường và được nuôi dưỡng bằng những món ăn tinh thần bổ ích qua văn hóa, nghệ thuật. Sách vở nói: “Con người là mối tổng hòa của xã hội”. Ông bà đúc kết dân dã hơn: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”... Muốn xã hội bớt tệ nạn, bớt chuyện chém giết,... phải chú trọng đến việc giáo dục, xây dựng nhân cách thông qua các tác phẩm nghệ thuật tốt.

 

Cát Vũ

Làm sân khấu “tử tế” như đi trên dây


“Làm nghệ thuật chân chính lận đận quá” - không chỉ là nỗi niềm của nghệ sĩ “tử tế” mà còn là cảm nhận của khán giả mộ điệu khi chứng kiến những người làm nghề tâm huyết nếm trải những chát đắng

 

Vào ngày Valentine 14-2 vừa qua, Sân khấu Hoàng Thái Thanh (HTT) tròn 7 tuổi. “Buổi lễ” mừng sinh nhật đã diễn ra đơn sơ, giản dị nhưng thật ấm cúng và nhiều cảm xúc trong khoảng vài chục phút trước giờ mở màn suất tối vở “Mơ trăng bóng nước”.

Mắt lệ cho... nghề

Trong không gian nhỏ hẹp của tiền sảnh rạp hát là một cuộc sắp đặt nghệ thuật nhiều dụng ý: nơi này là “tủ sách” gồm những bài báo và hình ảnh về Sân khấu HTT, được đóng thành nhiều cuốn bọc nhựa trang trọng và kỹ lưỡng; góc kia là cái “chợ nổi” với chiếc ghe hàng xén gợi nhớ hình ảnh chiếc ghe tát nước “da diết” mấy mươi năm của người phụ nữ tên Thà trong vở “Bao giờ sông cạn”.

Cảnh trong vở “Rau răm ở lại” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. (Ảnh do sân khấu cung cấp)
Cảnh trong vở “Rau răm ở lại” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. (Ảnh do sân khấu cung cấp)

Song, mặt hàng để mời khách buổi ấy là món sương sâm “dzò bằng tay” dân dã - một chi tiết lấy ra từ vở “Mơ trăng bóng nước” vừa ra mắt trong dịp Tết Đinh Dậu. Chỉ bấy nhiêu thôi đã cho thấy sự nghiêm cẩn dành cho nghệ thuật và sự tôn trọng dành cho khán giả của Sân khấu HTT.

Những cảm xúc ban đầu ấy càng trào dâng khi mọi người vào bên trong nhà hát, bắt đầu cho cuộc giao lưu bỏ túi. Khán phòng không còn một chỗ trống, nhiều hàng ghế “xúp” được kê thêm, dãy ghế ở tít hàng cuối vốn dành cho diễn viên cũng được trưng dụng. Dường như tất cả khán giả mộ điệu khắp nơi đều cố gắng có mặt để chung vui với sân khấu thân thương của mình. Có người từ Tây Ninh phải đón xe từ trưa, có người bắt xe buýt từ Củ Chi hay Biên Hòa. Một anh thanh niên cho biết nhà ở Thủ Đức giáp ranh Long Thành, mấy ngày trước gọi nhiều lần không còn vé vẫn cứ liều đi, kiên nhẫn chờ hàng giờ để được vào dự.

Trước tình cảm dạt dào của khán giả, 2 ông bà bầu là nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như gần như nước mắt lưng tròng suốt buổi giao lưu. Thế nhưng, Giám đốc Sân khấu HTT - NSƯT Thành Hội cũng chỉ dám mong một cách khiêm tốn là được gặp lại mọi người như hôm ấy vào lần sinh nhật thứ 8 bởi anh quá thấm thía những khó khăn mà HTT đã và đang phải trải qua. Những ai đã yêu HTT là yêu say đắm nhưng số khán giả này chưa thật đông đảo, chưa đủ để nuôi sống quanh năm những người làm nghề ở đây. Năm nào, 2 nghệ sĩ sáng lập này cũng phải chia nhau châm tiền nhà bù lỗ. Vì vậy, NSƯT Thành Hội luôn thẳng thắn trả lời giới truyền thông: “Khi nào hết tiền thì nghỉ”.

Trước Tết Đinh Dậu, theo kế hoạch cũng như có được sự thỏa thuận, Sân khấu HTT đã đóng gói hết đồ đạc chuẩn bị dọn về “ngôi nhà” cũ là Nhà Thiếu nhi TP HCM sau 2 năm đi ở nhờ Nhà Thiếu nhi quận 10. Thế nhưng, phút cuối lại trục trặc không về được vì còn phải chờ công trình sửa chữa nơi này được nghiệm thu.

Nghệ sĩ Ái Như đã khóc tức tưởi, tưởng như thân hình nhỏ bé của chị không còn chút sức lực nào nữa. Chị nói đồ đạc, trang thiết bị sân khấu tháo xuống 2 ngày nhưng lắp lên lại phải mất 20 ngày, trong khi Tết đến chỉ còn dăm ba bữa, vở dựng để ra mắt chỉ mới chạy đường dây, chưa kịp hoàn thiện. May mà Nhà Thiếu nhi quận 10 vẫn mở rộng vòng tay đón trở lại và cả đội ngũ cùng dốc tâm lao vào làm không kể ngày đêm mới có thể “tái lập hiện trường” kịp để chào đón khán giả đúng ngày đầu Xuân.

Đừng từ biệt khán giả nghe em!

Đạo diễn Việt Linh là một phụ nữ tài năng. Sau một thời gian dài phải chia tay nghề đạo diễn điện ảnh vì sức khỏe không cho phép, chị đã mở Sân khấu Hồng Hạc để tiếp tục thể hiện những khát vọng mang đến cho công chúng những món ăn tinh thần bổ ích. Điều đáng nói là chị lao vào sân khấu giữa lúc các sàn diễn đang thoái trào khiến cho không ít người lo ngại.

Thế nhưng, hơn 1 năm qua, từ khi được chính thức thành lập, Sân khấu Hồng Hạc với tiêu chí “tiếp cận văn học và điện ảnh nhất có thể” đã tạo được một lối đi riêng. Hồng Hạc đã cho ra đời những vở kịch mang nhiều chất suy tư chiêm nghiệm, gửi theo những thông điệp giúp con người ta biết sống tốt, nhân văn hơn.

Hồng Hạc là sân khấu kịch duy nhất hiện nay giúp khán giả “dọn mình” trong sạch, rũ hết “bụi trần” để tâm hồn thơ thới, chuẩn bị bước vào không khí “thánh đường sân khấu” bằng những nhạc phẩm cổ điển sang trọng qua sự trình bày của các nghệ sĩ dương cầm, vĩ cầm. Các kịch bản ở đây hầu hết đều do Việt Linh viết hoặc chuyển thể nên tính văn học được xem là đã góp phần rất lớn trong việc tạo nên hiệu quả cho các vở diễn. Khán giả không nhiều vì khán phòng nhỏ hẹp, chỉ 162 ghế, dòng kịch đòi hỏi người xem phải có nhận thức nhất định nhưng phần đông khán giả đến xem lần đầu đều thú vị với cảm giác khác lạ, mới mẻ.

Vậy mà mới đây, Sân khấu Hồng Hạc đã đăng thông báo tạm biệt: “Do không thích ứng với nội dung hoạt động mới của Trường Múa TP HCM, ngày 15-3-2017, Sân khấu Hồng Hạc sẽ không còn đóng đô ở địa chỉ... Mọi hoạt động sẽ tạm hoãn đến khi có địa điểm mới”. Đọc thông báo, khán giả T.V.L ở quận 9 viết thư gửi bà bầu Việt Linh: “Tin này làm anh buồn héo ruột. Không phải buồn vì em và nhóm từ giã Trường Múa TP HCM mà vì thấy làm nghệ thuật chân chính nhiều lúc sao lận đận quá. Em chào tạm biệt Trường Múa TP HCM nhưng đừng từ biệt khán giả quý trọng nghệ thuật chân chính, nhân văn và sâu sắc của Hồng Hạc group nghe em!”.

Có lẽ lời nhắn gửi của khán giả T.V.L cũng là nguyện vọng của những người yêu kịch Hồng Hạc. Nghe đâu Trường Múa TP HCM lấy lại mặt bằng để cho nhóm khác thuê với giá cao hơn. Không thể trách Trường Múa TP HCM vì họ có những lý do riêng, chỉ buồn vì những người làm nghệ thuật tâm huyết phải chịu đặt lên bàn cân của thương trường.

Những ngày này, nếu đến xem kịch ở Sân khấu Hồng Hạc, khán giả sẽ được nghe những câu đại loại như suất diễn cuối cùng, lần gặp cuối cùng... vì chính những người cầm trịch sân khấu này cũng chưa biết phải đi đâu, về đâu sau ngày 15-3!

Kỳ tới: Cần “bàn tay” nâng đỡ

Kịch “sạch” hiếm hoi

Trên Facebook, tình cảm của người xem vẫn luôn được bộc lộ qua những dòng tâm sự. Bạn Phạm Lâm Duy Anh viết: “Xin cảm ơn sân khấu đã cho mình một buổi chiều chủ nhật thật ý nghĩa với “Rau răm ở lại”. Ba tiếng đồng hồ không phí một giây nào”.

Thầy Trần Đình Phú, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tâm sự: “Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều và quyết định chọn những vở diễn của HTT cho các em học ngoại khóa. Đây là sân khấu có những vở chính kịch nội dung gần gũi với đời sống thường ngày, mang nhiều thông điệp ý nghĩa, được dàn dựng nghiêm túc và diễn viên diễn xuất rất chân thật. Tất cả điều đó đáp ứng tiêu chí chọn tác phẩm cho các em học ngoại khóa môn văn của nhà trường”.

Còn đây là mong muốn của bạn Nguyễn Kim Trường: “Sân khấu HTT là một trong ít ỏi đơn vị dựng chính kịch, kịch “sạch” trong bối cảnh hài nhảm, kịch vớ vẩn đang làm mưa làm gió. Tôi rất quý và hy vọng có dịp cộng tác với HTT bởi tôi đang ấp ủ ước mơ làm những tác phẩm sân khấu đúng nghĩa “nghệ thuật vị nhân sinh”…

 

Cát Vũ


Nguồn tin: tcgd theo NLĐ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

 

NSND Trọng Hữu lý giải vì sao thế hệ vàng sân khấu cải lương vẫn còn ăn khách?

Trong ngày lãnh đạo TP HCM tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu, NSND Trọng Hữu đã trao đổi với PV báo Người Lao Động về suy nghĩ của ông về thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương dù đã U80 vẫn còn được khán giả mến mộ.