02:15 PDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 130

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 127


Hôm nayHôm nay : 4063

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1076260

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 76891638

Trang nhất » Tin Tức » Hậu Trường Sân Khấu

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Xem tiếp...

Mấy Vần Thơ của Thanh Nga: Một chuyện tình bí ẩn

Đăng lúc: Thứ năm - 06/09/2012 23:07 - Đã xem: 7651
Mấy Vần Thơ của Thanh Nga: Một chuyện tình bí ẩn

Mấy Vần Thơ của Thanh Nga: Một chuyện tình bí ẩn

Xưa nay những bài viết về nghệ sĩ cải lương của Nguyễn Phương đều mang một nội dung gợi nhớ về những kỷ niệm của cái thời mà Nguyễn Phương còn hoạt động trên lãnh vực sân khấu cải lương tại quê nhà. Với cái tuổi 88 của tôi hiện nay, tôi thú thật là tôi không còn tưởng tượng được gì nữa để mà hư cấu những câu chuyện, không giống như hồi còn trẻ, với một sức sống dồi dào, một trí tưởng tượng phong phú, chỉ với một cảm hứng nhỏ, một xúc động bâng quơ, hồi đó tôi có thể tạo dựng ngay thành một câu chuyện hấp dẫn, có tình có lý

Còn bây giơ… bây giờ thì chỉ nhớ lại những chuyện thời xưa, nhớ có mạch lạc nhờ những cuốn nhựt ký của tôi ghi những chuyện sân khấu xa xưa, đó là một điều đáng quí rồi. Tôi mừng là tôi còn nhớ từng chuyện thật là chi tiết, thật là rõ ràng, chuyện nọ không xọ vào chuyện kia. Còn muốn tôi vẻ vời thêm hoa thêm lá thì tôi đành chịu thua.

Đầu năm nay, ( 2008 ) về thăm quê hương, tôi gặp lại các bạn nghệ sĩ đồng thời với tôi, như anh chị Tám Vân, Nhị Kiều, Anh Viễn Châu, Quy Sắc, Kiên Giang, Hoàng Khâm, Ngọc Văn, Tám Cao, Nguyễn Liêu, Thành Phát, bà Kim Chưởng, nhà chụp ảnh Huỳnh Công Minh, cô Sáu Liên, ông Đông, Kim Hoàng, Như Mai, Kim Cương… các anh chị đó đều quá cái tuổi thất thập cổ lai hy, tuy nhiên các bạn vẫn còn minh mẩn. Chúng tôi nhắc lại kỷ niệm những năm tháng chung sống dưới một bảng hiệu gánh hát, vui buồn, đói no sướng khổ có nhau, chị Tám Vân,( tức soạn giả Nhị Kiều) hỏi tôi: « Tôi nghe nhiều nghệ sĩ bên Mỹ vế, phàn nàn có một ông nhà văn nào đó viết tiều thuyết hóa cuộc đời của Thanh Nga một cách bậy bạ hết sức, có ý bôi nhọ người nghệ sĩ đáng mến của mình, sao anh không lên tiếng phản đối hay viết rõ những chổ bịa đặt nói xấu Thanh Nga của ông nhà văn đó?» Tôi cho biết khi ông ta viết tiểu thuyết về Thanh Nga thì tôi đang ở Montreal, tôi không có dịp đọc qua. Sau đó có một nhà học giả ở Santa Ana gỡi cho tôi quyển tiểu thuyết đó và hỏi tôi nghĩ sao? Tôi có đưa vài bạn của tôi ở Montreal đọc. Họ có phỏng vấn tôi một số chuyện về Thanh Nga do ông nhà văn đó bịa ra, tôi có trả lời rất rõ ràng về những điểm sai trong cuốn tiểu thuyết đó trên đài RFA rồi.

Tôi nghĩ là mỗi nhà văn đều phải chịu trách nhiệm với chính lương tâm của mình và chịu trách nhiệm với đọc giả, với nhân vật mà mình đã viết, nhất là khi mình viết về một nhân vật có thật và được nhiều người biết đến như nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Sự tự trọng và tinh thần trách nhiệm của nhà văn sẽ khiến cho ông ta xấu hổ khi ông ta đã hư cấu quá nhiều chuyện bậy bạ để bôi nhọ một người nghệ sĩ đã chết. Những người trong gia đình của Thanh Nga như Bảo Quốc, như Hà Linh mới có quyền kiện ra tòa để yêu cầu một lời xin lổi hoặc bồi thường danh dự. Hôm nay chị Nhị Kiều có đưa cho tôi mấy bài thơ của Thanh Nga sáng tác nhân dịp kỷ niệm thành lập đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong những năm 1965, 1966, 1967. Đọc lại mấy bài thơ của Thanh Nga viết lúc cô còn rất trẻ, tôi nghĩ cũng nên giới thiệu với qúy đọc giả về tâm tình của một nghệ sĩ trẻ rất nổi tiếng và rất nặng gánh gia đình như Thanh Nga để hiểu sinh hoạt của những nghệ sĩ tài danh trong thời huy hoàng của sân khấu cải lương. Mỗi người đều có những chuyện riêng không muốn cho người khác biết đến nên tôi chỉ nói một số khía cạnh về tâm tình của cố nghệ sĩ Thanh Nga mà tôi cảm thấy có thể tiêu biểu cho một phần về cuộc đời tình cảm của đại đa số nghệ sĩ cải lương trong các thập niên 40, 50, 60, 70.

Năm 1960, hai năm sau khi nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm, nữ nghệ sĩ Thanh Nga được báo chí và khán giả nhiệt liệt ngợi khen về những vai tuồng diễn ngày càng xuất sắc của cô. Tên của Thanh Nga được bà bầu Thơ đưa lên thành bảng hiệu của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga.

Soạn giả thường trực của đoàn hát đều viết cho Thanh Nga diễn những nhân vật chánh, những diễn viên tài danh như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Hoàng Giang, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Minh Điển, hề Kim Quang đều diễn những vai bao quanh để nâng cao và tạo cơ hội cho Thanh Nga có những màn lớp diễn hay nhất, cảm động nhất để Thanh Nga chiếm được cảm tình của khán giả. Báo chí kịch trường không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để ngợi khen Thanh Nga, đưa hình thật đẹp của Thanh Nga lên những trang báo nghệ thuật, trên các tờ lịch in đẹp nhất.

Thanh Nga vừa đẹp, vừa ngoan hiền và lễ phép với mọi người trong đoàn hát cũng như với khán giả ái mộ, cộng với những thành công qua các vai hát để đời như trong các tuồng Thầy Cai Tổng Bồi, Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, Sông Dài, Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển, Người Tình Của Biển, Áo Cưới trước cổng chùa, Sân Khấu về khuya, Vợ và tình… Thanh Nga trở thành thần tượng của nhiều người và nhiều chàng thanh niên con nhà giàu, những ông chủ hãng trẻ đều bu quanh thần tượng Thanh Nga để hy vọng độc chiếm cô nữ hoàng sân khấu.

Trong đầu thập niên 60, các công tử hào hoa phong nhã giàu sang nhất theo đuổi Thanh Nga có cậu N. chủ hãng kem Hynos, cậu Ba T. con của chủ nhật báo Saigon Mới, Hai cậu công tử khác: một là cháu của dại tướng Tỵ, một là em của một tướng khác và một người trí thức, chủ bút một tờ báo của Phòng Thương Mại Saigon, vừa du học ở Pháp về.

Các công tử chủ hãng hoặc con nhà giàu thì dùng tiền của, nữ trang, hột xoàn để đua nhau tặng cho Thanh Nga. Người nầy tặng một vòng tay nạm 12 hột xoàn 5 ly thì người kia tặng đôi bông tai hột xoàn 6 ly rưỡi mỗi chiếc… Hai cậu đua nhau tặng quá nhiều quà qúy giá cho Thanh Nga, quà nhiều không thể nào kể cho xiết. Ngoài ra mỗi cậu lại có chiêu thức khác để mua chuộc cảm tình của bà Bầu, mẹ của Thanh Nga. Chàng chủ hãng kem cho khiêng đến phòng bán vé hát của đoàn TMTN hàng chục thùng kem đánh răng Hynos và bàn chải để bà bầu tặng cho khách nào mua vé hát thượng hạng và hạng nhứt, hể mua hai vé hát thì được tặng một cây kem đánh răng Hynos thứ lớn và hai bàn chải. Về sau quà tặng kem đánh răng được tặng cho tất cả những ai đến mua vé hát, bất kể là mua vé thượng hạng hay vé hạng ba. Cậu công tử nầy vừa giúp cho đoàn T.M.T.N. thu hút được đông khán giả vừa quảng cáo cho sản phẩm kem đánh răng của cậu ta. Đó là một cách khoe giàu và lấy lòng người đẹp Thanh Nga.

Chàng công tử con của bà chủ nhật báo lớn ở Saigon thì dùng một chiêu thức có vẻ thích hợp cho gánh hát hơn. Cậu ta đem nguyên một ê – kíp nhơn viên của nhà báo về làm nhiệm vụ giúp cho đoàn hát. Trong ê kíp nhân viên đó, tôi còn nhớ có Ký giả kiêm chủ bút Hồng Sơn, hoạ sĩ chuyên vẻ quảng cáo Lê Minh, họa sĩ chuyên vẻ cảnh trí Phan Phan, anh Sáu thợ mộc, chuyên đóng panneaux quảng cáo và hai công nhân khuân vác. Khi tập vở tuồng Thầy Cai Tổng Bồi thì hoạ sĩ Lê Minh phác thảo panneaux hình quảng cáo mặt tiền của rạp hát, vẻ hình trên chương trình và hình truyện tuồng của đoàn hát đề đăng báo hàng ngày.

Họa sĩ Phan Phan vẻ phác thảo và thực hiện cảnh trí của tuồng hát. Anh vẻ mẫu y trang các tuồng hát và vẻ bằng màu đặc biệt trên các bộ y trang tuồng hát mà thợ may của đoàn vừa may xong.

Ký giả Hồng Sơn viết nhiều bài báo lăng xê tuồng tích, giới thiệu những diễn viên gạo cội của đoàn hát và nhiều bài viết ca ngợi sắc đẹp, tài diễn xuất của Thanh Nga. Cậu Ba T còn cho in giấy bán vé của đoàn TMTN với mẩu mới rất đep, in chương trình và áp phích của đoàn hát. Tất cả mọi chi phí về việc in chương trình, vẻ phong cảnh, vẻ panneaux quảng cáo, kể cả tiền lương chuyên viên do cậu ta mang đến đều được cậu ta chi trả tiền. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga thì không có cảm tình gì với hai anh chàng khoe của và mưu đồ chinh phục tình cảm của cô bằng hình thức mua chuộc rẻ tiền. Bà Bầu Thơ thì biết quá rõ mưu đồ của hai chàng trẻ nầy, bà mời bộ tham mưu của bà gồm vài ký giả quen thân và các soạn giả thường trực để hỏi ý kiến chúng tôi nhận xét ra sao về hai cậu công tử đó. Tôi thận trọng hỏi lại ý của bà Bầu và Thanh Nga nghĩ sao? Bà Bầu và Thanh Nga tỏ vẽ không quan tâm đến, chừng đó tôi mới nói: « Cậu Ba T. cho biết bà Bút Trà có xây một rạp hát lấy tên là rạp Kim Châu, rạp hát lớn để hát cải lương mà cũng có thể dùng để hát bóng. Cậu Ba T muốn cưới Thanh Nga để lập một gánh nhát cải lương, hát thường trực tại rạp Kim Châu. Có thể đặt tên gánh Saigòn Mới - Thanh Nga hoặc gánh Kim Châu - Thanh Nga.»

Bà bầu cười: « Như vậy thì đoàn Thanh Minh - Thanh Nga phải trở về cái tên cũ Thanh Minh vì không có Thanh Nga.»

Ngọc Linh nói: « Ông chủ Hynos chắc cũng muốn sản xuất ra một thứ kem đánh răng mới với nhản hiệu Thanh Nga, đánh răng với kem mới sẽ có bộ răng đẹp như nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Hình anh bảy chà Hynos hết hấp dẫn nên ông ta cưới Thanh Nga để đổi bảng hiệu của hãng kem đánh răng.»

Trong khi hai cậu công tử chủ hãng kem, chủ nhật báo tranh nhau muốn chiếm cảm tình của Thanh Nga và bà Bầu bằng cách nhắm vào việc tiếp tay làm cho gánh hát tăng thêm thu nhập và quảng cáo trên thương trường thì hai cậu công tử con em của các ông tướng lại tranh nhau quan tâm đến đời sống riêng của Thanh Nga. Trong một dịp họ đến thăm bà bầu và tặng quà cho Thanh Nga, một cậu ngỏ ý là nhà của bà Bầu có bốn tầng lầu, lâu quá chưa sơn phết. Cậu ta có thể giúp bà Bầu để lo việc tổ chức sơn sửa nhà. Bà Bầu tưởng cậu ta sẽ giao cho thầu khoán lo mọi việc sơn sửa nhà, nên bằng lòng để cho cậu ta lo và hứa sẽ hoàn trả mọi chi phí. Được lịnh của Bà Bầu, cậu công tử con nhà quan nầy điểu động một tiểu đội công binh, có kỷ sư sĩ quan dưới quyền của ông tướng, chở ciment, sắt thép và mọi phương tiện để đến sửa chửa, xây thêm phòng ốc cho bà Bầu Thơ, đặc biệt xây một căn phòng cho Thanh Nga với mọi tiện nghi sang trọng nhứt. Xong việc sơn, sửa nhà, khi Bà Bầu hỏi tính bao nhiêu chí phí để trả tiền cho người thầu khoán thì cậu ta nói là đã ứng trả trước hết rồi. Bà Bầu tỏ lời cám ơn và đãi cậu ta một bữa cơm Tây ở nhà hàng Majestic có mời các soạn giả và ký giả thân quen cùng dự. Cậu công tử nầy biết đó là thái độ của Bà Bầu trả lời về sự quan tâm của cậu ta đối với Thanh Nga nên cậu rút lui có trật tự.

Còn cậu công tử kia chờ cho việc xây cất, sơn sửa các căn phòng xong, cậu ta đến cho lấp máy lạnh, tủ lạnh, giuờng ngủ, tủ áo, salon v…v… toàn loại mắc tiền và hợp thời trang. Hoàn thành xong « công tác phục vụ người đẹp », cậu nầy cũng được mời dự một bữa cơm đặc biệt tại nhà hàng cơm Việt Nam nổi tiếng hiệu Phước Thành ở đường Ngô Tùng Châu. Chúng tôi cũng được mời ăn bữa cơm đặc biệt đó với canh chua cá bông lao, cá kho tộ, thịt kho tàu, dưa cải, dưa giá và tôm kho tàu…

Chỉ riêng cậu Nguyễn Văn Tài, sinh viên trí thức từ Pháp về, chủ bút tờ báo Thương Mãi Saigon, cậu ta rất đẹp trai, lúc nào cũng có thái độ ứng xử chừng mực, ăn mặc sang trọng, khi thì tặng một đóa hoa hồng cho Thanh Nga, khi thì đến hậu trường xem hát, góp ý kiến với bà Bầu về việc chọn tuồng tích hoặc phương hướng phát triển gánh hát. Cậu ta không đến một mình mà thường đến với một vài ký giả thân quen. Cậu ta cũng chỉ tới chuyện trò đôi lúc với Thanh Nga như khi vở hát vừa mới hát đêm đầu, cậu ta đến khen ngợi Thanh Nga và góp ý sửa chửa nếu có. Đôi khi bà Bầu mời dùng cơm, cậu ta tỏ ra rất tiếc là bận những cuộc hợp quan trọng ở Phòng Thương Mải Saigon không dự được. Sau đó thì mẹ của cậu ta, một nhân vật trí thức và danh tiếng ở Saigon đến tận nhà bà Thơ để thăm viếng đáp lễ và tặng hoa cho Thanh Nga với lời ngợi khen sâu sắc về tài diễn xuất và sắc đẹp của Thanh Nga. Phong thái trí thức, sang trọng và đầy vẻ lễ kính của má con cậu trẻ chủ bút tờ báo của Phòng Thương Mải Saigon khiến cho bà Bầu Thơ và Thanh Nga có cảm tình với cậu ta. Câu chuyện cho thấy hai người bạn trẻ quyến luyến với nhau, bà má của cậu trẻ trí thức cũng chiếm được cảm tình của bà Bầu Thơ, nhưng chuyện tình cảm của Thanh Nga và cậu Nguyễn Văn Tài…chỉ mới tới chừng đó thì cậu ta biến mất khỏi Saigon một cách bất ngờ và bí ẩn.

Thanh Nga rất buồn vì sau đó chúng tôi được biết là cậu Nguyễn văn Tài… là đảng viên Cộng sản ở Pháp về Việt Nam hoạt động. Cậu ta chắc là có móc nối với chiến khu nên khi bị lộ thì cậu ta trốn chạy vào chiến khu. Không biết có phải là cậu ta chết vì bị một trận bom B 52 hay chết vì bị bịnh hoạn hoặc bị bắt bị giết mà sau năm 1975, tôi không nghe bạn bè trong giới ký giả cũ của anh ta nhắc và cũng không nghe phía cán bộ nằm vùng nói đến. Khi thấy Thanh Nga buồn vì chuyện của cậu Nguyễn văn Tài, tôi viết tuồng hát đề tựa là “ Chuyện Tình 17 “với những lời thơ tặng riêng cho Thanh Nga:

Có một nàng con gái Vừa mới biết mộng mơ Hoa ân tình chớm nở Đã mang sầu vào thơ Ngồi thường đếm lá rụng Đón gió chiều thướt tha Gỡi hồn mộng theo gió Ôm vội bóng trăng ngà Ôm niềm đau tuổi nhỏ Nước mắt đi vào đời Bằng điệu buồn mười bảy Nghe tình yêu xa xôi. Và nỗi buồn con gái Cô đơn úp mặt sầu, Thường xây nhiều mộng đẹp Ai biết chuyện mai sau ?

Thời gian nầy ít khi có ai thấy Thanh Nga cười, bà Bầu bèn nghĩ đến chuyện đưa gánh hát đi lưu diễn miền Trung, hát từ Huế trở vào, vừa tránh mùa mưa trong Nam vừa tạo hoàn cảnh mới, sinh hoạt mới để cho Thanh Nga vui. Bà muốn các soạn giả cùng đi như là cả gánh hát thực hiện một cuộc đi du ngoạn, thăm viếng cảnh đẹp, mọi chi phí di chuyển, ăn, ở do bà đài thọ.

Chúng tôi hiều ý của bà Bầu, nên trong chuyến lưu diễn miền Trung lần đó, chúng tôi tổ chức cho nhiều anh chị em nghệ sĩ, bà bầu Thơ, Thanh Nga và những người giúp việc trong đoàn hát những chuyến đi thăm lăng tẩm ( lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Khải Định, Cấm thành, cổng Ngọ Môn, Phu Văn Lâu), đi viếng chùa Thiên Mụ, những chuyến du ngoạn trên sông Hương, đi ăn cơm âm phủ, ăn cơm hến, bánh nậm, bánh khoái ở chợ Đông Ba… Thật là vui và có nhiều kỷ niệm.

Thanh Nga được chụp rất nhiều ảnh khi viếng nội thành và lăng tẫm, cô tỏ ra vui vẻ và muốn học viết tuồng, học làm thơ. Thi sĩ Kiên Giang là người thầy dạy cho Thanh Nga niêm luật làm thơ. Nguyễn Phương và Hoa Phượng thì nhân lúc nói chuyện vui, những khi dùng cơm chung để nói cho Thanh Nga biết nguyên tắc soạn kịch, soạn tuồng. Hà Triều nói về cổ nhạc dùng trong tuồng. Bà Bầu muốn cho Thanh Nga quan tâm đến nhiều chuyện khác hơn là nhớ về anh chàng mất tích đó.

Về đến Qui Nhơn, Thanh Nga làm được bài thơ đầu tiên :

Bài ca 17

Từng đêm, rồi từng đêm,

Điểm trang và trang điểm

Chuông reng, rồi chuông reng

Diễn ca và ca diễn.

 Ra sân khấu từ khi lên tám

Bấm đốt tay: 17 năm tròn.

 Lời khen chê nghe chừng nhiều lắm

Bao niềm vui là bấy nhiêu buồn !

Đường nghệ thuật thênh thang, thăm thẳm,

 Bước đi hoài chưa thấy chồn chân

 Mai nầy trên chặng đường mười tám,

 Tôi vẫn còn đi giữa thế nhân.

Đêm nay, rồi đêm mai

Điểm trang, còn trang điểm

 Không chỉ vì mình đây

- Vì những người đối diện.

Bà Bầu được nghe đọc bài thơ nầy, có ý không vui. Bà nói : « Làm thơ thì buồn, thi sĩ thì nghèo như chú Kiên Giang đây. Con học cái khác đi. Học hát, học ca thì phải là cái nghề của con, của cả gia đình rồi. Học nhiều thứ quá, nó rối trí. Thôi, má xin con đừng làm thơ nữa.! »

Tôi biết là Thanh Nga bị khủng hoảng tinh thần, cô cảm thấy cuộc đời quá nhàm chán, đêm nào cũng phải đánh phấn thoa son, mặc y phục hóa thân thành một nhân vật trong cuộc đời nào đó, để khóc cười nỗi đau niềm vui không có thật mà bản thân của cô thì cô cũng không tìm được niềm vui và hạnh phúc của chính cô. Ngay trong bốn câu thơ khởi đầu, Thanh Nga viết :

Từng đêm, rồi từng đêm

Điểm trang và trang điểm

Chuông reng và chuông reng

Diễn ca và ca diễn.

Chỉ với những lời lẽ bình thường, lập đi lập lại, giống như cuộc sống nhàm chán được lập lại hàng đêm dưới ánh đèn sân khấu, giống như cuộc sống của những người công chức sáng thì vác dù đi, chiều thì vác dù về, năm nầy qua tháng kia, không có gì thay đổi.

4 câu thơ cuối :

Đêm nay, rồi đêm mai

Điểm trang, còn trang điểm

Không chỉ vì mình đây,

 - Vì những người đối diện !

Người con gái nào cũng điểm trang thật đẹp cho người mình yêu được vui lòng, còn khi trang điểm mà tự thấy là một việc làm vô nghĩa, một điều bắt buộc thì thiệt là một cực hình. Thanh Nga không quên được người bạn trẻ trí thức vừa quen biết, cô nghĩ là khi hoá trang xuất hiện trên sân khấu mà ở khán phòng có người bạn lòng, thấu hiểu và thưởng thức sắc đẹp và tài năng của mình thì đó mới là hạnh phúc. Việc hát hàng đêm sẽ trở thành có ý nghĩa và cần thiết cho Thanh Nga và người cô yêu. Người chung quanh mơ hồ khi nghĩ đến mối tình nầy( nếu như thật sự có tình yêu) vì hai người chỉ gặp nhau rất ít lần, nói một số chuyện về vai diễn và hóa trang, tặng cho nhau hoa hồng hay vé xem hát, vậy mà đã nảy sanh tình yêu hay sao?

Có người lý giải hiện tượng trên : « Con cá xẩy là con cá lớn » Vì sự xuất hiện và biến mất của cậu Nguyễn văn Tài là đột ngột, bất ngờ… Và có lẽ vì ảnh hưởng của tuồng Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh do Duy Lân phóng tác, « Dũng đã bước theo mộng bốn phương, phiêu lãng giang hồ vì chí lớn, cô nàng ở lại phòng khuê vò võ một mình nên càng cảm thấy cô đơn, càng yêu người trong sương gió.» Hình ảnh của cậu trí thức Nguyễn Văn Tài. là hình ảnh nhân vật Dũng trong tuồng Đoạn Tuyệt được Thanh Nga vẽ vời thi vị hóa trong trí óc thơ mộng và lảng mạn của cô.

Anh chàng thi sĩ gàn Kiên Giang không biết tâm ý của Thanh Nga, anh ta vừa sáng tác một bài thơ mới, chép lại và nói là đọc được trong báo Tiếng Dội ở Saigon( báo cũ) Anh đưa bài thơ cho Thanh Nga. Thanh Nga đọc xong, ngồi khóc. Anh chàng Kiên Giang hoảng hồn, không hiểu do nguyên cớ nào mà Thanh Nga khóc. Tôi mượn bài thơ, Thanh Nga nói : « Chú Ba, chú đọc thữ coi, có phải là thơ của ảnh viết về con không? Nhứt định ảnh còn ở đâu đó ở Saigon !» ( Thanh Nga dùng tiếng « ảnh » để nói về Nguyễn Văn Tài) Bài thơ đó như sau : Nửa bản tình ca lỗi nhịp đàn.

« Reng reng… màn kéo lên rồi,

Ánh đèn sân khấu sáng ngời cung tiên.

 Tuyệt vời lã lướt dáng duyên,

Lời oanh nhã nhạc diệu huyền, đắm say…

 Rưng rưng sóng mắt u hoài,

Hồ thu xao động, nét ngài bâng khuâng

Đàn lên nhạc oán, tơ chùng !

Điện quang ngã ánh hoàng hôn chập chờn…

X X X

Chuyện đời không ghép bằng thơ,

Nên chi vận cứ hững hờ cuối câu !

Phấn hương đượm thắm thêm mầu,

 Chớ chi cho mối duyên đầu dở dang !

Tơ đàn ngân tiếng tình tang,

Trớ trêu, sẵn ý ly tan hẳn rồi !

Dửng dưng ai khóc , ai cười ?

Chia ly ! chỉ có một người khổ đau !

X X X

Bằng bặt cung đàn, bặt tiếng ca,

Phong trần vẫn lụy kiếp tài hoa,

Thuyền sương một buổi hoài sông nước,

Nghệ sĩ âm thầm tếch nẻo xa…

Giã bến, tình nào lưu luyến,

Thuyền sương lơ lửng tràng giang.

Hoa đào dẫn lối dòng lưu thủy,

Mà hướng Đào – nguyên, mộng ngỡ ngàng !

Phong Trần Khách.

Thanh Nga khóc luôn mấy ngày, đôi mắt đỏ ao; Kiên Giang nói thật là thơ của anh viết, Thanh Nga không tin. Thanh Nga nói với tôi: « Má không cho làm thơ. Con sẽ làm thơ… nhưng khi má hỏi, con nói của chú viết nha? » Tôi trả lời: « Ừ ! Miển là con vui, má có la thì chú cười trừ là xong…»

( còn tiếp )

Tác giả bài viết: khoi
Nguồn tin: SG Nguyễn Phương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.

 

Nghệ sĩ Linh Huyền: Góp sức nhỏ quảng bá nghệ thuật cải lương

Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình.

 

NSND Thanh Điền tới lễ trao danh hiệu nghệ sĩ và nhận cùng lúc 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho ông, một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 6.3, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Một cho mình, một cho người vợ quá cố - nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ.

 

Lần đầu diễn kịch sử Việt, Hiếu Hiền nhớ mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Là người con hiếu thảo, luôn nhớ những bài học kinh nghiệm mà mẹ của mình truyền dạy, nghệ sĩ Hiếu Hiền mỗi khi quay về sàn diễn kịch nói đều mang trong tim hình ảnh của mẹ - cố nghệ sĩ Kim Ngọc.

 

Đầu xuân, ăn chè kia chứ

Ba tôi luôn mong cả nhà dù bận rộn thế nào đều về sum họp đầu năm, bên chén chè kia chứ ngọt ngào. Tôi cũng hy vọng mỗi người chúng ta hãy trân trọng mỗi mùa xuân khi vẫn còn đủ đầy người thân bên cạnh. Hãy cất bớt gánh lo toan để cùng nhau đón chào năm mới. Đôi khi, bao nhiêu vật chất đều không ấm áp bằng một cái tết đoàn viên.

 

NSND Trọng Hữu lý giải vì sao thế hệ vàng sân khấu cải lương vẫn còn ăn khách?

Trong ngày lãnh đạo TP HCM tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu, NSND Trọng Hữu đã trao đổi với PV báo Người Lao Động về suy nghĩ của ông về thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương dù đã U80 vẫn còn được khán giả mến mộ.